Trang chủ Tu học Pháp thoại TP HCM: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Hòa...

TP HCM: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Hòa Khánh

472

Vừa qua, sáng ngày 05/04/2023 (nhằm ngày 15/02 nhuận/Quý Mão), nhân Khóa tu Bát Quan Trai tại chùa Hoà Khánh (215, Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP. HCM), được  sự chỉ dạy của HT Thích Tấn Đạt – Uỷ viên Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Viện chủ chùa Hoà Khánh, TT Thích Quảng Pháp – Phó Ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN, Uỷ viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Trụ trì chùa Hoà Khánh đã thỉnh cầu TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ chùa Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) ban bố những lời Pháp nhũ, nhằm sách tấn cho đạo tràng Phật tử trên tinh thần tứ chúng đồng tu, hộ trì Tam Bảo.

Đáp lại lời thỉnh cầu của TT Thích Quảng Pháp, TT TS Thích Chân Quang đã quang lâm Bổn tự thuyết giảng đề tài “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” với sự tham dự của hơn 1.500 Phật tử các giới và hàng nghìn Phật tử theo dõi qua kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng. Thượng toạ Trụ trì cho rằng đây là một nhân duyên đặc biệt, lần đầu tiên tại Khoá tu Bát Quan Trai chùa Hoà Khánh có trên 1.500 Phật tử thính Pháp.

Bài Pháp “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” đã nêu bật tầm quan trọng của niềm tin đối với cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là niềm tin với Phật và Nhân quả. Đặc biệt trong bài Pháp thoại này “Luật nhân quả” được phân ra 4 cấp độ từ lương tâm, công lý, thiên lý, đến chân lý sẽ giúp mọi người dễ tin hiểu hơn. Nhờ có niềm tin với Phật và Nhân quả, mọi người mới bước được vào con đường tu theo Phật, đi mãi cho đến ngày khai mở trí tuệ, giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Quang lâm chứng minh buổi thuyết giảng có: TT Thích Quảng Pháp – Phó Ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN, Uỷ viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Trụ trì chùa Hoà Khánh.

Mở đầu, Thượng toạ Giảng sư nhận xét: Những ai đến chùa Hoà Khánh nếu tinh ý sẽ thấy đây là một ngôi chùa hoạt động Phật sự rất đắt lực, gần như khai thác hết công suất của cả con người và cơ sở vật chất nơi đây. Thượng tọa rất vui mừng, phấn khởi vì điều này. Thêm nữa, ngoài việc tích cực làm từ thiện quý thầy ở đây ai cũng có lý tưởng tu hành. Không chỉ tổ chức nhiều Khoá tu cho quý Phật tử hay mở nhiều lớp hoằng Pháp, chùa còn dạy được 12 Khóa cho các Tăng Ni, đào tạo Giảng sư Cao – Trung cấp cho nhiều nơi, thậm chí cả nước ngoài. Trong khi nhiều chùa khác hoạt động không hiệu quả, quanh năm ít người tới tu học. Trước thực trạng này, Thượng toạ đặt câu hỏi tại sao nhiều người ngoài kia không chịu tu, còn quý Phật tử lại tinh tấn tu?

Sau rất nhiều câu trả lời khác nhau, Người khẳng định lại, chúng ta chịu tu bởi chúng ta tin vào đạo lý Phật dạy sẽ giúp ta vượt lên khỏi khổ đau của luân hồi, tái sinh, đạt được những điều cao thượng. Những người ngoài kia không tin điều đó bởi nghĩ rằng có làm thì có ăn nên họ cố gắng xoay sở trong cuộc sống để hưởng thụ, nhiều khi gây nghiệp, cứ mãi lăn trôi trong luân hồi, chết rồi không biết đi đâu.

Thực sự, 95% chúng sinh sau khi chết sẽ đọa làm ma đói vì chúng ta cứ nghĩ giá trị của cuộc sống là ăn ngon mặc đẹp nên lúc sống đã tận dụng mọi cái phước để tranh thủ hưởng thụ. Hết phước, sau khi chết nếu không đọa địa ngục, súc sinh thì cũng sẽ làm ma đói vất vưởng. Người sống mà hết phước thì bệnh tật, đói khổ bủa vây…

