Trang chủ Blog chùa TP.HCM: Lễ giỗ HT khai sơn chùa Viên Giác

TP.HCM: Lễ giỗ HT khai sơn chùa Viên Giác

264

Các khóa lễ bạch Phật khai kinh, lễ thỉnh giác linh, khóa lễ kinh A Di Đà, lễ cúng Phật và lễ cung tiến giác linh đã được tổ chức với sự tham gia của chư tôn đức Tăng – Ni và quý Phật tử gần xa.

Hòa thượng pháp húy Hồng Tịnh thế danh Lê Văn Đấu sanh năm Quý Sửu – 1913 tại làng Tân Sơn Nhì – Gia Định (nay là khu vực Tân Sơn Nhất, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thân phụ là cụ ông Lê Văn Chợ và thân mẫu là cụ bà Thái Thị Tám, gia đình gồm 05 anh chị em, Ngài là con trai trưởng.

Được sinh ra trong một gia đình vọng tộc, có truyền thống nho phong, đời đời kính tin Tam Bảo. Năm 1950, đầy đủ duyên lành, Ngài phát tâm quy y với Hòa thượng Thích Huyền Dung tại chùa Phật Quang – Chợ Lớn.

Sau khi quy y, Ngài luôn cố gắng học hỏi kinh luật, nghiên cứu giáo lý, hằng tuần đều hướng dẫn thân bằng quyến thuộc đến nghe pháp tại giảng đường chùa Ấn Quang.

Những lời pháp nhũ của chư Tôn đức, đã giúp cho Ngài khám phá được hồng trần, hiểu rõ được cuộc sống thế gian chỉ là giả tạm, tự thân và hoàn cảnh cũng chẳng phải của ta, nên Ngài đã quyết chí cắt ái từ thân xuất gia học đạo.

Năm Quý Tỵ – 1953, Ngài xuất gia học đạo với sư tổ Thiện Hòa ở Phật Học Đường Nam Việt – Chùa Ấn Quang. Cũng vào năm này, Ngài xây dựng một ngôi tịnh thất nhỏ trong khuôn viên đất của gia đình để làm nơi bế quan tu niệm, ngôi tịnh thất này được đề tên là Độc Giác Tự, sau đó đổi tên thành Viên Giác Tự – chính là ngôi chùa Viên Giác ngày hôm nay.

Thời gian sau, Ngài đến đảnh lễ sư tổ Trí Tịnh ở Phật Học Đường Liên Hải, để cầu học giáo nghĩa của Tịnh Độ Tông.

Từ đó, Ngài phát nguyện chuyên tu tịnh nghiệp, lấy pháp môn trì danh niệm Phật làm đối tượng quán niệm, nguyện cầu sanh tịnh độ làm chổ quy thú và chuyên trì kinh Viên Giác làm cảnh giới riêng mình.
 
Năm 1961, cùng với sự trợ giúp của các thân hữu phật tử, Ngài mua đất và xây dựng tu viện Viên Giác tại phường Tam Bình – Thủ Đức.

Với mật hạnh trang nghiêm, oai nghi đĩnh đạt, lại thêm thế học Pháp văn vững vàng, nên sau một thời gian ẩn mình tu niệm, Ngài được sư tổ Thiện Hòa đề cử vào hàng giáo thọ dạy giáo lý và Pháp văn cho chư Tăng ở Phật Học Đường Nam Việt và chư Ni ở Ni trường Dược Sư. Ngài cũng đã từng được cử đi thuyết giảng phật pháp ở nhiều nơi như Vũng Tàu, Trà Vinh ……

Trong thời gian vâng lịnh thầy hoằng pháp lợi sinh, Ngài có soạn ra quyển Đạo Phật Cương Yếu – xuất bản năm 1965 để hướng dẫn hàng cư sĩ tại gia sơ tâm học đạo.

Phạm Hoàng Anh

Sau đây là chùm ảnh ngày thứ nhất về buổi lễ húy kỵ cố hòa thượng Thích Hồng Tịnh: