Chùa Việt ở “Liên hiệp quốc Phật giáo”
Nhiều người trong chúng ta đã biết thầy Huyền Diệu có công tạo nên hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc tự ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ) và ở Lâm Tì Ni (Lumbini, Nepal). Câu chuyện những năm dài gian khổ để góp phần cùng phật tử khắp thế giới và hai nước Ấn Độ – Nepal tạo dựng nên một “Liên hiệp quốc Phật giáo” ở Bồ đề Đạo tràng và Lâm Tì Ni như ngày nay của thầy Huyền Diệu thì chắc nhiều người đã nghe, nhưng khi đặt chân đến nơi này mới thấy ý nghĩa thiêng liêng của việc làm này.
|
Cách Bồ đề Đạo tràng – nơi Thích Ca giác ngộ thành Phật, khoảng 2 km về hướng tây nam là chùa Việt Nam Phật Quốc tự với bảo tháp 7 tầng uy nghiêm vươn cao giữa một vườn cây um tùm, rộng lớn. Xa xa là những chùa của người Thái Lan, Myanmar, Đài Loan, Tây Tạng… với nhiều nét kiến trúc khác nhau. Đập vào mắt chúng tôi khi bước đến cổng Việt Nam Phật Quốc tự là bản đồ Việt Nam gắn trên cổng chùa, xác định rất rõ ràng đây là chùa của người Việt Nam. Càng vào trong càng thấy như đang ở Việt Nam vậy. Những hàng tre quanh co trồng dọc theo lối đi, những bờ ao đầy rau muống…, những lối đi có những tiểu cảnh với các thắng cảnh của quê nhà. Không ai nghĩ rằng, trước kia nơi đây chỉ là những cánh đồng mông quạnh. Vì vậy, có được như hôm nay (kể cả ngôi chùa ở Lâm Tì Ni) là một quá trình gần 25 năm cực khổ nằm gai nếm mật của các phật tử nói chung và của thầy Huyền Diệu nói riêng.
Hôm chúng tôi ghé Việt Nam Phật Quốc tự thì thầy Huyền Diệu đang ở bên Việt Nam Phật Quốc tự, Lâm Tì Ni, nhưng thầy cũng kịp dặn các ni sư chiêu đãi chúng tôi bằng một nồi chè đậu xanh mát rượi. Một chút ấm áp trong cõi Phật này. Biết chúng tôi sẽ qua biên giới Ấn Độ – Nepal để viếng Lâm Tì Ni (nơi Đức Phật ra đời), qua điện thoại thầy căn dặn đủ điều, chỉ tiếc khi chúng tôi sang Nepal thì thầy đã về Việt Nam theo một lịch trình từ trước. Thầy chỉ gửi gắm: “Nếu các bạn đã đến đất Phật thì nhớ cầu cho Việt Nam mình sẽ hòa bình và thịnh vượng mãi mãi”. Quả là một tấm lòng, dù đã là người tu hành, nhưng cũng đúng thôi với con người của thầy Huyền Diệu, khi mà như thầy nói: “Có đất nước trước, rồi mới có Phật và có Phật thì mới có chùa”. Cũng vì vậy mà tên 2 ngôi chùa do thầy tạo dựng đều có cái tên: Việt Nam Phật Quốc tự.
Ngoài 2 ngôi chùa Việt kể trên thì ở Kushinagar – nơi Đức Phật nhập niết bàn, cũng có một ngôi chùa Việt với tên Linh Sơn Việt Nam. Ngôi chùa này đang trong quá trình hoàn thiện do ni sư Trí Thuận trụ trì và xây dựng, nhưng nó đã biểu hiện sự uy nghiêm cũng như rất gần với người Việt Nam khi hành hương đến đây. Hy vọng rằng, khi người Việt hành hương đến Kushinagar sẽ có thêm một địa điểm dừng chân để cảm thấy ấm áp hơn trên xứ Phật.
“Không xây chùa thì mở trường học”
Ở Bồ đề Đạo tràng có một ni sư người Việt, mà nhắc đến ai cũng nể trọng, đó là ni sư Từ Tâm. 12 năm trước, khi phật tử Trần Thị Cúc (tục danh của ni sư Từ Tâm) hành hương đến Bồ đề Đạo tràng, ngoài một cõi tâm linh thì xung quanh là đồng không mông quạnh, trẻ em thì ăn xin và sống trong nghèo đói, dốt nát, vì vậy cô Cúc cảm thấy mình phải làm gì đó để giúp các em này. Vậy là với 400 USD (do người con gái bên Mỹ biếu), cô đã quyết ở lại vùng đất thiêng, mà như cô nói “hành đạo là giúp người”. “Đầu tiên là thuê người đào 22 cái giếng để cho người dân, nhất là trẻ em, dùng nước sạch hơn nước sông để đỡ ghẻ lở”, ni sư Từ Tâm nhớ lại.
Cũng với 400 USD đó, ni sư Từ Tâm đã từng ngày, từng ngày xây nên một ngôi trường thật khang trang như ngày nay với tên gọi: Trường trung học và hướng nghiệp Tình thương cùng với dòng chữ “Do Phật tử Việt Nam tài trợ”. Hiện đã có gần 700 học sinh từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 10 học tại đây. Ngoài việc miễn phí tiền học, các em gái còn được học thêm may vá. “Bây giờ phật tử khắp nơi vẫn gửi tiền giúp trường thường xuyên”, ni sư Từ Tâm cho biết.
Hôm chúng tôi đến thăm trường, ni sư cho tất cả các em mặc đồng phục thật gọn gàng (nam áo sơ mi trắng, quần đen; nữ thì áo dài có khăn choàng kiểu phụ nữ Ấn), để “chào khách từ Việt Nam sang”, như bà giới thiệu. Nhìn các em sáng ngời trong những chiếc áo mới, không ai nghĩ rằng trước đây các em là những trẻ em lang thang, ăn xin.
|
Chưa bằng lòng với những gì mình đã làm, ni sư Từ Tâm còn mong muốn xây một cây cầu bắc qua sông Niranjana (Ni Liên Thiền), vì theo ni sư cho biết: “Mùa nước lũ trẻ em phải lội ngang sông để đến trường, nguy hiểm lắm”. Có lẽ đó là điều thật khó với một ni sư có thân hình nhỏ bé này, tôi chợt nghĩ. Nhưng biết đâu được, ở đất Phật, bên dòng Ni Liên Thiền linh thiêng, ước mong đó sẽ thành khi mà tấm lòng của ni sư rất gần thuyết của nhà Phật: tích đức thì tùng đức.
Rồi đây bên cạnh những cột đá Asoka có lịch sử hàng ngàn năm – chứng tích của Phật giáo, bên những thánh địa linh thiêng như Bồ đề Đạo tràng, Lâm Tì Ni đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, sẽ có những dấu ấn của người Việt không chỉ ở những ngôi chùa mà còn ở những tấm lòng Bồ tát – những tâm hồn Việt, trên miền đất thiêng liêng này.
Theo Thanh Niên