Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Trăn trở về hoằng pháp và chuyện măng không có chỗ mọc

Trăn trở về hoằng pháp và chuyện măng không có chỗ mọc

166

Kính gửi: Hội Đồng Trị Sự GHPGVN
Kính thưa Thượng Tọa Thích Nhật Từ!

Con không phải là một Tăng Ni, cũng không phải là một Phật tử thuận thành. Con cũng không còn trẻ về tuổi đời nhưng con lại rất trẻ về tuổi là Phật tử. Vì vậy hơn lúc nào hết con rất thấm thía và ao ước rằng giá như tất cả những đứa trẻ khi còn nằm trong bụng mẹ mà đã được nghe Phật pháp, nghe giáo lý của Đức Phật thì cuộc đời này, đất nước này, thế gian này thật hạnh phúc biết bao.

Tối qua sau khi đã xong hết mọi việc trong nhà, con đã được nghe bài Pháp của Thượng tọa Thích Nhật Từ  với chủ đề “Tăng Ni và phương hướng hoằng pháp trong thời đại mới” giảng tại học viện Phật giáo Việt Nam TP- Hồ Chí Minh.

Với con, đó là một bài giảng đúng với mơ ước và suy nghĩ của con đến thế. Con cũng không biết dùng từ thế nào để diễn tả hết tâm trạng của con nữa, chỉ biết rằng con rất thích. Thế là con tranh thủ ghi lại cảm nghĩ này trước khi con đi ngủ.

Nếu ai đã sinh ra và lớn lên tại miền Bắc hay có dịp sinh sống hay du lịch thì sẽ thấy được các chùa ở miền Bắc để làm gì, phục vụ cho những đối tượng nào. Chưa nói gì tới các chùa ở các làng xã mà ngay tại thành phố, ngay tại Hà Nội, Hải Phòng, có bao nhiêu chùa có các Tăng Ni giảng pháp? Có bao nhiêu chùa có tổ chức thu hút thanh thiếu nhi đến  sinh hoạt, tu tập … ?

Ngay những chùa nổi tiếng như chùa Bằng ngoài một năm tổ chức vài khóa tu như báo đã đưa tin ra thì tối đến tại chính điện người đến chùa tụng kinh thời khóa các buổi tối ngày thường (không phải 15 và mồng 1) thì chưa được tới 10 cụ già (trẻ nhất cũng là 50 tuổi). Có buổi tối nào mà tụng kinh Pháp Hoa thì cũng trên 02 tiếng khi tan buổi ra khỏi chùa thì mọi nhà cũng đóng cửa đi ngủ rồi (mùa đông).

Trong khi các nhà thờ thì đèn sáng trưng với hàng trăm người cầu nguyện mỗi tối, ngày chủ nhật thì vài trăm người trong mỗi nhà thờ. Có chùa còn đóng cửa ngày đêm (vì sợ trộm vào), người đến lễ chùa chỉ được đứng ở ngoài cửa làm lễ vọng nói gì đến nghe Pháp.

Có chùa thì cả vài chục năm nay mặc dù có Tăng, Ni trụ trì, nhưng chưa có Phật tử nào được nghe một câu giảng pháp. Lại có một chùa ở phường Đẳng Giang Hải Phòng, chùa được Sư Thầy trụ trì cho tháo dỡ để xây lớn hơn, dỡ được vài tháng rồi chuẩn bị xây thì Mẫu thân Thầy mất. Thế là ngôi chùa không xây nữa chỉ vì lý do Thầy đưa ra và được thông báo rộng rãi cho địa phương và các Phật tử biết là Thầy có tang vì vậy không xây được.

Con biết tin  nghe chuyện này thấy rất kỳ vì con tuy dốt về giáo lý và các lời dậy của Đức Phật nhưng con chắc chắn rằng Phật không dậy như vậy và không có kinh Phật nào dậy như vậy, phải không Thầy? Mà Thầy trụ trì chùa này còn rất trẻ.  Đến nay là hơn 3 năm rồi ngôi chùa vẫn chưa được xây lại.

