Trang chủ Tết Việt Phong tục Trồng Tết

Trồng Tết

130

Xuân về, Tết đến…

Một mùa Xuân hai mươi lăm năm trước, tôi đang ở trên một quê hương mà ngày đầu năm, mùa Tết mang một ý nghĩa trọng đại trong cả lòng người và vạn vật.  Rồi tôi bỗng hụt hẫng khi đi qua một vùng đất lạ mà những ngày như thế chẳng mang một ý nghĩa gì cả. Mồng Một Tết – cũng chỉ là một ngày bình thường – như mọi ngày theo kim đồng hồ lững thững trôi qua.

Bé Thư ngày đó hỏi một câu thật bất ngờ:

– Ba ơi! Mỹ có trồng Tết được không ba?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Trồng Tết? Tết là… là… làm sao trồng được hở con?

Tôi không biết phải gọi tên, định nghĩa Tết là gì cho hợp người, hợp cảnh, hợp với sự nhận biết của một người chưa từng có kinh nghiệm "ăn Tết" trên quê hương Việt Nam. Ngay cả những nhà ngôn ngữ học tài danh xứ Anh, xứ Mỹ cũng chỉ có thể gọi cái Tết Việt Nam bằng cái tên cúng cơm nguyên thủy là "the Tet of Vietnam" mới lột tả được khái niệm tròn đầy của nó. Bé Thư nhìn Tết với đôi mắt trẻ thơ. Vì trẻ thơ nên hồn nhiên và không dính mắc, mới đủ tươi mát để cảm nhận xuyên suốt cả mùa Xuân:

– Trồng Tết là trồng cây Mai cho có bông, trồng cây chuối cho có lá mà gói bánh như mệ nội, o Thuyền dưới làng đó Ba tề.

Ý nghĩ của tuổi măng non thật ngộ nghĩnh. Ngày đó, tôi đã đóng khung lòng mình bằng hoài niệm. Tôi mang nỗi nhớ không nguôi nhốt trong chiếc lồng định kiến để tự cho rằng, "làm gì có Tết trong lòng người đi!" Có chăng một hình ảnh Tết mang theo là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi xót xa của sự mất mát lạc loài sạch nhẵn. Hình ảnh lễ hội tưng bừng của ngày Tết chỉ còn là dư vang quá khứ mà thôi.

Cuộc sống đời thường thì đang thay đổi như chong chóng trong vòng "không-có, có-không" qua từng chớp mắt mà định kiến của con người thì lại đóng khung trong cách kiểu tượng đài ngỡ như thường hằng bất biến. Niềm vui tươi mới của con người mang nhiều định kiến thường bị đóng băng trong lúc những mùa Xuân tươi mầm, xanh lá vẫn xôn xao đi về không ngớt. Làm người xa xứ trong mùa Tết, tôi cứ sống hoài trong quá khứ. Ý nghĩ "đất lề quê thói" già khằn và mỗi ngày một khô quắt trong tôi. Ý nghĩ về làng xóm, phố phường xinh đẹp nhất; con vịt con gà thơm ngon nhất; nãi chuối buồng cau tươi ngọt nhất chỉ có trên quê hương mình… bao năm làm tôi không "lớn" nổi để thật sự làm khách ly hương trọn vẹn ở xứ người.

Tết đã mất trong lòng người đi chăng? Khi tự hỏi "mất chưa" là đã tự trả lời trong nỗi bâng khuâng nhận ra rằng… đã mất! Nỗi thương nhớ sụt sùi xa xứ rất "mít ướt" đó chỉ còn là nỗi nhớ – một nỗi nhớ liên tưởng thuần cảm tính – rằng:  Nhớ Tết là nhớ quê hương; nhớ quê hương là nhớ Mẹ; và… nhớ làm thơ (rất chi là Nguyễn Bính) để khỏi làm thinh:

Bóng Mẹ khuất rồi Xuân vẫn đến
Mưa trời đang rũ bụi bên sông
Mẹ ơi trong bóng Giao Thừa cũ
Con nhớ ngàn xưa dáng Mẹ trông…

