Trang chủ PGVN Nhân vật Trần Thái Tông: nhân ảnh trong Thiền học Việt Nam (phần I)

Trần Thái Tông: nhân ảnh trong Thiền học Việt Nam (phần I)

208

Tiền bạc lụa là châu báu đầy kho mà tâm hồn thì rỗng không tĩnh lặng. Vinh quang và khổ nạn như là một mâu thuẫn, một thảm kịch trần ai của nhân vật lịch sử này, kẻ – được vợ trao lại ngôi vàng lúc 8 tuổi – không những đã sáng lập nhà Trần mà còn bảo vệ và xây dựng một Ðại Việt hùng cường, một nền văn minh và văn hoá độc sáng và thiện hảo cho dân tộc Việt như sử sách đã ghi lại.


So với Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, những nhân vật đã sáng tạo nên “tinh thần Thiền Việt nam” …vừa là “Chiến sĩ, Nghệ sĩ, Ðạo sĩ, ba con người làm một đã kết tinh một cách hiển nhiên rõ rệt vào ba đời vua nhà Trần một cách miên tục nhất quán, đời ông, đời cha, đời con: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông” như Nguyễn Ðăng Thục nhận xét (1).


Trần Thái Tông đã là nhân vật lịch sử kỳ lạ có sức thu hút làm cho người đi sau trăn trở chính do những dữ kiện bi tráng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông: cùng với sự nghiệp đất nước ông đã xây dựng một nền đạo đức học Phật giáo cho thế hệ đi sau, không phải với tư cách một nhà độc tài quân phiệt phong kiến mà với tư cách của một người “cùng đinh” trong nghĩa vô ngã của đạo Phật, để kẻ kế thừa ông có thể khẳng định đất nước Ðại Việt “muôn nghiệp an nhàn thể tính” và “tự tại thân tâm”, như Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo đã nói rõ tương quan giữa đạo và đời, giữa Thăng Long lầu vàng điện ngọc và Yên Tử yến thốt oanh ngâm:


Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm
Tham ái nguồn dừng
Chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
Thị phi tiếng lặng
Ðược đầu nghe yến thốt oanh ngâm.


(Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo (2))


Trong 3 vị vua đầu nhà Trần, Trần Nhân Tông đã dễ dàng hơn trong tư thế “chiến sĩ, nghệ sĩ, đạo sĩ” sáng ngời trong lịch sử trên mọi phương diện “Nhân Trí Dũng” mà Nguyễn Ðăng Thục cho là nét độc đáo của văn minh Việt nam từ khi dựng nước, ông có thể lập ngôn đạo đức vững chải, tự chủ và thong dong “tham ái nguồn dừng…” Lịch sử và đời sau chỉ biết ngưỡng mộ và kính yêu mà không một lời phê phán tiêu cực.


Trần Thái Tông thì không như thế. “Thị phi” trong lịch sử không lặng lẽ, dù không ồn ào. Bản án bội tình và loạn dâm, dù bất đắc dĩ – nhưng cũng đã xảy ra – vẫn còn treo trên giá sử.(3)


Trần Thái Tông đã dựa vào cơ sở đạo đức Phật giáo như thế nào để có thể đứng vững trong xã hội Ðại Việt thời ấy, với tư cách là một vị lãnh đạo quốc gia lỗi lạc, một Thiền sư uyên áo? Tà hạnh của Trần Cảnh có nên bị kết án như các nhà Viết sử đời sau quan niệm ? Giữa Trần Thái Tông “tà hạnh” và Trần Thái Tông “khoan nhân đức độ” có một liên hệ nhân quả nào trong lời phê phán của các sử gia (4).


Trả lời những câu hỏi trên có thể cho cho ta hiểu được sự liên hệ giữa quan điểm đạo đức học Phật giáo với tình tự dân tộc thế kỷ 13 (trong đó có truyền thống yêu nước, yêu quê cha đất tổ) và chủ trương của nhà Trần đã lấy Phật giáo làm nền tảng đạo đức và cơ sở tư tưởng trong công cuộc xây dựng đất nước.


