Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Trí Tuệ: Sinh mệnh của đạo Phật

Trí Tuệ: Sinh mệnh của đạo Phật

131

Nhân đọc bài viết về tiểu sử và sự nghiệp hoằng pháp của Tôn Giả Ca Chiên Diên (Maha Katyayana) một trong mười đại đệ tử của Đức Phật nổi tiếng là “biện luận đệ nhất”, tôi không nén được xúc động và không thể không bày tỏ lòng tôn kính tột độ đối với một vị bồ tát, một đạo sư thật vĩ đại đã đi đúng mạch sống của Phật Giáo, đi đúng giáo lý của Đức Phật và xứng đáng đại diện Phật nói trước đại chúng trong một số pháp hội.

Bằng lý luận đanh thép, bằng chứng nghiệm bản thân, Tôn Giả Ca Chiên Diên đã dùng ánh sáng trí tuệ chiếu rọi vào tận cùng của sự vật, những khúc mắc của chuyện đời, cội nguồn khổ đau của nhân thế, đâu là thánh thiện, đâu là bợn nhơ, đâu là đạo giải thoát rốt ráo và đâu là con đường phải theo.

Và những điều đó đã thuyết phục và chuyển hóa lòng người.

Trước đây qua giáo lý của Đức Phật chúng ta hiểu rằng Đạo Phật là đạo xây dựng trên nền tảng trí tuệ, tức dùng sự giác ngộ, hiểu biết và sức mạnh của lý trí để giải quyết vấn đề tâm linh của con người cùng  những vấn nạn của xã hội mà không dựa vào Thần Linh.

Đây là sự kiện lạ lùng và chấn động vì khi đó Bà La Môn Giáo đang thời cực thịnh mà Brahma (Thượng Đế) là điểm tựa duy nhất để giải quyết mọi vấn đề.

Trong quá trình tu chứng 49 ngày cuối cùng, Đức Phật không dựa vào thần quyền, không cầu nguyện van vái. Mà Ngài đã trải qua những chặng đường chuyển hóa nội tâm “chứng được quả Túc Mệnh Thông tức thấy rõ tất cả khoảng đời quá khứ của mình trong tam giới. Đến nửa đêm Ngài chứng được quả Thiên Nhãn Minh, thấy được bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Đến canh tư Ngài chứng được quả Lậu Tận Minh, rõ biết nguồn gốc của khổ đau và phương pháp diệt trừ đau khổ để giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi.” (1)

Và cuối cùng Ngài vẫn còn phải chiến đấu với những níu kéo ghê gớm của Ái – Dục vốn gắn chặt với kiếp người, biểu hiện qua cuộc chiến đấu với Ma Vương.

Trong suốt 45 năm hành đạo, thu nhận, dạy dỗ đệ tử, Đức Phật chỉ nói về những gì Ngài trải qua và chứng đắc, không thêm, không bớt và không giữ lại cho mình bất cứ điều gì.

Giáo pháp của Ngài là một kho tàng tư tưởng nhân bản, lý luận phong phú, dùng ẩn dụ, dùng toán học, khúc triết, có dẫn chứng, có so sánh để khai mở trí tuệ.

Ngoài danh hiệu “ Đấng Từ Phụ”, Đức Phật còn là một triết gia, một nhà giáo dục, một tâm lý gia vĩ đại mổ xẻ những khúc mắc tâm lý của con người. 

Từ những điểm thù thắng và hi hữu nói trên, qua cuộc đời bằng xương bằng thịt của Đức Phật, qua công hạnh và việc hoằng pháp của các đệ tử của Ngài, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm của Phật Giáo như sau:

a) Đạo Phật không dựa vào Thần Linh, phép mầu nhiệm để xây dựng nền tảng giáo lý của mình.

Đạo Phật trực chỉ nhân tâm, lấy con người làm gốc, lấy sức mạnh của con người –  tức bộ óc – tức trí tuệ của con người – để giải quyết những vấn đề của con người.

Hạnh phúc do con người kiến tạo. Khổ đau do con người tự gây ra cho nhau và cho chính mình. Khi dùng trí tuệ làm nền tảng thì ai cũng như ai, mọi người đều bình đẳng vì ai cũng đều có trí tuệ, ai cũng có Phật tánh.

Khi dùng Thần Linh làm nền tảng thì con người trở thành tôi tớ cho Thần Linh. Tầng lớp trung gian với Thần Linh sẽ trở thành Thánh và có quyền sinh sát, có quyền quyết định vận mệnh của con người bởi vì chỉ có tầng lớp trung gian này mới có khả năng tiếp cận hoặc là đại diện chân chính của Thần Linh mà thôi.