Có lẽ người miền Bắc đi lễ chùa đầu năm nhiều gấp rất nhiều lần ở phía Nam nhất là giới trẻ, giới công chức ( lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Hương…) nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu người trong số triệu người đi lễ hội kia đã được nghe được một buổi giảng về Đạo Phật. Có bao nhiêu người đã tham gia một khóa tu nào trong các chùa có tổ chức. Có bao nhiêu người biết ăn một bữa cơm chay để đi lễ chùa cho cái tâm và cái miệng thơm tho một buổi. Có bao nhiêu thanh niên biết chắp tay hay quì lậy hay đọc tụng hết được một thời kinh ngắn như các Phật tử thanh niên ở một số tỉnh thành phía Nam?

Ngày rằm tháng giêng có hàng vài ngàn người đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn, cầu an đầu năm làm tắc nghẽn giao thông suốt cả một buổi tối. Thử hỏi trong vài ngàn người đó có bao nhiêu người được nghe nguồn gốc dâng sao giải hạn có từ đâu? Và có trong kinh Phật dậy hay không?

Đi lễ chùa mà đến trước cửa chùa nhậu thịt thú rừng cứ như là ngồi trong các quán nhậu ngoài đường phố hay các nhà hàng. Lỗi này đúng là của những người bán, người  ăn  rồi, nhưng nếu như tất cả mọi người đều được nghe những bài giảng pháp rồi thì có bán rẻ mấy cũng không ai lại đi chùa mà nhậu thịt ngay tại cửa chùa.

Vậy thì tại sao GHPGVN không nghĩ đến việc làm cách nào tận dụng được việc hàng triệu người đi trong các lễ hội này trên suốt chuyến đi sẽ được nghe những bài giảng pháp. Tại sao không tổ chức giảng pháp ngay trên chùa Hoa Yiên, ngay trên chùa Đồng, ngay trong chùa Thiên Trù cho hàng vạn người nghe…

Kính Bạch GHPGVN!

Tuổi trẻ đến chùa cần học gì?  Đó là:      

Trước hết các em sẽ học nói lời cám ơn, học biết nói lời xin lỗi. Các em học biết để đôi dép xuôi khi để trước thềm nhà, biết tự gấp mùng, gấp mềm, biết cầm cây lau, chổi quét nhà, biết tự rửa chén bát… Biết cám ơn những người làm ra hạt gạo, mớ rau khi bưng chén cơm ăn. Biết thế nào là lãng phí khi để điện nước cứ sáng cứ chảy mà không có người sử dụng. Biết nhỏ tiếng lại khi người khác cần yên tĩnh, biết giữ vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng…

Điều đặc biệt ở đây các em sẽ được học biết “Sợ” nếu vô cớ mà giết hại con kiến, con ong, con bướm, phá tổ chim … bắt nhốt, hàng hạ các loài vật thì chúng cũng  đau đớn sợ hãi như con người, chúng cũng hoảng hốt khi đi lạc, hay bị bắt giữ khi không được về tổ, cha mẹ chúng cũng đau đáu ngóng trông.

Các em biết sợ khi biết được rằng loài vật cũng biết khóc, cũng có tâm tánh như loài người. Các em biết sợ khi sử dụng những gì không phải là của mình hay chưa được ai cho phép. Các em biết sợ mỗi khi nói dối hay nói những lời làm tổn thương người khác và gây đau khổ cho những người xung quanh.

Các em sẽ học được thế nào là “Gieo nhân và gặt quả”để: các em sẽ biết sợ để lánh xa những việc làm dữ mà chỉ làm những việc lành. Để các em biết sợ mà sống cho tốt cho đến hết cuộc đời.

Các em được học chữ “ Hiếu” để: yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, không bắt cha mẹ phải đáp ứng mọi nhu cầu của bản thân, không ích kỷ khi nghĩ rằng cha mẹ sinh ra thì phải có trách nhiệm đáp ứng mọi nhu cầu của các em, nếu không được thì bỏ nhà đi bụi, dọa tự tử, bỏ ăn, bỏ học…Để các em biết dành thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ và làm tròn bổn phận người con với đấng sinh thành.

