Có lẽ, với những người nghệ sỹ, sống gửi thác về, ngôi chùa là nơi lưu giữ những ký ức, kỷ niệm. Mọi chia xa đều chỉ là tạm thời. Vinh hoa bỏ lại, phấn son và những số phận con người cũng bỏ lại, nơi này như trạm đến của thiên đường…
Suốt nửa thế kỷ, khu đất gần 6000m2 là nơi an nghỉ của hơn 400 nghệ sỹ cải lương. Và có lẽ, đây là ngôi chùa – nghĩa trang duy nhất trên thế giới, dành cho những người nghệ sỹ. Và, lùi xa thời gian, nhìn từ năm 1958, khi cố NSND Phùng Há xin một ngày thu nhập của trường đua Phú Thọ để tìm mua miếng đất ở Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) làm nơi an nghỉ cho những nghệ sỹ cải lương khi qua đời, thì ngôi chùa vẫn chỉ là một ý nghĩ.
Khi ấy, mảnh đất này còn quá xa trung tâm và nó gần như chỉ dành cho những ai hẩm hiu, kém may mắn. Nhưng lâu dần, nó đã trở thành nơi quy tụ những linh hồn của các nghệ sỹ cải lương nhiều thế hệ. Và, ngôi chùa trở thành một địa chỉ văn hóa đặc biệt của TP Hồ Chí Minh, thu hút khách thập phương. Nghĩa cử của những người nghệ sỹ luôn là điều ấm áp nhất mà người ta có thể cảm nhận được nơi ngôi chùa nhỏ này.
Nhiều nghệ sỹ kể lại, mảnh đất để không gần 10 năm vì không có tiền dựng chùa. Đến năm 1969, bầu Năm Công xin NSND Phùng Há cho dựng một am nhỏ để thiền tự. Rồi sau nhiều biến cô, ông bầu Xuân, người gắn với NSND Phùng Há, ông chủ hãng giấy Kiss Me, đã mua lại với giá gần 100 cây vàng. Bầu Xuân vì yêu cải lương mà lập gánh hát rồi đi theo nghề hát mấy chục năm.
Đến lúc này, khi NSND Phùng Há ra đi, ông vẫn tiếp tục gắn bó với ngôi chùa, coi sóc từng mộ phần của nghệ sỹ. Lúc nào cũng thoảng hương trầm trên những ngôi mộ nhỏ. Và cỏ hoa vẫn nở cạnh những gương mặt nghệ sỹ, được chụp từ những khoảnh khắc lộng lẫy nhất. Bầu Xuân, ông già tuổi ngoài 80 nhưng vẫn minh mẫn, kể lại từng câu chuyện liên quan đến từng phận người.
Lắm khi là sự ngậm ngùi cho những kết thúc buồn của đời nghệ sỹ. Lừng lẫy đó, đèn rực rỡ, phấn áo rạng ngời, biết bao người tụng ca, nhưng cô đơn quạnh quẽ lúc về chiều. Và ngôi chùa, là cánh cửa từ bi, đón những đứa con hẩm phận của kịch nghệ vào lòng, như sự chở che, cứu vớt. Nghĩa cử ấm áp ấy đôi khi lại là điều dễ quên trong cuộc sống quá vội bây giờ…
“Khép bức màn nhung, danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Người vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” – mấy câu thơ gắn trên tường của chùa nghệ sỹ. Khi tìm tới chốn này cũng là khi người nghệ sỹ để lại cả phù hoa lẫn mỏi mệt ở ngoài. Gắn với chùa nghệ sỹ suốt từ ngày đầu tiên, NSND Phùng Há như một người lo tìm chốn về cho những người nghệ sỹ sau chặng dài ca diễn. Bà cũng sống lặng lẽ trong tiếng mõ chùa và kinh kệ suốt vài chục năm cuối đời tại chốn này. Bà đi qua môt tuổi thơ nhiều bão giông, phải vật lộn qua cái nghèo, cô Bảy Phùng Há khi còn là cô đào sắc nước hương trời, tài danh lừng lẫy, là người tiên phong đi đòi quyền lợi cho các nghệ sỹ cải lương.
Cổng chùa nghệ sĩ (ảnh: VTC) |
Cũng chính bà là người sáng lập hội nghệ sỹ ái hữu tương tế Việt Nam cùng với soạn giả Trần Hữu Trang, soạn giả Mai Quân và nghệ sỹ Năm Châu, nhằm tương trợ cho những nghệ sỹ nghèo trong những tao đoạn gian khó. Đời nghệ sỹ cải lương như một điệp khúc, vinh quang gắn liền với cay đắng. Lúc hào quang chất ngất, nhưng khi qua thời hoàng kim, có người rơi vào cảnh cùng quẫn, giựt nợ, nằm chết bên vệ đường, dưới gầm cầu, trong công viên, có khi không có nổi một manh chiếu rách.
Cuộc sống của họ phụ thuộc vào những rủi may và tình thương của khán giả. NSND Phùng Há đi ra từ cuộc sống ấy, nhìn rõ từ bên trong cuộc sống ấy, nên bà đã dành nhiều tâm sự cho việc kiến thiết một nơi thờ tự và làm nơi an nghỉ cho những con người sống theo bản năng và coi chuyện tiền tài như phấn thổ. Hơn 100 ngày sau khi bà mất, nhiều khán giả và các nghệ sỹ vẫn đến mộ phần của bà để thắp lên những nén nhang lòng, chia sẻ nỗi tiếc nhớ về một tài năng và một tâm huyết với người và nghề cải lương. Bên cạnh ngôi mộ của người đàn bà lừng lẫy môt thời vẫn còn một câu như mệnh lệnh của lòng người: “Tiền tài như phấn thổ, đạo đức tợ thiên kim”.
