Sau 10 ngày lang thang trên đất Trung Quốc qua những địa danh nổi tiếng như Tây An, Đôn Hoàng, Cam Túc, Lan Châu… đến ngày 7/3/2006 Xuân Bình mới đặt chân trở lại Việt Nam. Với anh, đó là một chặng đường không có phút nào ngơi nghỉ…
Tuyết phủ trắng khu nhà Đường Tăng dịch Kinh Phật.
Cũng là một thứ nước của trời ban cho hạ giới mà sao không đanh cứng như mưa đá, không xối xả như mưa rào, bông xốp chứ không li ti như mưa phùn, khô tách chứ không ẩm ướt, nhớp nháp như sương nồm. Tuyết trắng mặc khải một khái niệm vô sắc, một trạng thái yên lặng tuyệt đối, một sự khởi phát để đi vào thế giới vô hình, vô cực. Tuyết dẫn lộ trong tôi sự phấn khích của cảm hứng khi tìm đến những vùng đất khác, những cảnh giới lạ. Tuyết bồng bềnh đưa tôi đến bên chân Đại Nhạn Tháp.
Dù là Đức Thích Ca Mâu Ni, Đại thánh tăng Huyền Trang hay bất kỳ một Phật tử nào trên giới tục con đường giác ngộ chẳng bao giờ có chặng điểm dừng nghỉ. |
Đại Nhạn Tháp còn gọi là Từ Ân tự tháp được xây năm Vĩnh Huy thứ ba (625), thời Đường Thái Tông. Đại Nhạn tháp hiện nay đã qua trùng tu dưới thời nhà Minh, được xây bằng gạch, hình vuông, cao bảy tầng. Còn theo sách Thiên Trúc ký đã viết: “Đạt Khấu thân quốc có Già Diệp Phật Già Lan, đục núi đá dựng tháp năm tầng, tầng cuối cùng làm theo hình con chim nhạn, nên gọi là Nhạn Tháp”.
Trong hàng ngàn linh tháp của đất nước Trung Hoa lạ lùng, về cái sự nổi tiếng, sánh cùng Đại Nhạn tháp chỉ có thể là Tung Nhạc tự tháp xây năm 523 thời Bắc Nguỵ ở tỉnh Hà Nam, là Vân Nham tự tháp xây năm 601 đời Hậu Chu ở Tô Châu, là Tứ Môn tháp xây năm 611 ở tỉnh Sơn Đông (tháp duy nhất thời Tuỳ còn hiện tồn), là Phật cung tự Thích Ca tháp xây năm Thanh Ninh thứ hai (1056) đời Liên Đạo ở tỉnh Sơn Tây, là Diệu Ứng tự bạch tháp xây năm Chí Nguyên thứ tám (1271) đời Nguyên Thế Tổ ở Bắc Kinh…
Có thể nổi trội, khác biệt về kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu nhưng không linh tháp nào có thể sánh được với Nhạn Tháp vì đây là một dấu ấn vỹ đại của hành trình Phật giáo đi tới phương Đông, nơi Thánh tăng Huyền Trang đã dừng chân trụ trì ở chùa này hơn hai chục năm để dịch kinh Phật sau khi đi Tây Trúc. Tiếp nối những thành tựu trong việc truyền bá Phật giáo của Già Diệp, An Thế Cao, Chi Lũ Ca Tiêm, Trúc Pháp Hộ, Cưu Ma La Thập… Huyền Trang đã dịch 520 quyển, 637 bộ sách Phật nổi bật nhất là Kinh Đại thừa, Đại Bát Nhã kinh.
Dấu chân Phật như là một sự mô tả tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Phật, truyền tải ý tưởng về bản chất, quyền năng siêu nhiên của Ngài.
Bàn chân Phật có 108 tướng tốt. Hoa sen tượng trưng cho Tam bảo, sự giác ngộ, bánh xe chánh pháp tượng trưng cho những bài thuyết pháp của Đức Phật. Một trong 32 tướng tốt của Đức Phật là các ngón chân dài, thẳng, các móng chân nhìn thấy được. Tam bảo gồm Đức Phật, các giáo lý và các tu sỹ truyền dạy giáo lý. Chữ Vạn biểu thị sự may mắn. |
Sách Phật bản hành tán kể chuyện đời Phật tạo khuôn mẫu mới cho thể thơ tự sự trường thiên. Kinh Pháp hoa gợi mở cho sáng tác tiểu thuyết đời Tấn Đường. Sử thi Ramayana Ấn Độ truyền lối cho Tây du ký. Phật giáo thúc đẩy ngôn ngữ Hán phát triển, cùng truyền thụ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, y dược. Những bản in khắc, chùa tháp lớn nhất là của nhà Phật. Những tác phẩm hội hoạ, phong cách Văn nhân hoạ của phái Vương Duy, Tả ý hoạ thịnh hành đời Tống Nguyên, các danh hoạ Tào Bất Hứng, Cố Khải Chi, Trương Tăng Dao… đều được trưng cất, lĩnh hội từ những cốt tinh trong đời sống Phật giáo…
Đứng lặng dưới bức tượng lớn của Đại Đường Tam Tạng ngay trước cửa Đại Nhạn Tháp để hồi nhớ chỉ từng ấy thôi mà thấy mình rơi rất nhanh vào niềm thành kính mênh mang. Đường Tam Tạng tay trái khép lại trước ngực như đang lần tràng hạt, gương mặt tự tại, tay phải cầm cây tích trượng, đỉnh gậy có hình hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ cũng như giáo lý nhà Phật, bước chân Tam Tạng sải dài, tạo nhịp cuốn bay của tà áo cà sa.
Những bông tuyết còn vương lại trên tượng gợi cho tôi nhớ lại nạn gặp yêu ma gieo tuyết, biến sông thành băng để bẫy Tam Tạng giam vào phủ Thuỷ Nguyên trên sông Thông Thiên còn ghi trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân. May mà có Bồ Tát bấm quẻ phát hiện thuỷ quái hại Đường Tăng nên vội đến cứu giúp chứ không Đại Thánh Tăng đã thành món trường sinh bất lão cho bọn yêu quái. Đấy chỉ là hai trong số tam mươi mốt nạn mà Đường Tam Tạng gặp phải dọc con đường dài mười vạn tám nghìn dặm đi Tây Trúc lấy kinh.
Tôi tự hỏi không biết điêu khắc gia nào đã tạc bức tượng này? Tại sao không để Đường Tăng ngồi toạ thiền mà tiếp tục sải bước? Hay phía trước mặt một bậc đại thánh tăng như ngài vẫn còn đó 18 nạn chưa qua? Đường giác ngộ còn thênh thanh hướng về Tây như đại lộ mới mở phía trước Đại Nhạn Tháp nơi tôi đã đến hôm nay. Còn nhớ Bồ Tát từng nói: Cửa Phật có chín chín mới quy chân.
Ngày – đêm trước cửa Phật tháp, nến vẫn cháy đỏ như niềm tin của chúng sinh trước những giáo lý của Đức Phật.
Bài và ảnh : XUÂN BÌNH