Trong thông điệp gửi tới Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2008 tổ chức tại Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới hiện nay, thông điệp của Đức Phật vì hòa bình, từ bi, tình thương đối với mọi sinh linh ngày càng trở nên khẩn thiết. Thông điệp nhắn nhủ mọi người cần mở rộng tấm lòng với đồng loại, những người đang cần sự giúp đỡ, và đòi hỏi chúng ta tự nhận thức rằng chúng ta là bản thể duy nhất, đặt hạnh phúc của cộng đồng, của toàn thể nhân loại ngang bằng hạnh phúc của chính mình“.
Đó cũng là tinh thần của Phật giáo nhập thế thế kỷ 21, lấy con người làm trung tâm, kết nối mọi con người ở mọi vị trí xã hội khác nhau trong tình yêu thương, lòng tốt, niềm vui và sự thanh thản. Đạo Phật nhập thế cũng coi những vấn nạn của thế giới hiện đại như chiến tranh, hận thù, chia rẽ tôn giáo và sắc tộc, bất công, quyền dân chủ, quyền được học hành và làm việc, những nguy cơ mà con người hiện đại đang phải đối mặt cũng chính là những vấn nạn trong lòng Đạo Phật. Và Đạo Phật cùng đạo hữu của mình cũng lo lắng cũng bất an vì những gì mà cộng đồng đang phải lo lắng, và con người đang bất an. Trong “những gì” gây lo lắng ấy, có sự xuống cấp của đạo đức, sự bào mòn và hủy hoại của tính Thiện trong con người hiện đại. Khi Đức Phật cảnh báo về “tham sân si”, Ngài đã đặt tính tham lên hàng đầu như một kẻ thù nguy hại nhất của con người và của cả nhân loại. Từ lòng tham vô độ dẫn tới tính ác khôn lường. Nhưng có lẽ trong một xã hội cũng như trong một con người, cuộc đấu tranh dai dẳng nhất, khó khăn nhất, kéo dài nhất chính là cuộc đấu tranh với lòng tham. Về mặt xã hội, cái đơn giản nhưng nổi trội, dễ thấy nhất là cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Dĩ nhiên, người ta chỉ tham nhũng khi có cơ hội nắm lấy các chức vụ và trong một môi trường thiếu những cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn. Một trong những cơ chế hữu hiệu để kiểm soát “tính tham” trong một xã hội chính là sự minh bạch của hệ thống quản lý và công luận. Sự công khai minh bạch không chỉ giúp ngăn chặn những bàn tay đang tham nhũng, mà quan trọng hơn, nó giúp xã hội nhìn nhận đúng nguy cơ của tham nhũng đối với đất nước và cộng đồng, nó giúp con người tự bất an khi cảm thấy tính Thiện trong mình bị xói mòn, nó khiến những ai trót “nhúng chàm tham nhũng” cảm thấy xấu hổ. Cảm giác xấu hổ khi làm điều xấu là bước đầu tiên để khôi phục tính Thiện trong mình. Nếu con người không biết xấu hổ khi làm bậy, thì sẽ không có việc tồi tệ nào mà nó không dám làm. Chỉ bắt đầu như thế thôi, là đã có cơ hội cho họ dừng bước trước cái xấu, và có cơ hội cho “tính bổn thiện” của họ hồi phục. Tôi đã gặp và đã cùng chung tay tham gia những đợt cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt hay đói nghèo cùng với các nhà báo. Họ làm những việc thiện nguyện này cũng tích cực, nhiệt tâm như khi họ lao vào những vụ việc rối rắm, thậm chí nguy hiểm, để viết bài hay đưa tin chống cái xấu, cái ác. Đức Phật khuyến khích con người mạnh bước đi trong cõi người đầy phức tạp này: con đường góp sức đưa tính Thiện lấn dần tính tham, tính ác trong chính con người mình, và cả trong cộng đồng, trong xã hội. Không ai là hoàn thiện, nhưng ai cũng có thể tìm được những lý do cao đẹp để sống ở đời.