Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Trúng tên độc

Trúng tên độc

105

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:


Khổ lụy, này các Tỷ kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…


Như thế nào, này các Tỷ kheo, bị mũi tên độc bắn trúng (được ví như) một người hữu học với tâm trí nhiệt thành khi bị các lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến.


Mũi tên, này các Tỷ kheo, chỉ cho các lợi đắc, cung kính, danh vọng…


Này các Tỷ kheo, như vậy khổ lụy là các lợi đắc, cung kính, danh vọng…
Như vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập.


(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phần Trúng độc, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.396)


LỜI BÀN:


Lợi lộc, danh tiếng và những sự trọng vọng ở đời là điều mà hết thảy mọi người đều mong ước và nỗ lực phấn đấu để thành tựu. Cuộc đua chen trong trường danh lợi này với muôn ngàn sắc màu được mất và vô số cung bậc buồn vui chính là diện mạo sống động nhất của bức tranh đời.


Và cũng chính vì mải chạy theo danh lợi với lòng tham vô tận nên không ít người bị thân bại danh liệt, chịu lao lý tù đày và thậm chí có thể mất mạng.


Đối với người xuất gia, danh lợi và cung kính cũng theo thời gian sẽ tìm đến họ vì đó là hoa trái của phước báo hữu lậu. Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, bậc hành giả phải xem đó là những mũi tên độc để né tránh và đề phòng. Càng ít thọ nhận và vướng mắc vào danh lợi bao nhiêu thì càng an ổn và vững tiến trên đường đạo bấy nhiêu.


Như cây lớn có nhiều chim chóc tìm về làm tổ, sớm tối ca hát véo von thì sớm muộn gì cũng không tránh khỏi việc gãy cành, trụi lá. Cũng vậy, những đoanh vây của danh lợi và cung kính sẽ góp phần làm lệch hướng mục tiêu giải thoát đối với những ai chưa thiết lập được tâm bồ đề.


Vì thế, quán chiếu về danh lợi như mũi tên độc để giữ tâm và lập chí vững chắc là điều cần yếu đối với hàng sơ tâm.


Dẫu biết vậy nhưng chúng ta có đủ tuệ giác để nhận ra đó là những mũi tên độc và can đảm né tránh và khước từ chúng hay không mới là vấn đề.


Không ít người ngày nay xem việc thành tựu về phước báo hữu lậu là thành công trong sự nghiệp xuất gia. Điều này chỉ đúng một phần trên phương diện phương tiện hoằng hóa nhưng bám víu vào phương tiện thì chỉ ở “hóa thành”, trong khi mục tiêu hay cứu cánh của người xuất gia là phạm hạnh, giải thoát và Niết bàn.