Phật tại tâm không có nghĩa là tâm ta đã giống tâm Phật
Tác giả đã từng hỏi một Phật tử: Bác có hay đi chùa không? Bác ít đi. Bác quy y rồi sao bác ít đi chùa. Phật tại tâm mà cháu.
Có lần hỏi một chị khác đi lễ chùa Quán Sứ: chị đi chùa chị có bao giờ nghe giảng hoặc mua băng đĩa giảng đạo không chị? Không em ạ. Nếu chị đi chùa mà chị không học đạo thì chị không hiểu đạo đâu dễ rơi vào mê tín đấy.
Đi chùa cốt ở cái tâm, Phật tại tâm mà em.
Nhưng không hiểu những người có câu cửa miệng "Phật tại tâm" đã hiểu Tâm Phật là gì và làm thế nào để đạt tới cái Tâm Phật ấy?
Đúng là Phật tại tâm. Đức Phật dạy rằng ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành. Trong mỗi chúng ta đều có chủng tử của Phật, có hạt giống bồ đề. Mỗi chúng ta có nhân thành Phật nhưng có thành Phật không và khi nào thành Phật là cả một một vấn đề khác, phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành.
Phật tại tâm không có nghĩa là tâm ta giống tâm Phật mà khác nhau một trời một vực. Tâm Phật là tâm đại từ đại bi, tâm vô ngã vô chấp, tâm thanh tịnh tâm giác ngộ viên mãn còn tâm ta đầy những tham sân si chấp ngã. Trong kinh Pháp hoa mọi chúng sinh đều là sen. Nhưng Phật là hoa sen nở toàn diện đầy sắc hương, chúng ta chỉ là hạt sen mầm sen mà thôi.
Ta là Phật, chúng sinh cũng sẽ là Phật giống như việc chúng ta và Phật đều là vàng. Nhưng chúng ta là vàng trong quặng còn lẫn nhiều tạp chất còn chưa có giá trị. Phật là vàng nhưng vàng đã tôi luyện qua thử lửa thửa than, vàng đã được mài dũa trở nên quý báu.
Phật tại tâm không phải là đi chùa cốt ở cái tâm thành thì Phật mới chứng, thì mới linh nghiệm cầu gì được nấy.
Phật tại tâm không phải là tâm ta đã giống tâm Phật rồi thì chủ quan đi chùa không cần phải học hỏi giáo lý không cần phải tinh tấn trên bước đường tu tập, vì trước sau gì cũng thành Phật.
Phật tại tâm là tâm ta giống tâm Phật, có cùng bản thể thanh tịnh. Nhưng do nghiệp huân tập, do thâm sân si mà nó che lấp mất. Như viên ngọc đã bị lớp bụi mà che lấp mà không thấy ngọc sáng trong.
Trách nhiệm của người Phật tử là ngày ngày lau chùi lớp bụi mờ đó cho ngọc ngày càng sáng hiện ra.
Phật nói Phật tại tâm khuyên chúng ta không phải cầu Phật ở nơi đâu mà quay về chính nơi chân tâm Phật tính của mình, thanh tịnh thân tâm mình để thấy được Phật và gặp Phật.
Ta không ban phúc giáng họa cho ai, tự thắp đuốc lên mà đi
Với quy luật của vô thường, cái được cái mất, mọi thứ ta đang có đều trở nên mong manh, dễ vỡ, thiên tại bệnh tật luôn dình dập. Con người luôn phải đối mặt với những điều bất như ý, nhiều khi vượt qua khả năng giải quyết của mình.
Lúc đó con người cần đến một sự mầu nhiệm nào đó mới có thể giúp con người vượt qua được nó và như thế người ta tìm đến tôn giáo như một sự an ủi hoặc cho họ một tia hy vọng, một nguồn sáng phía dưới đường hầm.