Trước khi gặp Phật, nhờ sự thông thái đặc biệt mà Tôn Giả Ca Chiên Diên đã có thể đọc được tấm bia đá viết bằng cổ ngữ do vua của Thành Ba La Nại đào được mà người đời cho rằng đó là văn tự của Đấng Phạm Thiên (Thượng Đế).

Dù đọc được nhưng Tôn Giả không sao tìm ra lời giải đáp. Tấm bia viết như sau:

Vua của các vị vua là ai?
Thánh của các bậc thánh là ai?
Thế nào là người ngu?
Thế nào là người trí?
Làm sao xa lìa được dơ bẩn?
Làm sao chứng đạt được niết bàn?
Ai chìm đắm trong biển sinh tử?
Ai tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát?

Dù đã đi vấn hỏi Nhóm Lục Sư là những nhà thông thái nhất lúc bấy giờ, họ cũng không tìm ra lời giải đáp. Cuối cùng, nhớ lời dặn của người cậu là Đạo Sĩ A Tư Đà (Asita) trước khi qua đời, Tôn Giả đã phải tới thỉnh hỏi Đấng Đại Giác và sau đây là giải đáp của Đức Phật:

Vua của các vua là vị thiên vương cung trời thứ sáu.
Thánh của các bậc thánh là đức đại giác Phật Đà.
Để cho vô minh làm ô nhiễm là người ngu.
Có khả năng tiêu diệt mọi phiền não là người trí.
Dứt bỏ được tham sân si thì lìa được dơ bẩn.
Hoàn thành được giới định tuệ thì chứng niết bàn.
Còn vướng mắc vào ngã và pháp là còn chìm đắm trong biển sinh tử.
Thấy rõ được pháp tính duyên khởi thì tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát.
(2)

Lời giải đáp không hề dựa vào bóng dáng của thần quyền, không huyền hoặc, hoàn toàn thuần lý, rõ ràng và bày tỏ sự chứng đắc rốt ráo của đấng Đại Giác, khiến cho “những bóng mờ vẫn ẩn núp trong tâm trí ông từ bấy lâu nay đều bị ánh sáng trí tuệ quét sạch.” (3)

Và đây là nguyên do khiến Tôn Giả tới đỉnh lễ qui y và trở thành đệ tử của Đức Phật, từ bỏ danh vọng, quyền thế cao tột của dòng dõi Bà La Môn.

b) Đạo Phật không dựa vào những thiên tai dịch họa như núi lửa, động đất, sóng thần, hạn hán, lụt lội, bệnh tật hoặc những tai họa do chính con người gây ra như chiến tranh v.v…để minh chứng cho sự hiện hữu của Thần Linh để rồi từ đó hù dọa, khuyến dụ con người tôn thờ Thần Linh và đi theo đạo tôn thờ Thần Linh.

Đạo Phật đi lên từ những khổ đau của con người trong đó thiên tai, dịch họa chỉ là một trong những khổ đau của con người.

Chính bản thân Đức Phật khi còn là thái tử đã phải đối đầu với những khổ đau như Sinh, Lão,  Bệnh, Tử mà giáo lý của thần giáo đương thời, thậm chí thân phụ ngài, dù là một quốc vương cũng không sao giải quyết được.

Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi không phải đi tìm thiên đàng, không phải để tu luyện phép mầu mà chỉ để giải quyết những khổ đau của chính mình và của nhân thế.

Do đó Đạo Phật là đạo diệt khổ. Khổ Đế là khởi nguyên của Đạo Phật. Cứu cánh của Phật Giáo là giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát khỏi sự thống ngự của thần quyền, giải thóat khỏi Tham-Sân-Si là nguyên do của bao thảm họa xảy ra trên cõi đời này.

Dĩ nhiên khi đã diệt hết khổ thì chúng ta hạnh phúc. Niết Bàn chỉ là trạng thái mà con người đã xa lìa tất cả các phiền não chứ không phải là cuộc sống ở một cung trời nào đó.

Do đó, trong Đạo Phật, bất cứ ai tự xưng mình là thánh thần mà còn nhăn nhó, khổ đau, van nài, kêu cứu…thì đó là chỉ là phàm phu chứ không phải thánh thần. Vì không tôn thờ Thần Linh, không tôn thờ Tự Ngã cho nên cứu cánh của Phật Giáo không phải là sự thờ phượng.

