Trang chủ Văn học Trong trẻo chùa làng

Trong trẻo chùa làng

154

Để nhớ bà nội, nhớ bố và những năm tháng tuổi thơ

Mỗi khi về quê, tôi thường ra thăm chùa làng. Nó chẳng phải đại danh lam hay tiểu danh lam hoặc di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, hay cấp tỉnh; chỉ là ngôi chùa nhỏ bé, cổ kính rêu phong nép mình bên rặng nhãn già cỗi, thân xù xì mốc thếch.

Giao thừa, dù có bận mải mấy, tôi đều ra chùa thắp hương, cầu một năm mưa thuận gió hoà, sức khoẻ, hạnh phúc, rồi tha thẩn ngắm mãi không chán các tượng Phật, nhìn dân làng hồ hởi đi lễ chùa trong mưa xuân bay bay xoay xoay, gió Bấc se lạnh.

Nếu như trước đây, dân làng tôi không có thói quen ra chùa cúng lễ giao thừa, thì nay người ta tới khá đông, nhất là lớp trẻ đi học, làm ăn ở xa về…

Ký ức tuổi thơ

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vàng tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy thấm vào tôi tự nhiên như mạch nước ngầm âm ỉ. Ngày ấy, tôi 6 – 7 tuổi, học lớp 1, lớp học ở sân chùa làng. Xưa, chùa khá rộng, chừng vài mẫu Bắc Bộ, nhưng sau do sự lãng quên, kém hiểu biết của con người, nên sân chùa, vườn chùa bị triệt hạ làm sân kho, nhà kho hợp tác xã. Dãy nhà gồm 3 lớp học được dựng lên gần chùa làm chỗ học cho bọn trẻ con thò lò mũi xanh ở lớp vỡ lòng ngày ngày đánh vật với a b c.

Giờ ra chơi, chúng tôi hay chạy lên vườn chùa, hiên chùa nô đùa. Gọi là vườn chùa cho oai, chứ vườn chùa cũ đã hóa thành nhà kho. Chỉ có vài ba cây nhãn và một cây táo thân xù xì mốc thếch mốc thác, già cỗi tới mức hàng năm vẫn ra hoa khá sai nhưng đậu quả rất hiếm.

Hồi ấy, vớ được vài quả nhãn hạt to, cùi mỏng nhạt thếch hay quả táo đơn đớt chan chat cũng là niềm hạnh phúc của lũ học trò nghèo.

Có khi kín lớp, chúng tôi lại chuyển về ngôi nhà 3 gian xây sát bên đầu hồi chùa. Lũ học sinh rất nghịch ngợm, leo trèo trên cây nhãn chuyền sang cây táo như bầy khỉ con, đánh trận giả.

Nhưng trước ngôi chùa cổ kính, đứng ở hiên cũng cảm thấy mát lạnh, đóng cửa im lìm suốt ngày luôn là một bí mật với chúng tôi, đôi khi khiến chúng tôi sờ sợ.

Chúng tôi chỉ dám ghé mắt qua khe cửa hẹp, mùi gỗ ngai ngái, đôi khi có con mọt kêu kẽo cọt, chỉ thấy tượng Phật, thánh lớp lớp huyền bí trong quầng sáng hiếm hoi mờ ảo từ cửa sổ tò vò từ bên hông chùa.

Không tam quan, không tường bao quanh, phía sau một bên là nhà trẻ suốt ngày trẻ quấy khóc, một bên là nhà mẫu giáo cả ngày hát hò inh ỏi, trước mặt là dãy nhà học, rồi nhà kho hợp tác xã, và một khu sân rộng xen lẫn mấy cái ao tù, chùa chỉ là một tòa nhà hình chữ Đinh, nằm ở rìa làng, nhìn về hướng Tây ra ao Mô trong vắt và cánh đồng Chùa rộng rãi.

Cũng giống như nhiều ngôi chùa miền Bắc khác theo phái Đại thừa, chùa làng tôi được dựng bằng gỗ quí, bào trơn đóng bén, chạm trổ tinh xảo ở những vách đố, đầu bẩy, vì kèo, chứ không sơn son thiếp vàng.