1. Phê phán lịch sử : bội tình và loạn dâm


1.1. Sử gia Trong Ðại Việt sử ký tục biên, Phan Phu Tiên đã bình luận và Ngô Sĩ Liên đã trích lại trong Đại Việt sử kí toàn thư, 5 tờ 10b5-11a2 : “Tam cương ngũ thường là luân lý lớn của con người. Thái Tông là vua mở nghiệp, đáng ra phải dựng phép để dạy đời sau, thế mà nghe mưu bậy của Thủ Ðộ, cướp vợ anh làm hoàng hậu, chẳng hoá ra bỏ hết luân thường, để mở mối dâm loạn ư? Liễu từ đấy sinh ra hiềm khích, mới dám làm loạn, ấy là do Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy. Có người bảo Thái Tông không giết anh là Nhân. Ngu tôi cho rằng cướp vợ anh, tội ác đã rõ, không giết anh là vì lẽ trời chưa mất, sao được gọi là Nhân? Thường thấy Trần Dụ Tông dâm loạn, bỉ ổi chưa từng có, há chẳng do Thái Tông mở ra sao?”.


Ðồng quan điểm với Phan Phu Tiên, trong ĐVSKTT 5 tờ 11a3-5, Ngô Sĩ Liên đã bình luận tiếp : “Thái Tông mạo lấy con anh mình làm con mình. Về sau, Dụ Tông Hiếu Từ đều lấy Nhật Lễ làm con của Cung Túc, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần xuýt nữa sụp đổ. Nguyên do há không phải từ đó sao”.


Hơn hai thế kỷ sau, Ngô Thời Sĩ (1726-1780) viết Việt sử tiêu án 2 tờ 6b cũng đưa ra một lời bình tương tự: “Vua Thái Tông làm hại nhân luân, vì đã mở mối dâm loạn. Về sau, dâm án từng xảy ra, chồng chất. Dạy con cháu bằng hạnh cường bạo của hán Quảng, đưa quốc dân theo tục dâm bôn của Trịnh Vệ. Thái Tôn dâm loạn với bà Thuận Thiên, Phụ Trần cũng ở bậy với Chiêu Thánh, cướp vợ anh thì người cũng cướp vợ mình, tuy nói tự mình đem cho thì cũng là trời đất mênh mông có chỗ tối tăm lòng dạ, khiến làm việc càng bậy. Khéo thay!”


Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ đứng trên quan điểm Khổng giáo trong khi đánh giá sự kiện lịch sử đời Trần. Từ quan điểm Nho giáo lấy tam cương ngũ thường để suy xét hành vi của Trần Cảnh, lấy luân thường đạo lý như những nguyên tắc bất di bất dịch để đánh giá hậu quả của một hành vi như một trách nhiệm tuyệt đối.


Luận công và tội của họ có phần hạn hẹp và cưỡng ép, bởi lẽ những dữ kiện lịch sử và văn hoá trong toàn thể sự nghiệp của Trần Cảnh chưa được cân nhắc nhiều mặt, nhất là về mặt tư tưởng văn học và tôn giáo. Những phê phán của họ cho thấy rõ rệt thái độ thái độ bài xích hay khinh thị Phật giáo của sĩ phu theo Nho học từ thế kỷ thứ 15.


Phan Phu Tiên cho rằng việc Trần Cảnh tha tội phản loạn và ngăn cản không cho Trần Thủ Ðộ giết anh là Trần Liễu không thể bảo là NHÂN mà do “lẽ trời chưa mất” (6). Bởi thế án dâm loạn vẫn còn. Chữ NHÂN của Phan Phu Tiên sử dụng trong trường hợp này quá hẹp và khái niệm “lẽ trời” lại quá mông lung để có thể chấp nhận nhận định này không phải là vu vơ.


Ngô Sĩ Liên và Ngô Thời Sĩ quy trách nhiệm cho Trần Cảnh về những hành động loạn luân của những vị vua cuối đời Trần, có nghĩa là gần 200 năm sau, cơ nghiệp nhà Trần suy vi. Họ đã quên cả một thời đại huy hoàng oanh liệt của nhà Trần qua sự khai sáng cơ nghiệp về văn trị cũng như võ công của Trần Thái Tông và tự mâu thuẫn khi ghi “vua khoan nhân đại lượng, có lượng đế vương”.