Nếu chúng ta có thờ Phật cũng chỉ để tôn thờ một bậc thầy vĩ đại để từ đó đi theo giáo lý của Phật, để được hạnh phúc như chính Phật. Truyện về quãng đời hoằng pháp của Ngài Ca Chiên Diên kể rằng: (4)

Một lần nọ, khi Đức Phật trở về quê hương Ca Tỳ La Vệ để giáo hóa. Trong số tăng chúng đi theo có Tôn Giả Ca Chiên Diên. Phật và đại chúng tạm trú tại thôn Hạ Lỵ. Trong thời gian lưu trú tại đây, một hôm, trong thôn có một vị trưởng giả lâm trọng bệnh. Ca Chiên Diên muốn đích thân đến dùng Phật pháp để tiêu trừ bệnh khổ cho ông ta.

Tôn Giả đến trong lúc vị trưởng giả đang nằm trên giường bệnh. Tôn Giả hỏi thăm:

– Thưa trưởng giả! Đức Thế Tôn nghe nói trưởng giả không được khỏe nên sai tôi đến thăm. Chẳng hay trưởng giả đã cho mời thầy thuốc đến chữa trị chưa?
Vị trưởng rất cảm động trả lời:

– Con xin cám ơn Đức Thế Tôn và đại đức. Bịnh của con đã đến lúc quá nặng rồi, không còn hi vọng gì chữa được. Rất nhiều thầy thuốc đều đã bảo như vậy.

– Vậy xin trưởng giả hãy chuyên tâm quán niệm Tam Bảo, mong nhờ uy đức lớn lao của Tam Bảo mà tâm ý của trưởng giả được thanh tịnh, rồi bịnh sẽ thuyên giảm.

– Thưa đại đức! Con qui y Tam Bảo với hi vọng được hộ trì Tam Bảo để đam lại lợi lạc cho nhân gian. Con nên hiến cúng cho Tam Bảo những gì mình có chứ đâu dám yêu cầu này nọ nơi Tam Bảo!

– Trưởng giả nói rất đúng! Cõi thế gian là vô thường, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta được thường trú mãi mãi. Thân thể phải bị bệnh tật, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta khỏe mạnh suốt đời.

Người có đức tin vào Tam Bảo lúc nào cũng hi sinh cá nhân để xây dựng cuộc sống chung. Bệnh hoạn, đau khổ của cá nhân, chúng ta hãy biết tự lo lấy chứ đâu có dám làm phiền đến Phật Pháp Tăng, nhưng thưa trưởng giả, sức người thì có giới hạn mà ánh từ quang của Tam Bảo thì trải khắp mọi nơi, nếu chúng ta thành tâm cần cầu thì ánh từ quang ấy sẽ rọi chiếu đến.

Nghe lời khuyên của Ca Chiên Diên, vị trưởng giả hàng ngày chuyên niệm Tam Bảo. Ông cảm thấy thân tâm dần dần trở nên an lạc và bệnh tình cũng ngày càng thuyên giảm.” 

Lời khuyên của Tôn Giả thật nhân bản, hợp tình, hợp lý. Dĩ nhiên Tam Bảo không thể chữa lành bệnh cho ai. Ai nói rằng Phật Pháp Tăng có thể chữa lành bệnh cho tất cả mọi người thì đó là sự lừa mị.

Thế nhưng nếu chúng ta chú tâm nhiếp niệm Tam Bảo thì thân tâm chúng ta thanh tịnh, nghị lực tăng trưởng. Có thể vì thế mà chúng ta lướt qua được bệnh tật. Đó cũng là phương pháp tâm lý trị liệu của thời đại ngày hôm nay.

c) Đạo Phật không dùng tình cảm để thuyết phục ai.

Vì Đạo Phật nhằm khai mở trí tuệ cho con người cho nên Đạo Phật không lợi dụng tình cảm yếu đuối, không lợi dụng những hoàn cảnh khốn khó của người để truyền đạo.

Đạo Phật luôn luôn đến với con người khi con người sáng suốt nhất. Đạo Phật là sự bừng nở hoa tâm, giã từ sự ích kỷ, giã từ gian tham, giã từ tật đố, giã từ bóng tối, giã từ kiêu mạn, giã từ cái hữu hạn để tìm về nơi vô hạn.

Do đó có thể nói “Nếu bạn mở cánh cửa Trí Tuệ ra, bạn sẽ thấy Đạo Phật. Nếu bạn khép cánh cửa Trí Tuệ lại, bạn sẽ không thấy Đạo Phật.”

Đạo Phật không dùng ơn nghĩa để truyền đạo. Trong khi người ta đói khát mình cho người ta một bát cơm đó là cử chỉ đẹp, nhưng lợi dụng bát cơm đó để dụ người ta vào đạo là một hành vi cưỡng ép và ngay trong cử chỉ “cho” đó đó đã ngầm chứa một âm mưu, một thủ đoạn bất chính.