Tường chùa được xây bằng gạch quét vôi trắng. Nhưng khác với một số chùa ở xung quanh, chùa nằm trên một nền khá cao. Qua bậc tam cấp là hiên chùa rộng chừng 2 m, bó đá xanh, rồi tới 5 gian tiền đường. Hai bên đầu hồi trên hiên là 4 tấm bia đá chạm trổ rồng mây mà sau này tôi mới biết là bia Hậu Phật ghi tên những người cúng tiền bạc, ruộng vườn để trùng tu chùa.

Hôm nào đi học sớm, chúng tôi lên hiên chùa, trèo lên tấm bia đá mát rượi, chạm rồng mây ngồi vắt vẻo, ngắm con dơi vờn hoa, chim, đàn hươu trên đầu bẩy ở hiên chùa.

Ở giữa là Tam Bảo được trang trí cửa võng chạm trổ tinh tế, với bức hoành phi và các câu đối bẹ dừa. Đó là những câu đối ở đình làng, sau khi đình bị dân làng triệt hạ tan hoang khu bái đường và gian ống muống trong kháng chiến chống Pháp, nên phải chuyển về chùa.

Nơi đây thờ Phật Thích Ca sơ sinh, hai bên có tiên đồng, ngọc nữ quỳ chầu và một số vị thần của Đạo giáo: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, phía sau là Quan Âm Thị Kính, Quan Âm toạ sơn và 3 pho Tam thế.

Ở góc chùa, qua một bên treo chuông, một bên treo trống, trong cùng là bàn thờ sư tổ (sau này lớp học chuyển đi thì toà nhà 3 gian cạnh chùa mới được chuyển thành nhà thờ sư tổ).

Hai gian bên Tam Bảo là Hộ pháp đều cưỡi linh thú là con sấu, một ông mặt trắng cầm trường đao, một ông mặt đỏ cầm chuỳ.

Hai gian đầu hồi, một bên là thờ đức Thánh Ông và thánh Mẫu trong khám sơn son thiếp vàng, buông mành thêu hoa. Nghe đồn trong chùa có hầm bí mật – nơi ẩn nấp của cán bộ Đảng Cộng sản hoạt động thời xưa, nhưng chẳng đứa nào dám vào.

Đấy là còn chưa ly kỳ bằng ngôi chùa ở làng Lê Xá dưới làng tôi, thường được đồn đại là có đôi rắn rất to, mào đỏ lự, hay quấn quýt nhau ở trong hậu cung. Bình thường, kể cả đứa trẻ táo tợn nhất cũng không dám vào chùa bởi dù giữa trưa hè oi bức, chỉ cúi người, bước qua ngưỡng cửa gỗ khá cao là đã mát mẻ. Một không gian mờ mờ ảo ảo bởi khói hương trầm, mùi âm ẩm, lành lạnh, tối tối vây bọc.

Trong quầng sang mờ ảo ấy, tượng Phật mỉm cười hiền hậu hay nhăn mặt nhíu mày hay trầm ngâm suy tư đều khiến lũ trẻ chúng tôi khiếp vía không dám nhìn lâu.

Có nhiều pho tượng thậm chí ông bà chúng tôi cũng không biết sự tích mà chỉ gọi nôm na. Ba pho Tam thế của Đức Phật là ông Bụt Ốc ở gần nóc chùa, vì những xoắn tóc trên đầu lượn như những con ốc. Ông nội tôi hay doạ rằng trong chùa có tượng ông Mặt xanh nanh vàng, tay cầm dùi đồng, chân dậm con cóc rất đáng sợ.

Hồi ấy, trên TV mới chiếu phim truyền hình Tây du ký của Trung Quốc, nên dân làng bảo trong chùa có tượng thầy trò Đường Tăng. Lũ trẻ cũng chỉ dám đứng từ ngoài hiên chùa chỉ trỏ đâu là Trư Bát Giới, đâu là Ngộ Không. Sau này lớn lên, có dịp vào trong chùa, ngắm nghía từng pho tượng tôi mới biết là không có tượng thầy trò Đường Tăng.

