Trong bài khảo luận ngắn này, người viết chỉ đề cập đến một số nét tiêu biểu về Tiểu sử, sở đắc giải thoát và Tư tưởng Phật học của Người.
Về tiểu sử
Dựa theo sử liệu của Nguyễn Lang trong Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, tập I, NXB Văn học, Hà Nội 1994, và sử liệu trong Thơ văn Lý Trần, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989, thì Người tên thật là Trần Khâm, sinh năm 1258; con cả của vua Trần Thánh Tông; năm 20 tuổi lên ngôi báu, hiệu Nhân Tông; năm 36 tuổi làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Anh Tông; năm 41 tuổi xuất gia; năm 51 tuổi, 1308, viên tịch ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử.
Thiếu thời, Người đòi nhường địa vị Đông cung thái tử cho em để xuất gia. Người thông lãm nội và ngoại điển, học Phật từ nhỏ, học Thiền định dưới sự chỉ dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Người đã cùng tướng sỹ triều Trần hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược Nguyên Mông (năm 1285 và năm 1288) – đoàn quân bách chiến bách thắng đã từng đánh bại nhiều nước ở châu Âu và Tống triều, Trung Quốc; là vị vua yêu nước, anh hùng, rất “thân dân”, đã thực hiện thành công đại đoàn kết dân tộc (triều đình và nhân dân), mở Hội nghị dân chủ Bình Than và Diên Hồng, chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”, viết nên trang sử lẫy lừng của dân tộc, và cả thế giới đương thời. Người còn là nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam, là một nhân cách lớn của dân tộc.
Xuất gia, là tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử, và là sơ tổ dòng thiền Trúc Lâm, chủ trương thống nhất các thiền phái Phật Giáo tại Việt Nam (Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) mang nét đặc thù Việt Nam, tích cực dấn thân vào xã hội xây dựng hưng vượng xứ sở bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo.
Người thường giảng dạy kinh, luận và đạo Thiền cho các Tăng sĩ, truyền bá Thập thiện giới cho quần chúng, khuyên dân từ bỏ các dị đoan, hủ tục, đề cao đạo đức Phật giáo.
Một lần Người vân du qua Champa thiết lập bang giao hữu nghị với vua Chiêm là Chế Mân, hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vua Chiêm đã dâng cho Việt Nam hai châu Ô và Rý (Thuận và Hóa) làm sính lễ.
Trần Nhân Tông đã biểu hiện rõ Người là một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo giỏi, một nhà tôn giáo tài ba, và là một thiền sư lỗi lạc.
Sở đắc giải thoát của Trần Nhân Tông
Rất khó có thể biết được sở đắc giải thoát của một người qua sự khảo sát bên ngoài, nhất là người ấy lại là Điều Ngự Giác Hoàng Nhân Tông. Càng khó hơn khi người biên khảo chưa từng trải nghiệm giải thoát (tâm và tuệ giải thoát). Điều duy nhất người biên khảo có thể đề cập là theo dấu các sự kiện biểu hiện thái độ sống, cung cách hành xử, và thi ca, kệ tán của Người để hình dung ra dòng vận hành tâm thức của Điều Ngự:
a) Là một thanh niên thông rõ nội và ngoại điển, hiếu học, hiếu từ, nhân ái, từng trốn khỏi hoàng cung xuất gia tầm đạo, xem ngôi báu như đôi dép cỏ, hẳn là đã có một nhân tố giải thoát hiện diện trong tâm thức người từ thơ ấu: nhân tố ấy đã giục Người vào nơi vắng vẻ, xa xôi của núi Yên Tử, đã giục tâm thức người vươn dậy hướng về ánh sáng núi rừng, rời xa vùng ngã tướng, ngã niệm, cấu uế, thị phi phiền não.
