Câu kinh: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” (tạm dịch “dòi sư tử ăn thịt sư tử”) là một mệnh đề mà người theo đạo Phật ai cũng có thể biết. Vì vậy, đây là việc vận dụng một câu kinh vào lý giải một trường hợp cụ thể. Tôi không có ý nói cá nhân hay tập thể nào là dòi bọ. Một sự liên hệ nào đó là do hoàn cảnh khách quan từ câu kinh Phật đưa lại, không phải là từ ý định chủ quan của tôi.
1. XE RƯỚC PHẬT LÀ MỘT THÀNH QUẢ CỦA CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Hiện trạng Phật giáo Việt Nam suy thoái, bị thu hẹp hoạt động trong chỉ khuôn viên nhà chùa và chỉ có hoạt động cúng bái đã là điều được các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX nhận thức. Vì vậy, từ những năm 1930-1940, Phật giáo Việt Nam đã cố gắng thoát khỏi tình trạng đó bằng những cuộc lễ rước Phật ngày càng quy mô, mà có nơi đã thành truyền thống như lễ rước Phật ở thành phố Huế vào mỗi dịp Phật đản.
Ở miền Nam, từ sau 1965, dưới sự kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm, Phật giáo chỉ tổ chức được những lễ rước không thường xuyên với cự ly ngắn. Chính quyền kỳ thị tôn giáo, Diệm – Nhu chỉ muốn thu hẹp hoạt động Phật giáo càng tới đâu thì hay tới đó. Phật giáo miền Nam bị dồn ép trong chùa, mọi hoạt động bên ngoài chùa đều bị hạn chế. Không thể có xe rước Phật trên đường phố Sài Gòn, đó là điều Diệm – Nhu mong muốn.
Bước chuyển mình của Phật giáo miền Nam sau tháng 11/1963, gồm hiện thực đưa đạo Phật đến với quần chúng, làm phong phú các hoạt động của Phật giáo miền Nam, vượt lên trên hoạt động cúng bái, đưa sinh hoạt Phật giáo ra khỏi giới hạn của cổng chùa. Cụ thể, từ lễ Phật đản 1964, những hoạt động sau đây đã được triển khai.
1. Một cuộc mít tinh, quần chúng với số lượng hàng trăm ngàn người vào ngày rằm tháng tư, thay cho khóa lễ chỉ trong mỗi chùa vào ngày mùng 8 tháng 4 (năm 1964).
2. Đoàn xe rước Phật trên các trục lộ chính của thành phố.
3. Treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử, đặc biệt là tại Sài Gòn.
4. Xây dựng cổng chào Phật đản ở đầu đường, đầu ngỏ.
Đây được coi là một thành quả lớn của chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Nam. Lễ Phật đản đã bước đầu là ngày lễ quần chúng, vượt ra ngoài giới hạn cổng chùa, huy động được quần chúng Phật tử tham gia tổ chức (không chỉ là tăng ni như trước).
Phật giáo miền Nam đã phá được thế cô lập, đưa được đông đảo quần chúng tín đồ vào sự kiện Phật đản biến Đại lễ Phật đản trở thành một ngày lễ công cộng của toàn xã hội. Lễ mít tinh với hàng trăm ngàn người (không phải 5000 người tương đương với cuộc lễ tập trung tín đồ của một giáo họ cấp dưới giáo xứ của một tôn giáo khác như hiện nay). Xe rước Phật sáng rực thành phố đêm lễ Phật đản, cờ Phật giáo giăng giăng trên khắp các mọi nhà, cổng chào tạo không khí tưng bừng đường phố… là kết quả hiện thực của một mục tiêu được xác định rõ ràng từ các nhà lãnh đạo chấn hưng Phật giáo thế hệ giữa thế kỷ XX.
Sau 1975, vì hoàn cảnh chung, hoạt động Phật giáo bị thu hẹp.
2. PHẬT GIÁO TPHCM GÓP PHẦN TRONG BƯỚC TIÊN PHONG KHÔI PHỤC XE RƯỚC PHẬT
Đầu thập niên 1990, tại TPHCM, người dân lại được thấy hàng đoàn xe rước Phật rực rỡ ánh đèn. Việc làm này đã góp phần vào hoạt động khôi phục và tổ chức mới đoàn xe rước Phật trên các tỉnh thành khắp cả nước. Nếu TPHCM giữ được liên tục truyền thống xe rước Phật nhân Đại lễ Phật đản hàng năm thì đó quả là một công lao không nhỏ.
Tuy nhiên, từ thập niên 1990 đến gần đây, trong bốn bước tiến tổ chức Đại lễ Phật đản tại Sài Gòn như đã kể ở trên, Phật giáo TPHCM chỉ khôi phục được hình thức xe rước Phật với quy mô bằng và vượt so với trước năm 1975. Còn các hình thức khác thì vẫn không khôi phục được. Mít tinh quần chúng chỉ ở mức 5000 người tham dự, một con số không thành một cuộc mít tinh toàn thành phố của một tôn giáo lớn.
Số lượng tư gia Phật tử treo cờ Phật giáo trên toàn thành phố có lẽ chỉ vài chục hộ. Nhiều con phố thì tuyệt nhiên không có cờ Phật giáo.
