Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn với thông điệp của tình thương yêu

Trịnh Công Sơn với thông điệp của tình thương yêu

222

Nếu lời nguyện của Đức Bồ Tát Địa Tạng là đi vào địa ngục để cứu độ chúng sanh, lời nguyện của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm là lắng nghe tiếng kêu đau thương của muôn loài để tìm tới cứu khổ, thì lời nguyện của Trịnh Công Sơn là gởi tới những thính giả của mình thông điệp của tình yêu thương, tức là tưới tẩm hạt giống thương yêu và tha thứ nơi mọi người. Trong cuộc đời mà ai cũng được dẫn đạo bằng hướng đi như vậy thì thật là quý hóa. Tuy Trịnh Công Sơn đã được tiếp nhận hạt giống thương yêu từ mẹ, từ chùa nhưng chưa có cơ hội học hỏi và thực tập về phương pháp thiền quán để có thể tiếp xúc được với tự tính vô sinh bất diệt của mình. Vì vậy cho nên Trịnh Công Sơn chưa vượt thoát được nỗi ám ảnh của cái chết.

Tôi không bị ám ảnh bởi cái chết vì tôi có tuệ giác về sống chết, tôi đã thiền quán và tôi đã tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt của mình. Quý vị hãy nhìn lên đám mây trên bầu trời. Đám mây đó chiều nay hoặc ngày mai sẽ biến thành mưa. Đám mây đó từ đâu mà có? Có phải từ không mà trở thành có hay không? – Không. Đám mây đó từ nước ao hồ, sông biển do sức nóng mặt trời bốc hơi lên ngưng tụ mà thành. Đám mây không phải từ không mà trở thành có. Có lần Trịnh Công Sơn nói rằng, chúng ta từ hư vô tới và chúng ta sẽ trở về hư vô. Nói như vậy tức là chưa có tuệ giác của người tu thiền. Chúng ta không phải từ hư vô tới và chúng ta cũng không đi về hư vô.

Trong Thánh Kinh có nói chúng ta từ hạt bụi tới và chúng ta sẽ trở về cát bụi. Trịnh Công Sơn cũng có cùng quan điểm đó “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.” Hạt bụi không phải hư vô, hạt bụi cũng không đủ để hóa kiếp thân tôi. Nhiều nhân, nhiều duyên kết hợp lại tôi mới biểu hiện, chứ một nhân, một duyên thì tôi không thể nào biểu hiện được. Theo đạo Cơ Đốc thì Thượng Đế là nhân và là nhân duy nhất để có hiện hữu, nhưng trong đạo Bụt ý niệm về nguyên nhân duy nhất là vô lý. Không có cái gì có thể phát sinh ra từ một nhân duy nhất. Ví dụ như bông hoa này, phải có hạt giống của hoa, phải có đất, có phân, có ánh sáng mặt trời, phải có đám mây biến thành nước mưa… tức là nhiều nhân, nhiều duyên mới có thể làm cho bông hoa biểu hiện được. Thành ra ý niệm một nguyên nhân duy nhất không phù hợp với sự thật. Sự thật là đa nhân đa duyên “trùng trùng duyên khởi”.

Rất tiếc là Trịnh Công Sơn trong những năm tháng đó đã không có cơ hội lên chùa để học hỏi thêm về thiền quán. Trịnh Công Sơn có gởi cho tôi một tập nhạc đề là “Tặng thầy Nhất Hạnh”. Bây giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi cũng có viết thư cho Trịnh Công Sơn yêu cầu Trịnh Công Sơn phổ nhạc dùm một số bài kinh. Vì tôi biết rằng nếu Trịnh Công Sơn phổ nhạc những bài kinh này thì Phật tử đọc, tụng, hát sẽ hay lắm, sẽ được nhiều lợi lạc. Thế nhưng thư của tôi bi thất lạc, đến khi Trịnh Công Sơn nhận được thư đó thì ông đã bị bệnh nặng nên không làm được. Thật đáng buồn! Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn đang còn đó. Trịnh Công Sơn đang nghe lời tôi nói, mai mốt Trịnh Công Sơn sẽ sáng tác những bài thơ, bài nhạc, bài kinh theo tinh thần của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đang ở đây, đang ở trong quý vị. Trong số các thượng tọa, ni sư từ Việt Nam sang có Trịnh Công Sơn trong đó. Đừng tưởng Trịnh Công Sơn chết rồi. Trịnh Công Sơn đang sống hùng mạnh hơn bao giờ hết. Đám mây kia không phải từ hư vô tới và nó cũng không phải trở thành hư vô. Mai mốt nó sẽ biến thành mưa. Nó chỉ biến đổi hình thức thôi.

