Học giả Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc; nhà khoa học tôn giáo, triết học Ấn Độ Hoàng Tâm Xuyên đã qua đời tại Bắc Kinh vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 10/2, hưởng thọ 93 tuổi.
Lễ di quan đã diễn ra vào sáng ngày 20/2 tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh.
Đến tham dự buổi lễ có các nhà lãnh đạo từ giới chính trị, tôn giáo và học thuật, cũng như các đồng nghiệp, bạn bè và học trò cũ của ông.
Về phía lãnh đạo Phật giáo Trung Quốc có sự hiện diện kính viếng của Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc Hòa thượng Thích Diễn Giác; Phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Hòa thượng Thích Vĩnh Tín, Hòa thượng Thích Tông Tính.
Giáo sư Hoàng Tâm Xuyên sinh tại thành phố Thường Thục, tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp khoa triết học đại học Bắc Kinh, năm 1958.
Giáo sư là người khởi xướng thành lập Viện nghiên cứu Phật Học đầu tiên của Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Ông được xem là người tiên phong, quan trọng trong quá trình thúc đẩy việc nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc thời hiện đại.
Ông từng là giảng viên đại học và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như: Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Huyền Trang; Phó viện trưởng Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc; Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa Học Xã hội Trung Quốc.
Ông được biết đến là một nhà học thuật, nghiên cứu Phật học về Phật giáo Trung Quốc hiện đại nổi tiếng.
Học trò của giáo sư là những sinh viên, những nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ khắp nơi trên thế giới. Tất cả được ông hướng dẫn tận tình chu đáo, trong có những vị xuất gia là trụ trì nhiều ngôi chùa lớn ở Trung Quốc.
Vào đầu năm 1980, khi nghiên cứu về lĩnh vực Phật học, và các vấn đề liên quan văn hóa vẫn chưa phổ biến, phát triển trong xã hội Trung Quốc, Giáo sư Hoàng Tâm Xuyên đã khởi xướng cho việc thành lập cơ sở nghiên cứu Phật học đầu tiên tại Bắc Kinh – “Viện nghiên cứu văn hóa Phật giáo Trung Quốc”. Ông khuyến khích, hướng dẫn người trẻ tìm hiểu và học tập giáo nghĩa Phật giáo. Song song đó, ông đã giảng dạy về lĩnh vực Phật học ở nhiều nơi, nhiều trường đại học. Ông trực tiếp tham gia xây dựng Viện Tu thiền Quốc Tế ở núi Vân Cư.
Ông là người hỗ trợ rất nhiều cho Hòa thượng Hoằng Minh – trụ trì chùa Quán Tông trong những năm đầu khi nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Phật Học Lĩnh Đông, Quảng Đông và Chủ biên tạp chí “Nhân Hải Đăng”
Có thể nói, Giáo sư đã đóng góp rất lớn vào việc phổ biến văn hóa Phật giáo tại Trung Quốc và để lại những tác phẩm tiêu biểu có giá trị học thuật của ông như : Triết học Phật giáo Ấn Độ, Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Tuyển tập nghiên cứu Huyền Trang, Luận về Phật giáo Phương Đông.
Được biết, các bài báo, nghiên cứu của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.
TRẦN HÒA tổng hợp