Trang chủ Tin tức Trao bằng tuyên dương công đức và tọa đàm nhân khánh thành...

Trao bằng tuyên dương công đức và tọa đàm nhân khánh thành Di tích Đắc đạo Tổ sư

131

Trao bằng tuyên dương công đức và tọa đàm nhân khánh thành Di tích Đắc đạo Tổ sư

 

Vào 14h, ngày 25/9 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 20/10/2022), nhân lễ khánh thành Di tích Đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức buổi phát bằng tuyên dương công đức đến các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc xây dựng khu di tích và buổi tọa đàm có chủ đề: “Công tác phát huy pháp bảo và bảo tồn các di vật, di tích liên hệ cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang”.

 

 

Quang lâm chứng minh tham dự có: HT. Giác Ngộ – Giáo phẩm chứng minh Hệ phái; Tăng trưởng Giáo đoàn IV; HT. Giác Toàn – Trưởng Ban Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, trưởng ban Tổ chức lễ khánh thành; HT. Giác Hùng – Trị sự trưởng Giáo đoàn III HT. Giác Pháp – Phó trưởng ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Tổ chức; HT. Minh Hồi – Giáo phẩm Phật giáo Khất sĩ tại hải ngoại, trụ trì Như Lai Thiền Tự – San Diego (Hoa Kỳ); HT. Giác Phùng – Phó Trị sự thường trực Giáo đoàn III; HT. Giác Tân, giáo phẩm Hệ phái, Phó Trị sự Giáo đoàn II, HT. Minh Thành – Phó Trị sự Giáo đoàn IV, cùng chư Tôn đức giáo phẩm các Giáo đoàn, chư Tôn Thượng tọa, chư Đại đức Tăng 6 Giáo đoàn tham dự.

 

 

 

Về phía chư Ni: NT. Chiêu Liên – Giáo phẩm chứng minh Ni giới Hệ phái, cùng chư Tôn đức giáo phẩm Ni giới Hệ phái: NT. Yến Liên, NT. Hạnh Liên đồng Ni giới Giáo đoàn I; NT. Đền Liên – Phó ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III; NT. Tuyết Liên – Trưởng ban Quản chúng Ni giới Giáo đoàn IV; NS. Thanh Liên – giáo phẩm Ni giới Giáo đoàn VI, cùng chư Tôn đức Ni giáo phẩm Ni giới Hệ phái và các phân đoàn trực thuộc Giáo đoàn Tăng. Cùng quý Phật tử các miền tịnh xá đã về tham dự lễ khánh thành di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang.
Đây là những hoạt động nhằm đánh dấu sự kiện quan trọng về sự hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ, thành viên sáng lập nên GHPGVN.

 

 

 

 

Mở đầu chương trình phát bằng tuyên dương công đức, HT. Giác Toàn – Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức lễ khánh thành đã phát biểu tán dương công đức đến chư Tôn đức và Phật tử.

 

 

Hòa thượng cho biết toàn bộ công trình trước đây nằm ở triền núi và phải ủi để tạo mặt bằng. Hòa thượng cũng chia sẽ quá trình thực hiện công trình với những khó khăn riêng của khu di tích khi bắt đầu tiến hành trùng dựng lại.
Hòa thượng cũng cho biết thêm, ý nghĩa của bằng tuyên dương công đức được trao lần này, chỉ mang tính chất tương trưng chung, tại vì có giáo đoàn ủng hộ ít, có giáo đoàn ủng hộ nhiều. Do hoàn cảnh vì chư Tăng và Phật tử không nhiều nên phát tâm nhiều ít khác nhau. Tuy nhiên bằng tuyên dương công đức thì giống nhau.
Nên khi nhận bằng tuyên dương công đức thì mỗi giáo đoàn nhận của mạnh thường quân, cá nhân… thì nhận thêm các tấm bằng để về ghi cho những chư Tôn đức, Phật tử, mạnh thường quân đã phát tâm ủng hộ.
Việc ủng hộ thì có nhiều hoàn cảnh nhưng chung 1 tấm lòng của mỗi người đệ tử hướng về Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngoài ra cũng tùy điều kiện của mỗi Giáo đoàn, mỗi trụ xứ. Chỗ nào có điều kiện nhiều thì ủng hộ nhiều, chỗ nào đã hết lòng mà được tôn vinh thì đó là tấm lòng của chư Tôn đức Tăng Ni đối với Phật tử hướng về Tổ sư.
Hòa thượng cũng ôn lại sơ lược hành trạng Tổ sư Minh Đăng Quang cùng giai đoạn hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ.

