Điều mà khách thập phương, các phật tử thấy thoải mái nhất là đường từ bến xe lên Chùa Đồng năm nay rộng rãi và sạch sẽ hơn, trên đường có nhiều thùng rác để khách vứt bỏ rác thải bảo đảm môi trường sạch sẽ.
Từ chùa Giải Oan lên An Kỳ Sinh, hệ thống đèn chiếu sáng “thức” suốt đêm, nhìn từ dưới chân núi lên đỉnh núi vào ban đêm trông thật đẹp, tựa như rồng uốn mình lấp lánh những vẩy vàng, vẩy bạc lẫn giữa núi rừng xanh biếc của Yên Tử, giúp cho phật tử bốn phương thong thả bước đi, thả mình trong đêm yên tĩnh.
Chúng tôi nhận thấy, hệ thống cáp treo cũng được Ban tổ chức lễ hội thay mới, ngay bến xe Hoa Yên, những bộ bàn nghế gỗ thông còn thơm mùi nhựa được dành cho khách ngồi chờ.
Điều mà nhiều người thấy, hầu như không có người bán hàng dọc đường và hiện tượng chèo kéo khách như ở nhiều nơi khác.
Năm nay, dọc đường lên núi không còn người bán măng trúc vì Ban tổ chức đã làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng trong mùa lễ hội.
Tuy nhiên, nhiều người dân về với đất Phật vẫn còn thiếu ý thức, vứt rác và các đồ ăn uống dọc đường. Họ không hề quan tâm đến những thùng rác ven đường do Ban tổ chức lễ hội đặt sẵn hoặc các băng-rôn nhắc nhở được treo trên đường đi mà cứ hồn nhiên, vô tư vứt xuống lối đi vào rừng.
Trong số những người đó, đối tượng trẻ vẫn chiếm số đông, nhất là khi họ đi từng tốp lẻ.
Mong sao du khách khi về với đất Phật hãy về với tấm lòng thành kính, hãy có trách nhiệm gìn giữ non thiêng Yên Tử, để đất Phật luôn được trong lành như vốn có.
Ban tổ chức cũng nên tăng cường nhắc nhở trên hệ thống phát thanh, nhất là tuyên truyền, thông tin với du khách đi theo tour du lịch, các tổ chức tập thể.
Đầu Xuân, hãy một lần về nơi đất Phật để cầu bình an, sức khỏe và cũng “kiểm nghiệm” chữ tâm của mỗi người trong một năm đã qua. Mong sao, non thiêng Yên Tử mãi mãi là chốn linh thiêng và trong lành của người dân đất Việt.