Đây là sự choàng tỉnh của tâm thanh tịnh thuộc Dục giới và Sắc giới – còn gọi là tịnh quang tâm của cõi Dục và cõi Sắc – cái tâm thức mở cửa đi vào thiền định, vào “tâm giải thoát”.
b) Năm 20 tuổi đăng quang, đã liền đi vào hai cuộc chiến chống ngoại xâm Nguyên Mông đầy ác liệt và gian khổ: đây là dịp để Người thể nghiệm sâu sắc cái vị đắng của sinh tử, vô thường, mộng mị của nhân tình thế thái, từ đó hào tâm trỗi dậy, tâm khoan dung trỗi dậy, và tâm từ bỏ danh sắc, lợi lộc trần thế trỗi dậy giục Người quyết định hướng sống xả ly của tự thân và xây dựng kỷ cương, đạo đức cho xã hội, như là sự kiện đại đế A-Dục (Asoka) thức tỉnh giữa trận chiến đẫm máu Kalinga, xứ Ấn vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch kỷ nguyên, từ bỏ đao, kiếm dùng đạo đức Phật giáo để nhiếp dân.
c) Người được thân cận học hỏi giáo lý trí tuệ từ bậc thạc đức vô nhị thượng nhân Tuệ Trung Thượng Sĩ là nhân duyên lớn giúp Điều Ngự cắm rễ tâm thức vào sâu lòng đất giải thoát: Thượng Sĩ như là một bệ phóng an toàn đẩy phi thuyền Điều Ngự đi vào vùng trời giải thoát bao la, một thể cách giải thoát thực hiện trong đời sống chính trị, xã hội rất thiết thực, rất nhân bản và rất trí tuệ.
Đây là nhân duyên dẫn đến sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đậm đà sắc thái Việt Nam: “Sống đời vui đạo cứ tùy duyên” – cái tinh thần “tùy duyên nhi bất biến”, hay “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
d) Chùa Hoa Yên ở trên vùng cao của núi Yên Tử. Chỉ cần ở đó Điều Ngự lên xuống núi đôi lần trong một tuần lễ thì đủ duyên để chứng nghiệm cái rã rời , hư ảo của thân tâm (ngũ uẩn) thành tựu công phu hành trì Tứ Niệm Xứ (thiền định Phật giáo), buông xả tự nhiên hết thảy vọng niệm, cấu uế tâm, thanh thản với núi rừng, và sản sinh ra các thi, kệ, tư tưởng cao vời.
Tất cả, ít nhất, bốn duyên nói trên là nhân tố xác định – hay dấu hiệu xác chứng – tất yếu sở đắc giải thoát rất sâu của Điều Ngự mà về sau Người đã ghi lại trong các thi, kệ cảm tác của Người.
e) Sở đắc giải thoát
Các nhân duyên trên là ánh sáng rọi vào thi, kệ của Người hầu có thể bắt gặp cấp độ tâm thức giải thoát mà Người đã trải nghiệm, như là:
– Trong một buổi “đại tham” ở chùa Sùng Nghiêm, Điều Ngự Giác Hoàng đã mở lời với bài kệ: “Thân như hơi thở qua buồng phổi/ Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa/ Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng/ Đâu phải mùa xuân dễ luống qua (Thân như hô hấp tỵ trung khí/ Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân/ Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú/ Bất thị tâm thường không quá xuân).
(VNPGSL, ibid., tr 374)
Bài kệ ghi rõ một kinh nghiệm thiền quán về thân ngũ uẩn của con người: hành giả hành thiền cần thấy rõ nơi thân, tâm mình cái mỏng manh, vô thường, tạm bợ, không thật; những gì ở trên thân và ngoài thân là vô hộ, vô chủ, không thuộc về ta, không phải là ta, không thuộc về ai, không phải là ai.
Từ kinh nghiệm đó, tâm thức tự động rời xa dục vọng, sân hận, vị kỷ, xan tham, đố kỵ… mà giáp mặt với hân hoan, hỷ lạc, khinh an, thanh thản. Được vậy thì không uổng phí thời gian, tiếp tục nỗ lực, tinh cần thể nghiệm. Đây là lời lẽ nhắc nhở và đánh thức Tăng chúng đi vào thực nghiệm lời đức Phật dạy ở kinh Niết Bàn, phẩm Thánh hạnh, rằng: Chư hành vô thường/ Thị sinh diệt pháp/ Sinh diệt diệt dĩ/ Tịch diệt vi lạc.