Hơn nữa nếu đã suy diễn nhân quả “Thái Tông làm hại nhân luân, đã mở mối dâm loạn” thì khả năng suy diễn chính nhờ phương sách ấy mà nhà Trần đã đưa Ðại Việt đến giai đoạn phồn thịnh nhất trong lịch sử Việt nam, đã giữ vững giang sơn độc lập và đã đào tạo những vị vua đạo đức anh minh kế tiếp có một không hai trong lịch sử Việt nam, đã đập tan quân Mông cổ, củng cố hoà bình và phồn thịnh cho nhân dân Việt Nam. Lý luận này có cơ sở lịch sử vững chắc và thuyết phục hơn lý thuyết về hậu quả 200 năm sau của nhà Trần mà Ngô Sĩ Liên và Ngô Thời Sĩ đưa ra ở trên.


Bởi thế vấn đề “tà hạnh” hay đạo đức của Trần Thái Tông nên nhìn từ một góc độ tìm hiểu khác. Trước tiên từ góc độ của người trong cuộc :


1.2. Người trong cuộc: Trần Cảnh là người phản đối đầu tiên, phản đối dữ dội và quyết liệt biện pháp của Trần Thủ Ðộ. Ðược Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi năm 8 tuổi, sống với nhau gần 10 năm, mối tình của hai người đã được Chân Ngyên Thiền sư chép lại khá tường tận (7), bỗng nhiên bị áp đặt phải lấy vợ của anh, Trần Cảnh tuyệt vọng bỏ ngai vàng trốn lên Yên Tử như chính nhà vua tường thuật trong Thiền tông chỉ nam:


“Ðêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ưng Chính Bình thứ năm, trẫm cải dạng ra khỏi cửa cung… Giờ Mão hôm sau, đến bến đò núi Phả Lại, sông Ðại Than. Sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, tắt đường núi mà đi. Ðến tối vào nghỉ ở chùa Giác hạnh, đợi sáng lại đi.


Lặn lội, vất vả, núi hiểm, suối sâu, ngựa mỏi không tiến lên được nữa, trẫm liền bỏ ngựa, vin vách đá mà lần bước. Giờ Mùi mới đến núi Yên Tử. Sáng hôm sau lên thẳng đỉnh núi, vào yết kiến Quốc sư là Ðại sa môn phái Trúc Lâm, Quốc sư vừa thấy trẫm thì mừng rở, rồi ung dung bảo rằng:


Lão tăng lâu ở núi hoang, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi rừng núi, chẳng hay bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?”


Trẫm nghe sư nói, rơi hai hàng nước mắt, đáp lại rằng: “Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ sự nghiệp đế vương thuở trước, hưng phế bất thường, cho nên tìm đến núi này để cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác


Sư nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài.


…“Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão khăng khăng không chịu bỏ trẫm, liền đem lời nói ấy bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm nói : “Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”.


Vì thế trẫm cùng mọi người về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc, trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo thiền. Ðến các kinh điển của đại giáo thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được làm bài ca này, đặt tên là Thiền tông chỉ nam. Năm ấy Quốc sư từ núi Yên tử về Kinh, trẫm cho ở chùa Thắng Nghiêm để trông coi việc khắc in kinh sách. Nhân đó, trẫm viết ra bài ca, đưa cho Quốc sư xem. Mới đọc qua một lần, sư đã mấy phen tán thưởng, nói: Tấm lòng chư Phật ở cả trong bài ca này, sao không khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học?”


Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn tiếp nối công lớn các bận Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.” (8)


Tuy viện lý do vì mất mẹ mất cha, nhưng việc bỏ lên Yên Tử rõ ràng có nguyên nhân từ biện pháp bỏ Chiêu Hoàng lấy Thuận Thiên để có con nối dõi. “Ðối với một người hạnh tốt biết đạo mà phải làm việc không hợp đạo lý này, nhà vua rất đau đớn” như Hoà thượng Thanh Từ nhận xét.


2. Biện minh:


Lê Mạnh Thát trong cuốn Trần Thái Tông toàn tập, tác phẩm lịch sử sưu tập đầy đủ nhất về Trần Thái Tông từ trước đến nay, đã đưa ra một biện minh với “một cái nhìn luân thường mới” mà tác giả gọi là “đạo đức cách mạng” để bác bỏ những hài tội của Phan Phu Tiên và Ngô Thời Sĩ:


“Ngày nay, chúng ta có thuận lợi để nhìn về sự kiện này. Chúng ta không phủ nhận việc dùng luân thường đạo lý mà bất cứ xã hội loài người nào cũng phải có để đánh giá các hành vi xã hội của một con người. Tuy nhiên, trong trường hợp này, yêu cầu bảo vệ quyền lợi tập thể mà ở đây là quyền lợi của một quốc gia, một dân tộc, đòi hỏi phải có một cái nhìn luân thường mới, mà từ hiện đại thường dùng là đạo đức cách mạng. Tại sao?