Nghe người lớn bảo không được chỉ tay vào tượng thánh, Phật, vì sẽ bị mang vạ. Có lỡ chỉ tay thì phải mút ngón tay ngay. Nếu tượng thánh Mẫu, Đức Ông không thấy mặt vì trong khám thờ sau bức mành trúc vẽ hoa, tượng hai ông Hộ pháp chúng tôi ít dám nhìn lâu vì vừa to, vừa dữ tợn, oai phong, thì tôi hay ngắm nhất cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ.

Hồi ấy, dân làng tôi cho rằng mấy tượng nhỏ trong chùa làm bằng đồng đen hiếm và quý hơn vàng (dân gian cho rằng đồng đen là mẹ của vàng như truyền thuyết ông Khổng Lồ đúc chuông ở hồ Tây), nhưng tôi đoán có lẽ là gỗ phủ sơn mài. Tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cao chừng 50 – 60 cm, tóc búi cao, cài trâm, mặt hoa da phấn, nét mặt tinh anh như đang cười mà không phải cười, mình mặc áo cánh sen, khoác xiêm nhiều màu, chắp tay, quỳ chầu vào Phật Thích Ca sơ sinh đứng. Nét mặt thì nhang nhác tượng Kim Đồng chùa Dâu (Bắc Ninh), còn tư thế thì như tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội).

Mấy chục năm nay, tôi vẫn chưa quên vóc dáng và gương mặt như ngưng đọng thời khắc. Đã rong ruổi khá nhiều chùa ở khắp đất Bắc nhưng tôi chưa thấy tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ nơi nào có được thần thái ấy!

Tam quan rộng mở

Khác với một số chùa xung quanh, mấy chục năm nay chùa làng tôi không có sư trụ trì, chỉ bà vãi và một số cụ phụ lão trông nom. Ông tôi kể, những năm 1945 về trước, chùa có sư trụ trì và một ni cô. Một thời gian ni cô về chùa, tự nhiên bụng chướng to, dân làng cho rằng ni cô bị bệnh sơ gan cổ chướng, nhưng một đêm họ đi biệt tích, dân làng mới biết hai người chỉ bị mỗi bệnh là chưa thoát khỏi mùi tục lụy.

Cách mạng tháng Tám thành công, Pháp quay lại chiếm đóng, rồi hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ào ạt cuốn đi, người ta dồn chùa, dỡ đình, san miếu để xây dựng sân kho, nhà trại hợp tác xã, “của riêng còn lại chút này” đã là may, chẳng ai nghĩ tới việc thỉnh sư về khói hương.

Trước cửa chùa, tới nay cũng chỉ vỏn vẹn có hai tháp gạch khá to của các sư trụ trì đời trước.

Hàng ngày, chùa đóng im ỉm. Chỉ ngày rằm, mồng một, một bà vãi (dân làng tôi thường gọi là cụ Chùa) cũng vốn có họ với đằng nhà ngoại tôi, hai ông bà không có con cái, mới ra quét dọn, thắp hương, thỉnh chuông.

Ngày ấy, chùa mở toang các cánh cửa, cho ánh sáng tràn vào, để lũ trẻ có thể ngắm tượng Phật, cảnh chùa. Lễ vật thường chỉ là oản gói lá mít, bánh kẹo, nả (thóc rang nở xoè như bông hoa nhỏ), hoa quả: hồng xiêm, trứng gà, hồng, sung, dưa chuột, chuối, táo…

Gian thờ Đức ông, thánh Mẫu nhiều màu sắc, lộng lẫy nhất với nón chóp, nón quai thao, kết thuyền hoa, hài phượng…Vào các buổi, ở gian thờ Mẫu có ông Lệch hát chầu văn. Hai ông bà đã già, không con, đều mắt kém, nghèo khổ. Nhạc cụ của ông chỉ gồm một chiếc thanh la nhỏ, một chiếc trống cơm để trên chiếu hoa. Ông vừa hát, vừa gõ thanh la bằng chiếc dùi gỗ chuốt đen bóng và cất giọng hát trầm trầm, rè rè thỉnh Mẫu, các tiên cô giáng trần.

