Các nam sinh tuổi 14 và 15 của trường Tonbridge tại Kent (Vương quốc Anh) đã được học bài học đầu tiên vào ngày hôm qua như là một phần của khoá học. Dự án này được thiết kế bởi các nhà tâm lý học của trường đại học Oxford và Cambridge.
Đây là dự án đầu tiên nhằm đưa các kỹ năng hành thiền thành một môn học chính qui trong chương trình giảng dạy. Dự án này đã được thiết kế đặc biệt dành cho thanh thiếu niên sau khi dự án nghiên cứu thí điểm đã gặt hái thành công tại trường năm vừa rồi.
Khoá thiền chánh niệm cho học sinh lớp 10 sẽ kéo dài trong tám tuần nhằm giúp phát triển kỹ năng tập trung và chống lo âu, và đồng thời chỉ cho thanh thiếu niên thấy được sự lợi ích của sự im lặng và giúp các em nhận diện và giải phóng bản thân khỏi những thái độ tinh thần hoặc thói quen tiêu cực có thể dẫn chúng đến những rắc rối về mặt sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối loạn ăn uống và nghiện ngập.
Khoá học cũng vận dụng những bài luyện tập nhằm giúp cải thiện khả năng chú ý, không để cho tâm bị lấn áp và lôi kép bởi những cảm xúc, hối tiếc, lo lắng về quá khứ và tương lai cũng như các mối xao lãng khác. Việc này có thể thực hiện bằng một số cách, chẳng hạn như tập trung tâm ý vào hơi thở, hay một phần của những chuyển động của cơ thể.
Thiền chánh niệm bắt nguồn từ các truyền thống thiền phương Đông như Phật giáo nhưng nay đã trở thành một phương pháp rèn luyện được đưa vào trong đời sống thế tục. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu tán thành việc sử dụng thiền rộng rãi hơn nhằm chữa trị các chứng căng thẳng thần kinh ngắn hạn cũng như các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần, bao gồm các gợi ý từ viện Nghiên cứu Sức khoẻ và Lâm sàng Quốc gia rằng nó có thể dùng trong hệ thống dịch vụ y tế của quốc gia để điều trị cho các bệnh nhân bị trầm cảm.
Dự án này là một sự cộng tác của ban giám hiệu của các trường Charterhouse và Hampton – cả hai trường có các kế hoạch giống nhau – với trung tâm Chánh niệm tại trường đại học Oxford và viện Sức khoẻ sung mãn của trường đại học Cambrige.
Richard Burnett, thầy giáo khoa thần học và giáo viên phụ trách ký túc xá tại Tonbridge, người dẫn đầu khoá học, nói với The Times rằng khoá học đòi hỏi một sự “thay đổi văn hoá” để cả thầy lẫn trò có thể nhận thức được sự im lặng.
Ông nói, “Một trong những vấn đề tại các trường học là im lặng làm cho người ta liên tưởng đến quyền lực – giáo viên bảo học trò phải giữ yên lặng. Điều mà bạn cần là chuyển cái ý tưởng để hiểu rằng im lặng là một hoạt động tích cực và như vậy bạn có thể nhấm nháp và thưởng thức nó.”
Ông nói rằng một số trẻ tham dự vào các buổi hành thiền thử nghiệm vẫn còn hoài nghi, nhưng hầu hết đã trải nghiệm với các thử thách xảy ra trong lớp học. Các học sinh nói rằng các em hy vọng sẽ dùng chánh niệm trong tương lai để đối phó với sự lo âu và để sắp đặt công việc đâu ra đó. Các em cũng nói rằng các em thấy việc hành thiền giúp chúng dễ ngủ hơn và trở nên ít bồn chồn về các trận đấu crikê ở trường.
Mark Williams, giám đốc của trung tâm Chánh niệm tại trường đại học Oxford, nói rằng Tonbridge là trường đầu tiên đưa một khoá thiền toàn thời gian vào trường học để áp dụng trong bối cảnh thực hành chứ không phải chỉ là lý thuyết suông.
Giáo sư Williams nói, “ Việc này không nhằm mục đích cải đạo mọi người sang Phật giáo, nhưng cho thấy rằng có những bằng chứng khoa học cho thấy việc thực hành loại thiền này là hữu ích. Vậy thì tại sao lại chối bỏ không sử dụng nó?”
Vào tháng ba, Tonbridge sẽ tổ chức một cuộc thảo luận với giáo sư Williams là người thuyết trình nhằm khuyến khích đưa thiền chánh niệm vào giảng dạy tại các trường học.
Andrew McCulloch, giám đốc điều hành hội Sức khoẻ tâm thần, nói rằng huấn luyện các kỹ năng giữ chánh niệm cũng tạo cơ hội để thực hiện những bước tiên phong trong việc chống sự trầm cảm và lo âu khi tuổi già.
Ông nói, “Những vấn đề nàu bắt nguồn từ khi chúng ta còn trẻ, vì vậy nếu bạn có thể học để nắm những kỹ thuật khi bạn còn trẻ bạn sẽ không bao giờ bị suy sụp.”
Giữ sự tập trung
· Bài học đầu tiên được dạy trong tuần này được mô tả như là “huấn luyện chó con” – so sánh tâm với một con cún con cần phải học để có thẽ giữ sự tập trung trên một đối tượng, thay vì để cho nó phóng đi lung tung do xao lãng.
· Các giai đoạn khác của khoá học bao gồm xây dựng sự điềm tĩnh và tập trung, tập trầm tư, phát triển nhận thức về sống trong giây phút hiện tại trong đời sống hàng ngày, làm việc và sinh hoạt chậm rãi, nhìn lại những tư tưởng đã xâm chiếm và lôi kéo tâm trí bạn, cho phép, chấp nhận và sống với những cảm xúc khó chịu, quan sát chúng và rồi để chúng đi.
· Khoá học sử dụng hình ảnh của các nhân vật của nền văn hoá đại chúng để giúp giải thích các lợi ích của chánh niệm, như thủ quân bóng bầu dục Johny Wilkinson, người đã dùng các kỹ thuật của thiền để giúp cho mình tập trung khi ghi bàn, và Po. Một con gấu trúc vụng về, tham ăn đã chuyển hoá thái độ của mình trong bộ phim Kung Fu Panda của hãng Dreamworks.
· Mỗi lớp học 40 phút một tuần. Học sinh được khuyến khích nghe những các bài học về chánh niệm nén trong đĩa MP3 trước khi làm bài làm ở nhà vào buổi tối.
Người dịch: Supanna
Theo:Times Online