Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Trung Quốc: Thiên tài toán học xuất gia học Phật

Trung Quốc: Thiên tài toán học xuất gia học Phật

411

Từng đoạt huy chương vàng toán học thế giới và giành học bổng tại đại học Massachusetts, Liễu Trí Vũ từ bỏ tất cả để nương nhờ cửa Phật.

Liễu Trí Vũ sinh năm 1988 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc có bố mẹ là giáo viên dạy Vật lý, từ nhỏ đã được bố mẹ giáo dục rất nghiêm khắc. Dưới sự hướng dẫn của cha, thành tích toán học, vật lý và hóa học của Liễu rất nổi bật. Từ năm lớp 11, cậu trở thành nhân vật nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Năm 2005, Liễu giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Năm 2006, cậu đã đánh bại thiên tài toán học người Đức Peter Schultz để giành thêm một huy chương vàng Olympic Toán quốc tế nữa. Ngay trong năm 2006, Liễu được đặc cách vào thẳng khoa Toán của Đại học Bắc Kinh – nơi dành cho những thiên tài toán học của Trung Quốc.

Liễu Trí Vũ khi còn là sinh viên khoa Toán Đại học Bắc Kinh. Ảnh: sina.

Liễu Trí Vũ khi còn là sinh viên khoa Toán Đại học Bắc Kinh. Ảnh: sina.

Tuy nhiên từ khi còn là một đứa trẻ, Liễu có tâm lý khác xa với bạn cùng trang lứa. Cậu thường một mình đi lang thang khắp nơi. Khi mặt trời lặn, Liễu cảm thấy trống rỗng: “Buổi chiều đã qua một lần nữa, còn lại gì trong cuộc đời tôi?, Lý tự đặt câu hỏi rồi hét lên: “Thật nhàm chán, thật nhàm chán!”. Bố mẹ đang làm việc giật mình chạy lại hỏi con: “Có chuyện gì vậy?”, Liễu chỉ khóc mà không thể trả lời.

Với cha mẹ Liễu, việc rèn luyện cho con trở thành “học sinh giỏi” là nhiệm vụ cao cả nhất và họ luôn tự hào về điều này. Chàng trai này có lần tâm sự: “Điều họ quan tâm là tương lai của tôi có bị ảnh hưởng không và hiện tại tôi có gì. Còn điều tôi quan tâm lại là một lối thoát của tâm hồn”. Cậu cho biết tâm nguyện của mình là được giúp đỡ mọi người.

Khi vào đại học Bắc Kinh, vì luôn hoang mang với hướng đi của mình nên Liễu đặt hy vọng vào triết học và tôn giáo. Thời gian này anh còn tham gia câu lạc bộ Thiền, dù câu lạc bộ không ăn chay nhưng anh chủ động thực hiện khiến nhiều người ngạc nhiên. Sang năm thứ 2, Liễu cảm thấy bản thân được thấu hiểu hơn khi gặp một người chị khóa trên học tại khoa nghệ thuật. Thanh niên này luôn nói với đồng môn rằng, Toán học không giúp anh thực hiện được chân lý của cuộc sống.

Dưới sự động viên của đàn chị, Liễu đã đến chùa Long Tuyền làm tình nguyện viên. Chính ở thời điểm này, anh đã quyết tâm đi tu. Sau đó, chàng sinh viên năm 2 thường xuyên đến chùa làm công quả và kéo dài suốt 3 năm đại học. Tại đây, Liễu rất tích cực trong các hoạt động công ích của chùa như phát cháo và thực phẩm miễn phí cho người nghèo. “Tôi muốn giúp đỡ người khác và thay đổi được xã hội”, Liễu nói với bạn bè khi tham gia đội tình nguyện viên tại chùa.

Theo các bạn cùng lớp và giáo viên, mặc dù Liễu có tài về toán học nhưng đây không phải là sở thích lớn nhất của anh. Tuy nhiên, hướng đi mà cha mẹ hướng tới cho con là toán học, môn học mà Liễu đã phải nỗ lực rất nhiều. Đối với chàng trai này, ít người hiểu được nguyện vọng thực sự của anh. Mặc dù điểm số rất tốt ở trường, nhưng sự nghiêm khắc của cha mẹ và áp lực quá lớn, cộng với cơ thể yếu ớt, Liễu thường sống trong cảm giác u uất.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Liễu nộp đơn xin học bổng tại học Massachusetts, Mỹ để thuận theo ý bố mẹ. Theo lẽ thường, bất kỳ ai nắm bắt được cơ hội đều ra nước ngoài học thêm, nhưng Liễu lại có một quyết định gây chấn động: Vào chùa Long Tuyền tại Bắc Kinh cạo đầu đi tu.

Một ngày sau khi tham dự lễ tốt nghiệp của Đại học Bắc Kinh, Liễu đã gửi một email cho giáo sư Gigliola Staffilani của Viện Công nghệ Massachusetts. “Rất tiếc phải thông báo với ngài rằng tôi sẽ không còn là sinh viên của MIT.” Thời điểm này, Liễu quyết định từ bỏ học bổng toàn phần 70.000 đô la Mỹ một năm giành cho sinh viên có thành tích xuất sắc. “Ngài có thể ngạc nhiên. Tôi đã quyết định cống hiến cả đời cho Phật giáo và trở thành một nhà sư trong chùa Long Tuyền, Bắc Kinh”, anh nêu lý do gửi tới trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Liễu Trí Vũ tu hành tại chùa Long Tuyền, nằm trên một ngọn núi ngoại thành Bắc Kinh.

