Hôm qua
Kẻ cướp đột nhập vào vườn
Đập vỡ chum vại xưa
Cái kiệu to
Ôm bụng
Kêu gào
May sao
Trời giông mấy ngày
Mưa
Tháng ba tới kịp
Rửa lành
Cùng trăng
Rằm tháng tư
Chờ
Hoa nở
Sứ rơi
Như Lai
Đúng hẹn
Mùa đản sinh
Hàng mươi thế kỷ
Chung nhau
Thai nghén
TỪ TÂM
Thái Kim Lan
*Do lai:
Cái kiệu (lu) đựng nước mưa của bà tôi có đó mấy đời, từ bao lâu tôi không rõ. Đến đời bà tôi, nó đứng bên chái Tây, đối diện với cái kiệu đồng sàng bên chái Đông, trước thềm nhà Từ Đường. Hứng nước mưa là công việc của hai cái kiệu, muộn nhất ít ra cũng từ khi Huế có mùa mưa. Nước mưa thời ấy còn lành, không bị ô nhiễm như bây giờ, dùng để pha trà ướp hương hoa sói, hoa mộc, ngon không thể tả. Thuở nhỏ chúng tôi được bà sai đi múc nước mưa từ cái kiệu. Lắm lúc cả bọn con nít đu người vào thành kiệu để nhìn mặt mình ở trong, thấy nước sâu hoắm, nhiều con quăng. Cái lu lành lặn, hai vai và bụng no tròn. Từ khi được nặn thành, ngoài người thợ gốm, chẳng có ai biết “lòng” lu ra sao.
Qua bao lần bom đạn thiên tai triền miên, lạ thay hai chiếc kiệu vẫn còn lành. Những lần lên thăm nhà thờ, mở cửa bàng khoa, thấy kiệu vẫn “bình chân như vại”. Năm năm tháng tháng chúng là dấu hiệu của bình an, của cái chi còn đó, cái chi đó còn sót lại, khi bà nội không còn, mẹ không còn, chị không còn, anh không còn, nhiều thứ trong nhà mất đi, nhưng cái kiệu vẫn còn, đứng thù lu trước dãy cửa mun đen. Thù lu vì chất thô, chất đất, dáng tròn như… lu, chất phác trung thành.
Chiến tranh không tàn phá chúng. Ấy thế mà tháng 2 dương lịch vừa qua, kẻ cướp đất vào nhà đập bể một loạt những lu trong vườn. Hôm ấy chú Q. người giữ nhà thờ la hoảng trong điện thoại: “chúng nó đập bể lu kiệu trong vườn!”
Chúng tôi đến, thấy mười hai cái kiệu bị đập bể ngang toác bụng, lỗ hổng lởm chởm như đang hả mồm kêu đau. Mảnh vỡ ngổn ngang. Bỗng nghe chú Q. la lên vì những mảnh vỡ cưa tay, không ngờ mảnh gốm lâu đời mà sắc cạnh đến thế, máu chảy lênh láng. Cảnh tượng thật buồn. Đau lòng vô kể.
Cơn mưa: Việc của mưa là mưa cho đầy…Thế rồi Huế mưa, bất ngờ mưa như mưa mùa đông đến giữa mùa xuân. Huế thường có mây giăng vần vũ giữa mùa xuân như thế. Ngót tuần trở lại. Cảnh lu vại vỡ vẫn còn y nguyên trong vườn giữa màu xanh bất tận chảy tràn theo từng cơn mưa. Nước mưa hẳn đã xối vào miệng chum rồi tuôn tuồng ra lỗ vỡ, chỉ còn lưu lại phần đáy chum.
Mưa Huế là như thế, chảy hoài vào trống không cho đến lúc đầy… dù chỉ vài phân.
Hoa sứ: Việc của hoa sứ là nở hoa rồi tàn rồi rơi rụng: Hết mưa, trăng trở lại cùng với đêm nồng hương sứ. Sứ vô tình là nhân chứng của những kẻ cướp phá hoại, của giông tố phũ phàng và của những cơn mưa gọi mùa. Đã bao lần hai cây sứ đứng bên chum nở hoa, đã bao lần nắng đậu trên vai tròn trịa của cái cái kiệu cổ trước nhà thờ? Đã bao lần lá đổ trên vai hai cái chum lớn nhất trong vườn? Đã bao lần hoa sứ tình cờ rơi vào lòng của hai cái kiệu đựng nước mà người đi qua vô tình chẳng hay? Nào ai có biết hoa rơi vào lòng chum bao nhiêu lần? Và trong chum bao lần HOA TRÚ TÂM? Nếu không có một lần “chum” vỡ?
Và Bất ngờ, người đi qua, chợt thấy… giữa những đau lòng… ghi lại hình ảnh và ghi thêm lời kệ:
“Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí;
Giữ chiến thắng không tham”
(Kinh Pháp cú 40)
“Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người.”
(Kinh Pháp Cú 58)
“Cũng vậy giữa quần sinh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí.”
(Kinh Pháp Cú 59)