Đạo Phật là đạo “phá tà hiển chính”. Chúng ta có thể cam đoan rằng không một tu sĩ Phật Giáo nào có can đảm làm thế. Nếu họ làm thế thì họ là tín đồ của “Ma Giáo” chứ không phải Phật Giáo và họ nên cửi áo của Như Lai để đi theo một tôn giáo khác.

Chúng ta hãy xem Tôn Giả Ca Chiên Diên hóa độ một người đàn bà nô lệ bất hạnh:

Một hôm, sau khi hành hóa ở A Bàn Đề, Ca Chiên Diên lên đường trở về Tịnh Xá Kỳ Viên ở Thành Xá Vệ. Giữa đường, tôn giả trông thấy một thiếu phụ ôm một vò nước, ngồi khóc lóc thảm thiết bên bờ sông, tình cảnh có vẻ rất thương tâm.

Sợ người thiếu phụ vì quá thất ý mà có thể nhảy xuống sông tự tử, tôn giả vội vàng đến hỏi thăm:

– Thưa bà! Có chuyện gì làm bà đau khổ đến nỗi khóc lóc thảm não như vậy?

Nghe có người hỏi, thiếu phụ càng khóc to thêm:

– Thôi ông hỏi han làm gì, dù có nói cũng vô ích thôi!

– Thưa bà! Xin bà cứ nói! Tôi là đệ tử của đức Phật. Tôi có thể giúp bà giải quyết được bất cứ vấn đề khó khăn nào.

– Ông không có cách nào giúp tôi đâu! Ông thấy không? Trên thế gian đầy dẫy những hoàn cảnh không bình đẳng, người giàu kẻ nghèo cách biệt một trời một vực! Tôi là một kẻ nghèo mạt rệp, suốt đời chịu khổ, và cũng vì cái nghèo đã đem đến cho tôi quá nhiều đau khổ nên hiện giờ tôi không còn muốn sống làm gì trên cõi đời này nữa!

Nói xong mấy lời ấy thì thiếu phụ vật vã lăn lộn như có ý muốn liều mình. Tôn giả hoảng hốt, vội nhanh chân đứng chận trước mặt thiếu phụ, rồi thương xót an ủi:

– Thưa bà! Xin bà đừng quá thất vọng như vậy! Bà hãy bình tâm nhìn lại thử xem, trên đời này người nghèo nhiều lắm chứ đâu phải chỉ có một mình bà! Lại nữa, người nghèo không hẳn là bất hạnh, mà người giàu cũng không hẳn là có hạnh phúc.

Bà thấy không! Có những người giàu có, nhà cao cửa rộng, ruộng đất thênh thang, kẻ ăn người ở đầy nhà, nhưng họ hàng ngày cứ bị các tính xấu như tham lam, sân hận, ganh ghét giày vò, đó mới là đau khổ, đó mới là bất hạnh.

Cho nên làm người, chỉ cần có được cuộc sống bình an là tốt nhất, còn cái nghèo đâu đáng để cho ta đau buồn!

– Bởi vì ông là một vị sa môn nên cứ dửng dưng với sự thế, chứ kẻ tục như tôi thì đâu được như vậy. Ông biết không? Tôi nguyên là kẻ nô lệ của một nhà đại phú hào ở vùng này. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ biết làm nô dịch cho người, không có một chút thì giờ rảnh rỗi nào, thế mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn bị người chủ tham tàn bạo ác, hở một chút là mắng chửi đánh đập, khiến cho bọn tôi tớ chúng tôi, muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không xong!

Tôi nghĩ, sở dĩ tôi bị hành hạ như vậy là chỉ vì cái nghèo mà ra, sao ông lại bảo cái nghèo không đáng để làm cho người ta đau khổ?

– Thôi thì cứ cho là bà có lý, nhưng dù sao thì tôi cũng khuyên bà đừng đau buồn nữa. Tôi sẽ chỉ cho bà cách thức chẳng những thoát được cái nghèo mà còn phát tài nữa.

Nghe vậy, thiếu phụ lật đật lau nước mắt, hỏi dồn:

– Cách gì, thưa đại đức?

– Giản dị lắm! Bà đã bị cái nghèo làm cho đau khổ, sao bà không đem cái nghèo ấy bán cho người khác đi?

– Đại đức nói đùa sao chứ! Cái nghèo mà bán được thì hóa ra trên đời này chẳng còn ai nghèo cả? Vả lại, có ai mà lại chịu mua cái nghèo!

– Tôi chịu mua, bà hãy bán cho tôi đi!

– Cái nghèo lại có thể bán được, và cũng có người như đại đức chịu mua, nhưng rất tiếc là tôi không biết bán nghèo bằng cách nào!