Bây giờ xin quý vị quán chiếu với tôi: giả dụ 2/3 đám mây kia gặp khí lạnh trở thành mưa, rơi xuống, một phần biến thành dòng, thành khe, một phần đi vào trong ruộng lúa xanh tươi. Đứng trên cao, đám mây kia nhìn xuống và nhận ra mình đang ở dưới đó. Một phần của mình biến thành ruộng lúa xanh tươi, một phần biến thành dòng suối. Rồi đám mây nói:“Chào em, tôi biết em là tôi, em là sự tiếp nối của tôi”. Như vậy đám mây kia đâu chết, khi không còn hình thức của đám mây nữa thì nó biến thành một hình thức khác, hình thức của dòng suối hay hình thức của đám mạ xanh tươi. Thế nên trong đạo Bụt nói bản tánh của chúng ta là “vô sinh bất diệt”, chúng ta chỉ thay đổi hình thức thôi. Tự tánh của đám mây cũng vô sinh bất diệt. Trịnh Công Sơn cũng vô sinh bất diệt.

Nếu ta có con mắt của Bụt, nếu ta có con mắt của thầy thì ta có thể thấy Trịnh Công Sơn có mặt một cách rất đích thực ngay trong thính chúng này. Quý vị có thấy được Trịnh Công Sơn trong trái tim mình hay không? Ngày hôm qua thầy nghe thầy Thông Hội hát nhạc Trịnh Công Sơn. Người ta thường hỏi: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Câu hỏi đó làm tốn rất nhiều bút mực và nước bọt để giải thích. Thông thường muốn trả lời câu hỏi đó phải trả lời một câu hỏi khác là “Trong giây phút hiện tại chúng ta đang đi về đâu?” Chúng ta tưởng rằng sau khi thân xác này tàn hoại chúng ta mới đi, nhưng kỳ thực bây giờ chúng ta đang đi, chúng ta đang trở thành một cái khác.

Hãy tưởng tượng Trịnh Công Sơn lúc 5 tuổi và Trịnh Công Sơn lúc 25 tuổi, hai người rất khác nhau, và khi Trịnh Công Sơn 45 tuổi thì lại khác nữa. Chúng ta chuyển biến, sinh diệt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đứng về phương diện năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ta so sánh ta trước khi vào đây và ta bây giờ là đã có sự khác nhau rồi. Bao nhiêu sinh diệt, bao nhiêu biến chuyển đã đi qua trong chúng ta và chúng ta luôn luôn được tiếp nối. Nước mưa tiếp nối đám mây, sương mù cũng tiếp nối đám mây. Khi chúng ta nâng một tách trà lên để uống, nếu có chánh niệm, có tuệ giác của Bụt, thì chúng ta thấy rằng mây đang nằm đây trong ly trà này. Thay vì đang uống nước chúng ta đang uống mây. Đây là một sự thật rất khoa học. Nó không phải chỉ là thi ca mà thôi.

Tôi đang uống mây và đám mây chiều nay có thể trở thành một bài thơ, hay ngày mai mây trở thành bài pháp thoại. Mây biến hóa vô cùng. Cho nên ta phải có khả năng nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn dưới những hình thái biểu hiện khác của Trịnh Công Sơn. Thế nên ta không thể nói Trịnh Công Sơn chết được. Vì sự thực không có cái gì chết đi cũng không có cái gì sanh ra. Chết nghĩa là từ có trở thành không, Trịnh Công Sơn không phải từ có trở thành không. Đã không có từ không mà trở thành có thì cũng không thể nào từ có mà trở thành không được. Nếu quý vị vừa mới mất một người thân mà quý vị tưởng người thân đó không còn nữa là quý vị lầm. Người thân đó bây giờ đang biểu hiện dưới một hình thức khác. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy được người thân của mình và ta nói: “Chào em, chị rất hạnh phúc nhận ra em dưới một hình thức mới”. Đó là diệu dụng của thiền quán.

