1. Phật giáo đến với Việt Nam khi nước này đã mất đi nền độc lập được tạo dựng từ nghìn năm và nhân dân đang quằn quại đau thương dưới ách thống trị của tầng lớp cầm quyền Trung Quốc.
Đối với một dân tộc phải thường xuyên chống thiên tai, lại chịu thêm sự áp bức của nước ngoài, nguy cơ diệt vong luôn luôn đè nặng lên tâm tư của mỗi người. Điều kiện duy nhất để tồn tại là toàn thể dân tộc phải thương yêu nhau, phải gắn bó với nhau, phải cùng nhau chiến đấu: vừa mưu trí, vừa dũng cảm. Tình yêu thương đối với tất cả mọi người, đó là sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên con đường phát triển.
Dũng cảm và mưu trí không phải là phẩm chất vốn có của Việt Nam. Những đức tính ấy trước hết là sản phẩm từ tình yêu thương cao cả nói trên.
Tình yêu thương ấy, tính từ bi hỉ xả ấy, tinh thần minh mẫn và vô úy ấy là điều kiện tồn tại và phát triển ấy của dân tộc, đồng thời là miếng đất như được chuẩn bị sẵn để tiếp thu Phật giáo. Quả nhiên, hạt giống Phật giáo được gieo xuống đây đã nhanh chóng nảy mầm, nhanh chóng sinh hoa và kết trái.
Nhân dân Việt Nam theo đạo Phật, đốt hương và thờ cúng Đức Phật mà thời ấy gọi là ông Bụt. Ông Bụt đầy tình yêu thương và sẵn sàng cứu giúp mọi người trong hoạn nạn, khổ đau. Noi gương ông Bụt, mọi người càng yêu thương gắn bó với nhau hơn nữa, càng quyết tâm giành lại Tổ quốc, càng sẵn sàng xả thân vì sự tồn tại của cả cộng đồng. Có thể nói Phật giáo đã hòa nhập với đặc điểm dân tộc của Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc phát huy và nâng cao truyền thống từ bi hỉ xả của chính dân tộc Việt Nam.
Phật giáo vào Việt Nam cũng tác động mạnh đến quá trình phát triển của tư tưởng triết học và sinh hoạt nghệ thuật.
Về mặt triết học, tư tưởng Phật giáo đã củng cố hơn nữa truyền thống vị tha của người Việt Nam. Cụ thể là tính cộng đồng càng được nâng cao thêm trở thành chủ nghĩa yêu nước sâu sắc trong phạm vi dân tộc và lòng bác ái bao la với toàn thể nhân loại và mọi sinh linh trên trái đất.
Về mặt nghệ thuật, tư tưởng yêu nước và nhân đạo trở thành cơ sở cho mọi xúc cảm thẩm mĩ ở cả nội dung sáng tác và hình thức thể hiện. Những thành tựu nghệ thuật và kinh nghiệm sáng tác có thể được tiếp nhận từ nước ngoài qua giao lưu văn hóa và từ đó làm phong phú thêm nghệ thuật nước ta. Tuy nhiên, phải nói rằng cái phần quan trọng nhất và quý báu nhất trong nghệ thuật vẫn chính là tâm hồn Việt Nam, là sự kết hợp giữa tư tưởng Việt Nam với tinh hoa Phật giáo trong cả sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật.
Chúng ta sắp sửa kỉ niệm nghìn năm Thăng Long, cái ngày mà Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra mảnh đất của Hà Nội hôm nay và từ đây đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Đại Việt. Có thể nói, Lý Công Uẩn, một người yêu nước, xuất thân từ trong nhà Phật đã tạo bước ngoặt lớn nhất cho sự phát triển của cả triết học và nghệ thuật Việt Nam. Lần đầu tiên chủ nghĩa yêu nước được thể hiện cả trong hành động và tư duy, ở cả sản phẩm vật chất và tinh thần của văn hiến Việt Nam.
2. Đầu óc tự cường của dân tộc bắt đầu từ thuở Lý Bôn tự xưng là Nam Đế, rồi nổi lên ở vị hoàng đế đầu tiên là Đinh Bộ Lĩnh. Tiếp sau đó là các đời Lê, Lý, Trần, Lê cho tới sau này đã không thẹn với lời tuyên bố của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tư tưởng Phật giáo trong thế đi lên của dân tộc cũng tràn ngập trong nghệ thuật thi ca, thể hiện ý chí mãnh liệt ở những vị thiền sư và những Phật tử anh hùng. Đó là khí phách của Thiền sư Không Lộ qua hai câu thơ:
Có lúc lên thẳng đỉnh cao trên núi
Kêu lên một tiếng cho lạnh cả bầu trời!
(Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư)
Đó cũng là Thiền sư Quảng Nghiêm thể hiện chí khí xung thiên của Phật tử Việt Nam: làm trai phải có một chí khí chọc trời, không nhất thiết phải đi theo con đường mà Như Lai đã đi (Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành).
Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, những ông vua đã đánh tan quân giặc khủng khiếp nhất của toàn nhân loại là quân Nguyên, lại là những Phật tử chân chính và rất uyên thâm. Những ông vua ấy bất đắc dĩ phải làm vua để cứu nước và phục vụ nhân dân, nhưng sẵn sàng “từ bỏ ngai vàng của mình như vứt đi chiếc dép rách” (Trần Thái Tông).
Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh hùng bậc nhất lại chính là người thân hành sang nước Chiêm nhỏ bé để gặp gỡ vua Chiêm, gả con gái cho vua Chiêm, hẹn cùng vua Chiêm xây dựng tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước anh em.
Giết người là điều cấm kị của Phật giáo nhưng với tinh thần hại một người cứu muôn người (Nguyễn Du), những Phật tử đời Trần khắc chữ sát thát trên vai để giết giặc cứu nước.
Từ thời Hai Bà Trưng khi xưa cho đến các triều đại anh hùng về sau, nhân dân ta đều coi giết giặc chỉ là một điều bất đắc dĩ. Đối xử nhân đạo với tù binh, tha chết cho hàng chục vạn con người và tạo điều kiện cho họ trở về nước: đó là truyền thống trước sau như một của dân tộc Việt Nam qua mỗi lần chiến thắng đánh đuổi ngoại xâm.
Nguyễn Trãi trong Quân trung từ mệnh tập luôn luôn bày tỏ lòng xót thương đối với sự chết chóc của binh sĩ nhà Minh và sự đau khổ của gia đình họ. Hồ Chí Minh khi nghe báo cáo về một trận thắng của ta đã gây tử vong cho rất nhiều quân Pháp thì Người đã buồn mà nói rằng: máu của quân Pháp cũng là máu của con người. Trong những trường hợp ấy thì lòng yêu nước đã gắn liền với tình cảm bao la đối với toàn thể nhân loại.
Chúng ta buộc phải tiến hành đấu tranh nhưng lòng chúng ta luôn hướng về hữu nghị và hòa bình. Cảm ơn thế giới đã tặng Hồ Chí Minh danh hiệu: Con người của hòa bình và Hà Nội, thành phố của hòa bình, dù Hồ Chí Minh đã suốt đời chiến đấu cho độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân loại, Hà Nội đã bao lần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trên mảnh đất luôn luôn chìm trong máu lửa.
3. Những điểm nổi bật trong tư tưởng triết học càng rõ nét thêm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Từ nhà Lý trở đi, nhân dân ta đã xây dựng ở khắp nơi những chùa Phật cùng với những đền thờ anh hùng dân tộc. Các nhà kiến trúc sẽ có những nhận xét về tính Phật giáo và tính dân tộc trong những công trình xây dựng ấy. Các nhà nghiên cứu âm nhạc, vũ đạo, hội họa cũng sẽ phát biểu ý kiến về ý nghĩa nói trên. ở đây, tôi chỉ xin nêu lên một vài nét thể hiện tư tưởng Phật giáo và đặc trưng dân tộc trong những nghệ thuật thơ văn mà thôi.
Qua hàng vạn trang thơ ca thời Lý-Trần mà tôi đã từng đọc, có thể nhận xét rằng, tác phẩm của những người biết kết hợp yếu tố dân tộc và yếu tố Phật giáo trong sáng tác đã thành công hơn rất nhiều so với những tác giả thiếu cả hai hoặc một trong hai điều đó.
Thơ của những vị thiền sư và những Phật tử nổi tiếng không những sâu sắc về tư tưởng triết học mà còn rất nhuần nhuyễn trong biểu đạt nghệ thuật. Thơ của Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Mẫn Giác, Trần Nhân Tông mãi mãi là những viên ngọc bích trong kho tàng văn học Việt Nam. Các nhà Nho về sau, cả trong Hội Tao Đàn của Lê Thánh Tông, cũng ít bài hay được như thế.
Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Đại cáo bình ngô của Nguyễn Trãi là những bản anh hùng ca thể hiện khí phách hào hùng của dân tộc dưới cái nhìn rộng lớn của tư tưởng Phật giáo Lý – Trần.
Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều không chỉ xót thương những nàng cung nữ mà chính là tiếng khóc đối với cả nhân loại trong cuộc sống mong manh và bất hạnh trên cõi thế gian này.
Nhà thơ lớn nhất của dân tộc là Nguyễn Du cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều của tư tưởng Phật giáo không chỉ ở bài Văn chiêu hồn mà còn cả trong tác phẩm Truyện Kiều bất hủ của ông.
