TRÍ Huệ Duy Trì Sự Nghiệp Giáo Đồ Nơi Đất VIỆT
TỊNH Tâm Tịnh Cảnh Sáng Ngời Giáo Nghĩa Chốn Miền NAM
ĐẠI Hạnh Chín Tám Năm Tròn Đủ Đạo Đời Như THỊ
SƯ Đồ Sáu Chín Hạ Quyết Cầu Đài Sen Báu HIỆN
Cuộc đời và Đạo nghiệp cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917 – 2014) từ lúc sinh ra đến ngày viên tịch gần ngót một thế kỷ, với biết bao trang sử thiêng liêng phi thường của bậc cao tăng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho đạo pháp, dân tộc và chúng sinh. Những giá trị đồ sộ to lớn cùng những công hạnh mô phạm sáng ngời ấy, bút mực nào có thể tả hết. Hôm nay, ngày chư Tăng tự tứ hoà trong không khí báo ân mùa Vu lan, cũng để tưởng nhớ về vị Tôn sư khả kính nhân ngày Khánh tuế hàng năm, nhưng lần này, lần đầu tiên Vạn Đức vắng bóng người và mãi mãi về sau, nhưng nghi dung cũng như lời dạy của Người vẫn vang vọng mãi trong chúng con.
Chúng con không ngại sự hiểu biết cạn cợt, chữ nghĩa lại bần cùng, cũng xin “mượn hoa cúng Phật”, góp nhặt chút ít vài câu chuyện, lời dạy cùng công hạnh của Ngài, để hàng hậu học được dịp chiêm ngưỡng, noi gương. Nhiều sách báo nhiều bài giảng đã từng ca ngợi công đức của Ngài rồi. Nay xin chỉ nói tóm lược và những điều tâm đắc với lòng thành kính tri ân mà bút giả biết được về Ngài trong muôn một, bằng bốn dòng tưởng niệm trên.
Trí Huệ Duy Trì Sự Nghiệp Giáo Đồ Nơi Đất Việt:
Tháng 04/1984, sau khi HT. Thích Trí Thủ – Đệ nhất Chủ tịch viên tịch, thì HT. Thích Trí Tịnh do uy tín cùng đạo hạnh nên được suy cử lên ngôi vị Chủ tịch chính thức từ nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo đến ngày về cõi Phật, vậy là tròn 30 năm Hòa thượng lèo lái, chống đỡ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày một đứng vững và phát triển khắp nơi.
Vì người viết chênh lệch thời điểm quá lớn với Ngài nên chỉ được nghe lại hoặc xem qua sách sử, được biết ai nấy đều hết lòng tôn kính và khâm phục đức độ cũng như tài lãnh đạo tuyệt vời khéo léo của Hòa thượng. Một số vị có dịp được làm đạo chung với Ngài đều than phục rằng:
HT Thích Giác Toàn: “Ngài không đi nơi này nơi kia nhiều nhưng mà không việc gì Hòa thượng không lưu tâm, ngoài thể hiện thân giới và sức yên định tâm tánh trong sự hành đạo và chỉ đạo Giáo hội, chúng ta thấy nếu không có tuệ thì làm sao mà Ngài ngồi một nơi mà có thể chỉ đạo cho các ban ngành một cách chu toàn và thông suốt, đó là sức định của chính Ngài giữ cái định cho tập thể giáo hội để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển thì Ngài đã dạy cho chúng ta một bài học hết sức ý nghĩa và sâu sắc…”
HT Thích Chơn Thiện: “Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là một nhà giáo dục của Phật giáo chuyên dịch thuật kinh Hán tạng và cũng là một nhà lãnh đạo tôn kính nhất từ hồi Phật giáo chấn hưng và Ngài đã đóng góp rất nhiều từ thập niên XIII đến bây giờ, thì Hòa thượng có mặt từ đầu, rất hiếm hoi cho Phật giáo Việt Nam nên Ngài ra đi đã để lại sự mất mát to lớn, đồng thời để lại niềm tự hào to lớn, vì cuộc đời Ngài nói lên không chỉ trong nước mà với Thế giới rõ một nhà tôn giáo, một vị thiền sư lỗi lạc hy sinh cả cuộc đời của mình một cách lặng lẽ, sống đúng Chánh pháp qua bao nhiêu thử thách hơn các xứ sở khác, vì Phật giáo Việt Nam đã trải qua nhiều thể chế chính trị của lịch sử mà các Ngài vẫn đứng vững, lòng tôi thì luôn tôn kính Ngài dù là còn tại thế hay Ngài đã ra đi…”
HT Thích Bảo Nghiêm: “Trong suốt cuộc đời của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, ngay khi còn làm Sa di Ngài đã làm Đốc giáo rồi. Ngài là một nhà lãnh đạo giáo hội tối cao mà ở cương vị lâu nhất tới 30 năm. Năm nay, chúng ta cũng vừa tròn kỷ niệm 30 năm viên tịch của HT Thích Trí Thủ – Đệ nhất Chủ tịch HĐTS thì lại cũng là trong dịp lễ tang của Ngài, phải chăng đây là sự tiếp nối của nhau, các Ngài thấy việc cần làm đã làm xong và giao cho thế hệ sau. Nếu ai đã từng có dịp được chứng kiến Ngài chủ tọa cuộc họp, Ngài không vội vàng kết luận điều gì cả mà Ngài bao giờ cũng để cho đại chúng với tinh thần lục hòa thảo luận, cuối cùng những lời kết luận của Ngài rất sâu sắc mang tính chỉ đạo, tầm vĩ mô và đặc biệt học được ở Ngài tính kiên định và thẳng thắn…”
Hòa thượng luôn sống và nhắc mọi người rằng:
– Sống trong cuộc đời, muốn được thanh thản rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi.
– Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua.
– Sự nghiệp của người xuất gia là trí huệ, thiện căn công đức, còn đuổi theo quyền lợi là mê lầm. Người tu được gọi là tăng tài không phải ở bằng cấp, mà ở nơi giữ giới trang nghiêm, siêng năng vững bền ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh… để tâm được thanh tịnh sáng suốt. Đó mới đúng nghĩa tăng tài.
Với biết bao biến động thăng trầm của lịch sử, qua bao khó khăn thử thách trong ngoài. Hòa thượng luôn uyển chuyển tùy duyên, giải quyết mọi việc tốt đẹp đến lạ kỳ. Quả thật, nếu không có trí huệ thì Ngài không thể làm tốt được như vậy. Phật giáo Việt Nam thật hy hữu và may mắn khi có được vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn như Ngài.
Tịnh Tâm Tịnh Cảnh Sáng Ngời Giáo Nghĩa Chốn miền Nam:
Đại lão Hòa thượng không những là vị lãnh đạo mà Ngài còn là một nhà Phiên dịch thông cả Tam tạng giáo điển Đại thừa. Gần bảy mươi năm hoằng pháp lợi sanh công trình phiên dịch, biên soạn và giảng dạy của người vô cùng to lớn.
Hòa thượng từng chia sẽ: “Cho đến bây giờ ngồi ngẫm lại, Tôi cũng không biết tại sao mình có thể phiên dịch được như vậy, nếu không phải do sự ủng hộ, gia bị của Chư Thiên, Bồ tát thì sức phàm phu không thể làm nổi việc này.”
Quả thật, chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các chùa Bắc tông đều có Kinh sách do Ngài dịch soạn, nó mang tính phổ thông và nền tảng giúp Tăng ni Phật tử được có dịp đọc tụng thâm nhập lời Phật dạy, ích lợi trên con đường tu học, chuyển hóa cuộc sống và nội tâm. Nên hầu hết Tăng ni Phật tử đều được ân pháp thí của Ngài. Trong sự mô phạm giản dị và chân thành, Ngài luôn khuyên bảo rằng:
– Thương người thương vật, ăn chay niệm Phật tụng kinh.
– Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm.