Phần nhiều những người nhận mình là Phật tử và thường xuyên đi chùa nhưng cũng không hiểu đạo. Trong suy nghĩ của họ Phật và Bồ tát là những vị thần có đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa, bắt phong trần phải phong trần cho thanh cao mới được thanh cao vì vậy họ đi chùa cốt để cầu xin thật nhiều.
Giờ đây chúng ta nói Đức Phật không ban phúc giáng họa cho ai, mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi thì ngay lập tức họ sẽ mất niềm tin vào Phật pháp họ sẽ không đi chùa nữa thậm chí bỏ đạo.
Do vậy tùy vào căn cơ của mỗi người chúng ta vẫn phải sử dụng phương tiện để dẫn dắt họ vào đạo và giảng giải cho họ hiểu dần dần. Giống như ở gia đình ta muốn cho con cháu đi lễ chùa từ nhỏ chúng ta có thể nói rằng con đi lễ chùa cùng ba mẹ, cùng nội hay cùng ngoại sẽ được Phật gia hộ cho sức khỏe, học giỏi, được mọi người yêu quý như thế mới hấp dẫn trẻ đi chùa sau này cháu lớn lên có nhận thức sẽ được giảng giải chân lý nhà Phật.
Thực thế sự gia hộ của Phật và Bồ tát là có thực và rất tinh tế mà nhiều khi chúng ta chưa nhận ra được.
Xem lại các bộ kinh Di Đà, Dược Sư, Phổ Môn, Địa Tạng thì các vị Phật và Bồ tát khi đã thành tựu được đạo quả các ngài đều vì lòng từ bi mà phát ra các đại nguyện để cứu độ chúng sinh. Có điều để nhận được sự gia hộ của Phật và Bồ tát thì không phải chúng ta cứ cầu xin mà có được. Sự gia hộ của Phật và Bồ tát cũng không nằm ngoài luật nhân quả.
Phật và Bồ tát là những vị có tâm đại từ đại bi, tâm vô ngã, thanh tịnh mà chúng ta cứ tham sân si hoài thì làm sao chúng ta cầu xin Phật và Bồ tát cho được. Các Ngài là thanh nam châm thì chúng ta cũng phải là thanh nam châm hoặc thanh kim loại chứ đừng là gỗ là đá thì làm sao mà có sức hút nhau.
Đức Phật Di Đà luôn chìa bàn tay ra cứu độ dẫn dắt về quốc độ Tây Phương cực lạc của ngài nhưng chúng ta có chịu chìa bàn tay ra không? Phật thương chúng sinh như mẹ thương con, mẹ nhớ con nhưng con không nhớ mẹ thì làm sao mẹ con gặp được nhau.
Muốn nhận được sự gia hộ của ngài thì mỗi người hãy học theo hạnh nguyện của các ngài, dần dần thanh tịnh thân tâm để cảm nhận được sự gia hộ của Phật và Bồ tát.
Thiểu dục tri túc không có nghĩa an phận
Muốn ít biết đủ rất phù hợp với người xuất gia để có thể tu trong mọi hoàn cảnh ngay cả trong điều kiện kham khổ thiếu thốn, đạm bạc.
Nhưng với phần đông dân chúng và Phật tử tại gia có nhu cầu không ngừng được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhu cầu đó cũng là một nhu cầu chính đáng, tạo động lực cho xã hội tiến lên. Nếu chúng ta giao giảng thiểu dục tri túc, hài lòng với thực tại thì sẽ làm cho Phật giáo xa lạ với thực tế, xa rời quần chúng.
Thiểu dục tri túc nên hiểu trong hoàn cảnh, trong điều kiện, trong khả năng giới hạn cho phép của chúng ta mà chúng ta đã nỗ lực phấn đấu nhưng không thể có kết quả hơn được nữa thì chúng ta biết chấp nhận thực tế và hài lòng với hiện tại. Mọi nố lực mong ước vượt ngoài khả năng sẽ chỉ gây thất vọng và đau khổ đúng như lời Phật dậy sở cầu bất đắc khổ.