– Bằng cách bố thí, thưa bà! Bà nên biết rằng, sự giàu nghèo của mọi người đều có nguyên nhân. Sở dĩ người ta nghèo là vì kiếp trước người ta tham lam keo kiệt, không biết bố thí và tu phước. Sở dĩ người ta giàu có là vì kiếp trước người ta biết bố thí và tu phúc. Cho nên, bố thí và tu phúc là cách tốt nhất để bán nghèo mua giàu.

Nghe mấy lời khai thị của tôn giả, thiếu phụ bỗng cảm thấy như tâm trí mình vừa được khai sáng, dù vậy, bà vẫn còn có điều thắc mắc:

– Thưa đại đức! Bây giờ thì con thấy tâm trí con đã được sáng tỏ. Con hiểu được lời dạy của đại đức rồi, nhưng con vốn dĩ rất nghèo, không có bất cứ vật gì gọi là của riêng; ngay cả cái vò nước này cũng là của người chủ tham lam độc ác ấy, con đâu biết lấy gì để cúng dường cho đại đức!

Ca Chiên Diên đưa cái bình bát của mình ra trước mặt thiếu phụ:

– Không nhất thiết phải có tiền bạc hay của cải mới bố thí được. Mỗi khi thấy người khác bố thí mà mình khởi niệm hoan hỷ, đó cũng là bố thí rồi. Hiện giờ bà có thể trút nước trong cái vò bà đang có sang bình bát này cho tôi. Thế tức là bà bố thí cho tôi đó!

Tới đây thì thiếu phụ hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó bà nguyện luôn luôn y theo lời dạy của tôn giả mà thực hành, và không còn thấy bị đau khổ vì cảnh nghèo nữa.” (5)

Thưa quý vị, làm sao một vị sa môn đi chân đất, ôm bình bát khất thực, dù trí tuệ siêu việt như thế nào đi nữa, lại có thể chuyển hóa một cấu trúc xã hội bất công chằng chịt từ trên xuống dưới trùm phủ cả ngàn năm rồi?

Và người đàn bàn bất hạnh này chỉ là nạn nhân của cấu trúc xã hội bất công đó. Nhưng chẳng lẽ thấy chết, thấy người ta khổ mà không cứu?

Nhưng cứu làm sao đây? Do sự linh hoạt và minh mẫn khác thường, Tôn Giả đã nảy ra ý nghĩ “mua nghèo” tức rước lấy cái nghèo cho người đàn bà bất hạnh.

Có thể đề nghị này đã làm cho người đàn bà phì cười. Nhưng cũng nhờ cái tức cười đó mà tâm trí bà bừng sáng, như nở tâm hoa và một thứ ánh sáng chiếu rọi vào đầu óc và chuyển hóa tâm thức.

Bà không còn cảm thấy nghèo hèn và khốn khổ nữa: Một chuyển hóa tâm thức trong hòa bình, không làm khổ mình và khổ người, không cần sự trợ lực hay quyền phép của thần linh.

d) Đạo Phật không dùng quyền lợi vật chất trước mắt, cũng như ảo tưởng về một cuộc sống bất tử để dụ dỗ con người.

Những người đi theo Phật đều vứt bỏ quyền lợi, danh vọng tột đỉnh của thế gian như bao bậc vua chúa, đại thần, tỉ phú, những nhà tiên tri, các vị Bà-la-môn tăm tiếng thời Đức Phật còn tại thế.

Theo Phật hay theo Đạo Phật không phải để được thăng quan tiến chức, đặc quyền đặc lợi kinh tế, ăn trên ngồi trước, hoặc là cái mộc che, cái vỏ đạo đức để vênh vang trong xã hội.

Đạo Phật lại càng không phải là cái “mode”hay phong trào để theo. Mode hay phong trào giống như kiểu cọ đầu tóc, quần áo, vẽ môi vẽ mắt ồn ào đó rồi quăng bỏ đó.

Theo Phật hay theo Đạo Phật là mong muốn trở thành Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, bơi lội trong biển Trí Tuệ, tắm mát trong suối Từ Bi và rong chơi trong vườn Giải Thoát, là người nhưng biết thương người và bình đẳng với muôn loài. Đạo Phật là như thế đó.

e) Đạo Phật không dựa vào lời sấm truyền, huyền thoại, lời tiên tri để xây dựng giáo lý của mình.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, Đức Phật không hề để lại một lời tiên tri, phỏng đoán nào về vận mệnh của con người và trái đất…mà Đức Phật chỉ nói về nhân duyên và pháp vô thường của vạn hữu, thể hiện qua bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt mà ai cũng có thể chứng ngộ và thấy được qua bao ngàn năm.

Tương lai của trái đất tốt xấu thế nào xin để cho các khoa học gia, các nhà bác học cho ý kiến.