Có thể kết luận rằng, sự kết hợp giữa tư tưởng dân tộc và tư tưởng Phật giáo đã tạo nên những nét đặc sắc trong cả triết học Việt Nam và nghệ thuật Việt Nam.
4. Ngày nay, cùng với dân tộc và nhân loại hằng ngày, hàng giờ chứng kiến những đổi thay lớn lao, càng chứng minh sâu sắc hơn nữa tư tưởng vô thường của Phật giáo.
Thiên nhiên có bao giờ hung dữ như thế này không? Hằng ngày, trên thế giới đang diễn ra những sự kiện khủng khiếp như sóng thần, động đất, núi lửa, dịch bệnh và những trận bão lụt tàn phá cửa nhà, hủy diệt hàng vạn, hàng triệu sinh linh. Trong khi đó, trên lĩnh vực xã hội thì ngay trong ngày hôm nay, trong lúc chúng ta đang ngồi đây, chiến tranh đang hủy diệt hàng vạn, hàng triệu những con người vô tội. Bom đạn đang dội xuống đầu nhân dân Liban, Palestine. Sự bất công và bất bình đẳng đang diễn ra ở khắp mọi nơi, giữa nước giàu và nước nghèo, giữa nước mạnh và nước yếu, giữa những người cực kì giàu sang và nhân dân khốn khổ trong đói rét.
Tại Việt Nam, chúng ta đang trải qua những ngày đầy gian nan thử thách. Lịch sử đang đặt nhân dân ta trước hai chiều hướng: hoặc là ngày một lùi lại đằng sau, không ngẩng đầu dậy được nữa hoặc là khai thác những tiềm năng vô tận của đất nước và con người, để nhanh chóng vươn lên hàng đầu của nhân loại.
Những người có tâm huyết đang day dứt ngày đêm trước vận mệnh của Tổ quốc. Còn có những kẻ vẫn nhởn nhơ và “hãnh diện” trong việc làm giàu bất chính. Sự tồn tại dai dẳng của tệ tham nhũng đang là sự chế giễu đối với những người dân đau khổ và những người sống quang minh chính đại.
Đã đến lúc cần rung một hồi chuông cảnh tỉnh trước những kẻ u mê đang chìm đắm trong trầm luân bể khổ. Không tự thức tỉnh được trước sự hư ảo của cuộc sống giàu sang và cả sự hư ảo của ngay cái trần thế này thì người ta ngày càng dấn sâu xuống vực thẳm của tham, sân, si.
Quy luật phát triển của xã hội và sức mạnh dân tộc đang đòi hỏi mỗi dân tộc, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình cũng như mỗi cá nhân muốn phát triển bền vững phải thống nhất được cả hai mặt: cá nhân và cộng đồng, kinh tế và văn hóa, kinh doanh và từ thiện, đạo đức và tài năng.
Cá nhân sẽ trở thành bất hạnh nếu như tách khỏi cộng đồng và đi ngược lợi ích cộng đồng bởi hạnh phúc chân chính xuất phát từ cuộc sống cộng đồng chứ không phải từ cuộc sống cá nhân.
Kinh tế và văn hóa phải quan hệ mật thiết với nhau, phải cùng là nền tảng vật chất và tinh thần cho mọi sự phát triển bền vững.
Tôi hoan nghênh các nhà doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm tới việc làm từ thiện. Từ thiện hiện nay đang trở thành những việc hằng ngày ở khắp mọi nơi. Đó là những việc làm còn đang nhỏ nhưng rất cần thiết. Tuy nhiên, mọi người cần phải dồn sức để thực hiện một sự từ thiện lớn lao và cấp thiết gấp trăm lần. Đó là sự từ thiện đối với cả dân tộc, là việc làm của tất cả mọi người nhằm đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn để nhanh chóng trở thành giàu mạnh.
Đất nước ta là một đất nước đời này qua đời khác đã tạo ra những anh hùng hào kiệt. Những người này đã thành công rực rỡ bởi họ đã gắn tài năng với đạo đức. Có đức mà không có tài thì chỉ là một cục đất vô công, vô tội chẳng để làm gì. Nhưng có tài mà không có đức thì sẽ không chỉ phá hoại đất nước mà còn hủy diệt cả hạnh phúc hôm nay và ngày mai của gia đình mình và của chính bản thân mình.
Tôi ước mong hồi chuông cảnh tỉnh sẽ ngày một vang cao, vang xa để mọi con người Việt Nam phát huy được của sức mạnh vô tận của tình thương: tình thương sâu sắc với dân tộc, tình thương bao la đối với cả nhân loại và đối với mỗi con người.
Tôi nghĩ rằng đó là sự tiếp thu sáng suốt tư tưởng Phật giáo vào cả trong triết học và nghệ thuật Việt Nam.
Đó cũng là cuộc sống có ý nghĩa của mỗi người chúng ta trong cõi thế gian còn đầy tội ác và đau thương này