Trang chủ Tu học Trách nhiệm của vị trụ trì

Trách nhiệm của vị trụ trì

212

Trách nhiệm của vị trụ trì trong việc định hướng tu tập và hoằng hóa trước thời duyên (HT. Thích Giác Toàn)


I.ĐỊNH HƯỚNG TU TẬP TẠI TRÚ XỨ NƠI MÌNH ĐẢM NHẬN

Đối với người tu, việc quan trọng là phải thực hiện cho tốt tôn chỉ, những điều trưởng dưỡng, un đúc tinh thần phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo, phải có tố chất cầu học cầu tu. Vị trụ trì có chức năng chăm sóc cho Tăng (Ni) trong trú xứ mà mình có duyên đảm nhận, giúp Tăng chúng thuận duyên tu học; hướng dẫn tín đồ tu tập đúng Chánh pháp qua biểu hiện của hành động (thân), lời nói (khẩu) và tư duy (ý).

Để cho Tăng (Ni) chúng và cư sĩ Phật tử thực hành đúng Chánh pháp của Đức Phật, đặc biệt là đúng theo đường lối, tôn chỉ của Tổ Thầy thì trước hết vị trụ trì cần phải làm gương, tức là biểu hiện thân giáo trong đời sống theo tinh thần “giới luật Phật chế” và “lục hòa cộng trụ”, ngang qua cách thức sinh hoạt, tu tập của mình để giáo hóa, nhiếp phục nhân sinh.

1.Trang nghiêm phẩm hạnh ngang qua việc nhiếp phục Thân Khẩu Ý

Trong Chơn lý “Tâm” và “Trên mặt nước”, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhấn mạnh tư cách đạo đức, phẩm hạnh trang nghiêm của một vị xuất gia giải thoát thông qua việc trau dồi thân tâm ngay trong đời sống thường nhật. Chính sự trang nghiêm phẩm hạnh thông qua việc thanh lọc, phát triển nội tâm thanh tịnh, và nếp sống thanh bần giản dị, đạo đức hiền lương trong đời sống tu hành chính là món quà vô giá mà chư Tăng (Ni) trao tặng cho cuộc đời, qua đó làm phát khởi tâm lành cho cư gia bá tánh hữu duyên mỗi khi được diện kiến.

“Những bậc tu xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội gia đình, nhân loại nhưng cũng đem thân mạng đền trả cho đời bằng gương nết hạnh, hiền lương; và lời nói, việc làm, ý niệm, đạo lý, đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình, bình yên, trong sạch, sáng láng, nên mới được đứng vững lâu dài, không rối loạn .(Chơn lý “Trên mặt nước”)

“Người tu là kẻ chữa bệnh, bệnh ấy là tâm pháp đạo tà, là thân khẩu ý xấu. Người tu là rèn trau thân khẩu ý tốt, lấy pháp hay thuốc qúy nào đó làm tâm, và thật hành mãi cho đến khi kết quả mạnh lành, chơn như thành Phật. Như thế nghĩa là không ai tu bắt chước ai được, cũng như người kia đau bụng, kẻ nọ đau đầu; mỗi người phải tự biết lấy chứng bịnh của mình, tự tìm lấy món thuốc cho hạp và tự uống lâu ngày, chớ không phải mời thỉnh rủ ren người kia uống thuốc của bệnh mình, hay như bắt chước xin thuốc bệnh kia cho mình uống được. Chúng sanh ai mà không bệnh, bằng được chơn như như Phật, như kẻ không đau thì mới khỏi phải tu tập uống thuốc, hay tâm pháp đạo gì, tức là không có chi hết.

Vậy chúng ta nên nhớ rằng: Tâm là thân khẩu ý, ngoài thân khẩu ý thì không có tâm, thế thì ta hãy bỏ tâm xấu lấy tâm tốt, bỏ dở lấy hay vậy. Và sự tu là tu tâm chớ không có tu riêng thân, hay khẩu, hoặc ý gì cả. Nhưng cũng tùy nơi bệnh nào nhiều là người ta phải lo chữa sửa nó trước, để rồi tất cả đều được trọn lành, là tâm chơn tốt đẹp, nên tức gọi là tu tâm”. (Chơn lý “Tâm”)