Các em sẽ được học chữ “Nhẫn” để: làm dịu đi những va chạm từng phút từng giờ đang bủa vây quanh các em trong cuộc sống thường nhật, để mưu sinh tồn tại, để thành đạt trong cuộc sống, để mái  ấm gia đình được hạnh phúc, để trời yên, biển lặng…

Các em sẽ được khơi dậy lòng “Từ bi” để: các em biết yêu thương, cảm thông, biết sẻ chia với những người kém may mắn hơn mình, biết ban tặng niềm vui cho người khác, biết thương yêu cả những loại động vật, cỏ cây, hoa lá… Để các em biết quí trong sự sống của muôn loài, thì các em sẽ biết bảo vệ trái đất, yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh.

Các em sẽ được học “ Kỹ năng sống” để vượt qua mọi áp lực trong học hành, thi cử, bệnh tật, cô đơn, chia ly hay sống trong một gia đình nghèo khó, hay trong một gia đình không thuận hòa, bạo lực… Các em sẽ được học cách đứng dậy mỗi khi vấp ngã hay vượt qua mọi nỗi đau cùng cực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các em sẽ học được cách tránh xa những cạm bẫy ngọt ngào đang dụ dỗ các em.

Trẻ cần học kỹ năng xử lý mọi tình huống khi đột ngột phải sống một mình là rất cần thiết. Hay trong một tính huống ngặt nghèo nhất ví dụ có bà mẹ đã hướng dẫn cho một đứa trẻ 5 tuổi biết đỡ em bé khi bà mẹ chuyển dạ sanh đột ngột ở nhà. Hay dậy cho trẻ biết khi nhà bên có báo cháy, khi nhà bên có người kêu cứu, khi trong nhà có em bé hay người già bị té mà chỉ có mỗi một mình. Hay khi chính nhà mình bị cháy, chính mình bị kẻ lạ mặt tấn công. Hay ai đó không biết bơi mà bị té thì phải làm sao, hay bị bỏ rơi hay bị lạc đường thì phải xử lý thế nào…

Các em sẽ được học chữ “Tâm” để: không tham lam, không đắm nhiễm, không sân hận, không tự ái, không si mê, không cố chấp… chữ “Tâm” sẽ được thấm dần vào các em. Ai mà thực hành được chữ “ Tâm” suốt cuộc đời, người đó sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian.

Vậy các Tăng Ni ngoài phẩm hạnh và cốt cách của một người xuất gia thì sẽ phải có trình độ, học vấn, bằng cấp như thế nào mới có đủ khả năng dậy những điều các em cần phải học ở trên? và ai sẽ là người đào tạo ra các Tăng Ni có trình độ đại học, thạc sĩ… đương nhiên lại là các giảng sư có phẩm hàm cao hơn rồi.

Kính Bạch GHPGVN!

Các Tăng Ni sinh cần phải được đào tạo gì khi mà trong tay các trẻ  em mới lên 5 tuổi bây giờ chúng đã biết gõ bàn phím, đã biết dùng điện thoại chụp hình giỏi hơn cả cha mẹ chúng, đã biết bấm nút điều khiển các thiết bị điện tử trong nhà…các Tăng Ni sẽ phải tối thiểu thì cũng đưa ra được kịch bản hấp dẫn trong mỗi khóa tu, mỗi buổi sinh hoạt phải khác đi, để không nhàm chán, không lập lại …

Những trò chơi truyền thống có còn thích hợp và hấp dẫn con trẻ được lần thứ mấy? khi đến chùa sinh hoạt, vui chơi trong các khóa tu có còn thích hợp với con trẻ trong thời cùa iphone này?

Cơ sở vật chất không phải chỉ chú trọng xây ngôi chùa thật lớn nhất, cái gì cũng nhất mà hãy nghĩ đến trang bị cho các em những phòng học, những phòng trò chơi  thích hợp với từng lứa tuổi hay những thiết bị  mang tính giả định khi học về kỹ năng sống bằng thực tế để các em thực tập.

Hay xây dựng những thước phim giáo dục lòng từ bi, bằng những hình ảnh thật, việc thật sống động.

Tuổi trẻ là thích khám phá và tìm tòi thì tại sao chúng ta lại không trang bị các phòng có các thiết bị hiện đại hay thật đơn giản cho các em tự  tay sáng tác (phù hợp với từng lứa tuổi), ví dụ đơn giản là làm thật nhiều những viên gạch nhỏ bằng gỗ tạp hay bằng nhựa với đống cát để các em tự xây lâu đài, nhà cửa…

Các sinh viên thì có thể tự xây nhà trong mơ bằng 3D trên Rivit, tự làm phim 3d trong phòng máy tính…

Tại sao rất nhiều nhà thờ dậy ngoại ngữ miễn phí cho con chiên, còn chúng ta đã có bao nhiêu ngôi chùa có các thầy dậy ngoại ngữ cho những ai muốn học?