Các bà, các cô thành kính ngồi quanh chiếu, đợi đội bát hương. Trong tiếng trống tom tom, tiếng phèng la leng keng, người phụ nữ trùm khăn nhiễu đỏ, ngồi một lúc, người ta sẽ đặt lên đầu một chiếc mâm bày nhiều hoa quả, bánh trái. Người đội rạp người đảo quanh mà vẫn không rơi, làng tôi gọi đó là đội bát hương, một hình thức của lên đồng. Có người đội như thế một lúc rồi thôi, nhưng có người đội một lúc thì được bỏ mâm lễ ra, hất khăn nhiễu xuống, nhảy múa, rồi châm hương, ngậm hương đang cháy vào gần mồm thổi tắt, một lúc sau thì ngã vật ra.

Những màn đội bát hương như thế thu hút đông đảo người xem. Hát xong, ông Lệch nhận ít lộc thánh: cút rượu nhỏ nút lá chuối khô, oản, hương hoa, rồi chống gậy dò đường về nhà. Nhiều lần ông đi vào bụi cây, người làng phải dắt ra.

Lúc ấy, ở cửa Mẫu, một lũ mắt sáng, mặt đen nhẻm, thò lò mũi xanh, quần áo khét mù chầu chực bởi sau khi cúng xong, nhà chùa sẽ cho cướp nả. Ai ra muộn không còn cướp nả thì mặt tiu nghỉu. Cụ Chùa cho mọi thứ vào cái mẹt rồi mang ra hiên tung lên. Lũ trẻ xô vào tranh lấy. Đứa được cái kẹo, đứa được quả chuối, đứa được quả táo, có đứa may mắn hơn được chùm sung giòn giòn, chát chát, còn hoa quả mềm mềm như: hồng, nhót, chuối đều nát bét. Có đứa đứng xa lại may mắn vớ bẫm vì hoa quả văng ra.

Có lần, khi cụ Chùa chuẩn bị tung mẹt quà lên, một cậu nhanh tay giơ mũ nan ra hứng gần trọn, nhưng rốt cục cũng chẳng thể bảo toàn chiến lợi phẩm trở về vì đã bị xâu xé ngay.

Những buổi cướp nả như thế chẳng đáng gì, nhưng rất vui vì hồi ấy cuộc sống khó khăn, ít khi chúng tôi được cha mẹ mua đồng quà tấm bánh, hơn nữa làng tôi đất chật người đông, không như thôn quê khác mùa nào thức ấy lúc lỉu quả trong vườn.

Đến tháng 4 mùa Phật đản (dân làng hay gọi à ngày Bụt đẻ), thay áo Phật cũng rất vui. Tượng Phật Thích Ca sơ sinh sẽ được làm lễ mộc dục, tắm bằng nước mưa nấu với lá thơm, rồi thay áo mới. Tấm nhiễu đỏ quấn quanh tượng Phật được thay bằng tấm nhiễu khác. Tấm nhiễu cũ được xé ra nhiếu mảnh nhỏ bằng cỡ đầu ngón tay để phát cho trẻ con gài vào khuyu áo đeo lấy may.

Nhưng vui nhất có lẽ là Rằm tháng Bảy, rước vong lên chùa. Ngày 13 các gia đình có vong (người chết đưa lên nương nhờ cửa chùa cho mát mẻ) đã chuẩn bị lễ, trong đó có cành tre nhỏ đầu vẫn để lòa xòa lá xanh, cong cong để treo phướn cho hồn người chết ngụ ở đó theo về cửa Phật. Người nhà thắt khăn tang, ngồi cầm phướn phải giơ lên hạ xuống theo nhịp của thầy cúng trong tiếng chuông trống vang lừng, đèn nến sáng choang, lễ xong phải cầm phướn đi rước đủ số vòng quanh gian tam bảo trong chùa.