2. Thực hiện đúng Tông chỉ của Hệ phái là lấy “Giới – Định – Huệ” làm nền tảng căn bản tu tập

Ngay từ buổi đầu, đức Tổ sư đã xác lập phương châm lập đạo và hành đạo của mình là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, tức là Ngài tu học và kế thừa Chánh pháp của Đức Phật ngang qua con đường thực hành Giới – Định – Huệ. Ngay đây, Tổ sư đã phác thảo con đường từ ngày mỗi người chúng ta mới bắt đầu đi tu, rồi lần lượt trải nghiệm nếp sống của nhà đạo; từ việc chuyển hóa của việc thấy biết, suy nghĩ, lời nói đến hành sự hằng ngày của chúng sanh cho đến ngày an trú Niết bàn… Nhờ tu tập Giới – Định – Huệ thì người tu mới làm chủ được thân khẩu ý, dừng gây tạo nghiệp tội để tiến dần đến sự giác ngộ giải thoát. Điều này đã được Tổ sư nhấn mạnh trong Chơn lý “Y bát chơn truyền”:

Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ. Bởi giữ giới y bát là giải thoát mọi điều trói buộc phiền não ô nhiễm rồi, nên hằng được thong thả rảnh rang ở trong cái thật, cái không xao động, chỉ còn có nhập định và tham thiền, tức là vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng, gọi là tâm nghỉ ngơi và trí làm việc, khỏe làm, mệt nghỉ. Khi trí làm thì năng sanh huệ, lúc tâm nghỉ thì phát thần thông. Cho nên, quả linh và đạo lý tiến triển nhiệm mầu, mà người Khất sĩ thì không có phút nào gọi là lêu lổng…

Vậy thế thì giới luật là y bát, là Khất sĩ. Khất sĩ là định huệ. Nếu Khất sĩ không có tu về định huệ, dầu mà có trì giới không đi nữa cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất sĩ đủ gồm cả Giới Định Huệ. Có giới hạnh mới được làm Khất sĩ, nên trước khi vào đạo cũng phải học giới và tu tập cho thuộc nhuần. Chỉ có giới luật là bằng văn tự, bằng sự học nơi bề ngoài tiếng tăm hình sắc mà thôi. Bởi vậy cho nên, từ xưa đệ tử Phật quá đông, lắm kẻ không hay gặp nghe giảng dạy, chỉ được có điều giữ giới, hành theo tứ y pháp của y bát, sống thanh khiết về ăn mặc ở bịnh, như vậy là được ở trong cảnh thật rồi; lần hồi suy nghiệm tìm hiểu nơi giáo lý của mình, và mãi lo tịnh dưỡng an nhiên, nên lâu ngày cũng đắc đạo, chứng quả A-la-hán như Phật được”.

3. Cố gắng thực hành và duy trì những nét đặc sắc của “Giáo pháp Khất sĩ”

“Những phần đặc sắc của Giáo pháp Khất sĩ” được đức Tổ sư dạy rất rõ trong quyển Chơn lý “Hòa bình”, ở mục “Đoàn Du Tăng Hòa Bình 1” như sau:

3.1. Không chen lộn trong đời về chỗ ở

Một phen xuất gia nhập đạo, Khất sĩ không còn trở lại cảnh đời, không đi vào nhà thế, phải nhập chúng Tăng-già, đi đi mãi, giải thoát chỗ ở, không ở một nơi nhất định. Đạo tràng Giáo hội ấy là cõi Cực Lạc, không còn tiếng khổ, nhờ giới luật bao vây, lập thành cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm. Người người đều cởi bỏ hết phiền não nơi ngoài, vào đó quyết chí cần tu cho đắc quả. Vì vậy, nơi đó đã chọn lọc những bậc hiền nhơn minh triết, sống chung nhau muôn người như một (phép Tăng chẳng lìa đoàn) và nhờ sức oai thần của hiệp chúng mà mỗi người đều tấn hóa rất mau.

3.2. Không bận về vấn đề ăn mặc

Khất sĩ mỗi ngày một bữa ngọ chay, khất thực nuôi sống thân mình; mỗi năm thay một bộ tam y do người thiện tâm bố thí, giải thoát được vấn đề ăn mặc, không cất dành, chẳng chứa để, ngày qua ngày thong thả rảnh rang, tâm không tham chấp, dễ tu nhập định tham thiền.