Hay đơn giản là có bao nhiêu Thầy có thể đứng lớp dậy văn hóa miễn phí cho các trẻ nghèo? Đã có ngôi chùa nào có trang bị phòng máy tính để dậy cho những trẻ em nghèo hay những Phật tử nghèo muốn học? …

Đúng là nói gì cũng phải có tiền. Nhưng không phải không có tiền hay ngồi chờ đến khi có đủ tiền mới nghĩ đến việc phải làm gì. Con nghĩ là về việc này thì GHPGVN đã biết cách rồi, con chỉ băn khoăn và chợt nói vậy thôi.

Khi con viết bài “Các Thầy du học xong hãy về nước nhé” đăng trên báo Phật tử Việt Nam. Bài viết nhận được gần 10 cảm nhận gửi về con đọc xong các cảm nhận đó, thực sự con rất buồn.

Con ngồi thẫn thờ không biết nói sao nữa. Giờ đây con lại được nghe những Thầy có phẩm hạnh, có học hàm, học vị cao tuổi dưới 40 lại chỉ là ủy viên dự khuyết trong các hội đồng trị sự ở các cấp. Con và những ai mê môn bóng đá thì biết rất rõ phải ngồi ghế dự bị là thế nào vì vậy con rất buồn.

Như con đã nói ở trên là con không còn trẻ vì vậy con biết rất rõ trong cái đầu của những người ở cái tuổi quá nửa đời người thì sự sáng tạo sẽ như thế nào, có cần hay có muốn đổi mới hay không, hay cứ thế mà làm, đổi mới thì mình sẽ mệt lắm, chắc gì thành công hay mình lại lãnh đủ.

Sức ỳ trong con lớn dần theo tuổi tác, con chỉ thích bình yên hơn với cái cũ con đang làm, cái gì khó một chút là con thấy muốn tránh, không thích tìm tòi. Khi công ty con thay đổi hệ thống quản lý cũ bằng hệ thống quản lý ERP hiện đại trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng thì con thấy lớp trẻ có trình độ học và tiếp thu rất nhanh, lại học rất nhàn nhã. Còn con vì công việc phải làm, con phải lấy cần cù bù thông minh vì vậy con phải học rất cực so với lớp trẻ con mới làm được.

Thế đấy! Con không thể còn sức khỏe, trí tuệ minh mẫn và rất ngại thay đổi và tiếp thu những kiến thức mới, những công nghệ thay đổi đến chóng mặt này nữa.

Nhưng nếu không thay đổi, không thích ứng thì không chỉ bản thân mình chết mà còn nhiều người khác chết theo.

Đúng là theo qui luật “Tre già thì măng mọc” nhưng măng chỉ mọc được khi mà những cây tre đó đang sống trên mảnh đất còn có chỗ cho sự sống hoặc phải có phương pháp khoa học chăm sóc bằng tác động của con người, nếu không, cây măng mọc ra được thì cũng èo uột, còi cọc mà lại rất hiếm măng mọc được .

Măng muốn mọc thẳng, to khỏe không èo uột thì trước hết khóm tre phải để rất nhiều  khoảng trống có đất, nước và ánh nắng cho các cây măng mọc. Khóm tre ở bên để uốn nắn cho măng mọc thẳng và khi cần thì che chở bớt gió khi có bão giông, để măng non không gẫy đổ. 

Xã hội nào cũng vậy, tổ chức nào cũng vậy, tôn giáo nào cũng vậy, con người nào cũng vậy, nếu không có hoạch định chiến lược phù hợp với thời đại mà công nghệ đang thay đổi hàng ngày đã, đang và sẽ làm cho cả thế giới thay đổi  thì sẽ không thể tồn tại  thì nói gì đến phát triển trong tương lai.

Cuối cùng thì con cũng xin chắp tay mong các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa xá tội cho những suy nghĩ  rất đời thường của con.

Sài Gòn tháng 10 năm 2012

Giác Hạnh Hoa