Mới đây Stephen Hawking – lý thuyết gia lừng danh về vật lý của Anh đã tuyên bố trong cuốn sách mới của ông là Thượng Đế không sáng tạo ra vũ trụ mà “Sự Nổ Lớn” (Big Bang) là hậu quả tất yếu của định luật vật lý. Nếu năm xưa Đức Phật nói rằng vũ trụ này do Thượng Đế (Brahma) tạo lập, ngày nay chắc chắn giáo lý của Đức Phật bị suy giảm nghiêm trọng.

g) Đạo Phật không dùng bạo lực, giết hại, kỳ thị để ép buộc con người đi theo.

Khi tôn thờ Thần Linh thì có yêu ghét, cao thấp, sang hèn, đúng sai, phẫn nộ, trừng phạt…do đó có đe dọa, ra oai, trả thù, đàn áp, giết hại. Khi dùng trí tuệ chiếu vào thì vạn pháp “bất bần bất phú, bất cao bất đê, bất phàm bất thánh, bất ái bất ố, bất tịnh bất cấu, bất tăng bất giảm..” khiến Trí Tuệ lắng yên và Tâm Đại Bi hiển lộ.

Chúng ta hãy đọc một giai thoại hoằng pháp của Tôn Giả Ca Chiên Diên:

Một lần nọ, khi đức Phật ngự tại Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana), Ca Chiên Diên đã một mình vượt rừng rậm đi về hướng Tây, đến du hóa ở Vương Quốc Ma Du La. Khi đến nơi, trước hết tôn giả tìm hiểu dân tình và học hỏi phong tục, tập quán cùng cách thức sinh hoạt của dân địa phương.

Sau đó tôn giả mới tìm vào kinh thành để yết kiến quốc vương. Trông thấy tôn giả, quốc vương hỏi:

– Đại đức! Trẫm nghe nói đại đức vốn thuộc dòng giống Bà La Môn cao quí, nhưng lại đi qui y làm đồ đệ của Sa Môn Cồ Đàm vốn thuộc dòng giống Sát Đế Lợi; như vậy chẳng hóa ra là đại đức đã tự hạ thấp mình quá sao?

– Thưa đại vương! Làm đệ tử Phật, chẳng những tôi không cảm thấy tự hạ thấp mình, trái lại đó là điều vinh quang cùng tột của đời tôi.

– Lạ lùng thật! Bỏ đi cái chủng tộc thanh tịnh sinh ra từ miệng Phạm Thiên của mình để làm đệ tử của ông Phật dòng Sát Đế Lợi thì có ai mà hiểu nổi!

Dù vị quốc vương tỏ rõ thái độ kinh rẻ như vậy, nhưng tôn giả không lấy thế làm khó chịu, vẫn ôn hòa đáp lại:

– Thưa đại vương! Trước đây, khi còn là một đạo sĩ Bà La Môn, tôi cũng đã từng có cái nhìn giống hệt như đại vương vậy, nhưng từ khi nghe được những lời chỉ dạy của Đức Phật, tôi mới biết là mình đã có những nhận thức đầy sai lầm.

Xã hội phân ra có bốn giai cấp khác nhau chẳng qua là vì có các chứng nghiệp khác nhau, đại khái như tôn giáo, chính trị, thương nghiệp, công nông v.v…

Đó chỉ là vấn đề phân công làm việc, tự chúng không có cao thấp, sang hèn. Nếu y cứ vào đó để lập thành các giai cấp cao thấp, phân chia chủng tộc sang hèn thì hoàn toàn là những lợi dụng vô lý và phi pháp. Bất cứ ở giới nào cũng có người tốt kẻ xấu.

Ngày nay, ngay trong dòng Bà La Môn cũng đầy dẫy những phần tử làm nhiều việc xấu xa như tà dâm, giết người, và hầu hết đều là những người bảo thủ, tà kiến. Vậy có thể bảo đó là những người tôn quí bậc nhất hay sao.

Bởi thế, sự tôn quí hay thấp hèn của con người không phải do chủng tộc hay giai cấp cao thấp sinh ra. Bất luận là ở chủng tộc nào, hễ ai biết làm việc tốt, có công phu tu học, có giác ngộ và chứng quả thì đều là người trong sạch, cao thượng, đáng tôn quí.

Quốc vương nghe xong mấy lời này thì bừng tỉnh ngộ, tự nói với mình: “Đúng rồi, ta thật quá sai lầm! Bao nhiêu nhà tù trong nước từ trước đến giờ chỉ dành để giam cầm hạng Thủ Đà La, còn hạng Bà La Môn phạm tội thì không hề hấn gì cả. Thật chẳng lấy làm lạ, tiếng oán than dẫy đầy trong dân chúng!”

