Việc những người quản lý tại chùa Kỳ Quang 2 làm cho tro cốt lẫn lộn, mất thẻ tên – hình ảnh của người đã khuất, từ đó khiến cho các thành viên trong gia đình không thể nhận biết danh tính của người thân là một sai lầm, tắc trách không thể biện hộ. Về mặt đạo đức, về mặt nghĩa vụ của một cơ sở tôn giáo đối với giáo dân, về mặt nghĩa vụ của một bên trong mối quan hệ dân sự truyền thống, chùa Kỳ Quang 2 đã làm sai rất nhiều điều, và cũng cần làm rất nhiều thứ để sửa chữa, khắc phục lỗi lầm của mình.
Nhưng một trong những thứ mà người viết không đồng tình trong làn sóng phản đối chùa Kỳ Quang 2, là việc cho rằng hành vi của các lãnh đạo chùa là “tội ác”, là “phải bị trừng phạt”.
Đối với pháp luật thực định, việc phân tích hành vi của những người có trách nhiệm tại chùa Kỳ Quang 2 có nên bị xem là hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không đã có nhiều đóng góp từ các luật sư tại Việt Nam.
Nhưng diễn ngôn cho rằng những hành vi như trên là “tội ác” và yêu cầu sự “can thiệp” của chính quyền, của bộ máy vũ lực nhà nước có vấn đề gì về mặt triết học pháp lý?
Thế nào là tội ác?
Khi nào chúng ta cần hình sự hóa (criminalisation) một hành vi?
***
Chúng ta ai cũng đều đồng ý rằng sẽ có những hành vi cần phải bị hình sự hóa, và có những hành vi không nên bị hình sự hóa. Vấn đề là chúng ta vẽ ra lằn ranh đó như thế nào.
Hình sự hóa là quá trình mà cộng đồng nói chung cố gắng thể chế những quy chuẩn xã hội và biến chúng trở thành bất khả xâm phạm. Hệ quả của việc vi phạm là các hình phạt của tư pháp hình sự.
Để chứng minh việc hình sự hóa một hành vi là hợp lý, là chính danh, chúng ta cần hai nền tảng lớn hơn là mục tiêu của pháp luật hình sự (aims of criminal law) và trật tự pháp lý của xã hội đó (societal legal order).
Cách lý giải này cũng giống như chúng ta xây dựng kim tự tháp vậy.
Trật tự pháp lý của một xã hội có bình đẳng (tầng cơ sở rộng và chắc) thì mới sản sinh ra mục tiêu đúng cho hệ thống pháp luật hình sự. Hệ thống pháp luật sự có mục tiêu hợp lý thì mới có thể kỳ vọng quá trình hình sự hóa chọn đúng hành vi và đúng hình phạt. Khi mà bản thân trật tự pháp lý không hướng đến xây dựng một xã hội công bằng về bản chất, rất khó để kỳ vọng mục tiêu của pháp luật hình sự hay quá trình hình sự hóa xây dựng được những quy chuẩn hình sự kiểu mẫu.
Vậy thế nào là trật tự pháp lý xã hội bình đẳng? Trật tự ở đây, trước tiên, không phải đang nói đến kiểu hành xử mệnh lệnh theo cấp từ trên xuống dưới. Trật tự là kỳ vọng dự đoán trước được kết quả trong các mối tương tác giữa cá nhân – cá nhân, cá nhân – nhà nước…
Tôi biết rằng mình sẽ nhận được món hàng theo giao ước sau khi đã trả tiền.
Tôi biết rằng không ai (kể cả chính quyền) có thể tự tiện vào căn nhà do tôi làm chủ sở hữu.
Một trật tự xã hội có thể gọi là bình đẳng, theo thống nhất của nhiều luật gia, là sự trộn lẫn giữa chủ nghĩa tự do (libertarianism) và chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism): Các cá nhân có quyền tự do làm điều mình thích, miễn là họ không gây ảnh hưởng đến quyền của các cá nhân khác làm điều tương tự. Hai chủ nghĩa này trái ngược nhau, nhưng cũng cần thiết bổ trợ lẫn nhau. Tôi chỉ có thể tồn tại tự do trong một xã hội nếu bản thân tôi cũng thừa nhận và tôn trọng quyền tương tự của các cá thể khác. Đây là nền tảng của hầu hết các nền dân chủ cấp tiến (liberal democracy) hiện đại ngày nay.
Khi đã nhận biết được một trật tự xã hội bình đẳng, chúng ta đối mặt với câu hỏi tiếp theo: mục tiêu đúng của pháp luật hình sự là gì?
