Thời gian ở trong bụng mẹ quả thật tuyệt vời. Mình chẳng phải lo lắng đến chuyện ăn uống. Từng cơn nóng lạnh được che chở. Chuyện học hành, làm lụng cũng không đụng tới. Trong bụng mẹ thật an toàn biết mấy. Không phải lo lắng điều gì. Mà không lo là điều tuyệt nhất. Tôi nghĩ nhiều người vẫn còn tiếc nuối thời gian nằm trong bụng mẹ. Nhiều người có cảm giác rằng đã có một lần được sống trong một thiên đường yên ổn, diệu kỳ, và giờ đây đã đánh mất thiên đường này. Họ nghĩ chắc có một nơi đẹp đẽ, an lành như thế ở đâu đó bên ngoài, nơi ấy chẳng còn chi để lo sợ, và mong ước được trở lại chốn đó. Trong tiếng Việt, dạ con còn được gọi là “tử cung” có nghĩa là “cung điện của đứa con”. Thiên đường ngày xưa là ở trong bụng mẹ.
Nằm trong bụng, mình được mẹ lo cho hết. Mẹ ăn, mẹ uống cho mình. Mẹ thở cho mình từng hơi thở vào ra. Tôi nghĩ có lẽ mẹ nằm mơ cả cho mình nữa. Tôi mường tượng chắc mình cũng mơ những gì mẹ đang mơ. Nếu mẹ cười chắc mình cũng cười. Và nếu trong giấc mơ gặp khốn đốn mẹ khóc, mình hẳn cũng khóc theo mẹ. Mình cười khóc theo từng giấc mơ lành, từng cơn ác mộng của mẹ, bởi vì mẹ và mình đâu phải là hai. Mình dính chặt với mẹ qua cuống nhau, hay sợi dây rốn. Qua dây rốn này mẹ đã cho mình thức ăn, nước uống, tất cả mọi thứ, kể cả lòng yêu thương của mẹ. Có lẽ khi có thai mình, mẹ đã chăm sóc thân thể mẹ kỹ càng hơn. Mẹ đi đứng nhẹ nhàng. Có lẽ mẹ đã bỏ uống rượu và hút thuốc. Một cách thể hiện tình yêu thương của mẹ thiết thực nhất. Mình chỉ mới trong bụng mẹ chưa được chào đời mà đã được dành cho biết bao là trìu mến.
Mẹ nuôi dưỡng mình cả trước khi mình ra đời, nhưng nhìn thật sâu thì thấy lúc đó mình cũng đang nuôi dưỡng mẹ mình. Nhờ có mình trong bụng mà mẹ tươi cười, yêu đời thêm. Ba cũng thế. Mình chưa làm được gì, thế mà riêng sự có mặt của mình cũng đã nuôi dưỡng ba mẹ rồi. Cuộc đời của ba mẹ dường như đổi khác từ ngày mẹ có thai mình. Có lẽ mẹ cũng nói chuyện với mình cả khi mình chưa chào đời. Và tôi tin chắc rằng lúc đó mình đã nghe được mẹ và đáp ứng lại mẹ. Có những lúc mẹ lơ là dường như quên đi sự có mặt của mình trong bụng. Lúc đó mình đạp một cái để nhắc mẹ. Cái đạp là tiếng chuông chánh niệm giúp mẹ nhớ ra và mẹ dỗ dành mình: “Cưng à, mẹ biết con mẹ đang có mặt trong đó, và mẹ hạnh phúc biết bao, con yêu ơi”. Đó là câu thần chú yêu thương thứ nhất.
Rồi đến ngày chào đời, ai đó cắt cuống nhau cho mình. Và có lẽ đó là lúc mình cất tiếng khóc đầu tiên trong đời. Bây giờ mình phải tự thở một mình. Bây giờ mình phải tập làm quen với mọi thứ ánh sáng chung quanh. Bây giờ lần đầu mình mới biết thế nào là đói. Ra ngoài rồi mà mình vẫn còn như trong bụng mẹ. Mẹ ôm hôn mình với hết cả tình thương. Và mình cũng bấu chặt mẹ. Mình cũng chưa sống thiếu mẹ được. Rồi mẹ cho mình bú. Mẹ chăm sóc ngày đêm. Dù cuống nhau giữa mẹ con không còn, mình vẫn còn được nối với mẹ bằng một sợi dây máu mủ thâm tình.