 

 

Sau đó, TT. Giác Hoàng mời quý chư Tôn đức Giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử lên nhận bằng tuyên dương công đức do quý Hòa thượng Giáo phẩm Hệ phái, thành viên ban Tổ chức buổi lễ trao tặng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau phần phát bằng tuyên dương công đức chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử tiêp tục tham dự phần tọa đàm với chủ đề: “Công tác phát huy pháp bảo và bảo tồn các di vật, di tích liên hệ cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang”
Buổi tọa đàm diễn ra với 4 chủ đề chính là: Công tác biên tập các tác phẩm do Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác. Nhìn lại công việc sớ giải và diễn thơ Chơn lý. Công tác bảo tồn các di vật của Tổ sư Minh Đăng Quang. Công tác bảo tồn và xây dựng mới các di tích do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.

 

 

Mở đầu buổi tọa đàm, HT. Giác Ngộ – Giáo phẩm chứng minh Hệ phái; Tăng trưởng Giáo đoàn IV chứng minh cho buổi tọa đàm phát biểu: “Tổ sư Minh Đăng Quang sau khi đắc đạo tại Hà Tiên, sau đó Ngài mới đem giáo pháp lan truyền cho tất cả dân tộc Việt Nam, nhất là miền Nam Việt Nam, trong thời gian khó khăn nhất của đất nước là đầu chiến tranh (1945-1954). Trong thời gian Ngài hoằng truyền Phật pháp, mới đầu chỉ một mình, sau này Ngài phục thâu nhiều đệ tử giỏi, lập thành Giáo hội đạo tràng. Đến nay giáo pháp Khất sĩ lan truyền khắp nơi, miền Nam, miền Trung của Việt Nam.
Đạo Phật Khất sĩ trải qua từ khi đức Tổ sư vắng bóng cho đến nay, nhưng giáo lý Khất sĩ vẫn phát triển được, đã in lại toàn bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang 69 tập và phát triển cho tất cả Tăng, Ni, Phật tử đều được nghe, được biết và học hành phát triển tu tập
Số lượng Tăng Ni hiện diện cùng việc xây dụng các ngôi Tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Như vậy sự phát triển và hình thành của Hệ phái Khất sĩ rất là vi diệu, cao thượng tốt đẹp. Xin nguyện ơn trên mười phương chư Phật, Bồ tát, Tổ sư Minh Đăng Quang thùy từ chứng minh gia hộ cho toàn bộ chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử hiện diện và gia đình được vạn sự bình an, muôn điều phúc lạc.

​Sau lời chứng minh của HT. Giác Ngộ, một bậc chứng minh của Hệ phái, đã gắn bó với giáo pháp gần 60 năm là những bài phát biểu của chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử, cũng như những đóng góp của chư Tôn đức Tăng, Ni đang hiện diện.

 

 

ĐĐ. Minh Viên đã trình bày bài có tựa đề: “Bảo tồn các di tích, di vật của đức Tổ sư Minh Đăng Quang”: Đối với Hệ phái Khất sĩ thì đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài cũng có hành trạng giống như cuộc đời của đức Phật ngày trước, cũng có 4 thánh tích, nơi Tổ đình Minh Đăng Quang (huyện Tam Bình) là nơi Ngài đản sanh, Tịnh xá Mộc Chơn là nơi khai đạo thuyết pháp, nơi Mũi Nai (Hà Tiên) là nơi Ngài thiền định thiền quán để đắc đạo và Tổ định Tịnh xá Ngọc Viên là nơi Ngài dừng chân sau cùng trước khi vắng bóng. Đó cũng có thể xem là 4 thánh tích Tăng, Ni Hệ phái Khất sĩ chúng ta đáng quan tâm. Các điêm này hiện nay đã được xây dựng một cách rất trang nghiêm cho nên Tăng Ni Hệ phái chúng ta cũng hết sức đáng trân trọng, trân quý, giữ gìn để phát huy những nền tảng của Hệ phái.

 

 

Qua bài phát biểu của ĐĐ. Minh Viên đã nói về ý nghĩa của việc phát huy và bảo tồn các di tích như duy trì ngôi Tịnh xá bát giác, duy trì tháp thờ Phật, bảo tồn bảo tàng bên ngoài song song với bảo tồn bảo tàng cái tâm hạnh và hạnh đi khất thực. Làm sau duy trì được cái tên chùa phải là tên Tịnh xá. Cuối cùng là việc bảo tồn bảo tàng cái di bảo mà đức Tổ sư để lại.

 

 

Sau đó NT. Tuyết Liên trình bày đề tài: “Chơn lý di sản pháp bảo của Tông môn Hệ phái Khất sĩ”. Ni trưởng là vị đang muốn trình bày nhận thức của mình, thi hóa Chơn lý qua thể kệ song thất lục bát và chỉ còn 2 bài nữa là hoàn thành bộ Chơn lý sẽ cúng dường trong sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang: “Nói đến giáo pháp Khất sĩ hay cụ thể hơn là bộ Chơn lý, gia tàng pháp bảo mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã để lại cho nhân loại là một pháp bảo vô giá, mà ngôn ngữ trần gian khó diễn đạt hết được giá trị cao quý đó.