Ở cồng chùa được dựng nhiều đài lá mít đựng cháo loãng cúng cô hồn, nhưng nhiều đứa trẻ con nhà nghèo và bạo gan chưa đợi tới tối đã dốc hết vào cái miệng trống hoác…

Chùa còn là nơi thân thuộc với chúng tôi trong những đêm trăng rằm tuyệt đẹp khi tập văn nghệ chuẩn bị cho Tết Trung thu. Chúng tôi nấp trong sân chùa chơi chỉ chết, bắt đỉa ba ba, hú ẩn, rồng rắn lên mây…

Ngày ấy, không có tiền mua đồ chơi, chúng tôi hay dựng chùa để chơi. Hồi ấy, không hiểu sao thành một phong trào dựng chùa để …chơi của trẻ con trong làng. Được dựng bằng gạch từ mọi nguồn kiếm được, lợp bằng ngói từ nhà đứa này hay đứa kia, đôi khi cũng được thử tải bằng cách ngồi lên mái ngói xem có vững không hoặc thử xem chùa có dột bằng cách dội nước lên mái, nếu dột thì phải lợp ngói lại, ngôi chùa nhỏ xíu chỉ chui lọt cái đầu.

Tôi phụ trách việc dựng chùa, nặn tượng, những đứa bạn còn lại lo làm cờ phướn, mua đồ cúng. Đất sét, đất chiều lấy ở đồng về, được giã mịn, tẩm với nước cho dẻo vừa rồi nặn. Cũng có tượng Phật, Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay, Tiên Đồng, Ngọc Nữ… Cũng có đủ tai mắt, mũi, miệng được kẻ bằng tăm tre.

Có lần, chúng tôi làm mắt mũi tượng bằng hạt gạo, hậu quả là 1-2 ngày sau, mắt mũi tượng biến mất vì đàn kiến đã xông vào thu dọn sạch sẽ. Kiến xúm xít nhiều quá, chúng tôi phải mang tượng ra …tắm, hậu quả là đầu tượng một nơi, thân một nẻo.

Mỗi khi có quà bánh bố mẹ đi chợ về cho, chúng tôi đều cho vào chùa cúng trước rồi mới ăn. Những đêm trăng sáng, chúng tôi cũng tổ chức cúng lễ rình rang, rồi mới chia quà.

Có đêm mưa to, vừa choàng dậy phải lấy áo mưa che cho chùa. Có lần, mưa to, quên không che đậy, sáng ra chùa ướt sũng, tượng Phật rơi từng mảng, nhão nhoét, cả lũ phải hì hục dựng lại.

Rồi ngôi chùa bé nhỏ ấy cũng bị dẹp đi hoặc vì người lớn cáu tiết vì lũ trẻ hay lấy gạch, ngói bày bừa hoặc vì tính cả thèm chóng chán của chúng tôi.

Chống chếnh cửa thiền

Tôi đi học xa quê, quên bẵng ngôi chùa làng. Một lần về nhà thấy choáng váng khi nghe tin một đêm trộm vào chùa khoắng 5 – 7 pho tượng nhỏ, đẹp nhất, trong đó có pho tượng Thích Ca, và hai pho tượng tuyệt đẹp là Kim Đồng, Ngọc Nữ. Mất cũng phải thôi vì chùa trống hoác, không cổng, không tường bao, không bảo vệ, cửa nẻo thì bong tróc

Về, thấy cửa Tam Bảo trống hơ trống hoắc. Thôn mới cử dân quân tới ngủ trong chùa để canh gác, làm lại nẹp cửa, xây tường bao quanh. Sau đó, có một người làng làm ăn xa đứng ra vận động dân làng tô tượng, đúc chuông mới. Bà tặng cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ mới và một toà Cửu Long. Nhưng đáng tiếc, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ mới, ăn mặc kiểu trẻ con Tàu, dáng dấp, thần thái không bao giờ sánh được cặp tượng cũ.

Cũng đáng buồn là chiếc chuông cũ tuy nhỏ nhưng chạm trổ tinh xảo, ngân vang bị đập ra, đúc chuông mới. Dân làng bảo, chuông mới tuy to, nhưng thô kệch hơn và tiếng cứ âm âm i i, chứ không vang.