Khi trưởng thành, mình phải phấn đấu gay go với chính mình để tự thuyết phục rằng mình và mẹ là hai cá thể biệt lập. Nhưng sự thật không phải vậy. Mình là sự tiếp nối của cha mẹ mình. Khi thiền quán, tôi thấy cuống nhau vẫn còn nối tôi với mẹ. Khi quán chiếu sâu, tôi thấy được những sợi dây rốn vẫn nối tôi với vạn hữu trong đời. Mỗi sáng mai, mặt trời mọc cho ta ánh sáng và hơi ấm. Thiếu những thứ đó, ta không thể tồn tại.
Như thế là đã có cuống nhau nối mình với mặt trời. Một cuống nhau khác nối mình với những đám mây trên trời. Nếu không có mây, mình sẽ không có mưa và nước để uống. Không có mưa, mình sẽ không có sữa, trà, cà-phê, không có cà-rem, không có gì hết. Có một sợi dây rốn nối liền mình với dòng sông, một sợi dây khác nối mình với rừng cây. Nếu tiếp tục quán chiếu như vậy, mình sẽ thấy mình dính liền với mọi sự và mọi người trong vũ trụ này. Sự sống của mình tùy thuộc vào sự sống của tất cả mọi hiện hữu khác – không phải chỉ tùy vào mọi sinh vật mà vào tất cả cây cỏ, đất đá, không khí, nước và đất.
Giả thử mình gieo một hạt bắp và chừng một tuần sau hạt bắp nảy mầm và nhú lên đọt non. Khi cây bắp vươn cao, mình không còn nhận ra được đó là hạt bắp mình đã gieo ngày nào. Nhưng nếu nói rằng hạt bắp đã chết thì không đúng. Bằng đôi mắt của Bụt, mình sẽ thấy rằng hạt bắp vẫn còn sống nơi thân cây bắp. Thân bắp là sự tiếp nối của hạt bắp về hướng tương lai, và hạt bắp là sự tiếp nối của thân bắp về hướng quá khứ. Hai thứ ấy không phải là một, nhưng cũng không phải hoàn toàn khác biệt nhau. Mình và mẹ mình không phải là một người, nhưng không phải là hai người hoàn toàn khác biệt. Đó là một chân lý về tính tương thuộc, mọi vật nương vào nhau mà sống. Không ai có thể tồn tại biệt lập. Là mình, chúng ta đồng thời là tất cả những thứ khác. Để có mặt, để hiện hữu, chúng ta phải cùng nhau có mặt, cùng nhau hiện hữu. Đạo Bụt gọi đó là tương tức.
Trong bụng mẹ, thân ta không phải chịu nhiều căng thẳng, nên vẫn còn mềm mại, dẻo dai. Nhưng khi vừa mới chào đời, sự căng thẳng ập đến, có khi từ hơi thở đầu tiên. Để buông thư nhưng căng thẳng nơi thân, ta phải buông thư những căng thẳng nơi hơi thở. Nếu thân ta không bình an thì hơi thở ta cũng không được bình an. Khi chúng ta phát khởi được năng lượng của chánh niệm và ôm ấp được hơi thở thì phẩm chất của hơi thở vào ra của ta sẽ được cải thiện. Thở chánh niệm thì hơi thở trở nên êm dịu và sâu lắng hơn. Sự căng thẳng nơi hơi thở tan biến mất. Khi hơi thở đã nhẹ nhàng, mình có thể chăm sóc và làm lắng dịu hình hài. Bụt gọi đó là làm cho thân ta “an tịnh”.
Có một kinh Pali tên là Kayagatasati Sutta, tức “Kinh Niệm Thân”. Trong kinh này, Bụt dạy ta phép thực tập để buông thư từng bộ phận của cơ thể cũng như của toàn thân. Bụt dùng hình ảnh của một bác nông dân leo lên kho và đem xuống một bao đựng đủ các loại hạt. Bác nông dân mở đầu bao và để các loại hạt tuôn ra. Với đôi mắt còn rất tinh tường, bác có khả năng phân biệt được các loại hạt và thấy được đây là đậy xanh, đây là đậu ngự, v.v… Bụt khuyên ta hãy học cách chú tâm như bác nông dân nọ.