Sẽ có người cho rằng là bảo đảm trật tự xã hội. Nhưng đạo luật nào không bảo đảm trật tự xã hội? Luật dân sự là nhằm bảo đảm trật tự xã hội đấy chứ, vì nó giúp cho các chủ thể tư dự đoán được hành vi của nhau và an tâm tham gia vào các mối quan hệ tư, phát triển xã hội. Vậy nên “bảo đảm trật tự xã hội” không thôi là chưa đủ để phân biệt luật hình sự với các ngành luật khác.
Mục tiêu của pháp luật hình sự, trước tiên, là kiểm soát các hành vi công cộng sai trái (public wrongs). Cách tiếp cận này lần đầu tiên được giới thiệu một cách hoàn thiện bởi nhóm tác giả S.E. Marshall và R.A. Duff trong nghiên cứu Criminalization and Sharing Wrongs. Theo nhóm nghiên cứu, nếu một hành vi sai trái về mặt đạo đức nhưng lại không thể chứng minh rằng chúng gây ảnh hưởng lên tất cả các thành viên xã hội nói chung, thì những hành vi đó không thể bị liệt vào dạng hành vi công cộng sai trái, tức mục tiêu kiểm soát của luật hình sự.
Ví dụ, bạo lực gia đình không chỉ gây hại lên những nạn nhân cụ thể trong gia đình, mà còn gây hại lên toàn xã hội. Trong nhiều lý do, lý do quan trọng nhất là bởi hung thủ xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của những cá nhân tự do, đồng thời đe dọa đến nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ hôn nhân – gia đình mà toàn bộ xã hội thừa nhận, bảo vệ.
Vì vậy, ngay cả khi người bị xâm hại là người thân của hung thủ, và họ không muốn truy cứu hành vi này nữa, hệ thống tư pháp cũng vẫn phải truy tố và xét xử tội phạm đó đến nơi đến chốn.
Tiếp đó và càng quan trọng hơn, mục tiêu của pháp luật hình sự là giải thích được lý do vì sao hệ thống hình sự lại được áp dụng mà không phải là một ngành luật khác như hành chính, dân sự, thương mại… Tác giả như Giáo sư Philip Pettit, Đại học Princeton, cho thấy nếu chúng ta có thể dùng các nguyên tắc chi phí cơ hội (opportunity cost – tức tạo lợi ích để khuyến khích hành vi tích cực) hay chi phí quản lý (admission cost – tức dùng các công cụ quản lý hành chính để làm nản lòng việc thực hiện một hành vi tiêu cực) trong những ngành luật khác, áp dụng luật hình sự sẽ trở nên thừa thải và có tác dụng ngược. Luận điểm này cũng được đồng tình bởi Michael S. Moore trong Liberty’s Constraints on What Should be Made Criminal. Theo ông, luật hình sự, từ nội dung quy định đến việc áp dụng, chỉ được áp dụng hợp lý nếu chính quyền áp dụng nó như là phương án cuối cùng (hay ultima ratio).
***
Tới đây, chúng ta đi đến tầng cao nhất để trả lời cho câu hỏi chi tiết nhất: hành vi nào nên bị hình sự hóa? Mỗi tác giả có các tiêu chuẩn trả lời rất khác nhau.
Giáo sư Douglas Husak, trường Rutgers University, đưa ra bộ tiêu chuẩn bảy điểm khá nổi tiếng bao gồm: (1) Hành vi sai trái; (2) Hành vi gây ra thiệt hại (harmful); (3) Hành vi xứng đáng bị trừng phạt (xem xét về mặt chủ quan và nhận thức của người thực hiện hành vi; cũng như hệ quả chung dành cho xã hội); (4) Trách nhiệm giải thích và chứng minh tính chính danh của tội danh hình sự thuộc về nhà nước; (5) Phải tồn tại lợi ích đáng kể của nhà nước trong thực hiện mục tiêu của luật; (6) Việc trừng phạt phải thật sự đạt được mục tiêu đề ra và (7) Quy định đối với hình phạt không vượt quá nhu cầu đạt được mục tiêu đề ra của luật.
Hay với Giáo sư Jonathan Schonsheck, Le Moyne College, ông đưa ra ba “màn lọc” trong quá trình quyết định hình sự hóa.
Màn lọc thứ nhất là màn lọc nguyên tắc (principles filter). Trong giai đoạn này, nhà nước cần đưa ra một nguyên tắc pháp lý hợp lý và công bình để kích hoạt thẩm quyền hình sự của mình.