Bình thường, giết người phải đền mạng. Một người đi giết người khác tất phải bị lên án, thậm chí bị tử hình. Song nếu vị quyền lợi của một cộng đồng, của một dân tộc, thì việc giết được một người đôi khi còn được ca ngợi là anh hùng khí phách…


Cho nên đặt biện pháp quyết liệt của Trần Thủ Ðộ trong bối cảnh quốc tế bấy giờ của đất nước ta và thế giới, ta mới hiểu lý do vì sao. Bản thân vua Trần Thái Tông không phải là không biết biện pháp này là sai lầm. Em không thể lấy vợ của anh ruột mình đang còn sống. Chính do nhìn sự kiện như thế, nên vua Trần Thái Tông đã nửa đêm bỏ ngai vàng tìm lên Yên Tử.


Sự ra đi này biểu lộ một thái độ cương quyết không chấp nhận biện pháp ấy về mặt cá nhân. Nhà vua cũng cảm thấy bị bức xúc, không muốn làm một việc mà bất cứ một người Ðại Việt bình thường nào thời đó đều không muốn làm. Hơn nữa nếu xét về tư cách một người Phật tử, biện pháp vừa nói càng không nên thực hiện…


Vì vậy bảo rằng vua Trần Thái Tông đã “mở mối dâm loạn” mà những người như Phan Phu Tiên và Ngô Thì Sĩ đã nói tới. Thật sự tỏ ra họ đã không thông cảm nổi với chính những bức xúc của vua Trần Thái Tông, xét về mặt cá nhân và tư cách Phật tử.. Ðây là điểm thứ nhất, mà họ không thấy, như chính lời bàn của họ đã biểu lộ.” (9)


“Ðiểm thứ hai chính là vấn đề tại sao vua Trần Thái Tông đã làm một việc mà bản thân vua không thích và cảm thấy hết sức bức xúc vì nó?” (10) chính là bối cảnh chính trị, quân sự của Ðại Việt nói riêng và tình hình thế giới thời bấy giờ. Nội trị cần có sự ổn định trật tự trong buổi giao thời chuyển tiếp từ Lý sang Trần, củng cố thế đứng vững chắc cũng như quyền lực cai trị của nhà Trần, mà Trần Thủ Ðộ là quân sư. Ngoại giao đang nằm trong sự khủng hoảng đe doạ của thế lực quân Mông Cổ, “tình hình quốc tế thời bấy giờ đang có những biến động lớn…”. Ðế quốc Mông cổ đã thôn tính nhà Kim (1234) và chuẩn bị tấn công Nam Tống (1236), nguy cơ thôn tính Ðại Việt chỉ còn là câu hỏi nay mai.


Việc chính thống hoá sự lên ngôi của nhà Trần “nhằm ổn định nhân tâm. Đoàn kết người dân lại thành một khối vững chắc”. Yêu cầu chính thống hoá phải có một người con của họ Trần do chính Lý Chiêu Hoàng sinh ra. (11)


Theo Lê Mạnh Thát “biện pháp quyết liệt” của Trần Thủ Ðộ “trước mắt là nhằm chính thống hoá sự lên ngôi vua, nhưng đồng thời để chuẩn bị dư luận nhằm đoàn kết toàn dân cho một cuộc chiến sắp tới đối với quân Nguyên-Mông… thể hiện một phần chiến lược an ninh quốc phòng của Ðại Việt thời bấy giờ.


