Trong khi đó, mẫu giáo là các lớp hầu như 100% trẻ “tốt nghiệp” trường lớp, có tận phường xã, chỉ là một cấp chuẩn bị cho lớp 1, là một kiểu “nhà trẻ nối dài”…
Nhưng nhìn từ chiến lược trồng người, thì bậc mầm non là hết sức quan trọng. Nó còn đặc biệt quan trọng khi nhìn từ góc độ tôn giáo.
Chúng tôi đã trực tiếp thấy và được nghe kể nhiều trường hợp trẻ được định hướng tôn giáo ở bậc học mầm non. Cũng có thể gọi là những bi hài kịch. Học mẫu giáo ở trường bà xơ, về nhà, thấy ảnh Bồ tát Quán Thế Âm, trẻ làm dấu thánh giá, gọi Bồ Tát là Đức Bà, Đức Mẹ… Giải thích, trẻ hiểu ra được, nhưng một thời gian ngắn lại gọi như cũ. Thậm chí, lại đặt danh hiệu Quán Thế Âm sau từ Đức Bà, thành “Đức Bà Quán Thế Âm” (!).
Còn trẻ về nhà nghêu ngao hát những bài Thánh ca học trong trường mẫu giáo là chuyện bình thường. Trẻ ép hình Đức Mẹ vào tập, tô màu hình Đức Mẹ, kể với ông bà là Phật tử thuần thành chuyện Đức Mẹ hiện ra, đức Mẹ ban phước… Noel, trẻ mang về quà tặng là cây thông, hang đá, đèn trang trí, ngôi sao…
Thậm chí, có trẻ tuy chưa rửa tội, nhưng cứ nằng nặc đòi ba mẹ đưa hình Đức Bà lên bàn thờ Phật như ở trường.
Tất nhiên, những nhà lãnh đạo Phật giáo, những bậc phụ huynh là Phật tử thuần thành sẽ rất băn khoăn trước những chuyện như vậy. Nhưng ở một số nơi, không có sự lựa chọn nào khác. Hơn nữa, các tu sĩ Ca tô tất nhiên là những nhà giáo mầm non tin cậy, có thể là hơn các cô giáo ngoài đời, nhất là không diễn ra cái cảnh dán băng keo vào miệng trẻ.
Vì vậy, băn khoăn thì có băn khoăn, nhưng nhiều bậc cha mẹ cũng phải đành gởi trẻ vào trường bà xơ, rồi bấm bụng chịu cảnh trẻ hát thánh ca, gọi Bồ tát Quán Thế Âm là Đức Bà, huyên thuyên kể đêm nằm mơ thấy Đức Bà hiện hình…
Nhiều nhà tâm lý học khẳng định thời thơ ấu có tác dụng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người
Ở những đứa trẻ như thế, khả năng cải đạo khi trưởng thành là rất lớn.
Bên cạnh đó, để chịu những nghịch cảnh bi hài kể trên, các bậc phụ huynh phải trả tiền, với mức học phí không rẻ. Cá biệt một số trường hợp trường không còn đủ chỗ, các bậc phụ huynh Phật tử phải nài nỉ để cho con một chỗ học trường bà xơ gần nhà, thuận tiện đưa đón.
Giải pháp tất nhiên là mong chờ một hệ thống giáo dục tương ứng ở Phật giáo. Tuy nhiên, giáo dục mầm non lại là một điểm yếu trong giáo dục xã hội Phật giáo. Điều này có lẽ xuất phát từ quan điểm, chứ không phải từ khả năng.
Thành quả lớn nhất của giáo dục xã hội Phật giáo tại miền Nam trước đây là giáo dục đại học, tiếp đó, ở mức giới hạn hơn là giáo dục trung học tiểu học. Còn giáo dục mầm non thì kết quả đạt được mờ nhạt. Do đó, có thể nói Phật giáo Việt Nam không có được nền tảng vững chắc ở lĩnh vực này.
Từ đó, khi ngọn đèn xanh ở lĩnh vực giáo dục xã hội, mà trước hết ở bậc mầm non bật sáng, thì Phật giáo Việt Nam chậm chạp trong xuất phát, bị bỏ lại phía sau, với khoảng cách ngày càng lớn.
Hệ quả của điều này như thế nào thì những ví dụ kể trên là những biểu hiện cụ thể.
Ở lĩnh vực giáo dục mầm non, không còn vấn đề hoàn cảnh xã hội, cho phép hay không cho phép, mà chỉ là vấn đề làm hay không làm mà thôi tức là vấn đề nằm ở tự thân Phật giáo Việt Nam. Với bậc học này, trách nhiệm chủ yếu là ở chư ni. Giáo dục mầm non không đòi hỏi thầy cô phải được đào tạo chuyên môn sâu, trường sở phải quy mô, mà chỉ đòi hỏi trước hết tấm lòng yêu trẻ, thiết tha vì sự nghiệp giáo dục.
Nhu cầu xã hội ở lĩnh vực giáo dục mầm non rất lớn. Cách đây không lâu, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu đi chiếu lại đoạn video phụ huynh học sinh phải đến chờ từ 3 giờ sáng để nộp đơn học mẫu giáo công lập cho con cháu, đến khi trường mở cửa thì dẫm đạp chen chúc xô đẩy hỗn loạn. Còn trên các báo thì không khó tìm những số liệu phản ánh việc thiếu trường thiếu thầy ở mọi cấp học, đặc biệt là ở bậc mầm non.
Tương lai Phật giáo Việt Nam một phần được quyết định ở đây. Kính mong chư ni dành một sự quan tâm thích đáng.