NT. Tuyết Liên đã nói lên một mảng gọi là nhận định, nhận thức chủ quan mỗi một bài chân lý được đúc kết thành 1 câu để nêu lên được tinh túy của bài Chơn lý ấy. Nhận định khách quan Ni trưởng đã triển khai 1 vài ý tứ từ cuốn sách của mục sư Lê Trung Trực. Qua đó để có 1 cái nhìn của vị tu sĩ không phải là tu sĩ Phật giáo hay tu sĩ Khất sĩ mà là tu sĩ của 1 tôn giáo bạn chia sẻ cái hạnh phúc, cảm xúc khi đọc Chơn lý của Tổ sư.

 

 

Qua NS. Hằng Liên với bài viết: “Công trình thi hóa kệ Chơn lý” thể hiện 2 ý: Thứ nhất là Tinh hóa giáo pháp trong Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang mà Ni trưởng Huỳnh Liên đã thi hóa. Thứ 2 là Nghệ thuật thi hóa kệ Chơn lý qua 4 ý nhỏ. Cả 4 ý được trình bày bằng cách trích dẫn những câu thơ mà ni trưởng đã sáng tác. Là những câu thơ rất hay, thấm thía và có chiều sâu về tư tưởng, có giá trị về nghệ thuật.
Kế sau đó HT. Giác Ngộ, một vị tăng trưởng của Giáo đoàn IV, Hòa thượng đã ưu tư và trải lòng vào những câu, những chữ thông qua lời đọc của TT. Giác Hoàng.

 

 

Đây là tư liệu xem như một pho sử liệu sinh động có giá trị do HT. Giác Ngộ biên soạn được TT. Giác Hoàng đọc lên, cung cấp cho các hàng hậu học những thông tin vô giá . Hòa thượng đã ghi chép từ thuở khai lập cho đến các đức Thầy đầu tiên, những vị đức Thầy kế tiếp Tăng, cũng như những vị Ni trưởng đệ tử đầu tay của Tổ sư, những sự kiện liên quan đến chuyến hành đạo miền Trung, những sự kiện về số lượng cư sĩ quy ngưỡng về giáo pháp, những sự kiện liên quan đến việc xây dựng các ngôi Tịnh xá đầu tiên của Hệ phái, cũng như của các Giáo đoàn, sự kiện liên quan đến việc hành đạo của HT. Giác Ngộ với công hạnh đầu tiên là săn sóc cho người bệnh. Đó là một công đức lớn song song với công đức chuyển hóa tâm thức của bà mẫu, cũng như vị thân sinh. Cả 2 đều là những nhà sư Khất sĩ. Đó là một công đức chuyển hóa được gia đình, ông bà, cha mẹ và một số con cháu trong đại gia đình. Thông qua những câu chuyện đã chuyển cả một quá trình quá khứ về hiện tại, để chúng ta biết, ghi nhận công ơn thầy tổ, công ơn của những vị trên trước, cả một quá trình lịch sử Tổ Thầy, cả một thông tin quý giá về công hạnh Tổ Thầy để hàng hậu học noi theo tu tập, biết ơn, trọng ơn và báo ơn.

 

 

 

Qua NS. Nguyện Liên với bài “Phát huy bảo tồn pháp bảo theo tông ý của Tổ sư”: Ni sư đã có một cái nhìn tổng quan về con đường và ý nghĩa của bậc xuất trần thượng sĩ. Ni sư đã trình bày cái tinh túy mà Tổ sư Minh Đăng Quang muốn chuyển tải và đã trích dẫn Chơn lý Hòa Bình, cũng như Chơn lý Y Bát Chân Truyền để có một nhận thức tốt hơn về trọng trách của những người xuất gia giải thoát. Đặc biệt là xuất gia giải thoát trong những lời dạy ánh sáng mà đức Tổ sư đã để lại.

 

 

Kết thúc buổi tọa đàm, HT. Giác Toàn đã có vài lời chia sẽ cho buổi tọa đàm: “Sang năm sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư nên mong là chư Tôn đức sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm như thế nào cho phù hợp với cái kỷ niệm 100 năm. Chúng ta sẽ ôn lại và cùng nhắc nhau những pháp tu học mà Tổ sư đã dạy trong bộ Chơn lý để duy trì cái ánh sáng pháp bảo cao quý của chư Phật, mà Tổ sư chúng ta đã truyền dạy.

 

 

 

Ban TTTT Hệ phái

 

—–oo0oo—–

Nguồn: www.daophatkhatsi.vn