Trong những năm 80, 90 nếu Trịnh Công Sơn có được tuệ giác đó thì Trịnh Công Sơn sẽ không bị ám ảnh bởi cái chết, vì Trịnh Công Sơn biết rõ mình không bao giờ chết cả. Trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, mình đã hiến tặng những lời nói, những lời ca, những tư duy và những hành động của mình cho đời và đó là sự tiếp nối của mình. Đó gọi là ba nghiệp. Ba nghiệp là thân, khẩu, ý. Cũng như cây đèn cầy, khi được thắp sáng lên thì trong mỗi giây phút nó đều hiến tặng ánh sáng, sức nóng và hương thơm. Con người cũng vậy, trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, chúng ta đã hiến tặng tư duy, lời nói và hành động của ta. Nếu tư duy của ta đầy tham, sân, si thì những hiến tặng của ta sẽ không có giá trị, chúng sẽ làm hư xấu cuộc đời, như thế chúng ta sẽ không có sự tiếp nối đẹp đẽ. Còn nếu tư duy của ta có lòng thương yêu, có lòng nhân ái, có tha thứ, bao dung thì sự tiếp nối của ta sẽ đẹp đẽ.

Trịnh Công Sơn đã hiến tặng tư duy của mình qua nhiều hình thái khác nhau. Hình thái mà ta dễ thấy nhất là những ca khúc của ông. Trịnh Công Sơn đã cống hiến những ngôn từ, hành động, cử chỉ biết thương yêu, chăm sóc, biết tha thứ, bao dung. Có lần ngồi chơi với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một quán cà phê ở Huế, cô bé bán quán bưng tới cho Trịnh Công Sơn một ly cà phê, nhưng vô tình, bé làm đổ hết ly cà phê vào chiếc áo vest của Trịnh Công Sơn, bé sợ xanh mặt, bà chủ tới la bé rất dữ dội. Cô bé sợ quá co rúm người lại. Rất tội nghiệp! Trịnh Công Sơn thấy vậy thương quá, liền nói: “Không phải nó làm đổ đâu, chính tôi làm đổ đó”. Và Trịnh Công Sơn móc túi lấy tiền ra trả cho ly cà phê ấy để cho bà chủ đừng la bé. Sau khi trả tiền Trịnh Công Sơn đứng dậy, nháy mắt cô bé đó rồi ra đi. Đó là một hành động biểu dương lòng tốt của tình thương trong Trịnh Công Sơn. Những cái đó không bao giờ mất đi cả. Đó là nghiệp. Chúng ta đừng hiểu nghiệp là xấu. Nghiệp có thể xấu mà cũng có thể là tốt. Nghiệp xấu gọi là ác nghiệp, nghiệp tốt gọi là thiện nghiệp.

Trịnh Công Sơn đã làm ra những thiện nghiệp và những thiện nghiệp ấy đang tiếp tục đi về tương lai. Chúng ta có thể nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn qua những thiện nghiệp mà Trịnh Công Sơn đã tạo tác ra qua những tư duy, lời nói và hành động của ông. Trịnh Công Sơn chưa bao giờ giết người. Trịnh Công Sơn không kỳ thị, Trịnh Công Sơn có can đảm dám nói ra sự thật, yêu nước, yêu dân. Ba mẹ Trịnh Công Sơn phải hãnh diện về điều đó.

Quý vị đã nghe và đã thấy Trịnh Công Sơn có mặt trong mình và bây giờ tôi muốn chia sẻ để quý vị thấy mình cũng có mặt trong Trịnh Công Sơn. Có một lần Trịnh Công Sơn được nhà báo hỏi: “Anh có bao giờ hình dung ra thân xác và tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia chưa?”– “Chưa! Đó là tại do lười biếng mà ra.” Do không chịu quán chiếu. Mình có tự do, có thiền đường mà không chịu tham khảo đề tài sống chết, để rồi mai mốt khi nằm trên giường không biết mình đi về đâu. Trịnh Công Sơn công nhận mình làm biếng, không chịu giành thời gian để quán chiếu sâu sắc về vấn đề sinh tử. Các cô, các chú có thấy mình có trong Trịnh Công Sơn không?