 
Tôi yên chí như thế cho đến năm thứ 5 sống trên đất Mỹ. Lần đầu tiên đi viếng phố Tàu (China Town) ở San Francisco trong chiều Ba Mươi và Mồng Một Tết. Tiếng trống múa lân và pháo Tết nổ ran khắp các dãy phố từ nhà này sang nhà kia không ngớt. Cảnh sát gốc da trắng và Á châu tuần tra quanh các khu phố cười toe với lời chúc xôi đậu điển hình cho Năm Mới: "Happy New Year -Cung Hỷ Pạt Chòi!" không ngớt trên môi. Cả khu phố Tàu rộng lớn tràn ngập mầu sắc rực rỡ của đèn lồng, bánh mứt, cây trái, hoa kiểng… ngày Xuân. Hình ảnh Chợ Tết và cảnh Ăn Tết của Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông, Chợ Lớn… đang ngự trị nơi đây. Tết Trung Hoa đã được gieo trồng và mọc lên trên đất. Mỹ từ những năm 1850, khi từng đợt người Trung Hoa đặt chân lên châu Mỹ để làm thuê, làm mướn, tìm vàng hay lao động làm đường ray xe lửa. Hơn một trăm năm sau mới có bước chân người Việt Nam đặt lên xứ này. Những hạt mầm Tết truyền thống Trung Hoa gieo xuống đất này hơn cả trăm năm trước bây giờ đã mọc lên thành cây đại thụ. Dường như khi những hạt mầm truyền thống còn tươi và khi chất phù sa của tấm lòng chưa cạn kiệt thì những chồi xanh văn hóa có thể nẩy mầm, đâm nhánh và mọc lên khỏe mạnh bất cứ nơi đâu.

 

Tôi lại liên tưởng đến ý nghĩ trẻ thơ "trồng Tết" của bé Quan Thư. Năm sau, tôi bắt đầu "trồng Tết".  Trồng – trên quê hương Việt Nam – mang ý nghĩa là gieo mầm (trỉa hạt) hay chuyển cành (cùi). Quản Trọng, nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu, có nói đến "nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân" (kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa, kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây, kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người) mà không nghe nói "trồng Tết" phải mất bao lâu.

Tôi trồng Tết bằng phương pháp chuyển cành.  Nghĩa là cành mới, được chiết ra từ gốc cũ. Như khái niệm về Hoa Xuân chẳng hạn – Tại sao phải dính chặt vào Hoàng Mai một khi những rừng mai dại và những vườn mai khôn không thể mọc được ở bờ đất bên này. Sao lại không thể thay bằng anh đào, hoa đào, thủy tiên, quince, tulip, huệ, hồng đại đóa… Tuy những loài hoa Xuân mới ấy không e ấp như Mai Vàng "xóm cũ" nhưng vẫn vươn mình nở nang và đầy tròn mời đón mùa Xuân nơi đây.

Trà, mứt, bánh, trái, thịt mỡ, dưa hành… câu đối đỏ tìm đâu cũng có trong các chợ Tàu và phố Tàu bày bán la liệt. Tại sao phải chăm bẵm trụ vào "vườn rau trước ngõ, bụi chuối sau hè" không hề có ở nơi này.

Và, xa hơn nữa là khái niệm "trồng Tết" trong ý nghĩa "trồng Người". Tết truyền thống Việt Nam đã từng bước theo người Việt Nam bén rễ và đâm chồi nẩy lộc trên vùng đất mới. Mặc dầu tại các nước phương Tây, chẳng có một nơi nào có ngày nghỉ cho Tết cả. Thế nhưng, nơi đâu có người Việt, nơi đó có hương vị Tết lai vãng trong dịp Xuân về.  Nếu không có Hội Tết, Chợ Tết hay các hình thức cung nghinh Tết tập thể với một quy mô lớn như tại những vùng có đông người Việt ở thì ít nhất cũng có chậu hoa, tờ báo, cuốn lịch, điện thoại chúc Tết… nhắc nhở Tết đến. Tại các nước Âu Mỹ, nhất là tại xứ Cờ Hoa này, chỉ trong những năm gần đây thôi, người Mỹ mới bắt đầu biết tới Tết Việt Nam (Vietnamese New Year), thay vì gom hết cả mùa Tết trong cụm từ "Năm Mới Tàu" (Chinese New Year) như họ đã quen nhìn trong hơn cả trăm năm qua.

So với người Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Lào, Thái, Campuchia tổ chức đón Năm Mới của họ, người Việt Nam khắp nơi phải tự hào về tinh thần sáng tạo và cách "trồng Tết" mềm dẻo, đa dạng của những cộng đồng người Việt xa quê. Nhiều hình thức lễ hội vui chơi, quảng cáo, trưng bày, thi đua… trong mùa Tết vừa truyền thống, vừa cải tiến đầy dấu ấn cuốn hút của cả Ta và Người!

