Xác định như thế nào thì, tất nhiên, cần phải nghiên cứu thêm.
Trong một bài trước, chúng ta đã thấy rằng nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, trên đường cải cách, hiện đại hóa và mở cửa với phương Tây, cần đến tôn giáo của mình để đối phó với làn sóng xâm nhập của đạo Tin Lành, đi song đôi với điều mà chính giới Trung Quốc gọi là “âm mưu diễn biến hòa bình”.
Phật giáo phía Bắc Trung Quốc thì vướng phải vấn đề Phật giáo Tây Tạng.
Vậy thì, tại sao chính quyền Trung Quốc không triệt để ủng hộ Phật giáo Hán hóa ở Nam Trung Quốc, xây dựng thành một bức thành lũy tâm linh chống lại sự xâm nhập của đạo Tin Lành?
Trên thực tế, chúng ta thấy chính quyền Trung Quốc ủng hộ Phật giáo Hán hóa Trung Quốc, chứ chẳng phải không. Nhưng đó, là sự ủng hộ có chừng mực.
Theo chúng tôi, yếu tố Đài Loan là một vấn đề.
Sau năm 1949, đặc biệt là từ sau năm 1966, thì Phật giáo Đài Loan trở thành trung tâm của Phật giáo Trung Quốc. Nơi đây là điểm tụ hội của một số tăng sĩ Trung Quốc đến từ Đại lục , cũng như là nơi mà việc đào tạo tăng tài được đẩy mạnh, sinh hoạt Phật học phát triển.
Phật giáo Đài Loan chính là Phật giáo từ Trung Quốc chuyển dịch sang. Tiềm lực của Phật giáo trên hòn đảo này trước năm 1949 là không đáng kể.
Trong các thập niên 1950, 1960, 1970, chưa có khái niệm hai nước Trung Quốc, hay một Trung Quốc, một Đài Loan, mà chỉ có vấn đề ai đại diện Trung Quốc. Phật giáo Đài Loan một thời được coi là “Phật giáo Trung Hoa”.
Trong hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ, Phật giáo Đài Loan không tránh khỏi ít nhiều sự gắn bó về quan điểm với chính phủ Đảng Quốc Dân ở Đài Loan, không tách rời hẳn một cách riêng biệt, Phật giáo Đài Loan vẫn coi cái gốc Phật giáo của mình là từ đại lục.
Vì vậy, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách, mở cửa và hiện đại hóa, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện, thì các hệ phái Phật giáo Đài Loan nghĩ ngay đến việc hoằng pháp trở lại Trung Hoa lục địa.
Trong khi đó, trong truyền thống Phật giáo, vai trò của thầy tổ lãnh đạo tôn phái là rất lớn. Phật giáo Đài Loan không gắn với một tổ chức thống nhất, mà gắn liền với một số vị lãnh đạo nổi bật các tôn phái. Yếu tố cá nhân này trong Phật giáo Đài Loan làm chính quyền Trung Quốc e ngại.
Nếu thúc đẩy sự phát triển Phật giáo Hán hóa Trung Quốc, mà tính đến loại trừ việc hoằng pháp của Phật giáo Đài Loan, nhằm loại trừ ảnh hưởng của các cao tăng Đài Loan tại Trung Quốc thì không thể được.
Trong khi đó, Phật giáo Đài Loan hướng về 1 tỷ bốn trăm triệu người dân Trung Quốc trước hết không phải bằng các đoàn hoằng pháp trực tiếp, mà bằng truyền hình, chương trình video, audio, kinh sách và hoạt động từ thiện. Hướng phủ sóng chính của các vệ tinh truyền dẫn các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan đều hướng xuống lãnh thổ Trung Quốc.
Tình huống vướng víu cho chính quyền Trung Quốc xảy ra. Việc thúc đẩy sự phát triển đạo Phật Hán hóa phía Nam không hoàn toàn nằm trong tay mình thì làm sao mà mình ủng hộ triệt để, lấy đó làm thành lũy tâm linh cho quốc gia?
Vấn đề lãnh đạo cá nhân cũng trở nên trầm trọng hơn với sự kiện Pháp luân công. Pháp luân công không phải Phật giáo, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng Phật giáo trong giới hạn nào đó. Một sự diễn biến phức tạp, rắc rối như vậy từ nơi một cá nhân lãnh đạo giáo phái đã khiến nhà nước Trung Quốc phải dè dặt.
Đạo Phật là đạo trí tuệ, nhưng sau 30 năm suy thoái, đặc biệt là trong 10 năm Đại Cách mạng Văn hóa, Phật giáo Trung Quốc đã cạn kiệt tăng tài. Nếu thúc đẩy nhanh sự chấn hưng, thì nhu cầu về tăng tài tất nhiên sẽ khiến Phật tử Trung Quốc hướng về các vị cao tăng đang ở Đài Loan. Tình huống đó đâu có khó gì để mà dự báo.
Vì vậy, chính quyền Trung Quốc rơi vào tình trạng khó xử đối với chính Phật giáo Hán hóa Nam Trung Quốc.
Trên các kênh truyền hình Trung Ương và địa phương của Trung Quốc, đặc biệt là những kênh quan trọng như CCTV Tân Văn, CCTV-1, CCTV-4, CCTV-9…, dễ thấy hiện tượng hình ảnh Phật giáo Hán hóa chiếm một tỷ lệ tuyệt đối, sau đó là những hình ảnh Đạo giáo không thấy hình ảnh nhà thờ, đặc biệt là hình ảnh nhà thờ Tin Lành.
Nhưng xem kỹ, ở những hình ảnh Phật giáo đó, tuyệt đại đa số là chiếm tỷ lệ hình ảnh chùa chiền, tượng Phật, không có hình ảnh các vị hòa thượng, thượng tọa phát biểu thường xuyên như ở Việt Nam.
Trên truyền hình Trung Quốc, chùa và tượng Phật Trung Quốc quả là đẹp, nhưng thiếu hình ảnh tăng bảo một cách tương xứng, vẻ đẹp đó cũng không trọn vẹn.
Trung quốc cải cách mở cửa đã 30 năm, nhưng mới đây Hội Từ thiện Phật giáo Từ tế mới được hoạt động ở Trung Quốc, dù là chỉ đem tiền vào giúp đỡ người dân Đại lục.
Nhưng thật ra vấn đề mà chúng ta đang bàn đây rất khó cho chính quyền Trung Quốc. Một nước Nga lấy Cơ đốc giáo chính thống làm thành lũy tâm linh ở Châu Âu, lấy Phật giáo, Hồi giáo làm thành lũy tâm linh ở châu Á, thì đơn giản, vì không có “kẹt” ở chuyện gì cả. Còn Trung quốc, chắc chắn họ cũng mong lấy Phật giáo làm thành lũy tâm linh đối phó trước sự xâm nhập của đạo Tin Lành, nhưng phía Bắc thì “kẹt” việc Phật giáo Tây Tạng, phía Nam “kẹt” việc Phật giáo Đài Loan.
Dự báo ra sao về diễn tiến trong tương lai?
Có lẽ, Trung Quốc vẫn xúc tiến việc ủng hộ Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Hán hóa miền Nam, nhưng cũng với tốc độ dè dặt như thế.
Nhà nước Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài Phật giáo Trung Quốc cho một thành lũy tâm linh, chống lại sự xâm nhập của Tin Lành, nhưng họ vẫn lúng túng trong những nỗi bận tâm của họ.
MT