3.3. Không tiền – buông sở chấp

Khất sĩ không được giữ tiền bạc, vàng, đồ quý giá. Chính tiền bạc đã làm cho con người phân biệt ra kẻ sang người hèn, tôn ti giai cấp. Bởi sự chưng diện xa hoa, tốn xài phung phí, mượn nơi vật chất cung phụng cho sắc thân mình, nổi bật lên trên những sắc thân khác; lấy làm hãnh diện của sự cao sang sung sướng tốt đẹp, giục lòng tham muốn, sanh sự đấu tranh, chiếm đoạt cho lợi lộc thuộc về mình. Đó là nguyên nhân bất bình đẳng ở đời, và do đó tạo sanh biết bao tội lỗi. Giáo pháp Khất sĩ trừ diệt lòng tham, trước nhất là sự ly gia cắt ái, buông bỏ hết sự nghiệp của mình… Ra đi không đem theo mảy bợn vật chất trong người, trọn đời không biết đến tiền bạc, vàng, của quý, để được nhẹ mình trong sạch bay cao.

3.4. Bình đẳng vô trị – vô ngã vị tha

Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng Khất sĩ như nhau. Cõi không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy mà tất cả được yên (…). Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết-bàn hiện tại hơn là cảnh nhơn loại (…).

Sự ích lợi quý báu nhứt của đoàn Du Tăng sẽ là gương mẫu hiệp hòa, sống chung làm một, bình đẳng không tranh, dính liền tất cả bằng sự đoạn tham dứt ác. Hột giống ấy quyết sẽ phải kết quả Phật Niết-bàn, giải thoát sự khổ chết cho sanh loại vậy.

Tóm lại, các sự tu học giúp ích cho người, cho mình, việc chi thiện lành trong sạch, đều có thể làm được trong khi gặp gỡ. Ấy tức là thật hiện lẽ sống chung tu học, quán xét hạnh phúc của chung, mà xin học lẫn nhau, y theo chơn lý Võ trụ và đạo Phật (phận sự của Tăng-già Khất sĩ xuất gia giải thoát đạo Niết-bàn). Đó là sự thật hành pháp giải thoát lý trung đạo theo kinh, luật, luận; Pháp bảo Tam tàng của từ xưa chư Phật dạy là: “Nên phải tập sống chung tu học”.

Với sứ mạng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, vị trụ trì cần phải xây dựng cho mình một đời sống chuẩn mực đạo đức, khéo giao tiếp ứng xử, trang nghiêm phẩm hạnh trong chốn thiền môn. Có như thế, vị trụ trì mới nhiếp phục, cảm hóa được Tăng (Ni) chúng và Phật tử. Từ sự cảm hóa đó, hội chúng sẽ đoàn kết, hết lòng ủng hộ giúp vị trụ trì gánh vác, đương đầu những khó khăn để hoàn thành các Phật sự tại trú xứ của mình.


II. SỨ MẠNG “HOẰNG PHÁP LỢI SINH” CỦA VỊ TRỤ TRÌ TRƯỚC THỜI DUYÊN

Vị trụ trì cần phải tự tích lũy tâm đức, tự ý thức trách nhiệm, sứ mạng thiêng liêng của một người xuất gia đó là làm thầy Tỳ-kheo – “Sứ giả của Như Lai” làm Phật sự hoằng dương Chánh pháp, đưa Đạo vào Đời.

1.Hoằng pháp ngày nay: Hạnh nguyện khất thực hóa duyên được thay thế bằng tinh thần “thiểu dục tri túc”

Hạnh khất thực là phương tiện của chư Phật để giáo hóa chúng sanh. Ngày xưa, Đức Thế Tôn và đệ tử Ngài cũng thực hành hạnh ấy. Thiết nghĩ, nếu duy trì “hạnh khất thực hóa duyên” này thì đó cũng chính là phương pháp thiết thực đưa đạo vào đời vừa gần gũi, bình dị, thân quen; vừa tự độ và độ tha.

Người khất sĩ như kẻ sưu công, người ra công đi giác ngộ, cảm hóa dạy khuyên người, là mỗi buổi sáng đi khất thực, và người như là kẻ sưu công hưu trí, vì đã làm xong phận việc gia đình, xã hội rồi, mới được đi tu giải thoát như ngày hôm nay.

