Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Trang web phattuvietnam.net trong sự phát triển truyền thông PGVN

Trang web phattuvietnam.net trong sự phát triển truyền thông PGVN

190

Trang web Phattuvietnam.net chính thức đi vào hoạt động năm 2006. Trong toàn cảnh bức tranh truyền thông đại chúng gắn với sự phát triển của mạng internet, thời điểm đó không phải là sớm, nhưng Phattuvietnam.net đã tạo được bước chuyển biến chưa từng có.

Lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam có một trang thông tin điện tử “cung cấp cập nhật, tổng hợp các thông tin hoạt động Phật sự trong nước và quốc tế”.

Và sau mấy chục năm, kể từ nhật báo Chánh đạo (xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975), Phật giáo Việt Nam mới lại có được phương tiện thông tin hàng ngày.

Phattuvietnam.net đã chọn đúng hướng đi mà Phật giáo Việt Nam đang cần. Những trang web “thư viện”, gồm cả hai hướng sách và bài viết, Phật giáo Việt Nam đều đã có, thực hiện cả trong nước và nước ngoài, bước đầu có thể coi là tương đối đầy đủ. Cái thiếu là một cơ sở thông tin, điều mà trang mạng hiện nay tỏ ra ưu việt hơn nhiều so với báo giấy (thông tin báo giấy không thể cập nhật thường xuyên trong quy trình phát hành lên đến 24 giờ).

Phattuvietnam.net đã bù đắp cho sự thiếu hụt đó, bằng bước đi, cách làm “rất thời đại”. Với Phattuvietnam.net, truyền thông đại chúng Phật giáo đã vượt ra khỏi tháp ngà cố hữu, mà có phần xa lạ với thông tin hiện đại, để có một “thông tấn xã” không chính thức của mình.

Thành viên Phattuvietnam.net tại Hà Nội cùng quý Thầy và thân hữu trong ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2009

So với các tôn giáo khác tại Việt Nam, đặc biệt là các tôn giáo đến từ phương Tây đã có thế mạnh về truyền thông đại chúng, thì Phattuvietnam.net cũng thể hiện một bước đột phá, vượt trội. Có tôn giáo đã có đài phát thanh, hoạt động truyền thông đại chúng đã có bề dày lịch sử, nhưng vẫn chưa hình thành bản tin trên mạng phong phú trong sự chuyên nghiệp như điều Phattuvietnam.net đã làm.

Có tôn giáo đã có cái tự nhận là “thông tấn xã”, nhưng trang web trở thành phương tiện bộc lộ thái độ thiểu số, hơn là một phương tiện thông tin, với yêu cầu cao về sự khách quan, thỏa mãn đều mà số đông cần, cũng như thông tin đến cộng đồng xung quanh một cách cân bằng. Còn lại, nhiều trang thông tin tôn giáo cũng chỉ vẫn giới hạn sử dụng như một phương tiện truyền giáo.

Trong sự so sánh như vậy, dù ra đời không phải là sớm trong bối cảnh phát triển của truyền thông web trên mạng, nhưng Phattuvietnam.net với những đóng góp nói trên, đã sớm tự khẳng định một cách khách quan rằng, đây là một tài sản chung của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Phóng viên Cẩm Vân (trái) và Thường trực Ban Trị sự Xuân Loan

Tuy sự đóng góp chính nằm ở khâu thông tin, Phattuvietnam.net cũng góp phần vào những lĩnh vực truyền thông, bằng các mục “Tu học”, “Văn hóa”, “Phật giáo Việt Nam”… Các bài viết cũng đi theo hướng phổ thông, đại chúng, ít chất “hàn lâm”, gần gũi với đời sống, giàu chất thông tin. Có thể có một suy đoán, phải chăng, dù khả năng chứa đựng dữ liệu không giới hạn, nhưng Phattuvietnam.net cố ý không “dẫm chân” lên hướng đi truyền thống mà các trang web Phật giáo truyền thống đang đảm nhiệm, và hoạt động khá tốt, với nhiều thư viện, cả bài viết lẫn sách (điển hình là thuvienhoasen.org)..

Thông tin trong truyền thông hiện đại, trước hết là phải cập nhật thường xuyên, kịp thời, sao cho tin phải còn nóng hôi hổi. Chính ở điều này báo giấy ngày càng trở nên lép vế, và chỉ có thể đưa phần lớn là thông tin nguội. May mắn lắm sự việc xảy ra chiều tối hôm trước, thì trên mặt báo đã gần 12 tiếng đồng hồ trôi qua. Quay lại với Phattuvietnam.net, thì dường như yêu cầu đã được đáp ứng tốt. Thông tin trên Phattuvietnam.net cập nhật liên tục từ 8 giờ sáng đến 0 giờ đêm. Đáng ghi nhận là thông tin lễ hội thường có ngay sau khi lễ hội vừa diễn ra. So sánh với một trang web thông tin chuyên nghiệp như BBC Vietnamese chẳng hạn, thì cập nhật của Phattuvietnam.net có phần thường xuyên hơn, tất nhiên tin bài cũng phải nhiều hơn.