Lòng hối cải đã lộ rõ trên nét mặt quốc vương. Thấy thế, tôn giả thuyết phục thêm:

– Thưa đại vương! Vì vậy mà đại vương nên tin phụng và thực hành chánh pháp. Phật là bậc đại giác ngộ, là bậc chí tôn trong đời. Chúng ta qui y làm đệ tử của Người để tìm thấy con đường tự do giải thoát. Đó là hạnh phúc và vinh quang tột của đời chúng ta.” (6)

Sáng suốt và linh hoạt thay lời giải đáp của Tôn Giả Ca Chiên Diên. Chính sự phân tích có tính khách quan và hợp lý đó đã đem lại công lý, bình đẳng cho Vương Quốc Ma Du La và xác định rõ một khuôn thước thẩm định giá trị của con người qua phẩm hạnh đạo đức, qua những gì tốt lành cống hiến cho đời…vẫn còn xác quyết cho tới ngày hôm nay.

h) Theo Đạo Phật, tôn giáo là nhằm giải thóat tâm linh cho con người, san bằng bất công xã hội, giải trừ giai cấp.

Tôn giáo không phải là một nghề nghiệp sinh sống, không phải là một chức vụ để trả lương, không phải là một vị thế để hưởng thụ. Tu sĩ phải là biểu tượng sống động của giáo lý cao thượng.

Tu sĩ không phải là một đẳng cấp siêu vượt trong xã hội. Tu sĩ phạm giới ngoại trừ sự trừng phạt của giáo đoàn (nay là giáo hội), nếu phạm tội, phải chịu sự chi phối của luật pháp không một miễn trừ nào.

Nếu người đời xâm phạm tiết hạnh, hãm hiếp phụ nữ trẻ em, bị trừng   phạt như thế nào thì tu sĩ cũng bị trừng phạt như thế.

Sở dĩ tu sĩ được cúng dàng và kính trọng là vì phẩm hạnh chứ không phải vì địa vị, phẩm trật trong giáo hội.

Tu sĩ chân chính không thể cười nói nhởn nhơ, ăn mặc diêm dúa, nhảy múa, hớn hở bên rượu thịt…bởi vì những cái đó thuộc về thế tục, không phải thánh đạo để mọi người sùng bái, quỳ lạy, dựng tháp miếu để kính ngưỡng.

Chúng ta hãy nghe một đoạn đối đáp của Tôn Giả Ca Chiên Diên với người bạn Lỗ Ê Giá – một trưởng giả của dòng Bà La Môn:

Này người bạn hiền, xin hãy nghe lời tôi nói! Tín ngưỡng và sự tu hành của chúng ta là nhằm mục đích giải thoát khỏi vòng sinh tử, để cho cuộc sống đạt được an lạc, tự tại. Chúng ta đừng xem đó là một thứ nghề nghiệp để sinh sống.

Hiện nay, những tu sĩ Bà La Môn lìa bỏ gia đình để sống theo nếp sống phạm hạnh của người tu hành chân chính phỏng có là bao! Mà phần đông họ đều chỉ có cái hình tướng trá ngụy ở bề ngoài, cúng lễ tế tự cho người giống như việc kinh doanh để sinh nhai, lấy tôn giáo làm cái chiêu bài để tranh dành đoạt lợi, cốt thỏa mãn cái tư dục của mình; thật là đáng buồn! Tu sĩ Bà La Môn ngày nay đều lo tìm những thứ gì ở ngoài Tâm, cũng chẳng phải mong cầu phúc báo ở cõi Trời hay cõi Người, mà chỉ toàn nói hươu nói vượn về những hiện tượng này nọ của vũ trụ, nào có mấy người biết chính mình là ai!" (7)

i) Sau hết, Đạo Phật là đạo duy nhất hoan nghênh mọi sự cật vấn, tranh luận mà không sợ bị sa hỏa ngục hay can tội “phạm thánh”.

Phạm trù của lý trí là phạm trù cần tranh luận, bàn cãi cho ra lẽ. Nếu vấn đề đã thuộc về lý trí thì con người có thể hội, có thể hiểu và lý giải được. Phạm trù của lý trí không có ngằn mé, không cấm kỵ, không biên giới, không phân biệt tuổi tác, vị thế, màu da, chủng tộc.

Chính vì tôn trọng trí tuệ cho nên một trong ba lời nguyện mà chư tăng/ni và Phật tử đọc tụng hằng ngày có câu:

Tự quy ý Pháp
Đương nguyện chúng sinh
Thấu rõ kinh tạng
Trí tuệ như biển

Như vậy theo tinh thần của Phật Giáo, đọc tụng, nghiên cứu kinh điển là để mở mang trí tuệ rộng lớn như biển cả, chứ kinh điển Phật Giáo không phải là một thứ bùa mê làm lu mờ trí tuệ, lú lẫn con người.