Lòng từ bi, bắt buộc người khất sĩ nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh làm nghề nghiệp, không ai xúi bảo rủ ren, cũng không đợi người xin hỏi. Vừa đi xin ăn tạm để nuôi thân sống qua ngày, mà lo việc muôn năm khắp cùng thiên hạ, lo cải sửa phong hóa lễ nghi, đức tánh, gương hiền đem sự trong sạch, yên lặng, sáng suốt cho đời, cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, chỉ đạo cho người tu, dìu dắt lớp trên, ông già, cao trên xã hội. (Chơn lý “Trên mặt nước”)

2. Hoằng pháp qua con đường giáo dục (giảng dạy)

Mỗi vị Tăng (Ni) trụ trì cần phải đảm nhận vai trò thiêng liêng là một sứ giả của Như Lai. Tại nơi đạo tràng tịnh xá, trong những buổi ngọ trai, hoặc ngày cúng hội một tháng 4 kỳ (mùng 8, 15, 23, 30) tùy theo hoàn cảnh thực tế và điều kiện cho phép có thể thuyết giảng đôi điều kinh pháp nhằm mục đích giúp cho cư gia bá tánh hữu duyên nhận thức rõ con đường đạo đức, chuyển hóa các pháp bất thiện, hướng dẫn họ tu tập đúng với chánh pháp của chư Phật, góp phần kiến tạo cõi Tịnh độ ngay tại nhân gian này. Đó tức là hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm hoằng pháp của vị trụ trì đối với nhân sanh.

Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhứt là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời. Còn người vì sắc tài danh lợi mà chết khổ thì Khất sĩ hiền nhân mới thật là tôn quý hơn vua quan, hơn cha mẹ mà là như Phật trời, là kẻ đùm che cho muôn loài núp bóng, tránh đỡ cơn nạn khổ, bão tố nắng mưa… Khất sĩ giải thoát tu học cho mình, độ dắt cho người là giáo lý sống chung không tư kỷ, không riêng một chủng loại nào, chẳng bỏ ai ai… (Chơn lý “Khất sĩ”)

“Lại nữa, Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại, là người đạo đức hiền lương, nết hạnh, qúy giá cho đời biết mấy, gương đức hạnh, dạy đạo lý, chẳng kể công đòi lương, mà cơm dư ai hảo tâm đem cho thì ăn, chớ không ép buộc rầy rà. Khất sĩ hy sinh chịu sống cực thân, để lo tô đắp nền đạo cho thế gian, trang sức hạnh phúc cho cõi đời”. (Chơn lý “Y bát chơn truyền”)

3. Hoằng pháp qua việc tổ chức các khóa tu

Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Do vậy, sự hiện hữu của ngôi già lam tự viện hiển nhiên đã in đậm trong tâm thức, trở thành mạch sống của dân tộc, được thể hiện qua câu thơ: 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Tại ngôi đạo tràng tịnh xá, vị trụ trì cần nên tổ chức các khóa tu định kỳ (ít nhất một tháng 1 lần) để hướng dẫn các Phật tử trau dồi trí tuệ, đạo đức, thực tập thiền định, và trải nghiệm đời sống tâm linh nhằm chuyển hóa khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại để được an lạc, hạnh phúc. Đó là hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo. Điều này được Tổ sư nêu bật trong Chơn lý “Trên mặt nước”: Người tu hy sinh, bỏ xã hội là để lo cho thế giới, và cũng không bao giờ trở lại xã hội, gia đình. Mục đích của khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui thì xã hội mới được yên vui; xã hội yên vui là gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui, tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sanh đều tu hết vậy.

Song song đó, vị trụ trì cần nên thiết lập chương trình, nội dung tu học sao cho phù hợp với chủ đề của khóa tu; hình thức sinh hoạt, độ tuổi tham gia phải phù hợp với tiêu chí khóa tu, cũng như phải biết cách duy trì khóa tu một cách bài bản và khoa học… Tùy theo mức độ tu tập, hành trìvà khả năng của vị trụ trì,cộng thêm nhu cầu tu học củaPhật tử mà từ đó có thể thiết lập các chương trình như sau:

– Giảng dạy tại các trú xứ, già lam, tự viện, tịnh xá…

– Mở những khóa tu cho các Phật tử thanh thiếu niên.