Phattuvietnam.net tường thuật và đăng tin Đại lễ Cung nghênh Xá lợi Phật ngay tại chỗ (sử dụng internet di động)

Điểm đến vấn đề số lượng tin bài, với mục tiêu “tổng hợp”, có lẽ Phattuvietnam.net đã đạt được mục tiêu đó. Số lượng tin bài dồi dào ngồn ngộn từ đủ mọi nguồn. Nhưng số lượng chỉ là một khía cạnh của thành công. Một khía cạnh khác của thành công là sắc thái “tổng hợp” của Phattuvietnam.net.

Sắc thái “tổng hợp”, một cụm từ có vẻ hơi kỳ cục, vì mâu thuẫn với chính nó: Sao mà sự tổng hợp lại có thể mang màu sắc riêng?

Phật tử Nguyên Lạc – Trưởng ban Đại diện tại TP.HCM

Điểm qua các trang web Phật giáo để so sánh điều này, chúng ta sẽ thấy rõ cơ sở để giải đáp vấn đề. Các trang web Phật giáo Việt Nam đều gắn với một chùa, một đạo tràng, một tông phái, hệ phái, một cá nhân đại đức, thượng tọa hay hòa thượng nào đó. Vì vậy, màu sắc cá biệt hóa của những trang Web Phật giáo thể hiện rất rõ. Chính xu hướng cá biệt hóa này đã khiến tổng hợp, bao quát trở thành một nhu cầu thực tế khách quan của truyền thông đại chúng Phật giáo Việt Nam. Phattuvietnam.net đã đáp ứng được nhu cầu đó.

Phóng viên Hồng Trung đang phỏng vấn Nhạc sĩ Ngọc Toản

Trên Phattuvietnam.net chúng ta đọc được không chỉ là tin bài của riêng cộng tác viên của Phattuvietnam.net, mà còn tin bài từ cơ quan, cơ sở địa phương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ các chùa, các đạo tràng, các trang web Phật giáo, các tờ báo tạp chí Phật giáo ấn bản giấy, và thêm vào đó còn là tin bài từ các báo điện tử, trang tin điện tử như Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Hà Nội Mới, Thanh Niên…, và cũng từ BBC, RFI… Ở điểm này, Phattuvietnam.net đã khai thác được đặc điểm tập hợp thông tin dễ dàng không giới hạn của thông tin internet. Đọc Phattuvietnam.net, người đọc được đọc nhiều thông tin Phật giáo trên hàng trăm tờ báo khác. Hệ quả của sự tổng hợp cao độ đó là trang web không mang màu sắc của chùa nào, hệ phái nào, địa phương nào hay cá nhân nào.
 
Tính chất tổng hợp hài hòa trên Phattuvietnam.net còn thể hiện ở sự thể hiện cân bằng “tứ chúng”, tu sĩ/cư sĩ. Trong khi một số trang web Phật giáo do cư sĩ chủ trương và thực hiện, nhất là ở nước ngoài, thể hiện rõ dấu ấn của người cư sĩ, với một số khuynh hướng chủ quan, thiên về mặt đời sống, còn một số trang web của tu sĩ đảm nhiệm lại nghiêng về tính chất “xuất thế”, thì Phattuvietnam.net lại có một biểu hiện cân bằng.

Phattuvietnam.net phối hợp cùng CLB TNPT Việt Nam tổ chức Tọa đàm

Phattuvietnam.net vẫn có một hình thức Phật giáo phù hợp với một trang web Phật giáo, với hình ảnh chư Phật, chư Bồ tát, chư tôn đức luôn ở vị trí trang trọng, hàng đầu, thì hoạt động của các cư sĩ, cá nhân hay tập thể, cũng được chú trọng ở một số mục thích hợp. Nếu hiểu nội dung là một kết quả, thì việc cân bằng thành phần tu sĩ/cư sĩ trong hoạt động cộng tác bài vở là một nguyên nhân. Phattuvietnam.net trở thành diễn đàn chung, cân bằng giữa giới xuất gia và tại gia. Đây là một mức độ “tổng hợp” không dễ đạt được, dù rằng người tổ chức thực hiện một số cơ sở có ý thức cân bằng giữa tu sĩ/cư sĩ trong thành phần ban biên tập, hay nêu rõ trong mục tiêu, chủ trương.