Kinh sách là lời Phật nói vốn khế cơ khế lý, đâu phải người có đầy đủ kiến thức mà có thể hiểu được, hà huống là chuyển ngữ phiên dịch. Ắt phải là người có tu, có ngộ mới có thể phiên dịch được chu toàn và không sai Phật ý. Gần bảy mươi năm trong đạo Ngài luôn lấy trí huệ, thiện căn công đức làm sự nghiệp chính, hằng ngày Ngài trì tụng thuộc lòng năm bộ kinh và chuyên tâm niệm Phật cho đến khi viên tịch không bỏ xót ngày nào. Khi dịch Ngài rất cẩn trọng trong từng câu cú âm vận và chủ yếu chọn bản văn chữ hán của Ngài Cưu Ma La Thập để dịch vì văn nghĩa phổ thông, mạch lạc, dễ hiểu. Trước khi dịch và sau khi đi vệ sinh Ngài phải Sám hối rồi mới dịch tiếp. Ngài có quan niệm, dịch không phải để cho mình đọc mà để cho mọi người đọc nên văn tự giản dị tránh dùng những từ cầu kỳ bóng bẩy làm cho người đọc khó hiểu. Ngài nói rằng: “Tuy không cùng thời Phật, nhưng được gặp các vị Bồ-tát cũng quý rồi cộng thêm có kinh sách dẫn lối, như vậy muốn no chỉ việc phải ăn mà thôi, muốn giải nghiệp thì phải thật sự tu hành, đừng chấp lỗi người khác…”
Lúc Ngài mới về khai sơn Chùa Vạn Đức xung quanh là đồng trống, nhưng từ khi Ngài về lập đạo tràng Tăng Ni Phật tử về xây dựng chùa am, tịnh thất xung quanh rất đông. Nên kinh Pháp Cú số 98 có nói: “Làng mạc hay núi rừng/Thung lũng hay đồi cao/La-hán trú chỗ nào/Nơi ấy tất an lạc.” Quả thật, vì sức an tịnh của tự thân, Ngài với tâm nguyện làm cho giáo nghĩa đại thừa được lưu thông rộng rãi, để người con Phật nơi đất Việt được đến gần với Chánh pháp, đến gần với sự tỉnh thức tuyệt vời của Đức Bổn sư. Và bắt đầu từ đó, nơi Ngài an trú giáo nghĩa đại thừa bắt đầu tỏa sáng và lan rộng khắp nơi trong và ngoài nước. Ngài xứng đáng là một “Huyền Trang Pháp Sư của Việt Nam” như nhiều người từng xưng tán.
Câu chuyện về Hòa thượng, đại ý: Có chú Sa-di vì đã phạm lỗi nhiều lần mà vẫn không sửa, Hòa thượng bắt phạt nằm xuống, tay cầm roi và hỏi: “Tội của Chú đáng đánh mấy roi?” – Học tăng đáp: “thưa mười roi ạ!”. Ngài bèn đánh roi thứ nhất, rồi vun tay định đánh roi thứ hai thì bỗng dừng lại và vứt cây roi đi, người xung quanh đều thắc mắc. Hòa thượng quay sang các vị học tăng và nói: “Roi thứ nhất mình đánh vì lòng từ bi muốn dạy dỗ là điều tốt, nhưng roi thứ hai cái tâm muốn đánh cho nó đau, ắt có sân trong đó thì không tốt. Chỉ nên lấy tâm từ bi mà dạy.” Bài học giáo dục sâu sắc ấy đã thức tỉnh chú Sa-di và các bậc làm thầy, làm cha mẹ, đó là lòng từ bi của Ngài.
Đại Hạnh Chín Tám Năm Tròn Đủ Đạo Đời Như Thị:
Từ nhỏ khi chưa vào đạo, lúc 14 tuổi Ngài đã tự mình tập ăn chay, niệm Phật và có lòng từ bi rất lớn, luôn bảo hộ những loài chúng sanh yếu ớt, gặp nạn. Nếu không có căn lành từ nhiều đời đã vun bồi, hoặc giả không muốn nói là vì hạnh nguyện mà nhập thế để lợi ích chúng sanh thì Ngài là một tấm gương sáng lớn cho hàng hàng lớp lớp người con Phật noi theo. Người giản dị mô qua thân lẫn khẩu, đặc biệt có ai từng biết rằng:
Gần tuổi tám mươi mà Ngài vẫn tự mình giặt giũ, mang đôi dép nhựa trắng tổ ong giản dị với chiếc áo bạc sờn, cuộn gấp theo năm tháng, Ngài không để ai (tăng hay tục) bái lạy mình, sợ rằng tổn phước, chỉ chấp tay xá là được rồi, khi đi đứng thường tự tại không cần ai dìu đỡ, ăn uống vừa đủ và không bao giờ bỏ sót chút dư thừa nào (dù chút nước dư trong hủ tíu, phở, mì,..). Ngài luôn khuyên đại chúng phải tiết kiệm mọi vật hiến cúng của thí chủ, đàn-na… Những năm tháng cuối đời Hòa thượng ngày đêm không ngủ cả vài tháng, nhưng vẫn khỏe mạnh tỉnh táo chuyên tâm niệm Phật, Ngài thường gọi hàng đệ tử dù là Sa Di hay Tịnh Nhơn bằng Huynh đệ là chính (tinh thần khiêm hạnh, tôn trọng Phật tánh mỗi người). Hòa thượng vẫn luôn vô sự trong muôn ngàn trọng trách của Giáo hội nhưng không hề sơ thất trách nhiệm của mình. Ngài thường tự tịnh khẩu một hoặc nhiều ngày để tự tiến tu, dù ai đến cũng chỉ lễ chào rồi về, đó là hạnh viễn ly mà người thật tu nên có trong thời đại ngày nay. Lúc về chùa Tổ (Chùa Vạn Linh) cúng giỗ Ngài vẫn đi bộ từ chân núi lên, để thể hiện lòng thành kính tri ân không để ai phải khiêng vác Ngài. Dù Ngài xiển dương Tịnh độ, Đại thừa nhưng chưa hề bài bác Thiền, Mật, tiểu thừa hay các pháp môn khác của Phật. Năm 2012, Hòa thượng thay đổi sắc diện (hiện bệnh như trong kinh, ý là tùy thuận pháp thế gian) có ý báo đại chúng sẽ ra đi (vãng sanh), nhưng Đại chúng cùng Giáo hội tha thiết thỉnh Ngài trụ thế lại thêm, bằng lời thưa thỉnh và Pháp hội Phổ Hiền Hạnh nguyện, Ngài đã từ bi mà trụ lại thêm hai năm, sắc diện liền thay đổi hồng hào tươi nhuận lại thể hiện sức tự tại tùy duyên đến năm 2014 thì viên tịch, bình sinh Ngài thường khuyên dạy đại chúng rằng:
– Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì theo tới đâu thì tới.
– Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền.
– “Hằng ngày ăn thịt chúng sanh, mà mong được giải thoát”, không bao giờ có điều đó được.
Câu chuyện về Hòa thượng: Một hôm, cư sĩ Hoằng Thuật có cây kiểng Bon sai Bát tiên, được uốn nắn rất công phu trông lạ mắt và có giá trị đến Vô Y Viện chùa Vạn Đức để dâng cúng Hòa thượng làm cảnh. Gặp được Ngài, cư sĩ cúng dường bằng cả lòng tôn kính, nhưng Hòa thượng từ chối và bảo mang về. cư sĩ cố nài nỉ vì thấy cây rất đẹp muốn được cúng dường, cuối cùng Hòa thượng dạy rằng: “Để có được cái cây đẹp mắt như vậy thì phải có thời gian cắt tỉa, chăm sóc uốn nắn kỷ lắm mới được, thời gian đó để mình công phu, niệm Phật thì có lợi ích hơn nhiều, thôi cư sĩ về tinh tấn niệm Phật là quý lắm rồi. Từ đó, Hòa thượng cho làm vườn cây giả trong thất của Ngài.” Dù công phu không sót một ngày, nhưng Hòa thượng vẫn luôn bớt duyên tuyệt đối để có thời gian “tu mót” thêm, chúng ta há lại lơ là, phóng túng?
Ít lâu sau, có vị khách Tăng đến viếng Ngài, nói chuyện vài câu, khách tăng hỏi: – “Thưa Hòa thượng, sao Hòa thượng không trồng vườn cây thật, mà lại trồng toàn cây giả vậy?” Ngài từ tốn chỉ vào bình hoa vừa nở rộ trước mặt, mà nói rằng: “Vậy ông cho rằng cây này là thật ư?” Khách tăng im lặng, không nói được lời nào.
Những lời dạy của Ngài là vậy, luôn xuất phát từ chân lý mà ra, dù ngắn gọn nhưng nghĩa lý sâu xa, không một lời hoang phí, làm cho người nghe phải giật mình, ngộ ra được sự thật và điều ấy sẽ đi theo họ suốt cuộc đời.
Sư Đồ Sáu Chín Hạ Quyết Cầu Đài Sen Báu Hiện:
Ngài được xem là một hành giả chân thật niệm Phật và luôn khuyến tấn mọi người cùng niệm Phật vãng sanh Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Ngài lập ra Cực Lạc Liên Hữu tại Chùa Vạn Đức từ những năm rất sớm để khai phát và phổ lưu pháp môn trì danh niệm Phật, ba ngày liên tiếp hoa mười giở nở rộ suốt ngày đêm như tùy hỷ và tán dương việc làm của Ngài, tín chúng về nương tựa tu học với Ngài mỗi thêm đông. Dù thông cả thiền lẫn giáo nhưng Ngài chỉ luôn khuyên mọi người phải ăn chay niệm Phật.