Nhưng may mắn thay, ta biết nương theo lời Phật dạy, hiểu Nhân quả tội phước, nhìn xa hơn khỏi kiếp người để biết cố gắng làm phước không ngừng nghỉ. Cao siêu hơn nữa, nếu biết thực hành sâu vào lời Phật dạy, ta đạt được sự chứng ngộ tâm linh, vượt khỏi thân phận tầm thường, trở thành những bậc Thánh. Nghĩa là, khi đến với đạo Phật, ta có ít nhất 2 mục tiêu. Một là tạo nhiều phước lành để bớt đau khổ trong luân hồi. Hai là khai mở tâm linh giác ngộ, rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường, trở thành bậc Thánh, có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Hai mục tiêu này rất khó, chỉ người có thiện căn sâu dày mới thấu hiểu, còn phàm phu như chúng ta phải cố gắng rất nhiều mới hiểu được. Ngay như Nhân quả, khi ta chia sẻ niềm tin này với người khác không phải ai cũng tin vì thiện căn mỗi người khác nhau, lý tưởng khác nhau, nếu không hiểu họ sẽ không tin.

Thượng toạ khẳng định, niềm tin rất quan trọng. Mọi tôn giáo đều bắt đầu bằng niềm tin, kết thúc ở niềm tin. Cái hay của đạo Phật là bắt đầu bằng niềm tin nhưng kết thúc ở trí tuệ. Khi tu có trí tuệ rồi, ta nhìn mọi điều bằng mắt chứ không bằng niềm tin nữa. Nhưng ban đầu vẫn phải bằng niềm tin, đó là tin kính Phật (đây là cánh cửa). Ai tin kính Phật (may mắn) sẽ bước được vào đạo, bước vào bầu trời chân lý mênh mông rồi bay luôn. Ai không tin kính Phật (không may mắn) sẽ mãi  luẩn quẩn, lang thang trôi dạt bên ngoài. Vậy nên, tin kính Phật là niềm may mắn đầu tiên của chúng ta.

Ngoài tin Phật, ta phải tin Luật Nhân quả. Thời Đức Phật còn tại thế, những người ngoại đạo đến gặp Ngài để nghe Pháp, ban đầu Ngài chỉ nói về Luật Nhân quả mà thôi. Nhân quả dạy họ biết buông dần tà kiến, trong tâm chỉ ao ước sống phụng sự, hi sinh, vị tha, tạo phước. Khi chúng sinh tin được Nhân quả thì lòng họ mềm ra, lúc này Phật mới thuyết Pháp. Nên ta nói Phật thiện xảo, kiên nhẫn, sâu sắc là vậy. Chúng ta giờ cách xa Phật, không còn phước duyên để lễ bái, được ngồi trước Ngài để nghe thuyết Pháp hay nghe những câu chuyện tái sinh luân hồi. Do đó, ta phải cố gắng giống như gặp được Ngài bằng niềm tin Luật Nhân quả. Tin Luật Nhân quả là tin sự công bằng của trời đất. Đây cũng là cánh cửa may mắn thứ hai của ta.Vượt qua được 2 cánh cửa may mắn này, ta mở ra nhiều công đức cho cuộc đời mình.

Tin Nhân quả rồi, ta có trách nhiệm chia sẻ niềm tin này với người khác. Đây là một nhiệm vụ, một sứ mệnh cao cả của người đệ tử Phật. Nhờ tin được Nhân quả, cánh cửa công đức, giác ngộ cũng mở ra với ta. Như ngày xưa, trước khi dạy một người giác ngộ, Đức Phật dạy họ tin Nhân quả trước. Càng nhiều người tin Nhân quả, đạo tâm của chính ta càng vững chắc, không bao giờ thoái chuyển vì độ cho người khác chính là củng cố đạo tâm nơi chính mình.

Nghĩa là, muốn đạo tâm mình vững chắc thì phải giúp đạo tâm người khác vững chắc, đừng giữ đạo lý cho riêng mình bởi ngày nào đó ta sẽ bị mất đạo tâm. Vậy  mới nói: ai đi chùa một mình sẽ có ngày bỏ chùa. Đi chùa mà rủ thêm được nhiều người cùng đi thì không bao giờ ta bỏ đạo. Tuy nhiên, muốn người khác tin Nhân quả khi họ chưa sẵn sàng thì ta cần đầy đủ lý lẽ để thuyết phục họ. Nhất là giới trẻ bởi tương lai của đạo Pháp là họ. Giới trẻ tin đạo Pháp thì đạo Pháp có người nối tiếp. Giới trẻ không tin Phật pháp thì đạo Pháp mất luôn.

Trong tất cả các loại tôn giáo, đạo Phật là khoa học, nhân văn nhất. Nói về các loại tôn giáo, Thượng tọa khẳng định có 4 loại.

