Tham dự và chứng minh buổi lễ có chư tôn đức HĐCM, chư tôn đức Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN; Trưởng BTS các tỉnh thành phía Bắc và đông đảo bà con Phật tử xa gần cùng về tham dự
Tại buổi lễ HT Thích Thanh Tứ đã được bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trang trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo và các tăng ni, phật tử.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh Trần Văn Long, sinh năm 1927, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, Hưng Yên. Năm 6 tuổi, Hòa thượng được Ni trưởng Thích Đàm Ân trụ trì chùa Nho Lâm (Kim Động) nhận về nuôi và cho đi học tại các trường trong vùng. Năm 12 tuổi được thụ giáo Hòa thượng Thích Thanh Hồ, trụ trì chùa Đống Long trên địa bàn. Năm 1947, Hòa thượng được thụ Đại giới Tỷ khiêu tại chùa Đống Long.
Thấm nhuần tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác”, với truyền thống yêu nước “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm hiện diện và đồng hành với dân tộc, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia hoạt động bí mật trong lòng địch, ủng hộ các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh.
Tháng 3/1945, Hòa thượng đã cùng với nhân dân địa phương tổ chức phá kho thóc của Nhật đặt tại chùa Đống Long nhằm cứu giúp đồng bào đang lâm vào cảnh đói khổ, tập hợp quần chúng đấu tranh giành chính quyền tại quê hương.
Từ tháng 1/1959-9/1951, Hòa thượng đã trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên, làm công tác dân vận, thúc đẩy tăng ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến, bảo vệ cách mạng và bị thực dân Pháp đưa tên vào danh sách những người đặc biệt quan tâm.
Từ tháng 10/1951-4/1953, Hòa thượng đã bị thực dân Pháp bắt, tra tấn và giam cầm ở nhiều nơi. Song với tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Hòa thượng đã thể hiện rõ bản lĩnh của người trượng phu phụng sự đất nước, buộc thực dân Pháp phải trả tự do cho mình và hơn 100 chiến sỹ cách mạng khác. Ra khỏi nhà lao, Hòa thượng tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày miền Bắc được giải phóng.
Từ năm 1974-1980, Hòa thượng được suy cử Ủy viên Ban chấp hành kiêm Chánh văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam . Với trọng trách của mình, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã cùng các chức sắc tôn giáo xây dựng nhiều chương trình hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời, củng cố hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, tạo nền tảng và tiền đề phát triển tổ chức Giáo hội Phật giáo toàn quốc.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002-2007) và lần thứ VI (2007-2012), Hòa thượng được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Hòa thượng đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với đạo Pháp, phục hồi các hoạt động Phật sự đúng chính pháp tại các sơ sở tự viện, động viên tăng ni phật tử yên tâm hành đạo và tăng gia sản xuất…
Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật, Hòa thượng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà động viên các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, các trung tâm nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn… Hòa thượng được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII. Dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của tăng ni, Phật tử cũng như cộng đồng xã hội.
Chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Tứ vinh dự được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định Hòa thượng Thích Thanh Tứ là bậc đại lão hòa thượng có uy tín lớn trong Giáo hội và tăng ni.
Bày tỏ sự xúc động và tấm lòng tri ân công đức được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Thanh Tứ cho rằng phần thưởng cao quý đó trước hết là thuộc về toàn thể tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng mong muốn tăng ni, Phật tử cả nước trân trọng phần thưởng đó và không ngừng phát huy truyền thống, đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp chung của đất nước, thể hiện trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp, để tư tưởng Tứ Trọng Ân được thấm sâu trong mỗi việc làm ích đời, lợi đạo./.