Chính vì nó thể hiện chiến lược an ninh quốc phòng này mà khi vua Trần Thái Tông bị buộc phải chấp nhận, dù bản thân hoàn toàn không muốn. Bài tựa do chính nhà vua viết để lại thì do nghe lời của Phù Vân quốc sư về việc lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình mà nhà vua đã gạt bỏ những suy tính cá nhân, chấp nhận việc trở lại kinh đô Thăng Long để thực hiện trọng trách lãnh đạo quốc gia…” (12)


Từ những lý luận trên Lê Mạnh Thát cho rằng : “Ðây là điểm mà Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sỹ đã không thấy. Cho nên, họ loanh quanh lẩn quẩn trong vòng đạo lý luân thường của những người dân bình thường mà không biết đặt vua trong góc độ của một nhà lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong tình huống đất nước, đặc biệt đất nước đang có nguy cơ chiến tranh với một kẻ thù” hung hãn…


“Biện pháp đó không phải là “tà mưu” như Phan Phu Tiên đã đánh giá. Ngược lại, nó là một mưu lược sáng suốt nhằm ổn định tình hình chính trị đất nước lúc bấy giờ và tạo điều kiện để tiến hành một số biện pháp khác nhằm tăng cường tiềm lực dân tộc…”13 (LMT. TTTTT, đã dẫn, tr. 53).


3.


Trong cuốn Khoá Hư Lục giảng giải, Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã giới thiệu tác giả của Khoa Hư Lục, nhân vật Trần Thái Tông, từ biến cố năm Bính Thân (1236) như sau:


“Thái Tông là ông vua chăm học, trong bài tựa Kinh Kim Cương tam muội ông viết: “Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật”. Thái Tông là ông vua cần mẫn hiếu học, không buông mình theo dục lạc.”


Thái Tông lại là ông vua anh hùng”, đã đích thân cùng với quân sĩ tham gia trận đánh quân Mông cổ năm 1257. “Ðây là ông vua vừa đạo đức vừa anh hùng, làm rạng rỡ những trang sử oai hùng của dân tộc Việt nam” (14)


Trần Thái Tông “là người lãnh đạo đất nước, đồng thời là một ông vua Thiền sư


Về vấn nạn “án dâm loạn”, Hoà Thượng giảng:


“Về đời Trần, các nhà nghiên cứu sử có những phê bình khác nhau, vì đứng từng góc độ khác nhau. Trên góc độ Khổng giáo, các vua đời Trần có lỗi là trong thân tộc cưới gả lẫn nhau, làm mất đi tinh thần luân lý đạo đức. Nhưng nếu nhìn qua góc độ Phật giáo Thiền Tông thì các ngài ở địa vị vua mà có thể tu hành đạt đạo, rất xứng đáng để chúng ta học hỏi.” (sách đã dẫn, tr. 19)


Về biện pháp của Trần Thủ Ðộ bắt Trần Cảnh bỏ Lý Chiêu Hoàng, Hoà thượng giảng :


“Ðây là hành động mà các sử gia Nho học phê phán rất nhiều. Theo sử năm vua Trần Thái Tông được hai mươi tuổi, bà Lý Chiêu Hoàng mới mười chín tuổi bị giáng xuống làm Công chúa, lại đem chị bà là vợ Trần Liễu làm Hoàng Hậu, do đó có rối loạn trong nội bộ. Ðoạn sử này dẫn đến bài học hôm nay: Tựa Thiền tông Chỉ Nam” (sách đã dẫn, tr. 21)


Khác với Lê Mạnh Thát, theo lời giảng trên, án loạn luân của Trần Cảnh do Phan Phu Tiên và các nhà sử gia Nho học đề ra không được bàn luận mà chỉ được ghi lại như là dữ kiện lịch sử, nếu có tương quan chăng thì chỉ là một tưong quan ngoại tại: đoạn sử chỉ là một duyên tình cờ dẫn đến bài học về Thiền của tác giả Khoá Hư Lục, đã được giảng giải tường tận cho những Thiền sinh hậu học để biết yếu chỉ của phái Thiền Trúc Lâm, đối tượng chính của KHLGG.


Như thế Trần Cảnh bội tình, Trần Cảnh vua anh hùng, Trần Cảnh Thiền sư là những mảnh gương không có những liên hệ mật thiết đến một nhân vật lịch sử đã xây dựng cả một nền văn hoá Ðại Việt thế kỳ thứ 13.


4. Những thắc mắc hầu như chưa được giải đáp thoả đáng:


Lời giảng quý báu của Hoà Thượng Thanh Từ đã không có chủ ý biện minh cho Trần Thái Tông, ngược lại sự vi phạm luân thường hầu như được xác nhận tuy HT đã giới hạn “trên góc độ Khổng giáo”, nhưng không triển khai trên góc độ của Phật giáo “án” này sẽ được giải thích là có “tội” hay không. Theo lời giảng trên góc độ Phật giáo thì Trần Thái Tông xuất hiện như một Thiền sư mà chúng ta cần nghiên cứu, học hỏi, độc lập với “nghi án” lịch sử đã nêu dẫn.