Còn phạm trù thần linh thì không có tranh luận, lý giải mà chỉ là sự tuân phục và tin theo – dù rất phi lý và phi trí tuệ. Hễ không tin thì phải sa hỏa ngục.

Trong Đạo Phật, không hề có lời hăm dọa nào buộc tín đồ phải tuân theo lời Phật dạy. Lời Phật dạy giống như một viên thuốc trị bệnh, không uống thì không hết bệnh, chỉ có thế.

Đức Phật luôn luôn nhắn nhủ hàng đệ tử cùng ngoại đạo đến vấn hỏi là phải suy nghĩ cho thật kỹ những gì Phật nói. Nếu những điều đó tốt lành cho mình, cho người thì mới tuân theo chứ đừng vội tin một cách mù quáng.

Trong những giờ phút cuối cùng trước khi Đức Thế Tôn nhập diệt tại rừng Sa La Song Thụ, dù sức khỏe của Ngài rất suy yếu nhưng Ngài vẫn dành nhưng giây phút cuối để cho các hàng đệ tử thưa thỉnh nhiều vấn đề chưa hiểu rõ hoặc còn hồ nghi.

Thậm chí có rất nhiều vị bồ tát đã vặn hỏi, cật vấn, đặt ngược vấn đề với Phật mà Phật vẫn vui vẻ giải đáp thỏa đáng. Hãy cứ xem Kinh Đại Bát Niết Bàn thì rõ.

Từ những nhận định trên chúng ta có thể kết luận rằng Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng Trí Tuệ và Phật Giáo là đạo của Trí Tuệ. Cũng giống như Mặt Trời chính là ánh sáng. Nền tảng Trí Tuệ chính là sinh mệnh của Phật Giáo.

Khi Mặt Trời tắt thì ánh sánh không còn. Xa lìa trí tuệ, bám víu vào hiện tượng trăng sao, mưa gió của trời đất, khấn nguyện phép mầu, van vái Thần Linh, mê hoặc bởi những lời sấm truyền vu vơ…hướng ngoại mà không hướng nội… là giết chết Phật Giáo trên tự thân của nó.

Thế nhưng nói Trí Tuệ thì phải hiểu đó là Trí Tuệ Rốt Ráo, Trí Tuệ Bát Nhã, Trí Vô Sai Biệt hay Đại Viên Cảnh Trí. Khi đạt tới loại Trí Tuệ này rồi thì Tâm Đại Bi hiển lộ. Trong Đạo Phật, Trí Tuệ và Từ Bi như hình với bóng. Bi là Trí mà Trí cũng là Bi. Mất Trí Tuệ thì mất Đại Bi. Mất Đại Bi thì cũng mất Trí Tuệ.

Vậy thì bạn ơi,
Hãy tôn thờ trí tuệ của con người
Nó như ngọn đuốc soi đường
Nó như bình minh trong đêm tối
Nó là nền hòa bình trong  tương lai của  nhân loại
Nó là nơi mà chúng ta có thể kết tình huynh đệ
Vậy hãy tin nơi sáng suốt của chính mình
Sự sáng suốt do nhận thức những gì chung quanh ta
Do cuộc sống này nảy sinh
Do kinh nghiệm học hỏi từ quá khứ
Từ những bậc thày giác ngộ
(8)
Đừng tin những gì ở thần quyền
Qua sự diễn dịch của tầng lớp trung gian
Đừng tin những gì nơi thần linh, ma quỷ
Đừng vội tin những gì người ta nói
Đừng vội tin những lời truyền tụng vu vơ.

Đào Văn Bình
(California Tháng Tư năm 2555.PL tức năm 2011. TL)

(1) Phật Học Phổ Thông 
(2), (3),(4), (5),(6) &(7) Bài “Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật” đăng trên mạng lưới Hoằng Pháp Hà Nội
(8) Đức Phật là một vị đã giác ngộ và sau này tất cả những ai liễu ngộ được chân lý của Đức Phật và tin theo cũng đều là các bậc giác ngộ

Sinh năm 1942 tại Hải Phòng. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1955 quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Hải Tràng tại Chùa Phổ Quang, Sài Gòn, được HT ban cho pháp danh là Thiện Quả. Năm 1966 tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Năm 1968 tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Phó Tỉnh Trưởng các Tỉnh Quảng Ngãi, Kiến Hoà. Sau 30/4/1975 bị giam cầm 9 năm qua các trại tù từ Nam ra Bắc. Hiện sống tại Hoa Kỳ.