– Phương trượng thối cư Thiền Tự Bách Lâm – Triệu Châu, tỉnh Hà Bắc
– Phương trượng thối cư chùa Ngọc Tuyền – Đương Dương
– Phương trượng chùa Ngũ Tổ – Hồ Bắc
– Phương trượng chùa Tứ Tổ, Huỳnh Mai, Hồ Bắc
– Trụ trì chùa Đại Khai Nguyên – Hình Đài
– Hội trưởng Danh dự Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hồ Bắc
– Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hà Bắc
– Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc
– Pháp tử Đại sư Hư Vân – Bậc cao tăng cận đại
– Sáng lập trại hè sinh hoạt thiền
Đã an tường viên tịch tại chùa Tứ Tổ, huyện Huỳnh Mai, tỉnh Hồ Bắc vào lúc 6 giờ 26 phút ngày 20/4/2013 (11/3 Quý Tỵ), trụ thế 81 tuổi, Tăng lạp 80 năm, giới lạp 63 hạ.
Pháp sư Minh Hải – Phương trượng Thiền tự Bách Lâm, đại biểu đại hội Nhân dân toàn quốc; Pháp sư Ấn Thuận – Phương trượng chùa Hoằng Pháp, Thâm Quyến, Phó Hội trưởng HHPG TQ, đã kịp thời tổ chức các hoạt động pháp sự kiến lập Pháp đàn Linh đường tại Thiền Tự Bách Lâm.
Trưởng lão Tịnh Tuệ nguyên quán Tân Châu, tỉnh Hồ Bắc, sanh năm 1933. Mùa đông năm 1934 (một tuổi rưỡi) được cha mẹ đưa vào miếu Tiên Cô Uông Tập huyện Hoàng Cương Hồ Bắc, do hai ni sư Hải Thiện và Nhân Đức nuôi dưỡng.
Năm 1948, 15 tuổi chính thức đảnh lễ Hòa thượng Tông Tiều (宗樵和尚) chùa Phổ Độ, Vũ Xương thế phát xuất gia, pháp danh Tông Đạo (宗道), tự Tịnh Tuệ (净慧). Sau đó y chỉ Hòa thượng Đại Hâm (大鑫和尚) Tam Phật Giảng Tự ở Vũ Xương để học kinh.
Năm 1951, 18 tuổi thọ cụ túc giới tại chùa Vân Môn, Quảng Đông, được làm thị giả Đại sư Hư Vân – Thái sơn Bắc đẩu Thiền môn hiện đại. Bởi tánh nhạy bén hơn người, phẩm đức thanh cao. Năm 1952, tiếp nối pháp mạch Đại sư Hư Vân, kế thừa đệ tử truyền pháp đời thứ 44 Tông Lâm Tế.
Năm 1956, Phật học viện Trung Quốc được thành lập, ngài nhập học được đào tạo sâu, đã trở thành một trong những nghiên cứu sinh sớm nhất của PHV TQ. Được cư sĩ Chu Thục Ca (1899-1970 nhà Phật học, nhà văn hóa, nhà giáo dục nổi tiếng), Pháp sư Minh Chân (1902-1989), Pháp sư Chánh Quả (1913-1987), cư sĩ Triệu Phác Sơ (1907-2000 Nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhà thư pháp kiệt xuất, lãnh tụ Phật giáo tuyệt vời)…đánh giá cao.
Năm 1963, lầm theo phái hữu, lần lượt tham gia lao động ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Hồ Bắc.
Năm 1979 cất mũ, cải chánh, trở về Bắc Kinh tham gia công tác phục hồi các hạng mục của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
Năm 1981, Tạp chí “Pháp Âm” ra đời, lãnh trách nhiệm biên tập, và làm chủ biên từ năm 1983 đến 2002.
Năm 1982, được bổ sung Lý sự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc;
Năm 1987, được tuyển Lý sự Thường vụ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc;
Năm 1988, lãnh trách nhiệm thành lập Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hà Bắc, và được suy cử chức Hội trưởng
Năm 1992, chủ trì công tác trùng kiến chùa Bách Lâm
Năm 1993, được tuyển làm phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc
Năm 1998, được bầu vào Ủy viên Hiệp thương Chính trị toàn quốc nhiệm kỳ IX
Năm 2002, nhận lời mời của ông Trang Thế Bình – người sáng lập ngành Văn hóa Phật giáo Hồng Kông và Rinpoche Tổ Cổ Bạch Mã Áo Sắc (祖古白玛奥色) đảm đương trọng trách Cố vấn danh dự lâu dài ngành Văn hóa Phật giáo Hồng Kông
Tháng 10/2003, nhận lời mời của các bộ môn hữu quan ở Đương Dương, Huỳnh Mai, Hồ Bắc lãnh trách nhiệm Phương trượng chùa Tứ Tổ và chùa Ngọc Tuyền.
Trưởng lão đề xướng lấy sinh hoạt thiền “Giác ngộ nhân sanh, phụng hiến nhân sanh” làm tông chỉ, chủ trương “Thiền trong sinh hoạt, sinh hoạt trong Thiền”, tổ chức “Trại hè Sinh hoạt Thiền” để cho các học nhân đến học Thiền, hiểu biết về Thiền, thọ dụng trí tuệ của Thiền, sự mát mẻ của Thiền, từ bi của Thiền và sự thoải mái của Thiền.
Ngày 31/3/2013, Trưởng lão Tịnh Tuệ đã để lại Thiền ngữ Sinh hoạt cuối cùng với nội dung: “Tất cả tụ hợp ly tán đều là nhân duyên hòa hợp, có duyên nghìn dặm cũng gặp nhau, không có duyên ngay khi đối mặt cũng không nhận ra nhau. Tất cả sự vật trên thế gian chỉ là tạm thời, như bóng câu qua khe cửa, thời gian nhanh chóng, ngày tháng như tên bay, đời sống con người ngắn ngủi, cần phải kịp thời tích đức hành thiện, giữ gìn tâm tốt, nói những điều tốt, làm việc tốt, người tốt, chúng ta mới không uổng công sống trên cuộc đời này, phải biết trồng giống tốt trên mảnh ruộng này, tương lai sẽ có kết quả tốt”.
“Những năm qua nói đông nói tây, độc giả độ lượng bao dung, vô cùng biết ơn. Lão già Tịnh Tuệ này chắp tay kính tạ.”
Duyên khởi duyên diệt, việc đời vô thường, chỉ hành thiện tích đức, mới có thể lưu lại tiếng thơm muôn đời. Trưởng lão một đời tu trì nghiêm ngặt, tinh tấn không ngừng, đem lời nói trí tuệ của mình, giải thích chân đế của cuộc sống cho người đời. Chưa từng nghĩ, trên giường bệnh vừa nói xong một câu, đã trở thành tuyệt bút! Khiến cho nghìn vạn người sau, đau lòng nhớ mãi!