Đây được coi là trung tâm của Phật giáo Việt nam, một cõi tâm linh với nhiều thắng cảnh đẹp đã đi vào thi ca Việt Nam, dân dã vẫn thường gọi chung cho mùa xuân nơi đây là ‘mùa trẩy hội Chùa Hương’.
Mùa trẩy hội này, thường diễn ra suốt 3 tháng mùa xuân, bắt đầu từ ngày 6 tháng Giêng âm lịch (khai hội), thu hút hàng triệu du khách “hành hương” mỗi năm.
Vùng đất Hương Sơn ngoài chức năng danh thắng “Đệ Nhất Trời Nam” còn là nơi lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, tôn giáo của người Việt cần khám phá.
Hành trình về đất Phật…
6 giờ sáng, khi tiết trời còn se se lạnh, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội. Sau hơn một giờ tốc hành về phía trời tây nam, Hương Sơn (Mỹ Đức) hiện ra với rất nhiều cờ và hoa, chúng tôi được các thành viên trong ban lễ hội hướng dẫn, giới thiệu những điểm đến cho du khách thập phương cùng tham quan khám phá.
Dù đến rất sớm, nhưng trước chúng tôi đã có rất nhiều đoàn du khách đã tề tựu đông đủ “trên bến, dưới thuyền” để chuẩn bị cho “hành trình lễ phật”.
Điều đầu tiên, và cũng là cảm nhận chung khá ấn tượng cho mùa lễ hội năm nay chính là công tác chuẩn bị khá chu đáo của Ban tổ chức lễ hội. ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng Ban tổ chức lễ hội hồ hởi cho chúng tôi biết: Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, UBND huyện Mỹ Đức đã có nhiều cuộc họp để lập kế hoạch tổ chức và quản lý Lễ hội – Du lịch Chùa Hương cho thật chu đáo. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà địa phương nhận được rất nhiều sự chỉ đạo của các cấp, các ngành từ trung ương đến thành phố.
Hơn nữa, Lễ hội Chùa hương năm nay, đã được Thành uỷ – HĐND – UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo sát sao, thực hiện đúng quy chế tổ chức lễ hội của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Vì vậy, ngay từ những tháng cuối năm 2008, UBND huyện Mỹ Đức đã phải tiến hành thành lập một Ban tổ chức Lễ hội do một đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện đảm trách.
Qủa thật, dù đã biết Hương Sơn đôi ba lần, nhưng đến Chùa Hương lần này, tôi vẫn có cảm nhận rất khác, từ công tác tổ chức đến khung cảnh đổi sắc. Cờ Tổ quốc, cờ và hoa phục vụ lễ hội được treo ngay từ cổng vào khu Du lịch – Lễ hội, giao thông được phân luồng, hướng dẫn khá chu đáo bởi các cán bộ, chiến sĩ công an, nhân viên huyện Mỹ Đức được trưng dụng phục vụ mùa lễ hội.
Hệ thống quản lý thuyền đưa đón khách được đăng ký, đánh tên và số. Công tác tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh cũng được đẩy mạnh, giúp việc quản lý điều hành lễ hội thuận lợi.
Xác định chuyến xuất hành đầu năm về Hương Sơn lần này, ngoài mục đích “chiêm bái” lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, tận hưởng không khí lễ hội đầu xuân, đoàn chúng tôi nổi máu “nghề nghiệp” muốn có thông tin về công tác tổ chức lễ hội năm nay, nên đã chủ động liên hệ gặp Ban tổ chức Lễ hội. Đầu năm “xuất hành” gặp may, không những được ban tổ chức tiếp đón nhiệt tình còn “thưởng” luôn cho đoàn một chuyến đi bằng thuyền của Ban tổ chức trên dòng suối Yến.
Theo thông tin từ Ban tổ chức lễ hội, để lễ hội đạt kết quả tốt lãnh đạo Huyện uỷ, UBND đã xây dựng một kế hoạch chu đáo, thành lập các tiểu ban, mỗi tiểu ban chịu sự điều hành trực tiếp của một đồng chí phó Trưởng ban tổ chức.
Vì được tổ chức, sắp xếp hợp lý kết quả đã cho thấy mọi hoạt động cho lễ hội năm nay được thực hiện khá tốt, chặt chẽ tránh được cảnh ùn tắc người và các phương tiện giao thông như tình trạng xảy ra tại rất nhiều lễ hội đầu năm trên cả nước. Ghi nhận tại các điểm tham quan thắng cảnh năm nay cho thấy, công tác giữ gìn an ninh trật tự đảm bảo, không có hiện tượng kinh doanh dịch vụ mê tín dị đoan, vệ sinh môi trường được thực hiện tốt để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương về trẩy hội.
Khám phá “Nước non một dải”
Thắng cảnh Hương Sơn được chia thành 4 tuyến, tuyến Hương Tích là tuyến chính, du khách hành hương về lễ phật bắt đầu cuộc hành trình trên dòng suối Yến trong xanh, mềm mại như dải lụa.
Bắt đầu từ Đền Trình, xuống thuyền đến chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trấn Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng. Đây là tuyến đi chính thu hút nhiều khách tham quan nhất. Ngoài ra còn có khu Thanh Hương gồm chùa Thanh Sơn, động Huơng Đài; Khu Long Vân gồm chùa và Động Long Vân, Cây Khế, hang Thánh Hoá; Khu Tuyết Sơn gồm 4 di tích Chùa Bảo Đài, Động Ngọc Long, chùa Ngư Trì, đền Trình Phú Yên. Tại các điểm có đông du khách như Đền Trình, chùa Thiên Trù, Động Hương Tích…việc ban tổ chức bố trí tăng cường nhân sự để hướng dẫn và tổ chức khách tham quan được tăng cường mạnh mẽ.