Còn cổng chào Phật đản thì không hề phục hồi được cái nào cả. Trên đường Bùi Viện Quận 1 TPHCM nhiều năm sau 1990 còn lại một cổng chào cố định trên có tôn trí tượng Đức Phật sơ sinh thì cũng không được trang trí lại mỗi dịp Phật đản.
Như thế, so với trước 1975, việc khôi phục hoàn toàn Đại lễ Phật đản cũng không đạt yêu cầu. Việc tổ chức lễ Phật đản thu hẹp lại trong phạm vi tăng sĩ giáo hội và chùa (những đơn vị tổ chức xe hoa). Còn đông đảo quần chúng tín đồ Phật giáo vẫn bị loại ra ngoài việc tổ chức (Phật tử TPHCM không treo cờ Phật giáo, không dựng cổng chào Phật đản). Như vậy, là đã có bước thụt lùi trong Phật giáo, Đại lễ Phật đản, ngoài xe rước Phật, về cơ bản, đã lại tự giới hạn trong các cổng chùa. Không còn mít tinh quần chúng hàng trăm ngàn người, không còn cờ xí rợp trời trong các khu dân cư, không còn các cổng chào lễ hội. Nhưng điều đáng lưu ý, nguyên nhân dẫn đến việc này là tự nơi Phật giáo TPHCM, trong khi chính quyền vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phật giáo tổ chức lễ Phật đản, treo cờ Phật giáo… Nhưng Phật giáo TPHCM không làm được.
Phật giáo TPHCM không làm được nhưng Phật giáo một số địa phương làm được, như ở Huế, cờ Phật giáo vẫn bay rợp ngày Phật đản.
Phật giáo TPHCM không làm được nhưng tôn giáo khác làm được. Noel đến ngõ hẻm các xứ đạo bừng sáng đèn trang trí, tạo nên những cổng chào hoa đăng rực rỡ. Người ta đã khôi phục hầu hết nghi thức tôn giáo trước 1975, riêng Phật giáo TPHCM chỉ đi được nửa đường, rồi thôi. Trách nhiệm của lãnh đạo Phật giáo TPHCM trong việc này tới đâu?
Chúng ta cũng cần lưu ý một điểm: Sài Gòn năm 1975 có khoảng 3 triệu dân, Sài Gòn năm 2015 có khoảng 9-10 triệu dân (gồm cả dân nhập cư). TPHCM là thành phố có mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất nước, nhưng Phật giáo TPHCM lại bộc lộ kiệt quệ trông thấy khi bước sang thế kỷ XXI. Ngoài xe rước Phật, thì còn gì?
Một cuộc lễ Phật đản tập trung tu sĩ tín đồ toàn thành phố đứng không kín một sân chùa. Có vậy, là hết. Ngày Phật đản trở thành ngày lễ tôn giáo đứng hàng thứ 5, sau Noel, Phục sinh, Rằm tháng 7, Rằm tháng giêng.
3. TỰ TRIỆT TIÊU XE RƯỚC PHẬT 2 NĂM LIỀN: “DÒI SƯ TỬ ĂN THỊT SƯ TỬ”?
Sư tử trùng trong kinh Phật (có thể dịch là dòi sư tử) là những ký sinh vật sống nhờ vào thân sư tử (từ “sư tử” chỉ Phật pháp). Chỉ có những kẻ sống nhờ vào Phật pháp mới có thể gây hại cho Phật pháp (sư tử được ví như một sinh vật vô địch).
Trong khi xe rước Chúa bắt đầu sáng đèn từ giáo phận Xuân Lộc, thì xe rước Phật tại TPHCM đi vào bóng tối (theo tin đăng trên trang Phattuvietnam.net thì năm nay sẽ là năm cũng không có xe rước Phật, mà tài chính được huy động xây dựng Viêt Nam Quốc Tự).
Nếu không đủ khả năng tài chính làm 40-50 xe rước Phật thì có thể làm 20-30 xe. Nếu không làm được 20-30 xe, thì có thể làm 5-10 xe. Nếu không nữa, thì làm 1-2 xe để giữ truyền thống, hà cớ gì phải triệt tiêu hoàn toàn, không còn xe rước Phật nào?
Người lãnh đạo cao nhất Phật giáo TPHCM phải chịu trách nhiệm trước lịch sử Phật giáo Việt Nam về việc tự triệt hủy xe rước Phật, sau khi đã có công phục hồi vào đầu thập niên 1990.
Tôi chỉ là một Phật tử không có trách nhiệm gì trong việc tổ chức xe rước Phật. Nhưng đã năm thứ 2 liên tiếp, nguyện vọng của Phật tử về hình thức cúng dường truyền thống đối với ngày Đản sinh của Đức Thế tôn bị chà đạp bởi tự những tu sĩ Phật giáo có quyền hạn. Đây quả là sự nhẫn tâm đối với Phật pháp của tu sĩ xa hoa trên lưng Phật pháp.
Phải chăng, dòi tư sử đang đục một lỗ lớn trên thân sư tử?
MT
Phản hồi riêng đối với tác giả: [email protected],ĐT: 0915553610.