Hai câu cuối bài kệ trên là chỗ về của người tu sỹ Phật giáo, là nội dung mà Bồ tát Tuyết Sơn (trong bản kinh) sẵn sàng đổi thân mình cho quỷ La Sát ăn thịt để được nghe. Đó cũng là sở đắc, sở chứng mà Điều Ngự Giác Hoàng muốn trao truyền cho các Tăng sỹ Việt Nam, đánh thức họ đi ra khỏi vùng tâm thức của ngã niệm, của các nghi vấn, thắc mắc nêu ra nhiều câu hỏi ách yếu về sự thật của nhân sinh và thế giới: Họ luôn luôn mong chờ các câu trả lời, các lời giải đáp về thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng? Thế nào là gia phong của chư Phật, chư Tổ?…
Điều Ngự luôn nhấn mạnh vào 8 chữ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, nhắc nhở Tăng sỹ hãy quay trở về tự tâm mình để dập tắt các ngã tưởng, vọng tưởng ấy: Khi các ngã tưởng, ngã niệm được dập tắt thì các ngã tướng sinh diệt cũng bị dập tắt – đó là sự dập tắt sinh diệt, trong câu “sinh diệt diệt dĩ – thì tham ái, chấp thủ bị dập tắt theo: đây là thời điểm chứng nghiệm an lạc, giải thoát – điều mà kinh gọi là “Tịch diệt vi lạc” – Điều Ngự cứ mãi dồn Tăng sỹ vào một điểm duy nhất là: vấn đề trọng yếu là chứng nghiệm an lạc, giải thoát, mà không phải nói về, nghĩ về an lạc, không phải là hỏi hay trả lời! Đây cũng là kinh nghiệm tuyệt vời của Tuệ Trung Thượng Sĩ khi Thượng Sĩ bảo: “Đạo bất tại vấn, vấn bất tại đạo”.
Điểm trao truyền kinh nghiệm tâm thức giải thoát này của Điều Ngự Giác Hoàng và của Tuệ Trung Vô nhị Thượng Sĩ đích thị là linh hồn, là sức mạnh tinh thần (hay tâm linh) của Phật giáo đời Trần, của Phật giáo Lý-Trần, đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo Việt Nam và tư tưởng Việt Nam vậy: lúc nào mà sức sống thiền định này chuyển vào tư thế yên nghỉ của tư tưởng và văn học thì Phật Giáo Việt Nam và Việt Nam đi vào suy yếu; ngược lại, khi nào tư tưởng và văn học Lý Trần chuyển hiện vào sự sống thì Phật Giáo Việt Nam và Việt Nam ắt hẳn đi vào hùng cường, hưng vượng.
– Ý nghĩa “sinh diệt diệt dĩ” là ý nghĩa “bất sinh bất diệt”, vốn là sự thật muôn thuở của vạn hữu: tất cả hiện hữu đang tồn tại bất sinh bất diệt trong vận hành của Duyên khởi, mãi mãi tồn tại như thế.
Chỉ có các ngã tướng do các ngã niệm, ngã tưởng ảo vọng của con người dựng nên là sinh diệt. Sự thật này thật sự đã được Điều Ngự Giác Hoàng chứng đắc lúc sinh tiền, và an trú vào sự thật đó cho đến thời điểm trút bỏ hơi thở sau cùng – giờ tý, ngày 21 tháng 10 âm lịch, năm 1308 – khi Người nói lên bài Kệ thị tịch giã từ Tăng chúng rằng: Mọi pháp đều không sinh/ Mọi pháp đều không diệt/ Nếu hiểu rõ như thế/ Thì thấy chư Phật thường hiện diện/ Có đi lại, sinh diệt gì đâu? (!) (Nhất thiết pháp bất sinh/ Nhất thiết pháp bất diệt/ Nhược năng như thị giải/ Chư Phật thường hiện tiền/ Hà khứ lai chi hữu?)