Thiểu dục tri túc được hiểu là không vì sự ham muốn hẹp hòi ích kỷ, lòng tham không đáy, sự si mê vô độ của mình mà bất chấp mọi thủ đoạn, mọi việc làm xấu ác có thể xâm hại đến lợi ích của người khác.
Thiểu dục tri túc được hiểu không vì để thỏa mãn sự ham muốn và dục vọng của mình mà loài người có thể phá hủy môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, tận diệt các loài sinh vật khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: tôi có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao đất nước được tự do, người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành. Một ham muốn đó không phải là ham muốn tham lam mà là một ham muốn của một người có tấm lòng Bồ tát.
Do vậy những ham muốn cho số đông cho cộng đồng, cho một xã hội tiến bộ hơn, văn minh hơn, cuộc sống con người đầy đủ hơn, tiện nghi hơn, tốt đẹp hơn thì đều là những ham muốn chính đáng và cần được khuyến khích bởi vì chính nó sẽ là động lực để xã hội phát triển.
Không sát sinh: Không nên hiểu một cách cứng nhắc
Đức Phật vì lòng từ bi vô hạn và không phân biệt nên người dậy Phật tử không sát sinh. Bởi vì mỗi chúng sinh đều bình đẳng đều có quyền sống và đều có tính giác thành Phật. Những bậc xuất gia tu hành sẽ dễ dàng thực hiện được điều đó. Phần đông dân chúng và cư sỹ tại gia còn có cuộc sống mưu sinh nên vẫn phải chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản mà chúng ta nói không được sát sinh hoặc sát sinh có tội thì sẽ xa rời thực tế.
Điều đó sẽ khó dẫn dắt họ vào đạo thậm chí một số Phật tử vì sợ phạm giới mà bỏ đạo. Vô tình chúng ta tạo cơ hội cho ngoại đạo dụ dỗ, lôi kéo cải đạo.
Vậy nên khi giảng đạo chúng ta không nên giảng giải giới không sát sinh một cách cứng nhắc mà phải linh hoạt uyển chuyển để có thể thuyết phục người nghe.
Không sát sinh nên được hiểu là tuyệt đối không được xâm phạm, hủy hoại hoặc tước đoạt mạng sống của người khác; là hạn chế sát sinh các loài vật và tiến tới từ bỏ không sát sinh để tăng trưởng lòng từ.
Trong điều kiện chưa bỏ được sát sinh thì không được sát sinh bừa bãi để gây ra thảm họa môi trường, tuyệt chủng, cạn kiệt nguồn sinh vật.
Không sát sinh là những lời nói hành động, việc làm đem lại cuộc sống an toàn cho người khác, không thờ ơ trước hoạn lạn của người khác.
Không sát sinh còn phải được hiểu là yêu hòa bình, không kích động cổ vũ chiến tranh, không gây chiến tranh xâm lược phi nghĩa.
Không sát sinh không có nghĩa là bỏ giáp quy hàng quân xâm lược để đưa đất nước một dân tộc một nền văn hóa bị diệt vong.
Nhìn lại lịch sử các nước Tây Á, Nam Á, Trung Á, Indonesia ta thấy trước đây vùng này là những vùng Phật giáophát triển cực thịnh có rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga kỳ vĩ nhưng sau đó Phật giáo đã lụi tàn trước vó ngựa xâm lăng của Hồi giáo.
Họ đã lợi dụng lòng từ bi và không sát sinh của Phật giáo để hủy diệt Phật giáo.
Lịch sử Việt Nam thời Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo, người người, nhà nhà là Phật tử. Đức vua Trần Nhân tông trước khi đắc đạo ngài đã 2 lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đứng lên chống lại đế quốc Nguyên Mông xâm lược.