Có thể Phattuvietnam.net, với tinh thần mở rộng cửa nên đã “tự nhiên” đạt được mục tiêu như vậy, chứ không phải là một sự cố gắng khó khăn. Nhưng thực ra, mở rộng cửa trong hoạt động truyền thông đại chúng Phật giáo đã là một cố gắng lớn trong việc phá chấp trong Phật giáo: phá chấp địa phương, chấp hệ phái, chấp tông môn , chấp tổ đình, chấp chùa, chấp đạo tràng, chấp thầy tổ…

Chính từ cái nhân mở rộng cửa phá “chấp” đó nên có lẽ Phattuvietnam.net là trang Web khai thác tốt nhất phản hồi của bạn đọc.

Phản hồi từ bạn đọc vừa là đặc trưng, vừa là thế mạnh của truyền thông internet, mà các loại hình truyền thông khác không thể có được (báo giấy bị giới hạn vì số trang giấy, phát thanh truyền hình bị giới hạn bởi thời lượng phát sóng).

So sánh với các trang web Phật giáo khác (mà rất nhiều trang không có mục phản hồi, tức là không có ý thức ứng dụng thế mạnh này của internet), thì số lượng phản hồi của bạn đọc trên Phattuvietnam.net đạt số lượng rất cao, có thể nói là đột biến.

Ở nhiều bài, số lượng phản hồi từ bạn đọc lên đến con số 40 – 45 bài, nhiều ý kiến lên đến hàng ngàn chữ. Số lượng là đáng lưu ý, nhưng chất lượng và sự đa dạng của ý kiến phản hồi Phattuvietnam.net còn đáng quan tâm hơn.

Trong  nhiều trường hợp, tập hợp của các bài phản hồi đã tạo thành những cuộc thảo luận nho nhỏ với nhiều ý kiến có thể trái ngược nhau. Kết quả này lại trở thành nguyên nhân giúp trang web trở thành thu hút hơn (như một danh ngôn: “sự cọ xát sinh ra ánh sáng”). Đặc trưng và thế mạnh của loại hình web trên internet được ứng dụng hiệu quả và phát huy triệt để tác dụng. Phattuvietnam.net thực sự trở thành một diễn đàn thực sự của  tăng ni Phật tử Việt Nam.


Phật tử Trọng Hoàng – Thư ký Ban Biên tập

Khi mang tính chất diễn đàn đậm nét, thì tất yếu nội dung của trang nhà sẽ phong phú hơn. Phattuvietnam.net đã đề cập được đến một số vấn đề thiết yếu. Mục ý kiến, với một trong những quan tâm chính là “chấn hưng Phật giáo” là mục thu hút nhiều bài viết. Khác với một số ý kiến coi chấn hưng Phật giáo đã hoàn thành, đã thực hiện xong nhiệm vụ lịch sử , là chuyện quá khứ, ý kiến coi chấn hưng Phật giáo là chuyện trước mắt, cấp bách cũng được đăng tải, tạo nên một cái nhìn nhiều chiều và khá chính xác về hiện trạng Phật giáo Việt Nam. Việc nhìn nhận vấn đề trở nên khách quan hơn. Tất nhiên, những đóng góp cho việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam sẽ thiết thực hơn.


Đại đức Thích Linh Toàn – Trưởng đại diện Phattuvietnam.net tại Lâm Đồng đang tác nghiệp

Tinh thần mở rộng cửa cũng khiến trang web Phattuvietnam.net thu hút được nhiều cộng tác viên. Điểm qua mục tin tức, số lượng tin, sự phong phú của nguồn tin, số người tham gia đưa tin từ khắp nơi trong nước cho thấy điều này. Mang dấu ấn thời đại nghe nhìn, chiếm một tỷ lệ lớn các bản tin là các chùm ảnh, trong khi văn bản có một vị trí khiêm tốn.

Điều này đương nhiên, vì ngày nay số người biết chụp ảnh nhiều hơn người nắm được kỹ năng viết tin. Tin ảnh với số lượng ảnh lớn là một đặc trưng, cũng là thế mạnh của thông tin trên internet. Phattuvietnam.net trong quá trình mở rộng cửa để thu hút cộng tác viên đã khai thác được thế mạnh tin ảnh của truyền thông hiện đại. Ảnh nhiều, người đọc có thể nắm được tin mà không cần đọc chữ. Xem đến hàng chục bức ảnh cho một tin không chỉ đem đến sự thích thú cho người đọc, mà còn bảo đảm tính chính xác, khách quan của tin, vốn là yêu cầu của truyền thông hiện đại.

Phattuvietnam.net có lẽ cũng là trang web tin tức Phật giáo đi đầu trong việc phát tin video. Video và audio là thế mạnh của trang web hiện đại, thế mạnh multimedia. Bỏ không khai thác đặc điểm, và cũng là thế mạnh này, sẽ là một thiếu sót lớn khi thực hiện hoạt động truyền thông trên môi trường internet. Đây là ưu điểm, đồng thời cũng là điểm còn hạn chế của Phattuvietnam.net.