Buồn nhất là màu dân tộc sáng bừng trên vóc dáng từng pho tượng được thay bằng màu vàng choé, đỏ ối như kiểu sơn công nghiệp trong phong trào mới hoá tượng Phật, chùa chiền.

Hồi còn nhỏ, hàng năm hay đi hội đền – chùa La Vân ở xã bên (hội đền chùa La Vân là một trong những lễ hội lớn của Thái Bình, tưởng nhớ cao tăng Nguyễn Minh Không đời Lý, đã dạy dân học hành, ca múa và nuôi trồng bèo hoa dâu để làm phân bón cho lúa), thấy đền chùa đó lớn hơn, có cả tượng Phật Bà quan âm nghìn mắt nghìn tay, tôi buồn buồn về chùa làng mình. Nhưng sau này đi tham quan nhiều chùa, tôi mới thấy chùa Thanh Quang làng mình thật xinh xắn, hệ thống tượng Phật, nhất là cặp tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cũ có phần còn đẹp hơn.

“Của riêng còn lại chút này”

Sau này, trò chuyện với những người lớn tuổi, tôi mới biết rõ hơn về ngôi chùa bé nhỏ trong làng. Ngoài 4 tấm bia Hậu Phật ở 2 bên hiên chùa, còn một tấm bia rất quý giá ở sau hông gian thờ Đức Thánh Ông. Khi ngành văn hoá tỉnh về khảo sát đã phát hiện là bia có bút tích của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về việc chọn đất, cắm mốc xây chùa. Trạng Trình quê ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cách làng tôi chừng 15 km đường bộ và đường thuỷ. Chắc hẳn ngày xưa dân làng có ý định lập chùa đã sang tận làng mời cụ Trạng – lúc ấy đang chí sĩ ở quê tìm đất đắc địa dựng Phật đường.

Như vậy, có thể đoán rằng chùa được xây dựng vào cuối đời nhà Mạc – cách đây chừng 500 năm. Cũng vì thế, tôi mới được biết chùa làng mình tên là Thanh Quang tự, còn dân làng thường gọi là chùa Đó (tên Nôm của làng).

Không những thế, tôi còn được biết thêm về bà nội đã gắn bó với chùa. Trước năm 1945, cụ thân sinh ra bà nội từ làng Cổ Tiết (nay là xã An Vinh trong huyện) phiêu bạt tới làng tôi, xin làm công quả trong chùa, kết duyên với cụ nội, sinh ra bà. Sau vì quá nghèo, ông cụ lại phải xuôi Nam làm ở đồn điền cao su, nhưng mới tới Huế thì bị ngã nước chết bên sông Hương.

Sau khi bố mất, mới 6 – 7 tuổi, nhưng bà nội tự mình xuống làng Cổ Tiết (cách làng tôi 6 – 7 km) nhận quê cha. Sau bà lấy ông nội, nhưng bất hoà, lại trở về nương nhờ cửa Phật, rồi ông nội lại tìm về. Nhưng khi gia đình trục trặc, bà lại mang con về chùa, rồi cùng bạn đi làm thuê làm mướn. Một lần sơ ý, em trai của bố tôi mới 1 – 2 tuổi đã chết ở cửa chùa. Thời gian sau, bà mới về ở hẳn với ông tôi. Mấy chị em bà đều có duyên với cửa Phật. Hai người chị gái cũng nương tựa ở chùa Cổ Tiết dưới sự bảo bọc của sư trụ trì chùa là cụ Bùi Thị Thông – em gái cụ ngoại của các bà, vốn nổi tiếng xinh đẹp.

Có lẽ thời gian ở chùa khá lâu, nên sau này, dù cuộc sống vất vả, nhưng ít khi bà tôi than thân trách phận. Bà mất khi tôi mới 6 – 7 tuổi, nhưng mỗi khi về chùa, tôi như lại cảm nhận hình bóng bà nội quanh quẩn. Dường như bà chỉ vừa chạy ra cầu ao rửa chân hay ra sân đình hái ít lá dâu, quành ra sau chùa cắt rổ cỏ cho lợn….