– Thứ nhất là tôn giáo mâu thuẫn hoàn toàn với khoa học. Tức là khoa học nói gì thì tôn giáo đó nói ngược lại. Họ phủ nhận hoàn toàn sự tiến bộ của khoa học nên đây là một loại tôn giáo cực đoan.

– Thứ hai là tôn giáo điều chỉnh theo khoa học. Tức là khoa học tiến tới đâu thì họ nâng cấp lý luận của mình theo đó.

– Thứ ba là tôn giáo có tính khoa học. Tức là họ thu thập kiến thức khoa học, sau đó áp dụng vào đời sống vật chất, tinh thần của mình.

– Thứ tư là tôn giáo dẫn trước khoa học. Tức là khoa học tiến tới đâu là thấy đạo đứng trước đó rồi. Vậy đạo Phật thuộc loại tôn giáo nào?

Đạo Phật có áp dụng những cái hay của khoa học nhưng cũng dẫn trước khoa học. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều điều Đức Phật nói từ xưa nhưng giờ khoa học mới nói đến. Cũng có rất nhiều điều khoa học chưa khám phá hết. Trong những điều chưa khám phá hết ấy có “Luật Nhân quả”. Nên Khoa học tiến tới đâu sẽ thấy Nhân quả đứng trước đó rồi. Ta may mắn là con của Phật, tin sâu nhân quả, nhìn thấy được đường đi của nghiệp báo, tức là ta đã đi trước khoa học, tiết kiệm được biết bao thời gian. Giờ khoa học chưa bắt kịp Luật Nhân quả thì ta làm cách nào để những người xung quanh ta cũng biết tin Nhân quả?

Nhân quả khó, phức tạp nhưng thực sự nó bắt đầu từ những điều rất đơn giản. Giống như máy móc, chúng có phức tạp đến đâu cũng đều bắt đầu từ những vật chất cơ bản. Nhiều điều phức tạp trên đời cũng vậy, đều bắt đầu từ những điều đơn giản, hiển nhiên không cần chứng minh. Và Luật Nhân quả là một khoa học vĩ đại. Nên Luật Nhân quả cũng bắt đầu từ những điều rất đơn giản. Giờ muốn chúng sinh tin Nhân quả, trước tiên ta cũng phải bắt đầu từ những điều đơn giản trước.

Ví dụ, đơn giản phép toán: 2 +2 = 4 (điều này hiển nhiên, không cần chứng minh)

Đến phép toán phức tạp hơn, ví dụ :  526,4 X 78,2 = 41.164,48 (muốn biết đúng hay sai ta phải chứng minh)

Thật ra, cái phức tạp này nó bắt đầu bằng phép toán: 2 +2 = 4 mà thôi. Chỉ từ cái đơn giản này (2 +2 = 4) mà từ từ nó tiến lên những phép toán cực kỳ phức tạp cho tới logic, tích phân, đạo hàm, đồ họa, rồi tới máy vi tính, tới chart GPT, tới trí tuệ nhân tạo.

Luật Nhân quả cũng sẽ như vậy và nhiều điều phức tạp trên cuộc đời này bắt đầu từ những điều cực kỳ đơn giản hiển nhiên không cần phải chứng minh.

Ví dụ trong thẩm sâu tâm hồn mình ta thấy một người xấu ác thì ta khinh bỉ, ghét bỏ, nếu có cơ hội ta sẽ trừng phạt. Ngược lại, ta thấy một người tử tế tốt bụng, hiền lành, đạo đức thì ta kính trọng, yêu thương, hỗ trợ và nếu có khả năng ta sẽ ban thưởng. Đây là điều hiễn nhiên, không cần bàn cãi. Cái tâm lý thương – ghét hiễn nhiên đó ta gọi là lương tâm. Cái lương tâm này nó tự nhiên và nó chung đồng nơi tất cả mọi chúng sinh.

Bước qua lĩnh vực xã hội, quốc gia, những nhà chính trị cũng làm giống như vậy. Tức người nào có công, làm được điều tốt thì thưởng, người nào gây hại cho xã hội thì phạt. Đây gọi là công lý. Công lý cũng là sự phát triển của lương tâm, nhưng mà ở phạm vi cộng đồng xã hội, quốc gia và được quy định thành văn bản pháp luật. Quốc gia nào cũng có công lý vậy, nếu không sẽ sụp đổ.

Chư Thiên và Trời thưởng phạt cũng vậy, tức phạt người xấu ác và thưởng cho kẻ hay làm những điều thiện, Đây gọi là thiên lý, nó giống như công lý và lương tâm.