(VNPGSL, ibid, tr.395)
Tư tưởng Phật học, thái độ tự tại của Điều Ngự
Từ sở chứng, sở đắc về Định và Tuệ nói trên, qua từng giai đoạn đời sống, Điều Ngự Giác Hoàng đã biểu hiện mức độ uyên áo khác nhau qua thái độ sống và hành xử đầy khoan dung, nhân ái, dũng cảm, trí tuệ mà an nhiên tự tại:
– Lúc tại vị, Người là vị vua yêu nước, anh hùng, “thân dân”, đầy trách nhiệm và thể hiện tốt đẹp đại đoàn kết dân tộc.
– Lúc làm Thái thượng hoàng cũng vậy.
– Lúc tu hành xuất thế thì tự giác, giác tha, xây dựng một Giáo Hội PGVN có kỷ cương, có hồn, thống nhất tư tưởng và tổ chức các hệ phái. Người quan tâm đến việc giới thiệu một nếp sống đạo đức Phật giáo cho nhân dân, và cả việc giữ yên bờ cõi, thiết lập bang giao hữu nghị với Chiêm Thành.
Đời sống thì tự nhiên, tự tại, dung dị, đạm bạc. Người bảo: Niên thiếu chưa từng hiểu sắc, không/ Xuân đến, hoa sắc vướng tơ lòng/ Nay thì thấy rõ bộ mặt thật của chúa Xuân/ Người an nhiên ngắm đóa hồng nở, rụng (Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không/ Nhất xuân, tâm sự bách hoa trung/ Như kim khám phá Đông Hoàng diện/ Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng)
(VNPGSL, ibid, tr.391)
Đấy là thái độ sống an nhiên của trí tuệ trước cảnh đời biến động, vô thường, hệt như thái độ của Nhiếp Chính Ỷ Lan thể hiện cẩm nang mà Lý Thánh Tông để lại từ kinh nghiệm sống giá trị rút ra từ Phật giáo: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”.
Trong Cư trần lạc đạo phú, Điều Ngự xác nhận: “… Tranh công danh, lồng nhân ngã, thật ấy phàm ngu/ Xây đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí…” và “Sống đời vui đạo cứ tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt nghỉ liền/ Trong nhà có báu, đừng chạy kiếm/ Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?
(vô tâm đối cảnh = trước các sắc trần… tâm không khởi lên lòng tham, lòng sân, lòng si, không ưu bi, sợ hãi) -không dính mắc.
Đây cũng là hệ quả tất nhiên của sự thực hành Định, Tuệ Phật Giáo – nói đủ là Giới, Định, Tuệ.
Tại đây, chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu rằng: tư tưởng, triết lý thời Lý, Trần (ở Việt Nam) là tư tưởng, triết lý sống, hay sống triết lý, mà không phải là triết lý thuần túy huyền đàm.
Chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe “triết lý sống-sống triết lý” ấy của Điều Ngự khi Điều Ngự nói đến các vấn đề triết lý ách yếu xưa nay của Đông, Tây: Có có không không/ Giây khô cây ngã/ Thầy tu áo vá/ Nhức não, đau đầu (Hữu cú, vô cú/ Đằng khô, thụ đảo/ Kỷ cá nạp tăng/ Chàng đầu hạp não)
Có có không không/ Chẳng có chẳng không/ Ghi dấu mạn thuyền/ Sau nầy tìm kiếm (thanh kiếm)/ Theo bức tranh vẽ/ Đi tìm ngựa đẹp (Hữu cú, vô cú/ Phi hữu, phi vô/ Khắc chu cầu kiếm/ Sách ký án đồ)
Có có không không/ Từ xưa đến nay/ Chấp vào ngón tay/ Quên mất mặt trăng/ Chết đuối trên cạn (đất bằng) (Hữu cú vô cú/ Tự cổ tự kim/ Chấp chỉ vong nguyệt/ Bình địa lục trầm)
Có có không không/ Như thế, như thế/ Tám chữ mở xong/ Không còn gì quan trọng (Hữu cú vô cú/ Như thị, như thị/ Bát tự đả khai/ Toàn vô ba tỵ)
(ba tỵ là cái mũi lớn, ý nói vấn đề nổi bật, quan trọng; Tám chữ: Sinh diệt diệt dĩ. Tịch diệt vi lạc (phẩm Thánh Hạnh, Kinh Niết Bàn))
(VNPGSL, ibid., tr.382-385)
Các nhà tư tưởng xưa nay đều đi vào các tri kiến chủ trương thường hằng, đoạn diệt, vừa thường hằng vừa đoạn diệt, hoặc phi thường phi đoạn…
Các tri kiến ấy đều rơi vào ngã tưởng, ngã niệm cả khi nói đến chân như, tuyệt đối. Đó là hiện tượng ngỡ ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng, hệt như tưởng rằng nói về thực tại, sự diễn đạt thực tại là thực tại.