Hòa thượng tự mình phát hiện và tìm ra cách niệm cho suông và khỏe, không bị trệ và cản trở việc nhất tâm, thay vì niệm Nam Mô A Di Đà Phật như xưa nay, thì Ngài niệm Nam Mô A Mi Đà Phật, Ngài có nêu rõ lý do và giải thích minh bạch tại sao phải niệm như vậy. Ngài nói niệm A Di hay A Mi đều được Phật tiếp dẫn nếu đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh, Ngài không phải lập dị, mà chỉ tìm ra cách tiện lợi nhất, khắc phục những trở ngại cho người chuyên tâm niệm Phật vì Ngài không bắt ai phải theo Ngài dù là hàng đệ tử xuất gia hay tại gia. Có thể nói rằng Hòa thượng là người đi đầu trong phong trào khai phát và xiễn dương pháp môn tịnh độ tại Việt Nam, trong lòng bút giả Ngài hoàn toàn xứng đáng là Sơ tổ Tịnh độ Việt Nam.
Ngài luôn tha thiết, chân thành nhắc nhở mọi người trong các dịp Khánh tuế, đầu xuân cuối hạ những lời trọng yếu sau:
– Thương người-thương vật, ăn chay-niệm Phật-tụng kinh.
– Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm, rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
– Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng
– Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
Câu chuyện về Hòa thượng: Một hôm, Có vị cư sĩ nữ hay cúng dường gạo, tương cho chùa đến thăm Ngài, vào cổng chùa vị nữ thí chủ bắt gặp mấy chú tiểu chơi đùa nghịch trước sân, người ngợm tèm lem, vị này tỏ ra không hài lòng. Gặp Hòa thượng, nữ thí chủ liền méc: “Nơi chùa chiền trang nghiêm, mà con thấy mấy chú tiểu cười giỡn, nô đùa thật mất oai nghi”, Hòa thượng vẫn mặc nhiên điềm tĩnh tiếp chuyện, đến lúc sắp cáo từ, thì Ngài mới từ tốn hỏi cư sĩ: “Vậy Phật tử ở nhà có ăn chay không? có thường công phu bái sám không?” – Vị nữ cư sĩ nhanh miệng trả lời: “Thưa Thầy, con ăn chay một tháng ăn được bốn ngày, tối trước khi ngủ thì cũng có niệm Phật”. Hòa thượng liền cười, tay thì chỉ ra sân phía các chú tiểu đang chơi, Ngài bảo: “Mấy chú tiểu đó ăn chay trường, cũng biết phụ việc chùa, ngày nào sớm tối cũng công phu bái sám hết.” Vị nữ Phật tử tỏ ra hổ thẹn và có lòng sám hối vì ý nghĩ và lời nói nông cạn, chủ quan của mình.
Sau đó, Hòa thượng gọi thị giả và bảo rằng: “Khi mới vào chùa làm chú điệu chú tiểu thì ai cũng có thể la mắng thậm chí đánh đòn, răn đe mình, nhưng khi làm Sa-di thì răn dạy phải có người, lúc lên làm một vị Tỳ-kheo thì không ai dám nói mình nữa, phải tự tu tự chịu. Cái tâm chú điệu mới vào chùa lúc nào cũng cẩn trọng từng việc, nhìn trước ngó sau sợ làm sai phạm bị la bị quở, gặp người lớn thì kính cẩn vâng lời. Mấy huynh đệ sau này dù có lớn đến đâu, cũng nên lấy cái “tâm chú tiểu” mà tu, đó là cái tâm ban đầu, cũng là tâm khiêm hạ, tôn trọng mọi người vậy.”
Quả thật, với những việc làm siêu việt suốt gần một thế kỷ của Ngài, như một bản đồ tu Phật rõ ràng, rành mạch mà Ngài vạch ra để cho chúng con noi bước, Ngài khác nào một vị Đại Bồ-tát hiện hữu giữa cuộc đời ô trọc này, sáng soi và làm xoa dịu những ngu si tà kiến, ba độc đang hẫy hừng của chúng con. Chúng con – những người thọ ân pháp thí của Ngài, bằng tất cả lòng thành kính, ngưỡng mộ gương giới đức trang nghiêm mô phạm ấy. Xin quỳ trước Chư Phật mười phương thành kính đảnh lễ và tưởng niệm vị Bồ tát đã thị hiện vào cuộc đời này, đất nước Việt Nam này, xin Ngài không quên bi nguyện tiếp tục trở lại với hạnh nguyện độ sanh, để tiếp tục dìu dắt hàng hậu tấn chúng con sớm lìa sông mê biển ái, khổ đau này.
Sài gòn, cuối hạ Pl. 2558
Thích Nhật Thời
kính dâng