Tuy mỗi người tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sinh sống mà "trồng Tết" bằng cách riêng của mình, nhưng hoa trái Tết thì vẫn giống nhau vì có hạt giống chung dòng. Hạt giống để "trồng Tết" đối với người Việt ở nước ngoài hầu nhưng đã có sẵn trong lòng người đi. Hạt giống Tết đó cũng là mầm kế thừa điển hình nhất trong bản sắc (identity) dân tộc Việt Nam.

Càng sống xa quê hương, câu hỏi mà thường ngày ít ai chú ý khi còn ở quê nhà càng hiện rõ. Đó là câu hỏi: "Bản sắc dân tộc Việt Nam là gì?"

Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa và văn minh làng xã nên quá trình hình thành bản sắc khởi nguyên từ đơn vị cơ bản xương sống là Làng. Có thể nói một cách tổng quát mà không sợ bị cho là cường điệu qua khái niệm "làng đâu trâu đấy" rằng: Một người Việt khi nói sinh trưởng ở làng nào là đã giới thiệu một phần "bản sắc cá nhân" của người đó. Bản sắc dân tộc là một tập đại thành bản sắc của mỗi người dân.

Tuy nhiên, khi chỉ có một mình dân ta trên quê hương ta thuần túy chủng tộc Việt, câu trả lời thông thường vẫn không đi xa hơn những phẩm chất chung chung mà dân tộc nào cũng có. Chẳng hạn, nói về mặt đạo đức, tình cảm, phong cách… tích cực của người Việt Nam thì những đức tính như lương thiện, tín nghĩa, trung thành, hiếu thảo, can đảm, cần cù, nhẫn nại… được nhắc đến rất thường xuyên và tự nhiên. Thế nhưng khi người Việt xuất hiện trong bối cảnh chung của một nền văn hóa hợp chủng như Mỹ thì rõ ràng những phẩm chất và nét nhân văn vừa nêu cho người Việt thì đồng thời cũng là những phẩm chất chung mà dân tộc nào cũng tự nhận mình đang có.

Nếu một người Mỹ da trắng hỏi rằng, bản sắc dân tộc Việt Nam có gì khác với các dân tộc châu Á lân bang khác như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn… thì câu trả lời sẽ không còn đơn giản như khi người Việt đang ở giữa quê nhà.

Câu hỏi "Bản sắc dân tộc Việt Nam là gì?" ngỡ như chỉ là một câu hỏi nhỏ, đơn giản khi ta còn trên quê hương ta, sẽ trở thành một câu hỏi lớn, phức tạp khi ta ở trên quê người. Cho đến thời điểm hôm nay giữa thế kỷ 21, những người Việt xa quê vẫn còn lúng túng khi có người hỏi câu hỏi này. Như ngày xưa, khi nói về Tết, Năm Mới chẳng hạn, chúng ta thường chỉ đơn giản nghĩ đến Tết Ta theo âm lịch và Tết Tây theo dương lịch cũng gọi là đủ. Mãi cho đến khi sống chung với các dân tộc khác giữa cộng đồng thế giới, chúng ta mới thấy là "hàng xóm láng giềng không giống như ta". Người láng giềng Nhật bỏ "tết Ta" theo "tết Tây" từ năm 1873. Anh hàng xóm Lào, Campuchia theo lịch Gregorian để mừng năm mới vào giữa tháng 4. Chú bạn Hờ-Mông mừng Tân Niên sau mùa gặt cuối Xuân; qua Mỹ hết gặt hái thì chọn ngày "đầu năm" lửng lơ, du mục không nhất định.

Cho nên, trồng Tết cũng là trồng bản sắc dân tộc nơi xứ người vì bản sắc dân tộc là một hệ thống giá trị truyền thống linh động (dynamic traditional values system) của một dân tộc. Trồng Tết là mang hạt giống của hệ thống giá trị Việt Nam gieo vào lòng ta và con cháu chúng ta không quên gốc. Và cùng lúc, gieo vào tầm nhìn của những người xứ khác mầm giống ấy để giới thiệu con nước thuần túy Việt Nam trong dòng chảy muôn vẻ muôn màu của thế giới.