Trịnh Công Sơn nói: “… Vì do lười biếng mà ra cả, mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì hết cho những ngày sắp tới, như thể là khi muốn về Huế là cứ bỏ đồ đạc vào vali mà đi thôi”. Ra Huế thiếu gì thì tính sau. Điều đó rất con người. Và ta thấy sự lười biếng đó nằm trong tất cả chúng ta. Chúng ta giải đãi, làm biếng, như thể là mình sẽ sống cả ngàn năm và mình có cả ngàn năm để thiền quán, nhưng kỳ thực chúng ta không biết mình sống được bao lâu. Vì vậy chúng ta phải tinh tiến và phải làm thay cho Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn chưa làm được thì mình phải làm cho Trịnh Công Sơn. Thầy cũng đang làm cho Trịnh Công Sơn, các thầy, các sư cô cũng đang làm cho Trịnh Công Sơn. Quý vị cũng phải làm cho Trịnh Công Sơn. Chúng ta phải đưa Trịnh Công Sơn đi tới. Bởi vì Trịnh Công Sơn không phải là Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là quý vị. Khi người ta hỏi Trịnh Công Sơn: “Không biết có cõi nào mà sau khi chết mình đi về hay không?” Thì Trịnh Công Sơn trả lời:

“Nếu có một sự tiếp nối ở một cõi khác, một thế giới khác thì chắc là vui lắm. Và tôi nghĩ nếu thực sự có một cõi khác với cõi đời này thì tôi hy vọng chúng ta sẽ được rong chơi mãi mãi”.

Rong chơi là từ của Trịnh Công Sơn. Mình ở trên cuộc đời này là để rong chơi, và nếu hết cuộc đời này có một cõi khác, mình cũng sẽ tiếp tục rong chơi. Đó là hy vọng. Cõi đó gọi là thiên quốc hay thiên đường. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn nhưng nếu biết quán chiếu sâu hơn thì sẽ thấy được rằng thân xác này chẳng qua là sự chấm dứt của một giai đoạn biểu hiện và mình sẽ được biểu hiện lại dưới một hình thức khác trong giai đoạn kế tiếp. Đám mây khi không còn là hình thức của đám mây nữa thì nó tiếp tục làm con suối hay làm tảng băng. Làm mây bay trên trời cũng vui mà làm mưa rơi xuống ruộng đồng cũng vui. Tại sao phải sợ?

Trịnh Công Sơn có thể rong chơi mãi mãi trên thế gian nầy mà không cần phải giả định có một thế giới khác hay có một cõi nào khác nữa. Không có cái gì tự nhiên mà có, cũng không có cái gì từ có trở thành không. Trịnh Công Sơn là một thực tại. Trịnh Công Sơn là mãi mãi. Trịnh Công Sơn tha hồ rong chơi, nếu không dưới hình thức của một người Huế, thì dưới hình thức của người Thụy Sĩ. Làm người Huế cũng vui mà làm người Thụy Sĩ cũng vui. Làm một bông hoa thủy tiên cũng hay, làm một bông sen cũng hay. Hình thức nào của sự sống cũng đẹp cả.

Khi Trịnh Công Sơn thấy được điều đó thì Trịnh Công Sơn sẽ thấy được tự tánh của mình là vô sinh bất diệt, mình có thể rong chơi mãi mãi hoài hoài. Mong rằng các thầy, các sư cô, các sư chú, các đạo hữu nắm được chân lý này và thấy được tự tánh vô sinh bất diệt của mình. Cho nên đối với tôi, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chết. Nếu thắp một nén hương cho Trịnh Công Sơn thì chúng ta không nên thắp bằng sự tiếc thương mà thắp bằng ý thức là Trịnh Công Sơn đang còn đó với mình và mình có thể mang Trịnh Công Sơn đi về tương lai, để Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sứ mạng của mình, sứ mạng chuyên chở thông điệp thương yêu. Chúng ta hãy cùng hát với nhau bài “Nối vòng tay lớn” để tưới tẩm hạt giống của tình huynh đệ, của hy vọng và của tình thương yêu trong ta.


Trích pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 01-02-2004 tại tu viện Lộc Uyển