Với ý niệm thiêng liêng cao cả ấy, làm thế nào để con người có được một niềm vui chân thật, không còn lệ thuộc vào những nỗi khổ đau của một kiếp người. Vì thế mà trong 49 năm thuyết pháp hoằng hóa độ sanh, Ngài vì một nguyên nhân lớn: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập phật tri kiến”. Suốt quá trình hành đạo, Ngài luôn chỉ bày cho chúng ta thấy cái khổ và phương pháp diệt khổ.
Từ đó, giúp con người nhận chân được thực tại cuộc sống bằng cách trở về với “Bản lai diện mục”, bởi có sự đau khổ là do cuộc sống chúng ta tạo nên; vì thế mà con người từ kiếp này sang kiếp khác, do ý niệm tham đắm cho nên con người mới đau khổ và ngược lại ít tham đắm thì sự đau khổ được giảm bớt. Nhân quả ấy là qui luật mà ý muốn là động cơ. Vậy, muốn thoát hẳn qui luật để bản thể chơn như quay về với nội tâm thì chúng ta mới thoát được sự đeo đuổi của nghiệp báo và đó mới là chân lý, là trường tồn, là niềm vui, là thực tại; còn ngược lại, đời này là giả dối, là tạm thời, là đau khổ và không ổn định.
Đức Phật nhận thấy đời là bể khổ, thương chúng sanh lặn hụp trong sanh tử luân hồi nên Ngài thông cảm với nỗi khổ của con người thật là vô hạn.
Đức Phật đem đạo vào đời với một sứ mệnh vô phân biệt, từ hàng trí thức cho đến những người nông phu, từ thành đô cho đến thôn dã. Nơi đâu cất lên tiếng đau khổ từ một kiếp người lầm than là nơi đó đạo Phật sẽ hiện hữu và mang theo một niềm tin yêu, hạnh phúc đến cho cuôc sống con người. Truyện Kiều phản ánh rất rõ ràng, Nguyễn Du đi từ “tài mệnh tương đố”, “bỉ sắc tư phong” của Nho giáo và dừng lại ở thuyết Nghiệp báo, Luân hồi của đạo Phật.
Đứng về quan điểm tôn giáo của Nguyễn Du mà nói thì chữ mệnh cũng không thỏa mãn được ông, “tài mệnh tương đố”, “bỉ sắc tư phong” là những nhận xét mơ hồ. Nó chỉ nêu được hiện tượng mà chưa giải thích được nguyên nhân. Đúng là trong cuộc sống, Nguyễn Du cũng chiêm nghiệm thấy rằng không mấy người có tài mà không gặp tai họa; họ phải chịu những nỗi khổ cực, không mấy người có sắc mà được hưởng hạnh phúc tròn đầy đầy. Tại sao như vậy? Nếu tất cả đều do mệnh trời thì trời là độc đoán mà cá nhân là vô tội, không chịu trách nhiệm gì về cái khổ của mình cả, mà đã thế thì làm sao cho cá nhân có ý thức tự giác về “mệnh” để chịu đựng những nỗi đắng cay ở đời, cho nên cá nhân ấy chỉ có oán trách cái “mệnh” mà thôi. Vì thế mà Nguyễn Du đã đay nghiến cái “mệnh” như:
“Chém cha cái số ba đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.”
Để xoa dịu và an ủi được cá nhân đau khổ ấy chấp nhận cuộc sống hiện tại, để rồi cải tạo tương lai một cách rạng rỡ hơn, Nguyễn Du vận dụng đến chữ nghiệp của nhà Phật:
“Kiếp xưa đã vụng đời tu
Kiếp này chẳng khéo đền bù mới xuôi.”
Nghiệp báo là cái khổ kiếp trước của nàng Kiều để lại hay là nỗi khổ do xã hội tạo thành mà trong đó người đang sống cũng là tác nhân gây tạo ra. Những thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, những “lũ ác nhân” là hiện thân của nghiệp báo. Trái lại, Đạm Tiên là sứ giả của nghiệp báo. Là một con người hiện thực chịu nhiều đau khổ như nàng Kiều, tiêu biểu cho nỗi đau của thế hệ phụ nữ trước cũng như sau nàng. Cho nên Đạm Tiên luôn luôn thông cảm an ủi, bày tỏ cho nàng phương pháp và kinh nghiệm sống, không phải đưa nàng siêu thoát; mà ngược lại động viên nàng sống và chính bản thân Kiều xóa sổ đoạn trường để cho nàng trở về cuộc sống đáng yêu trong hiện tại. Nghĩ đến đây, tôi cam thấy thế hệ phụ nữ Việt Nam ngày nay có phải là hiện thân của Kiều mà Nguyễn Du đã mô tả trong xã hội gọi là “lạc hậu” ngày trước.
Như vậy qua truyện Kiều, về phương diện luân lý, đạo đức Phật giáo không những chỉ giáo dục một gia đình, một xã hội mà trọng điểm giáo dục của đạo Phật là giáo dục cá nhân, đào tạo con người phải thích ứng với mọi phương diện sống trong xã hội. Con người xã hội là con người tập thể nên mỗi hành động của chúng ta là một hiến dâng, mỗi hành động là một sự xây dựng mới đưa con người vào con đường chân, thiện, mỹ, để phục vụ cho cuộc sống chính mình và nhân quần xã hội.