Trước hết, bạn hãy nằm trong tư thế thoải mái, chú ý đến toàn thân, sau đó tuần tự xem xét từng bộ phận một của cơ thể. Bắt đầu từ đầu hay tóc trên đầu lần lượt xuống đến các ngón chân. Bạn có thể nói: “Thở vào, tôi đang ý thức về bộ óc của tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với bộ óc của tôi”. Tiếp tục như thế cho đến khi nhận diện được hết các bộ phận trong cơ thể. Như người nông dân đang xem xét các hạt đậu, bạn hãy chiếu soi từng cơ phần cơ thể mình, không phải bằng quang tuyến X, mà bằng ánh sáng của chánh niệm. Chỉ cần mười lăm phút, từ từ bạn có thể soi chiếu toàn thân với năng lượng của chánh niệm.
Khi một bộ phận trong cơ thể được nhận diện và ôm ấp bởi năng lượng chánh niệm, tỉnh giác, bộ phận ấy dần dần thư giãn ra, và sự căng thẳng được lắng dịu. Thế nên mỉm cười là cách tốt nhất để giúp cho thân thư giãn. Nụ cười thuở ban sơ trong bụng mẹ hẳn là những nụ cười hết sức thoải mái. Trên mặt ta có hàng trăm bắp thịt, mỗi lần giận hay sợ, những bắp thịt này bị căng thẳng rất nhiều. Nhưng nếu ta biết thở; thở vào để nhận diện các bắp thịt trên mặt, thở ra mỉm cười với chúng, ta có thể giúp chúng thư giãn rất nhiều. Với một hơi thở vào, và một hơi thở ra, khuôn mặt ta đã có thể được biến đổi. Mỗi nụ cười có thể đem đến một phép lạ.
Nếu trong lúc đang soi chiếu, có một bộ phận nào đó của cơ thể bị bệnh hay đau nhức, ta hãy tập trung tâm ý lâu hơn ở đó. Ta có khuynh hướng vội vàng đi phớt qua những chỗ đau. Nhưng vội vàng như thế chỉ làm gia tăng căng thẳng chứ không giúp làm cho những nơi ấy được êm dịu và chữa trị. Nếu ta biết dành thì giờ cho những chỗ đau, ôm ấp những nơi ấy với năng lượng chánh niệm, mỉm cười với chỗ đau, thì sự căng thẳng sẽ giảm được nhiều. Làm được như thế, chỗ đau sẽ rất chóng lành.
Có thể thân mình đang đau nhức lắm. Chánh niệm giúp mình nhận diện được đây chỉ là cái đau nhức của thân. Bụt có dạy về mũi tên thứ hai qua câu chuyện một người bị tên bắn rất đau. Giả sử có một mũi tên thứ hai lại bắn đúng vào ngay chỗ đó. Sự đau đớn hẳn phải tăng lên gấp cả trăm lần, vì người này đã bị thương sẵn. Đã bị thương rồi mà còn lo lắng, sợ hãi, cường điệu hóa, tức giận về hành động gây ra thương tích, thì có khác nào rước thêm một mũi tên thứ hai khiến cho vết thương càng thêm trầm trọng. Vậy nếu bạn đã bị trúng tên rồi, hãy thực tập chánh niệm để cho mũi tên của lo lắng, sợ hãi… không đến cắm trúng vào nơi thương tích.
Trong “Kinh Niệm Thân”, Bụt khuyên ta hãy ý thức rõ về sự có mặt của tứ đại nơi thân ta. Trong bụng mẹ, bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa này hoàn toàn quân bình. Bà mẹ điều hòa cho cái thai, cung cấp dưỡng khí, thức ăn trong khi đứa con nằm nghỉ ngơi trong dung dịch nước. Khi được sinh ra, nếu có sự điều hòa trong bốn đại thì sức khỏe của mình rất tốt. Nhưng thường thì các yếu tố không được quân bình; chúng ta lạnh không sao ấm nổi, hoặc không thở được cho tròn. Bằng hơi thở chánh niệm, ta có thể tái lập lại quân bình một cách tự nhiên giữa các yếu tố này một cách tự nhiên.