Lê Mạnh Thát đã nhận xét rất đúng khi phê bình 3 vị sử gia đã không thấy “trường hợp Trần Thái Tông” trong khi đánh giá hành động đạo đức của Trần Cảnh mà không đánh giá trên góc độ của một nhà lãnh đạo đất nước (đã dẫn). Nhưng những luận cứ đưa ra lấy từ khái niệm “luân thường mới” hay “đạo đức cách mạng” thay vào “vòng đạo lý của người dân bình thường” dù có tính thuyết phục, vẫn chưa là điều kiện cần và đủ để biện minh cho hành động (dù ban đầu bị cưỡng ép) bội tình và loạn luân của Trần Cảnh.


Bởi lẽ từ quan điểm đạo đức, một đạo lý bình dân vẫn có quyền đòi hỏi tuyệt đối kẻ hành động đạo đức (hay được đánh giá là đạo đức) trước hết phải “thuần tuý đạo lý” mà không có một lời “xin lỗi”, dù lời xin lỗi ấy khởi từ một “đạo lý cách mạng” cao cả, “vì sự an ninh quốc gia, dân tộc”. Ðiều kiện đạo đức không thể đứng vững hoàn toàn trên chủ nghĩa yêu nước và tình tự dân tộc như là chủ nghĩa của đại đa số hay của quyền lực trong chừng mực nếu con người nằm trong lòng “dân tộc ấy” trở thành những cọng rơm hèn mọn, không đáng được nhắc đến quá hai lần như trường hợp của Lý Chiêu Hoàng.


Từ khái niệm dân tộc như là một tập thể bình dân với đạo lý bình dân, đạo đức cách mạng dựa trên chủ nghĩa yêu nước (dân tộc) và chủ nghĩa quốc gia (Nationalismus) có thể biến thành một loại đạo đức cho một lớp người “siêu nhân“ với “ý chí đạt quyền lực” (Wille zur Macht) của Nietzsche, mà hậu quả là sự độc tài của một Tần Thuỷ Hoàng hay một Hitler hay của những đảng phái chuyên chế với những hệ luỵ đi ngược lại với mục đích của con người trong tập thể hay trong đất nước ấy.


Chắc chắn Trần Cảnh đã có một ý thức dân tộc rất cao khi ông chấp nhận trở về dấn thân hay trói mình vào trong hoàn cảnh éo le mà chính ông đã phản đối và ước muốn giải thoát. Từ phản ứng bộc phát, ngay thẳng của ông không chấp nhận đề nghị của Trần Thủ Ðộ, một phản ứng đạo đức bình thường theo luân lý bình thường, ta có thể suy luận rằng chính Trần Cảnh đã không – nếu không nói là chưa bao giờ – xem “đạo đức cách mạng” (biện pháp Trần Thủ Ðộ) là nền tảng của hành động đạo đức của ông.


Trong viễn tượng thúc đẩy của sự đòi hỏi đạo đức chân thực, – qua hành động nửa đêm bỏ ngai vàng lội suối trèo non lánh xa nơi ô trọc tội lỗi – đối với với Trần Cảnh quan điểm “đạo đức cách mạng” chỉ có thể là một giải pháp thứ yếu, khả dĩ chứ không phải là cơ sở xây dựng đạo đức thật sự cho con người hành động đạo đức.


Mặt khác, từ góc độ Khổng giáo mà những sử gia đại diện đã đánh giá hành vi của Trần Thái Tông, như Lê Mạnh Thát nhận xét, ngoài hai điều “KHÔNG THẤY” đã đưa ra ở trên, còn có ba điều “KHÔNG THẤY” ở các vị này: họ đã không thấy giá trị tư tưởng văn học và đạo đức của Trần Thái Tông, không chú trọng đến khía cạnh tôn giáo, – mà đó chính là Phật giáo – đã hun đúc con người Trần Thái Tông cũng như yếu tố hoàn cảnh xã hội, văn hoá tập tục của thế kỷ 13, và từ đó không thấy được chữ NHÂN hay tính nhân bản trong tiến trình hành đạo của Trần Thái Tông, trong nghĩa trước tiên “hành đạo làm người Việt nam” ở cương vị của một nhà lãnh đạo đất nước.