Việc làm của ngài là giết một người để cứu muôn người, để bảo vệ sự tồn vong của cả một dân tộc. Đó là việc làm không phải là sát sinh.
Cũng như thế, Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu đã không trở thành vô nghĩa. Ngài đã thắp sáng ngọn lửa trí tuệ để thiêu đốt sự vô minh và cường bạo của chính quyền họ Ngô. Ngọn lửa của ngài hiến dâng cho sự trường tồn của Phật giáo trên đất Việt Nam này. Chính vì vậy mà ngài đã trở thành Bồ tát, trái tim ngày đã trở lên bất diệt.
Không sát sinh còn có nghĩa là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự sống cho muôn người.
Nhân thừa
Từ trước tới nay chúng ta chú trọng tới Bồ tát thừa. Đức Phật dậy Phật giáo có ngũ thừa gồm: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và bBồ tát thừa. Tùy theo căn cơ, trình độ tu tập, sức tu và ước nguyện kết quả tu hành của mình mà người hành giả Phật giáo sẽ chọn cho mình một đích đến phù hợp trong một trong năm thừa trên.
Người Phật tử ai cũng muốn tu tập để được giải thoát luân hồi sinh tử và cái đích tột cùng là giác ngộ thành Phật.
Ước muốn là một chuyện thành tựu được lại là một chuyện khác. Muốn quả nào thì người Phật tử phải gieo nhân đó, từ nhân đến quả là cả một quá trình và hội đủ nhiều nhân duyên, có một sự nỗ lực tinh tấn tu hành.
Ngay cả các bậc xuất gia cũng không thể chắc một đời một kiếp tu hành có thể đắc đạo thành Phật.
Vậy nên việc hoằng pháp cho Phật tử chúng ta phải luôn khế cơ khế thời. Mục tiêu giác ngộ giải thoát nên dành cho các bậc xuất gia, và sách tấn các Phật tử thuần thành. Với một xã hội thực tại nặng về hưởng thụ vật chất và tinh thần, với phần đông người dân chưa hiểu nhiều về đạo thì việc truyền bá mục tiêu giác ngộ giải thoát dễ bị cho là ảo tưởng, xa lạ, không thực tế, không thu hút được Phật tử, thậm chí không giữ chân được Phật tử.
Có những Phật tử thấy mục tiêu giác ngộ giải thoát khó khăn gian nan quá, sức mình tu tập không thành mà trở nên nản lòng, thối bồ đề tâm, lung nay niềm tin và đó cũng là cơ hội để cho ngoại đạo tấn công dụ dỗ cải đạo.
Phật giáo tại thế gian,bất ly thế gian giác vậy nên để Phật giáo trở nên gần gũi và phù hợp với phần đông dân chúng thì chúng ta giảng đạo tập trung vào nhân thừa.
Giống như chuyện một cô giáo lớp 1 buổi học đầu tiên hỏi các em sau này muốn làm gì? Các em nói mong muốn thành kỹ sư, cử nhân, bác sỹ… Cô giáo rất vui và chúc mong ước của các em thành hiện thực nhưng việc đầu tiên các em phải biết đọc biết viết biết cộng trừ nhân chia đã.
Cũng vậy việc tu hành thành thánh, thành Phật là chuyện không phải của một đời một kiếp, người Phật tử thì tu hành thế nào không biết nhưng đã tu thì chí ít đời này được làm người đời sau cũng được làm người nhưng làm người phải có phúc báu đầy đủ trọn vẹn hơn.
Một xã hội mà người người giữ gìn tam quy ngũ giới, hành thập thiện thì một xã hội đó tốt đẹp vô cùng như vậy nhân thừa cũng rất tốt.
Độ người có duyên
Phật giáo là tôn giáo bình đẳng. Có câu Từ Quang Phổ Chiếu để nói ánh sáng từ bi trí tuệ của đạo Phật trải rộng đến muôn nơi, tất cả chúng sinh trong ba nẻo sáu đường đều được đón nhận một cách bình đẳng không phân biệt.