Màn lọc thứ hai là màn lọc giả định (presumptions filter). Ở đây, nhà nước cần giả định rằng có khung pháp lý thay thế nào khác cũng có thể điều chỉnh và kiểm soát dạng hành vi đang được xem xét hay không?
Màn lọc cuối cùng là màn lọc thực dụng (pragmatics filter), mà theo đó, nhà nước phải cân nhắc xem liệu việc hình sự hóa hành vi đang xem xét không tạo ra bất kỳ lợi ích nào cho xã hội, hay tệ hơn là gây hệ quả xấu cho xã hội.
Nhìn chung, dù có cách tiếp cận và diễn đạt khác nhau, mục tiêu chung của hầu hết triết lý khoa học hình sự về quá trình hình sự hóa đều nhắm đến việc bảo đảm các nền tảng mà chúng ta nhắc đến như trật tự pháp lý xã hội bình đẳng và mục tiêu chính đáng của pháp luật hình sự. Đặc biệt nhu cầu kiểm soát hiện tượng hình sự hóa quá mức (overcriminalisation) được các học giả vô cùng chú ý.
***
Việc cẩn trọng với những yêu cầu can thiệp hình sự từ phía cơ quan tư pháp Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Trật tự pháp lý của xã hội Việt Nam đang hình thành và ngày càng củng cố văn hóa “công an”. Bạn có thể chứng kiến điều này trong các tranh chấp thường nhật tại quốc gia hình chữ S ngày nay.
Hàng xóm ồn ào? Công an xuất hiện.
Tranh chấp cãi vã trong khu phố? Công an xuất hiện.
Hát hò tại nơi công cộng? Công an xuất hiện.
Lòng lề đường bị lấn chiếm? Công an xuất hiện.
Dù vô tình hay hữu ý (mà theo người viết là hệ quả của kết cấu tổ chức bám rễ dày đặt, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và sự ưu ái tài chính dành cho ngành công an), hàng loạt các cơ quan công quyền đáng lẽ có trách nhiệm lại theo xu hướng né tránh thẩm quyền và nhường sự hiện diện thường trực của mình cho lực lượng an ninh công cộng. Bản thân người viết từng viết một số đơn khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật (của cá nhân khác) ra đúng cơ quan có thẩm quyền, chỉ để nhận lại đề nghị liên hệ cơ quan công an địa phương để dàn xếp giải quyết (?!).
Đây rõ ràng không phải là nền tảng trật tự pháp lý lành mạnh mà chúng ta nhắm đến nhắc đến ở đầu bài. Và kêu gọi hình sự hóa bất kỳ hành vi trong một nền văn hóa pháp lý như thế cần phải vô cùng cẩn trọng.
Trở lại với hành vi tắc trách của chùa Kỳ Quang 2, bạn hãy thử áp dụng bộ bảy tiêu chuẩn của Giáo sư Husak. Hiển nhiên, đó là hành vi sai trái. Hiểu nhiên nó gây thiệt hại về tinh thần cho thân nhân của người đã khuất (hoặc kể cả tài chính vì một số trường hợp có gửi tiền cho nhà chùa).
Nhưng khi xem xét các tiêu chuẩn về độ nguy hiểm dành cho xã hội, lợi ích của nhà nước liên quan đến hành vi sai trái… ngay lập tức chúng ta có thể đồng tình rằng không có lý do gì hệ thống pháp luật hình sự phải can thiệp vào câu chuyện nói trên.
Hay nếu áp dụng ba màn lọc của Giáo sư Schonsheck, màn lọc giả định ngay lập tức loại trừ cơ hội áp dụng pháp luật hình sự vào tình huống của chùa Kỳ Quang 2. Lý do là còn vô vàn biện pháp can thiệp khác của các ngành luật khác có thể giải quyết hiệu quả và có lợi cho xã hội hơn.
***
Thảo luận về chùa Kỳ Quang 2 chỉ là một thảo luận rất nhỏ trong rất nhiều các vấn đề liên quan đến hiện tượng hình sự hóa quá mức và văn hóa công an tại Việt Nam. Và chắc chắn chúng ta sẽ còn phải nói nhiều hơn trong tương lai. Nhưng quan trọng nhất, chúng ta cần thay đổi nhận thức để biết giới hạn của quá trình hình sự hóa và không kêu gọi trao thêm thẩm quyền cho định chế an ninh công cộng vốn dĩ đã quyền lực hơn bất kỳ ai trong bộ máy nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Quốc Tấn Trung