Rất nhiều nghệ sỹ cải lương đã chọn chùa nghệ sỹ là nơi sống những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Và cũng từ tâm những người nghệ sỹ đang quản lý và xây dựng chùa, đã đưa những linh hồn nghệ sỹ kém may mắn về nơi này, như một nơi ấm áp sau một đời đàn hát. Như nghệ sỹ Năm Đồ, người đóng vai Điêu Thuyền lừng lẫy một thời, làm bao nhiêu nam tử say đắm, giới mộ điệu cải lương từng truyền tiếng như một tuyệt sắc, khi được người hàng phố phát hiện nằm co ro trên lề đường với một manh chiếu rách, đã được ông bầu Xuân đưa về chùa chăm sóc.
Nếu không có ông bầu Xuân, có thể người nghệ sỹ tài hoa ấy đã bỏ xác ở môt góc đường hiu quạnh nào đó. Giờ nghệ sỹ Năm Đồ nằm cạnh những người bạn nghề như Tư Rọm, Hà Triều, Hoa Phượng, Kim Thoa, Hà Duy…Hay như nghệ sỹ Bảy Cao, thần đồng vọng cổ tuổi lên 7, người gắn cải lương với điện ảnh, là soạn giả nổi tiếng trong giới cải lương, nhưng rồi cũng chết trong cô quạnh, không có nổi cho mình một chiếc áo quan.
Khuôn viên chùa (ảnh: VTC) |
Sanh phần của nghệ sĩ Phùng Thị Há (ảnh: VTC) |
Cũng chính ngôi chùa là nơi giữ ông lại, để ông được trọn vẹn một kiếp người trong hương hoa mỗi ngày…Nghệ sỹ Đức Lợi, người đóng vai Mã Văn Tài trong tuồng “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” lừng lẫy, người ghi dấu với vai Nguyễn Huệ trong “Mặt trời đêm thế kỷ” từng đoạt huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 cũng tìm đến chùa nghệ sỹ những ngày cuối đời, như môt cách tu thiền, để tìm được bình yên sau những cơn bạo bệnh.
Có hai nghệ sỹ sân khấu kịch nói cũng nằm trong không gian này là Lê Công Tuấn Anh và Lê Vũ Cầu. Họ là hai nghệ sỹ có nhiều việc làm thiện nguyện, cùng các nghệ sỹ trong việc tu bổ và xây dựng các hạng mục trong chùa nghệ sỹ. Lê Công Tuấn Anh rời xa dương thế ở độ tuổi đẹp nhất của người đàn ông, để lại nhiều niềm thương nhớ. Ngôi chùa đón anh, đứa trẻ kém may mắn, và tài hoa bạc mệnh. Ngôi mộ của anh luôn ấm mùi hương trầm. Ở đó, anh không bao giờ cô đơn.
Ngôi mộ của nghệ sỹ Lê Vũ Cầu được xây cất sau, nên có phần khang trang hơn những mộ phần cũ. Mộ Lê Vũ Cầu do chính những nghệ sỹ bạn bè thân thiết xây cất, như một sự sẻ chia đến tận cùng số phận của người đàn ông tài hoa nhưng kém may mắn. Khi chúng tôi đến thăm anh, cũng là lúc bạn bè chuẩn bị ngày giỗ đầu của Lê Vũ Cầu. Trên di ảnh anh, đôi mắt buồn lắm, nhưng nụ cười vẫn còn thoảng nhẹ trên khóe môi…
Không lộng lẫy và không lạnh lẽo, Nhựt Quang Tự mang cảm giác ấm áp của lòng người. Bởi vậy, rất nhiều nghệ sỹ tỏ ra bàng hoàng khi nghe tin có thể phải dời những ngôi mộ phía sau chùa. Bởi với họ đó là những ký ức, những kỷ niệm, những chia sẻ và cả gắn bó mật thiết âm dương, của người đã mất và người còn sống. Nghiệp cầm ca buồn chỉ còn lại chút của riêng như một quà tặng. Nếu phải di dời là bị mất một vùng quý giá trong trái tim. Những người nghệ sỹ nhạy cảm đã đi tìm tiếng nói chung.
Bài vị và ảnh nghệ sĩ thờ trong chùa (ảnh: TTVH) |
Nghĩa trang sau chùa là nơi các nghệ sĩ… "trở về" (ảnh: VTC) |
Và thông tin chính thức là nghĩa trang nghệ sỹ sẽ không bị giải tỏa. Những người chăm sóc ngôi chùa và mộ phần các nghệ sỹ nói, hiện đã có kế hoạch xây thêm một nghĩa trang tại Hóc Môn vì diện tích đất tại chùa nghệ sỹ đã gần cạn. Và, những câu chuyện về người cõi âm, cõi dương trong sự sẻ chia vẫn bất tận. Nơi này, như có ánh mắt nhìn của nghệ sỹ Thanh Nga, có nụ cười của diễn viên Lê Công Tuấn Anh, có những bài ca bất hủ của nghệ sỹ Út Trà Ôn hay những vai tuồng khí phách của nghệ sỹ Minh Phụng.
Sự linh thiêng của linh hồn những người nghệ sỹ tài danh khi về thế giới bên kia, có thể chỉ là sự linh cảm và quá yêu mến của những người còn sống. Nhưng nơi này là nơi để người nghệ sỹ về lại với chính mình, sau khi bỏ lại hào quang và son phấn. Họ đã ở lại. Mộc mạc. Mãi mãi