Giờ nói ra phạm vi toàn bộ vũ trụ, đất trời, hễ ai làm điều ác sẽ gặp xui rủi, ai làm điều thiện sẽ gặp may mắn. Đây là chân lý.

Rõ ràng, lương tâm là điều đơn giản, hiển nhiên không cần phải chứng minh. Điều đơn giản này được phát triển cao lên thành công lý cuộc đời, thiên lý của cõi trời, chân lý của vũ trụ. Giờ gộp lương tâm, công lý, thiên lý, chân lý này lại ta được Nhân quả. Tức là Nhân quả phức tạp, chi phối mọi kiếp sống con người, thực chất cũng bắt đầu từ lương tâm của mỗi chúng sinh.

Hiện tại, nhiều người chỉ dừng lại ở lương tâm, sống theo tình cảm, ý thích của bản thân nên khi nói đến pháp luật, họ không biết, cũng không quan tâm. May mắn thay, chúng ta được tiếp cận với chân lý sớm, có kiến thức, biết hành xử theo công lý. Nhưng tuân thủ công lý nhiều khi tâm ta vẫn còn những cái sai. Chi khi biết tin những vị Thánh trên cao cũng đều từ lương tâm mà ra, ta mới biết kiểm soát hành vi, giữ gìn nội tâm, tam nghiệp thanh tịnh.

Cụ thể, mở thêm nội tâm, ta có thêm một bước tiến trong tu tập và đời sống đạo đức của mình chứ không còn đứng ở lương tâm. Lúc này, ta không còn cảm tính, sự chủ quan cá nhân nữa mà biết đánh giá lời nói, hành vi dựa trên pháp luật. Đến được thiên lý, ta có thể nhìn sâu vào nội tâm con người, đây là sự phát triển rất cao về đạo đức. Hiện tại, khoa học mới tới công lý, chưa tới thiên lý. Nhưng ta không được phép dừng lại mà phải tiến tới bước thứ tư là chân lý của vũ trụ. Chân lý, sự công bằng của lương tâm vận hành hết kiếp này đến kiếp khác. Chân lý này đưa ta tới chỗ tin được Nhân quả, tin lời Phật dạy cho chúng sinh. Lúc này, ta chỉ đứng chờ khoa học đi tới trong sự hạnh phúc.

Nhân quả chi phối mọi điều trong cuộc sống. Người nào hiểu được, tin được Nhân quả là người có Chánh kiến. Người trong đầu chỉ có tà kiến, phủ nhận Nhân quả là người vô lương tâm. Người vô lương tâm được chia làm 4 mức độ. Tùy thuộc vào mỗi mức độ mà quả báo khác nhau. Cụ thể như sau:

– Mức độ một là phủ nhận lương tâm. Sống trên đời mà không có lương tâm, phủ nhận hết đạo lý của Nhân quả thì sẽ có một kết cục xấu, bi thảm. Ngay cả mức cơ bản nhất là lương tâm cũng không tin được thì ở mức cao hơn, họ cũng không tin được. Không có lương tâm, ta sống không có tình người, vô trách nhiệm, bội nghĩa, không biết trước sau.

– Mức độ thứ hai là phủ nhận luật pháp quốc gia. Luật pháp có khi được chỉnh sửa để phù hợp với hiện tại nhưng trên căn bản, nó vẫn là lẽ phải. Vậy nên, phủ nhận pháp luật, không tuân thủ pháp luật sẽ bị trừng phạt theo pháp luật.

– Mức độ thứ ba là phủ nhận thiên lý, phủ nhận quyền lực của Thần Thánh trên cao. Thậm chí, gặp Thần Thánh, Phật cũng chê bai, chửi mắng. Người như vậy rất dễ nghĩ bậy, làm bậy, phát điên, chết đọa địa ngục.

– Mức độ thứ 4 là phủ nhận chân lý của vũ trụ, trời đất. Hiểu sai chân lý sẽ gây nghiệp, tổn phước, chết rồi sẽ đọa súc sinh.

Hiện nay, có lượng người không tin Nhân quả, phủ nhận nhân quả rất nhiều. không chỉ người nghèo, người vô minh mà ngay cả người giàu, người thông minh, người nắm quyền, người đắc đạo cũng có thể mất niềm tin với nhân quả. Đặc biệt là khi có chút thành công, ta dễ mắc phải tà kiến chủ quan. Nếu ta ít phước. làm sai, quả báo hiện ra ngay lập tức. Nguy hiểm nhất là người nhiều phước, khi mắc tội không bị làm sao nên họ càng kiêu mạn, không nhận thức rõ về Nhân quả tội phước, cuối cùng không còn tin vào Nhân quả nữa.