Dạo này, mẹ tôi hay ốm đau, nhức mỏi toàn thân, hết phong tê thấp lại đau dạ dày, thần kinh toạ, huyết áp cao…cũng do làm lụng quá vất vả. Bà ngoại tôi không tín, nhưng bảo mẹ tôi ngày rằm mồng một chịu khó lên chùa, đội bát hương. Sau mỗi lần như thế, mẹ tôi thấy thanh thản hơn.

Chắc chắn, cả các cụ, các bà và mẹ tôi lên chùa một điều “A di đà Phật” hai điều “Nam mô Quan Thế Âm đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn” nhưng không biết Phật Thích Ca Mau Ni thuyết pháp ra sao, kinh Phật thế nào mà chỉ biết cầu trời khấn Phật để mong mình và gia đình may mắn.

Vừa qua, chùa làng đã được xây toàn bộ tường bao và làm cổng tam quan hết gần 100 triệu đồng, nạo vét ao thả sen, trồng hoa, chuẩn bị thỉnh sư về trụ trì, nhưng đáng buồn là vườn chùa thay vì trồng cây ăn quả lâu năm, hoa, cây cảnh thì người ta lại cho mấy gia đình thuê để trồng rau, hành ớt tỏi…Họ bón phân, phun thuốc trừ sâu mù mịt cả chùa. Rồi chùa được đại tu, nhưng sau khi xong thì ngôi chùa xưa đã chết, chỉ còn thứ kiến trúc nửa chùa, nửa nhà thờ họ, xanh xanh đỏ đỏ – nói như một cán bộ làm ở bảo tàng  tỉnh và  chỗm chệ tượng sư tử đá Tàu.

Tự nhiên, tôi thấy mình thật ích kỷ. Tôi muốn ngôi chùa cứ mãi thế này. Tôi sợ tiếng mọt kẽo kẹt ở những dầm, xà gỗ, nhưng cũng sợ những cuộc đón rước linh đình, những buổi tế lễ, cỗ bàn ngồn ngộn mùi tục luỵ, sợ ngôi chùa sẽ biến hình như người ta đã hô biến cả ngồi đình lớn, hàng trăm năm tuổi, chặt phăng những cây muỗm cổ thụ mà gốc gần chục người ôm; sợ ngôi chùa với những bậc thềm rêu xanh in ngấn nắng chiều sẽ xanh đỏ tím vàng, lập loè điện màu; lại thêm điện Mẫu, lầu cô, gác cậu với rồng chầu, phượng hí bằng beton cốt thép.

Tất nhiên, tôi hiểu rằng hình ảnh vật chất chỉ là sự khúc xạ của ý thức. Mỗi thời kỳ người ta sẽ cần và có những hình ảnh phù hợp nhất với sự điều chỉnh của ý thức trong đời sống.

Người ta xây được ngôi chùa với bộ khung dầm bằng gỗ quí, với đầu đao cong vút thì cũng xây được ngôi chùa đúc beton mái bằng hoành tráng, mái củ hành hay mái chóp vàng rực, sáng lóa. Nhưng chắc chắn tôi không thể yêu được một ngôi chùa kiểu ấy như ngôi chùa kèo cột để mộc chạm vào là mát rượi, quết thành năm tháng, mái ngói vảy cá thâm nâu có con chim sẻ tha từng cọng rơm khô làm chỗ trú chân.

Vì tôi nhớ từng cây nhãn thân mốc thếch, xù xì trước cửa chùa. Những cây nhãn đã cỗi, nhưng vẫn nở bừng hoa vàng ươm kéo ong về rù rì gọi mật, chưa kịp kết quả căng tròn đã bị lũ trẻ ranh, háu đói chúng tôi phá tan hoang. Vì tôi nhớ cây táo tỏa bóng một khoảnh sân, thân bạc thếch, tằn tiện những quả đơn đớt; sau này vì mở lối đi người ta chẳng ngại ngần đào tung lên.

Mong sao mỗi năm giao thừa tôi lại có mặt tại nhà, thư thái ở chùa làng nhìn ngắm dòng người, nhất là các bạn trẻ sánh vai nhau thành kính và hồn nhiên đi lễ chùa.

Liệu có cao xa gì?!