Bụt cũng có dạy ta hãy ý thức rõ về tư thế và hoạt động của thân. Trong khi ngồi thiền, cái đầu tiên phải ý thức rõ là mình đang ở trong tư thế ngồi thiền. Rồi sau đó ta có thể ngồi cách nào cho được an tịnh, vững chãi và khỏe khoắn. Trong mỗi phút giây, ta có thể nhận diện được tư thế của thân, dù đang ngồi, đi, đứng hay nằm. Ta có thể ý thức rõ về các hoạt động của ta, như đang đứng lên, cúi xuống hay đang mặc áo. Ý thức tỉnh giác mang ta trở về với chính mình. Khi chúng ta hoàn toàn có chánh niệm về thân, và sống trọn vẹn bây giờ và ở đây thì chúng ta đang ở trong quê hương đích thực của mình.
BẠN CÓ BIẾT bạn có một quê hương đích thực? Câu hỏi này đặt ra cho tất cả mọi người. Ngay cả khi bạn có cảm giác mình không thuộc vào một đất nước, một dân tộc nào, không thuộc một di sản văn hóa nào, một chủng tộc nào, bạn vẫn có một quê hương đích thực để quay về. Khi bạn ở trong bụng mẹ, mình cảm thấy yên ổn. Có lúc mình mơ ước trở về chốn ấy để được an lành, bảo bọc. Nhưng giờ đây, chính trong thân thể này, mình có thể quay về.
Quê hương đích thực của mình là nơi này và ở đây. Nó không bị giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc tịch hay chủng tộc. Quê hương đích thực của mình không phải là một ý niệm trừu tượng. Đó là một cái gì bạn có thể tiếp xúc và sống với nó từng giây từng phút. Với niệm và định, các nguồn năng lượng của Bụt, bạn có thể nhận ra quê hương đích thực trong sự an trú thân tâm trong phút giây hiện tại. Không ai có thể lấy đi quê hương đích thực của mình. Người ta có thể xâm lăng chiếm cứ đất nước của mình, thậm chí nhốt mình trong tù ngục, nhưng người ta không thể nào lấy đi quê hương đích thực và sự tự do của mình.
Khi chúng ta ngừng lại sự nói năng và suy nghĩ để chuyên chú vào hơi thở vào-ra, chúng ta đang an trú trong quê hương đích thực của mình, và có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Đây là con đường Bụt đã chỉ bày cho chúng ta. Khi thở vào, ta gom hết thân tâm về một mối; ta trở thành một. Đã được trang bị với năng lượng của niệm và định rồi, ta có thể cất bước đi. Ta có được tuệ giác đây là quê hương đích thực của mình – ta thực sự có mặt trong sự sống, ta thực sự tiếp xúc với sự sống như một thực tại. Quê hương đích thực này là một thực tại chắc nịch, mình có thể sờ mó được bằng chân, bằng tay và cả bằng tâm ý.
Mình cần phải tiếp xúc cho được quê hương đích thực của mình và nhận ra quê hương đích thực của mình trong cái bây giờ và ở đây; đó là điều thiết yếu cơ bản. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của niệm và định. Bằng hơi thở ý thức và bằng bước chân chánh niệm, mình có thể đưa tâm trở về với thân. Trong đời sống hàng ngày, tâm và thân thường đi theo hai hướng khác biệt. Mình nằm trong trạng thái xao lãng, ý một đàng thân một nẻo. Thân đang mặc áo thì tâm bận rộn chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Thế nhưng giữa tâm và thân có một gạch nối: đó là hơi thở. Mình chỉ cần quay về với hơi thở, thở cho thật chánh niệm thì chẳng mấy chốc thân và tâm có thể hợp nhất. Khi thở vào, mình không nghĩ gì hết; mình chỉ chú tâm vào hơi thở vào. Tập trung tâm ý, đầu tư một trăm phần trăm thân tâm vào hơi thở vào. Hơi thở với mình là một. Sự tập trung trên hơi thở vào này là một định lực sẽ đưa thân tâm về lại với nhau trong khoảnh khắc. Và bỗng nhiên ta thấy mình đang có mặt tròn đầy, sinh động. Không còn nỗi khát khao được quay về nằm trong bụng mẹ, quay về thiên đường tuyệt hảo. Ta đã về rồi trên quê hương đích thực của mình.
(Bài tập Thiền buông thư, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn để giúp làm thư giãn thân tâm. Thật sự có mặt, thật sự tỉnh giác, ta thấy mình đã trở về. Bài này được dịch từ tiếng Anh trong tờ Shambhala Sun, March 28, 2006)