Ta cứ nghĩ chứng cao rồi không bị bị Nhân quả chi phối nhưng thực sự, Nhân quả vẫn âm thầm chi phối tất cả. Đây là lí do vì sao không bao giờ Phật dùng thần thông để giáo hóa bởi nó ngược với Nhân quả. Ngài lúc nào cũng kiên nhẫn, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự để gieo duyên lành với chúng sinh. Sau khi có duyên lành, Ngài mới giáo hóa Phật pháp – đạo lý giác ngộ giải thoát cho chúng sinh. Chưa có duyên lành, có cho vàng mọi người cũng không nhận đạo lý. Vậy nên, muốn đem Phật pháp đến cho mọi người, trước tiên ta phải gieo duyên lành. Vẫn là Nhân quả chứ không được ỷ mình có đại thần lực, đại thần thông mà muốn nói gì, làm gì cũng được.

Thêm nữa, không có chuyện một vị Thánh hiện ra giữa không trung rồi giáo hóa cho cả thế giới. Tất cả các vị Giáo chủ đến với thế gian này từ bụng mẹ, trong thân phận con người. Nghĩa là các Ngài vẫn phải tuân thủ quy tắc sinh học tự nhiên. Vậy nên, ta hãy tin vào quy luật tự nhiên, nhân duyên, Nhân quả.

Tin được Nhân quả ở cả 4 mức độ ta có 4 cái lợi:

– Thứ nhất là biết rõ điều đúng – sai, từ đó giữ được lương tâm mình một cách cẩn thận, kĩ lưỡng.

– Thứ hai là tin được công lý thì sẽ tuân thủ tốt pháp luật.

– Thứ ba là tin vào thiên lý thì ta biết giữ tâm mình một cách đàng hoàng, tử tế, nâng cấp được đạo đức mình lên cao.

– Thứ tư, tin chân lý, tin rằng Nhân quả bao trùm khắp trời đất, vũ trụ từ cõi này đến cõi khác, từ kiếp này đến kiếp khác thì tự nhiên tâm ta xuất hiện một lý tưởng giác ngộ, giải thoát. Như vậy, người nào tin được Nhân quả tới chiều sâu rồi tự nhiên tâm xuất hiện ước mơ hướng về Thánh vị cao siêu, không còn muốn đứng mãi ở vị trí con người tâm thường nữa.

Tóm lại, bằng những câu chuyện kể, những điển tích, điển cố và những ví dụ có thực trong thực tế, Thượng tọa đã đem đến một bài Pháp dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ hiểu kỹ về 4 cấp độ của Nhân quả từ lương tâm, công lý, thiên lý, đến chân lý mà mọi người có thái độ ứng xử phù hợp trước những trường hợp có liên quan. Đồng thời biết tin kính Phật, kính ngưỡng các vị thần thánh để có phước báo, thúc đẩy quá trình tu tập của bản thân.

Lại nữa, đề tài này có những quan điểm, đạo lý như việc tin kính Phật, tin Nhân quả đã được nói đến rất nhiều trong mỗi bài giảng của Thượng tọa Giảng sư. Cũng bởi Luật Nhân quả có vai trò rất quan trọng, vạn vật trên đời đều chịu sự chi phối của quy Luật Nhân quả nên quan điểm này được nói đến với tần suất nhiều, cứ nhắc đi nhắc lại như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh việc tổng hợp những kiến thức cũ, Thượng tọa đã mở rộng, đề cập đến một vài khía cạnh mới, khiến các Phật tử thấy vừa lạ lại vừa quen, tuy có lập lại nhưng không nhàm chán. Nhờ những chia sẻ rõ ràng, cụ thể này của Thượng tọa mà mọi người tự khai mở được lí tưởng giác ngộ giải thoát cho mình. Đồng thời, chia sẻ được niềm tin, cái hiểu về Nhân quả cho những người xung quanh.

Không chỉ với người tu hành theo đạo Phật mà với người ngoài đạo, những đạo lý trong bài “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” này cũng hết sức thú vị và cần thiết. Nhờ hiểu đạo lý, ta sống có kỉ luật, có trách nhiệm, biết tuân thủ luật pháp, tôn trọng mọi người xung quanh, không sống theo ý mình nữa. Đồng thời, biết rõ mọi việc trên đời đều do Nhân quả chi phối, quyết định. Từ đó, mọi người biết cân nhắc, cẩn trọng trong từng lời nói, hành động. Xã hội nhờ đó mà trật tự, ổn định, phát triển, hạnh phúc hơn.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

Trâm Trụ