Dữ liệu video trên trang Phattuvietnam.net chiếm một tỷ lệ quá thấp so với dữ liệu văn bản và hình ảnh. Dữ liệu audio còn hiếm hơn nữa. Đối với một trang web đã hoàn thiện với mức như thế, thì sự hạn chế việc khai thác dữ liệu audio và video thật là một điều khó thông cảm, chia sẻ. Trong khi video clip ngày càng được chú ý nhiều hơn trên nhiều trang web, nhiều trang web phát video live streaming, thì khung ảnh video Phattuvietnam.net đứng hẳn lại trong thời gian gần đây là một điều đáng tiếc.

Trong khi đó, chắc chắn không ít bạn đọc Phật tử lại hướng về Phattuvietnam.net, một trang web Phật giáo đã có những bước đi tiên phong về kỹ thuật để gửi gắm sự kỳ vọng về một hình thức sơ khai của Truyền hình Phật giáo Việt Nam, điều có thể thực hiện ngay bằng môi trường internet.

Còn về mặt nội dung, thì tuy hướng vào, cuộc đời, bước ra khỏi tháp ngà kinh viện Phật giáo, nhưng Phattuvietnam.net vẫn còn nặng ở những vấn đề học thuật, chưa đưa được tiếng nói Phật giáo đi vào đời thường. Bạn đọc tìm đến Phattuvietnam.net để được thông tin về Phật sự, để xem và tham gia  bàn luận những vấn đề hệ trọng của việc hoằng pháp, tìm hiểu giáo lý…, nhưng chưa tìm được một không gian để cảm thông, chia sẻ, tâm sự những câu chuyện đời thường dưới ánh sáng Phật pháp. Dễ có cảm tưởng Phattuvietnam.net giàu thông tin, sắc chất trí, nhưng thiếu cái tình, tình đời và tình đạo, tình sống và tình tu. Người đọc soi vào trang web chỉ thấy bóng dáng khối óc, mà chưa thấy trái tim.

Chắc chắn một số bạn đọc cũng chưa hài lòng về Phattuvietnam.net của mình khi trang web thông tin khá đầy đủ, chi tiết, nhiều màu sắc về những sự kiện đã diễn ra, trong khi lại ít có những thông tin vận động, thông báo về những sự kiện Phật giáo sẽ diễn ra.

Nhưng chừng như điểm hạn chế này lại do các nhà tổ chức sự kiện Phật giáo chưa khai thác có hiệu quả trang web của mình. Lễ hội sẽ đông đảo hơn , mang được niềm vui đến nhiều người hơn, nếu những thông tin về sự kiện gởi về trang web trước khi sự kiện diễn ra. Chẳng hạn, như đối với lễ vía đức Phật A Di Đà vừa rồi. Trang web ngập tràn hình ảnh những đêm hoa đăng, những sự kiện đã diễn ra. Những Phật tử bận bịu không nhớ ngày vía chỉ  còn nhìn những những bức ảnh hoa đăng lộng lẫy mà tiếc hùi hụi. Mong rằng cộng tác viên từ các chùa, trước các dịp Lễ ,Vía, Kỵ… , có thông tin loan tải để nhắc nhở Phật tử, cũng để mời gọi mọi người cùng đến với cửa Phật.

Cũng như nhiều trang web Phật giáo Việt Nam, Phattuvietnam.net chỉ phục vụ giới hạn, tập trung vào đối tượng là người đã theo đạo Phật, chứ chưa mang đạo Phật đến những người mà đang rất cần đến đạo Phật, chưa có như điều mà người ta thường diễn tả một cách hình tượng: một nhịp cầu. Thỉnh thoảng trên Phattuvietnam.net cũng có những bài viết như thế, nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa góp phần hình thành một hướng tìm tòi mới của trang web.

Thỏa mãn nhu cầu thông tin, trao đổi ý kiến của những người theo đạo Phật là một mục tiêu, mà có thể nói Phattuvietnam.net đã đạt được trong một chừng mực nào đó. Mở một con đường để mọi người tìm đến với đạo Phật, thiết tưởng, cũng nên là mục tiêu mà Phattuvietnam.net phấn đấu đạt được trong thời gian tới.

Phân tích những thành quả và những hạn chế của trang web Phattuvietnam.net trong sự so sánh với tiến trình phát triển truyền thông đại chúng nói chung, truyền thông đại chúng Phật giáo nói riêng, chúng tôi không nhằm mục tiêu dành cho Phattuvietnam.net những lời đánh giá khen ngợi, mà mục tiêu chính là nhằm cung cấp cho những người làm truyền thông Phật giáo Việt Nam một số vấn đề lý luận truyền thông rút ra từ  một trường hợp cụ thể, với những cái được và chưa được của nó.

MT