Liễu Trí Vũ tu hành tại chùa Long Tuyền, nằm trên một ngọn núi ngoại thành Bắc Kinh. Ảnh: sina.

Sau khi gửi email, Liễu thu dọn hành lý và lặng lẽ lên núi. Cha mẹ biết chuyện đã tức tốc từ quê nhà Vũ Hán lên Bắc Kinh can ngăn. Cặp phụ huynh này coi trọng sự nghiệp học hành này hơn cả khi chính họ giúp con trai làm hồ sơ xin học bổng nước ngoài. Trước đó Liễu đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn vali đồ đạc để sang Mỹ. Tuy nhiên sau một ngày, họ không thể liên lạc được với anh.

Chàng trai này không nói với ai về kế hoạch đi tu của mình. Lựa chọn đột ngột của con trai khiến cha Liễu kiệt sức, còn mẹ thì ngất lên ngất xuống. Người cha luôn hy vọng con sẽ nghĩ lại vì mới tốt nghiệp đại học lại chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống. “Cháu còn bồng bột. Tôi vẫn mong ngày con trở về”, ông nói. Dù sau đó bố mẹ thường xuyên đến chùa tìm nhưng Liễu đều tránh mặt, chỉ để lại lời nhắn: “Không muốn trở lại chốn thế tục”.

Chùa Long Tuyền- nơi Liễu quyết định tu tập trở nên nổi tiếng bởi sự xuất hiện của “thiên tài toán học Trung Quốc”. Thậm chí có những người phải đi cả ngày đường để đến tận chùa nhìn Liễu từ xa. Tăng đoàn sau đó phải chuyển thanh niên này đến một phòng khác, tránh xa sự tò mò của những người hiếu kỳ.

Với dư luận thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người kêu gọi tôn trọng tự do cá nhân, trong đó có giáo viên và bạn bè. Số khác lại phản bác, nói rằng Liễu để phí cả sự nghiệp để đổi lấy sự thanh tịnh cho bản thân. Không quá quan tâm tới dư luận nhưng hộp thư của Liễu vẫn lưu thư trả lời của giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts. Vị này nói rằng ông rất xúc động trước hành động của chàng thanh niên: “Đây là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời một con người: Nhận ra con đường của chính mình”.

Liễu Trí Vũ hiện kết hợp giữa Phật giáo và tâm lý học để chữa trị tâm lý cho nhiều người. Ảnh: sina.

Liễu Trí Vũ hiện kết hợp giữa Phật giáo và tâm lý học để chữa trị tâm lý cho nhiều người. Ảnh: sina.

Tại chùa Long Tuyền, Liễu thức dậy lúc bốn giờ sáng. Mỗi ngày là sự lặp lại của ngày hôm trước: tụng kinh buổi sáng lúc 4:30, làm việc hoặc học tập vào buổi sáng. Ăn lúc mười một giờ rồi nghỉ trưa. Buổi chiều dậy lúc 1:30 và tiếp tục làm việc hoặc học tập. Tụng kinh buổi chiều lúc 16:30, và sau đó tiếp tục lên lớp. 21h20 mới được nghỉ ngơi.

Sau 8 năm tu tập và nghiên cứu Phật pháp tại chùa Long Tuyền, vì những lùm xùm liên quan đến sư trụ trì, năm 2019, Liễu quyết định chuyển đến chùa Tây Viên ở thành phố Tô Châu. Tại đây Liễu có ý định thực hiện một số nghiên cứu về sự kết hợp giữa Phật giáo và tâm lý học.

Trước đó, vào cuối năm 2017, Liễu đã thi đậu bằng bác sĩ tâm lý. Nửa năm sau, nhà sư này mở một buổi “Tư vấn tâm lý Phật giáo” dưới dạng trò chuyện trên ứng dụng Wechat, mỗi lần một giờ. Chỉ sau một ngày đăng tải, có rất nhiều người đăng ký. Sau khi mở dịch vụ, Liễu trả lời tin nhắn bất khi có ai cần tư vấn. “Tôi luôn trong trạng thái căng thẳng”, Liễu nói nhưng hy vọng sẽ giải quyết được mọi khúc mắc nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Lưu Phương Châu, một bệnh nhân được chữa trị tâm lý nói rằng, nhờ thầy mà cô không còn thù oán người bạn đời bội bạc của mình. Người phụ nữ này nhận xét Lý là một người tốt bụng và trong sáng hơn hết thảy những người cô từng gặp trong đời. “Thầy đã hàn gắn cuộc đời vốn chứa đầy sự thù hận của tôi”, Lưu nói.

Hiện tại, Liễu dự định sẽ cống hiến hết mình cho công việc tư vấn tâm lý và “cứu độ chúng sinh”. “Tôi đã tìm thấy chính mình trong những năm tháng tu tập. Tôi luôn tâm niệm hãy sống trọn vẹn, hết mình với lý tưởng và dù thế nào cũng không được lay chuyển”, Liễu nói sau gần 10 năm rời xa gia đình để thực hiện ước mơ.


Vy Trang (Theo sohu)