Chính do quan niệm về chữ NHÂN như yếu tố cơ bản của đạo đức tu thân và phương sách an dân (trong phần tới sẽ được triển khai) năng động, bao quát và do đó khác hẳn với cái nhìn thủ cựu và hạn hẹp về một chữ “NHÂN” có tính phán quyết (quid juris) thiện ác bất di bất dịch bao hàm tính cách khai trừ (discriminer) của cái nhìn Nho gia mà Trần Cảnh – mặc dù trong quốc sách trị dân đã nhận định rõ vai trò của “tiên thánh” Khổng gia – đã chọn đạo Phật làm nền tảng đạo đức và tâm linh cho hành trạng của chính mình và cho thời đại của ông. Chính từ góc độ giác ngộ cá nhân này chứ không từ một lý thuyết nào khác mà thái độ đạo đức của ông có thể được xác minh.


Ðến đây cần nêu rõ tương quan giữa Trần Cảnh và đạo Phật ở một điểm nhạy cảm trên phương diện chính trị: Trần Cảnh tìm đến đạo Phật không phải như một phương tiện để củng cố thế lực chính trị của ông, như những đế quốc phương Tây trong tương quan với nhà thờ Cơ đốc giáo.


Ông không đến Yên Tử với tư cách của một vị vua mà là của một người đang từ khước ngôi vua, của một hiện thân cùng khổ và đau đớn nhất, của một người đang rơi vào vực thẳm và đạo Phật đã là chiếc bè đưa ông trở lại trần gian để làm một con người mới.


5. “Phật trong lòng” và “Phật trong thiên hạ”


Quốc sư Phù Vân đã đưa cho Trần Cảnh chiếc bè với cẩm nang “bồ tát” trở lại thế gian: “trong núi không có Phật, Phật ở trong lòng”, “phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được…”.


Trong tương quan giữa Trần Cảnh và quốc sư Phù Vân có lẽ có một câu hỏi chưa có lần được đặt ra cho quốc sư Phù Vân – và ở góc độ Khổng giáo của Phan Phu Tiên sẽ là một lời lên án vai trò của người đại diện Phật giáo – Tại sao quốc sư không tìm cách ngăn cản việc làm trái đạo lý của Trần Cảnh và để cho Trần cảnh đi tu? Khuyên Trần Cảnh trở về để vướng luỵ một nghiệp chướng như thế có phải là quốc sư ủng hộ hành động vô đạo lý?


Có thể có 4 cách trả lời và từ đó xác định quan điểm đạo đức của quốc sư Phù Vân:


* Vì sợ áp lực Trần Thủ Ðộ và quan quân? – Nếu thế quốc sư Phù Vân sẽ không đáng mặt quốc sư cho Trần Cảnh và người đời kính trọng, hay nói cách khác, đây là một góc độ chủ nghĩa thực dụng trong hành động hay lý của kẻ mạnh, khó có thể được đánh giá là đạo đức hoàn toàn.


Khả năng này không đứng vững, bởi vì quốc sư là kẻ thoát vòng tục luỵ, đã nổi tiếng là “Phù Vân“ “lòng như mây nổi, theo gió đến đây” chẳng có thế lực nào có thể hăm doạ được.


* Vì đặt vận mệnh quốc gia dân tộc trên đạo đức cá nhân Trần Cảnh? – Giả thiết này tương đương với quan điểm về “đạo đức cách mạng” của Lê Mạnh Thát.


Như trên đã phân tích, yếu tố “đại sự dân tộc” sẽ không là yếu tố quyết định, nếu yếu tố “đạo đức cá nhân” của Trần Cảnh không dược xác minh.


* Vì tất cả mọi tầng lớp dân chúng đều công nhận Trần Cảnh, có nghĩa là “thiên hạ” đã chấp nhận giải pháp Trần Thủ Ðộ? Nhưng thiên hạ đời sau lại có thể buộc tội Trần Cảnh như các sử gia đã làm. Hơn nữa chính những người trong cuộc (Trần Cảnh, Trần Liễu) đều phản đối và Trần Liễu đang nổi loạn.