Vấn đề là đi vào thực tại để thể nghiệm thực tại mà không phải là nói về hay nghĩ về. Nói khác đi, thực tại thì khác với triết lý, hoặc thực tại là triết lý siêu đẳng. Con đường sống của Điều Ngự Giác Hoàng quả là con đường triết lý siêu đẳng: con đường trở về chính mình để thể nghiệm ở tâm thức mình sự thật và hạnh phúc. Điều Ngự viết:
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Cư trần lạc đạo phú)
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương/ Di-đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc (Cư trần lạc đạo phú)
Đó là sự trở về với “dừng tham ái”,”lắng thị phi” và để tâm an nhàn, tịnh lạc: Mình ngồi thành thị/ Nết dùng sơn lâm/ Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính/ Nửa ngày rỗi, tự tại thân tâm/ Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu, ngọc qúy/ Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt, oanh ngâm. (Cư trần lạc đạo phú)
Đó là sự trở về an trú vào giác tỉnh Tính Không (Chân không: Sunyatà), chứng ngộ thực tướng để không còn vướng bận, vướng mắc vào các quan điểm bộ phái Tiểu, Đại, Nam, Bắc, và không còn ngại tránh các thanh sắc trần thế, để “sống đời vui đạo”, tùy duyên mà xử sự: Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc/ Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây, Đông/ Chứng thực tướng, ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc. (Cư trần lạc đạo phú).
Với sự trở về ấy thì mọi sự khác biệt về giai cấp, chủng tộc, màu da, quan điểm hay phái tính đều có đất thực tại nhân bản để gặp gỡ. Đấy là cái nhìn và thái độ sống rất trí tuệ Phật giáo nhằm giúp tự thân tự tại đi ra khỏi các vướng mắc, và giúp xã hội thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, giáo hội thống nhất được các bộ phái làm sống dậy mạnh mẽ tiềm năng của dân tộc.
Nếu muốn nói thái độ sống đó của Điều Ngự là rất hiền triết, rất triết lý, rất tư tưởng, thì cần hiểu đó là triết lý rất riêng của Việt Nam gọi là Siêu vượt triết lý (Transcendental Philosophy) hay triết lý Nhân bản thực tại luận (Humanist Realism) vừa giải quyết Vấn đề giải thoát của nhân sinh, vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội.
Thế là, vào thế kỷ XIII (có thể nói từ thế kỷ XI) Việt Nam đã hình thành một hệ nhân sinh quan và vũ trụ quan rất riêng, mang đậm dấu ấn của trí tuệ và đạo đức Phật giáo của đức Phật Gotama.
Từ đầu thế kỷ XXI này, trước các khủng hoảng của các tư tưởng hệ, bao gồm tư tưởng khoa học, khủng khoảng môi sinh và đạo đức xã hội, triết lý nhân bản thực tại luận của Điều Ngự Giác Hoàng càng nổi bật nét đặc thù rất đáng được thời đại tham cứu. Điều Ngự và Trúc Lâm Yên Tử như đang tỏa sáng hơn bao giờ!