Thay vì chúng ta đem giáo lý của đức Phật đến muôn nơi đến mọi người mọi nhà thì chúng ta lâu nay có quan niệm “độ người có duyên”. Đức Phật đã dậy, mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể giác ngộ thành Phật, điều đó có nghĩa mọi chúng sinh đều có duyên với đạo Phật.
Chúng ta giữ quan niệm độ người có duyên vô hình chung chúng ta đang giới hạn mình, đang bó hẹp mình trong số đối tượng có duyên mà thôi.
Quan niệm đó khiến cho Phật giáo không được mở rộng đến quảng đại quần chúng.
Mỗi người ai cũng có chân tâm Phật tính, bởi do nghiệp đời này kiếp trước huân tập, lôi kéo mà làm lu mờ đi nhưng không làm mất đi cái chân tâm Phật tính trong mỗi người. Vấn đề cần có những bậc chân tu có uy đức để cảm hóa và đánh thức Phật tính trong mỗi người mà thôi.
Chứ không phải quan niệm người này có duyên với đạo còn người kia không có duyên với đạo.
Quan niệm độ người có duyên là chúng ta đang có thái độ trông chờ và thụ động trong việc hoằng dương Phật pháp đến với quảng đại quần chúng. Quan niệm ấy không phù hợp với xu thế của thời đại mới.
Thế giới và Việt nam là một xã hội đa tôn giáo. Các tôn giáo ra sức tranh giành ảnh hưởng, dụ dỗ lôi kéo cải đạo để thu nạp tín đồ.
Ở Việt Nam tại các bệnh viện, bến tầu xe, công viên, cổng trường học, các nơi vui chơi giải trí đâu đâu cũng thấy tín hữu Tin lành ra sức truyền đạo lôi kéo tín đồ.
Nếu chúng ta vẫn cứ giữ thái độ thụ động như thế thì không sớm thì muộn PGVN sẽ rơi vào tình trạng thiểu số như Phật giáo Hàn Quốc hiện nay.
Thay vì độ người có duyên chúng ta phải quan niệm đạo Phật là đạo của mọi người, phải chủ động gieo duyên cho mọi người đến với Phật giáo. Quảng bá Phật giáo và thu hút mọi người bằng các lễ hội Phật giáo quần chúng hay chương trình templestay ở Hàn Quốc.
Các Phật sự hoặc các sinh hoạt Phật giáo như: đạp xe rước Phật, rước kiệu Phật, rước xe hoa, ca nhạc hương sen màu nhiệm trong mùa Phật đản; chương trình tư vấn cầu nguyện mùa thi, tiếp sức mùa thi, hội trại thanh thiếu niên Phật giáo, khóa tu mùa hè, giao lưu bóng đá gia đình Phật tử, rung chuông chùa, lễ Vu Lan, lễ mừng thọ, lễ hằng thuận, vui tết trung thu tại chùa; mô hình các câu lạc bộ hoàng pháp trẻ, câu lạc bộ cư sỹ hoằng pháp, tất cả những cái đó cần được nhân rộng và triển khai trên khắp cả nước.
Con đường hoằng dương Phật pháp và hành trì những lời Phật dạy là con đường trung đạo, mọi việc tuyệt đối hóa chân lý hay phương tiện đều không dẫn đến kết quả viên mãn.
Do vậy chúng ta phải hiểu đúng lời Phật dạy, vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh như tôn chỉ khế thời, khế lý, khế cơ, khế xứ trong việc hoằng dương Phật pháp để Phật giáo không phải của những người có duyên mà là tôn giáo của quảng đại quần chúng.
Đồng thời vận dụng giáo lý một cách trí tuệ linh hoạt để hộ trì và bảo vệ Phật pháp được hưng thịnh và trường tồn trên đất nước Việt Nam.