1. Lưu tâm đến những biểu hiện của sự phát triển Phật giáo tại TPHCM, chúng ta dễ dàng nhận ra một điểm: Đó là trong thành phố, số các cửa hàng bán đồ thờ Phật giáo, tranh tượng, nhang đèn, y phục tu tập… có phần gia tăng, nhưng những điểm như vậy không bán kinh sách Phật giáo. Trong khi trước đây ở các chùa, “phòng phát hành” thường bán chung đồ thờ, kinh sách…
Hiện tượng như vậy có là chỉ báo của một đạo Phật đang biến thiên về hướng thờ cúng và ngày càng giảm sự phát triển về hướng trí tuệ?
Một sự phát triển bình thường và hợp lý phải là các điểm bán đồ thờ phải đồng thời là các điểm phát hành kinh sách. Đôi khi thì cũng có điều đó, nhưng số lượng quá ít và trong những điểm bán đó, số lượng kinh sách, báo chí Phật giáo được bán không có bao nhiêu, thường chỉ vài cuốn.
2. Bên cạnh đó, điều đáng lo hơn là số điểm chuyên phát hành kinh sách Phật giáo không tăng
Trước đây ở các chùa lớn, thì khi xây dựng chùa, nhà phát hành kinh sách thường được chú ý. Đó thường là một căn phòng đặt gần cửa chùa. Nhưng gần đây điều đó không còn được quan tâm.
Chùa Huê Nghiêm chẳng hạn chỉ bán ít sách riêng của Hòa thượng Thích Trí Quảng ở vào phía bên trong. Còn Thiền viện Vạn Hạnh thì quầy phát hành kinh sách không còn nữa khi dãy nhà cấp 4 phía trước bị tháo dỡ làm sân chùa. Thay vào đó là một chiếu sách nhỏ ít ỏi ngoài hiên của tòa nhà Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.
Phật giáo TPHCM có lẽ chỉ có thêm được Khu bán sách ở siêu thị trong chùa Phổ Quang, một nơi khá xa trung tâm thành phố và xa các trung tâm phát hành sách lớn.
3. Tất cả những điều trên cần được xem xét trong bối cảnh đạo Ca tô La Mã ở TPHCM có đến 3 nhà sách lớn (xin nhấn mạnh nhà sách với quy mô chúng ta thường thấy, không phải chỉ là quầy sách) ở trung tâm thành phố. Một ở nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (quận 3), một ở Nhà thờ Đức Bà (quận 1) và một ở Trung tâm Mục vụ (quận 1).
Điểm thuận lợi cho đạo Ca tô La Mã là sở hữu diện tích mặt bằng rộng lớn. Do đó, họ mở được những trung tâm phát hành sách quy mô như thế. Việc phát hành sách thuận lợi đương nhiên là có tác động tích cực đến việc biên soạn, xuất bản kinh sách tôn giáo. Phát hành tốt kinh tôn giáo là một trong những hoạt động truyền đạo, hành đạo, giữ đạo rất có hiệu quả.
Lẽ ra, với số tín đồ ở TPHCM đông hơn, thì số nhà sách Phật giáo, nếu không hơn, thì ít ra phải bằng với phía đạo Ca tô La Mã. Đàng này, rất tiếc, tự phía Phật giáo cũng rất ít chú trọng đến việc tổ chức hoạt động phát hành kinh sách, ngoài nguyên nhân không phải hoàn toàn khách quan mà còn có phần chủ quan. Diện tích mặt bằng chùa chiền không có và những vị tu sĩ có trách nhiệm ít quan tâm.
4. Một cơ hội rất đáng mừng cho Phật giáo trong hoạt động phát hành kinh sách là diện tích mặt bằng khá lớn của chùa Giác Ngộ mới được xây dựng. Chùa Giác Ngộ lúc trước cũng đã có một phòng phát hành sách nhỏ. Nay theo chúng tôi, việc dành một số diện tích tương xứng để triển khai làm nhà sách Phật giáo trung tâm là điều cần được nghĩ đến.
Chùa Giác Ngộ có lợi thế là ở gần một trong những trung tâm bán sách của thành phố: đường Trần Nhân Tông.
Trên con đường này, quanh Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình và Trường Trung học Phổ thông Nguyễn An Ninh, có rất nhiều điểm bán sách mới, cũ với mật độ dày đặc.
Mật độ tiệm sách ở đây về số lượng cao hơn các điểm khác ở thành phố như khu cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu cuối đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận)…, các tiệm sách mới, cũ trên Trần Nhân Tông là nơi thu hút giới học sinh, sinh viên, trí thức thành phố. Nếu ở chùa Giác Ngộ với mặt bằng mới xây dựng, trở thành một nhà sách Phật lớn, thì chùa Giác Ngộ tự nhiên sẽ là một điểm nhấn trong khu phát hành sách này.
Như thế, việc phát hành sách thuận lợi đã đành, mà chùa Giác Ngộ sẽ trở thành nơi lui tới thường xuyên của giới đọc sách, giới thích tìm hiểu triết học… đương nhiên đều thuộc về tầng lớp trí thức. Nếu thu hút được đông đảo bạn đọc ghé chùa để mua sách thì rất có lợi cho việc hoằng pháp.
Một thế mạnh nữa là chùa Giác Ngộ đã là một trung tâm xuất bản sách Phật giáo, với tủ sách Đạo Phật Ngày nay.
Trung tâm làm sách này vốn đã có thương hiệu, nhưng chưa có điểm phát hành tập trung. Nay nếu có một nhà sách lớn làm cơ sở phát hành chủ lực sách “Đạo Phật ngày nay”, thì đó là một cú hích để việc phát hành sách Đạo Phật ngày nay có bước đột phá mạnh mẽ, trên hết là việc hoằng pháp bằng kinh sách sẽ ngày càng phát triển.