– Mở khóa tu gieo duyên.

– Mở những khóa tu định kỳ như Bát quan trai, Niệm Phật, Tu thiền, Một ngày An lạc…

– Đáp ứng nhu cầu thỉnhgiảng tại các nơi khác.

– Tổ chức các buổi pháp thoại công cộng…

Làm được điều này, chúng tôi thiết nghĩ ảnh hưởng Phật pháp sâu rộng trong quần chúng ở tương lai gần sẽ không phải là chuyện ngoài mong đợi.

4. Hoằng pháp bằng con đường văn hóa và ứng dụng công nghệ

Vị trụ trì ngoài khả năng am hiểu nội điển cần phải có những kiến thức cơ bản về lịch sử, và đặc tính văn hóa từng vùng miền; nỗ lực trau dồi những kỹ năng như viết lách, sáng tác thơ văn, nghiên cứu dịch thuật các mảng văn học, lịch sử, triết học, văn hóa… Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học công nghệ. Hoạt động báo chí, truyền thông và xuất bản là lĩnh vực rất cần thiết cho xã hội, đặc biệt là trong hoằng pháp và giáo dục. Những hoạt động này rất hữu ích và phù hợp, đáp ứng với mục tiêu hoằng pháp thời hiện đại. Do vậy, vị trụ trì cần ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại vào chương trình hoằng pháp của mình thông qua việc đưa các bài viết, các buổi thuyết giảng đăng tải trên các trang website, facebook, youtube,… hầu đáp ứng nhu cầu tu học ngày một rộng của nhiều tầng lớp người trongxã hội.


III. KẾT LUẬN

Khác với Tăng chúng, vị trụ trì là người có phúc duyên tích tụ nhiều đời, được Thầy Tổ giao việc, ý thức điều đó, để làm tốt trách nhiệm và sứ mạng của mình thì vị trụ trì đem tinh thần vô ngã của Đức Phật dạy mà ứng xử, đồng thời tự điều nhiếp tâm tánh mình an trú vào Tứ đức Niết-bàn, từ đó tâm mình được yên. Khi tâm yên thì trí sẽ sáng, việc dễ thành tựu, an vui.

Không nên xem trụ trì là chức vụ quyền hành, mà đó là trách nhiệm phải gánh vác để lập công bồi đức, “vui gánh những gánh nặng đang gánh”. Vị trụ trì cũng cần phải tăng trưởng sự tu học, biết lắng nghe và chọn lọc ý kiến để có giải pháp cho việc bảo quản, chăm sóc sự tướng – cảnh quan của ngôi chùa, ngôi tịnh xá trong ý nghĩa kế thừa “tục diệm truyền đăng”. Vị trụ trì cũng phải biết thương Tăng, Ni trong trú xứ cũng như Phật tử, tín đồ hữu duyên, biết cách nâng đỡ để cùng thăng tiến trong tu tập và giáo dưỡng trong Chánh pháp.

Vị trụ trì đương nhiên là người cần nắm rõ Hiến chương, các Nội quy về Tăng sự cũng như các ban ngành khác của Giáo hội; hiểu và nắm vững pháp luật, Pháp lệnh Tín ngưỡng – tôn giáo do Nhà nước ban hành bên cạnh nắm vững nếp sinh hoạt của đạo, đó là những yếu tố chính giúp vị trụ trì làm tốt công việc thiêng liêng mà mình được giao phó.

Vị trụ trì cần chuyên tâm tầm cầu học tập kinh điển và hành trì giáo pháp để hoàn thiện phẩm chất của một vị xuất gia giải thoát. Nếu không làm được như thế thì quả thật là một thiết sót lớn và xem như nhiệm vụ, sứ mạng của vị trụ trì khó mà hoàn thành. Điều này, Tổ sư đã giáo huấn rằng: “Người Khất sĩ phải là có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ… Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch, do nhờ đời trước có tu hiền. Phải là người có tu tập bố thí phước lành không bỏn xẻn; phải là người có nhơn đức biết thương yêu cứu giúp chúng sanh, không tham sân si tật đố ích kỷ tự cao…”. (Chơn lý “Y bát chơn truyền”)