* Những yếu tố này có thể cần nhưng chưa hoàn toàn đủ tạo nên lý do chính đáng làm cho quốc sư Phù Vân khuyên Trần Cảnh trở về Thăng Long. Lý do chính nằm ở điểm nhà sư đã THẤY được một điều mà các sử gia Phan Phu Tiên, Ngô Thì Sĩ và Ngô Sĩ Liên đã KHÔNG THẤY ở cá nhân Trần Cảnh: tự trong bản chất, Trần Cảnh là con người đạo đức (Phật trong tâm).


Chính giọt nước mắt của Trần Cảnh đã cho nhà sư biết rằng nhân vật đứng trước mặt mình trước hết là kẻ có căn cơ đạo đức đồng thời lại có đủ trí tuệ để vượt khỏi khổ nạn đang chờ ông. Chính phản kháng bột khởi hay lòng bất nhẫn – như Mạnh Tử đã nhận xét ở thái độ “tha con trâu không giết vì nó đang sợ hãi” của Tề Tuyên Vương “đủ để làm vua trị thiên hạ” mặc dù sau đó một con dê khác được thay thế vào – là yếu tố quyết định.


Tha con trâu đang sợ hãi nhưng luật giết thú vật bôi chuông vẫn giữ, Mạnh Tử (15) đã đi xa hơn Phan Phu Tiên lẫn Ngô Thì Sĩ và Ngô Sĩ Liên trong quan niệm đạo đức khi bảo Tề Tuyên Vương có khả năng trị dân theo nhân nghĩa căn cứ vào cảm xúc đạo đức tự nhiên của vị vua này.


Lòng bất nhẫn là khởi điểm của cơ sở đạo đức nhân bản, từ cơ sở ấy những quy luật hay tập quán của một xã hội có thể được điều tiết để phù hợp với con người trong những điều kiện mới. Trần Cảnh phản đối biện pháp bỏ Lý Chiêu Hoàng để lấy vợ của anh để có người nối ngôi, nhưng cuối cùng phải chấp nhận vì “thiên hạ” muốn Trần Cảnh trở về trong hoàn cảnh ấy.


Phù Vân đã thấy “Phật trong lòng” của Trần Cảnh chính trong tương quan nói trên. Truyền thống Thiền học công án thường cho thấy, ngay trong giờ phút “trao đổi”, gặp gỡ, đối diện, trực quan, thiền sư có thể “chẩn” bệnh người đối thoại, “nhập mật” vào những uẩn khúc của bản tánh người đến thỉnh cầu xin học.


Phù Vân là một Thiền sư không xa lạ với Trần Cảnh, được Trần Cảnh quý trọng, ắt không phải là bậc tầm thường. Chính thái độ phản kháng quyết liệt và trung thực cũng như tâm trạng dày vò của Trần Cảnh cho nhà sư NHÌN THẤY được nhân vật đứng trước mặt mình là con người dù ngồi trong lửa đỏ vẫn là một đoá sen.


Trần Cảnh chứ không ai khác, không Trần Thủ Ðộ, Trần Liễu hay một nhân vật nào khác của thời ấy có thể gánh vác giang sơn Ðại Việt theo đúng con đường nhân nghĩa của Phật giáo: “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”, đem hết tài năng xả thân phục vụ đại sự cao cả mà lòng từ bi thì mở rộng đến vô cùng vô lượng.


Bởi thế nhà sư đã ân cần dặn dò: “Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”.


Ðúng như sự mong đợi, hay có thể quá sự mong đợi của Phù Vân, lần trở về lại ngôi, Trần Thái Tông đã có sẵn một phương thức đạo đức làm nên lịch sử, ông đã viết lịch sử của một Trần Thái Tông anh hùng đại lượng trên phương diện đời và một Thiền sư độc sáng trên phương diện đạo.


Ông còn vượt xa Tề Tuyên Vương trong khả năng lãnh đạo, trị nước, an dân và mở một kỳ nguyên mới cho văn minh Ðại Việt. Là chiến sĩ (16), nghệ sĩ hay thiền sư, Trần Thái Tông trong thế tính tột cùng lại vẫn là một người thấm đượm tình người, cảm nhận tường tận sự yếu đuối mê lầm của con người trong sự chiêm nghiệm tâm linh của sám hối, từ đó tác phẩm đạo đức học đầu tiên của Việt nam được ra đời : Khoá Hư Lục với Lục thời sám hối khoa nghi.


Hết phần một, xem tiếp phần hai