Thông thường, du khách hành hương về đây, bao giờ cũng vào Đền Trình đầu tiên, để thắp nén hương thơm trình nên “sơn thần” linh thông chứng giám, lòng thành lễ Phật. Ngôi đền được gọi với tên chữ “Ngũ Nhạc Linh Từ” vì nằm cạnh năm ngọn núi nhỏ, thờ một vị thần tướng dưới ngọn cờ đức thánh Phù Đổng Thiên Vương có công đánh giặc ân đời Hùng vương thứ VI.
Sau khi vào lễ thần tại Đền Trình, đoàn chúng tôi xuống thuyền của Ban tổ chức Lễ hội tiếp tục cuộc hành trình. Dọc theo dòng nước Suối Yến trong xanh, cảnh sắc Hương Sơn hiện ra như ” tiên cảnh” chốn “bồng lai” với nhiều dãy núi đá vôi xanh, được bao phủ bởi những cánh rừng có nhiều loài cây quý.
Người lái thuyền hôm đó cho đoàn biết, trên những dãy núi đá bên dòng suối Yến rất nhiều các loại cây, rau, thuốc quý, chữa “bách bệnh” đã được nhân dân địa phương, các danh y khám phá để làm thuốc đông y, bán cho du khách.
Không biết có phải, về chốn ‘tiên cảnh bồng lai’, đến vùng đất Phật tích, nơi Bà Quán Thế âm Bồ Tát tu hành đắc đạo trong động Hương Tích, con người muốn gột bỏ những lo toan “trần tục”, những lầm lỗi trong suốt một năm đã qua để cho tâm mình “tĩnh” và sáng láng không mà trên dòng suối hôm đó, chúng tôi quan sát thấy rất nhiều du khách đi trên thuyền lấy tay ‘vớt’ dòng nước trong xanh Suối Yến để gột bỏ “bụi trần” trên khuôn mặt mình.
Anh bạn tên V.D, quê ở Phú Thọ cũng liên hồi khoát nước rửa mặt, miệng lẩm nhẩm như cầu mong điều gì đó quan trọng đến với mình. Trong đoàn, một số cô gái trẻ thư thái thả hồn vào phong cảnh thiên nhiên ‘sơn thuỷ hữu tình’ thoả sức ngắm những ngọn núi với những cái tên thân mật như: Núi Con Voi, núi Lọng Cụp, Mâm Xôi Con Gà, núi Đổi Chèo…Đâu đó, còn văng vẳng câu hát nho nhỏ bài hát phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp “Hôm qua em đi chùa Hương…”
Đến bến Trò, xuống thuyền lên Thiên Trù, ngôi chùa khá rộng rãi nằm trên một khoảnh đất rộng ở thế đắc địa “thượng sơn hạ thuỷ”. Ngôi chùa còn được gọi với cái tên chùa ngoài. Ai lấy trong đoàn đến đây cũng thắp vài nén tâm hương cầu Phật, phù hộ một năm “mưa thuận gió hoà” tài lộc đến với mình và gia đình.
Đồng thời, không quên cầu cho “chân cứng đá mềm” để còn tiếp tục cuộc hành trình lên Động Hương Tích (chùa trong). Theo những người lễ Phật tại Chùa Hương, đây chính là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất, đẹp nhất Hương Sơn.
Nơi đây, đã từng ghi dấu tích trong một chuyến tuần thú phương Nam của một vị chúa thời Hậu Lê, đến Động Hương tích thán phục vẻ đẹp kỳ ảo của Động, bái phong và đề tặng trên cửa động năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” (Động đẹp nhất trời NamÀ) năm 1770.
Để vào được Động Hương Tích cho kịp thời gian trong ngày, đoàn chúng tôi đã chọn cho mình phương tiện đi bằng cáp treo. Vì vậy, rất nhiều người trong đoàn tiếc hùi hụi vì đã bỏ qua nhiều địa danh nổi tiếng như: Động Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Giếng Long Tuyền…
Tuy nhiên, từ trên cáp treo, du khách cũng kịp được chiêm ngưỡng một vùng “non xanh, nước biếc”, phía dưới là dòng người đang hối hả leo lên từng bậc đá cao chênh vênh, mà lòng thanh thản trước khi vào bái phật Quán Thế âm Bồ Tát, người đã ứng thân làm công chúa Diệu Thiện tu hành thành đạo quả ở động này.
Thay lời kết
Đến chùa Hương vào mỗi dịp đầu năm, được chiêm ngưỡng cả một quần thể văn hoá tâm linh cổ truyền của người Việt Nam, có đền, chùa, các hang động thờ thần, phật, mẫu. Du khách tham quan nhiều thắng cảnh đẹp “sơn thuỷ hữu tình” tạo hoá ban tặng vùng đất này, lòng thấy thanh thản nhẹ nhàng, “thoát tục”.
Vì vậy, mùa trẩy hội Chùa Hương đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam trong những ngày đầu xuân, trở thành thói quen, truyền thống. Những câu thơ nổi tiếng của Mãn Giác Thiền sư như mời gọi chúng ta về “trẩy hội chùa Hương”. Xuân Khứ Bách Hoa Lạc / Xuân Đáo Bách Khoa Khai.