Cứ mỗi độ thu về, lá vàng rơi rụng, ngoài trời lất phất mưa bay, những cơn gió lạnh thoảng qua như gợi lên trong lòng người một nỗi buồn man mác, quạnh vắng đìu hiu. Tiếng chuông chùa trầm hùng ngân nga vang vọng như thức tỉnh chúng con quay về với thực tại để lắng nghe, để hiểu và để cảm nhận nguồn yêu thương, tinh thần hiếu đạo.
Dân gian ta có câu:
“Cây có cội mới trổ cành xanh lá
Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông.”
Ai ai cũng có nguồn cội gốc gác của mình. Vu Lan được xem là “ngày về nguồn”, dịp để truy niệm nguồn gốc hiện hữu của chính mình trên thế gian, những ân tình đã cưu mang chúng ta tồn tại, phát triển trong cuộc đời này. Công ơn cha mẹ thật vô bờ bến, bổn phận mỗi người con chúng ta phải tự mình khắc ghi trong tim.
Cảm ơn cha mẹ, người đã cho chúng con hình hài và nhịp sống, trái tim, mạch máu, hơi thở, nụ cười. Người là suối nguồn yêu thương bất tận. Những câu dân ca lời ru của mẹ từ thủa nằm nôi sẽ là lời muôn thuở theo dấu chân con trên vạn nẻo đường đời.
“Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.”
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, khói hương trầm quyện tỏa muôn phương, tất cả những người con, những tấm lòng hiếu thảo đang khẩn thiết thành kính hướng đến cha mẹ bằng tất cả tấm lòng và niềm cảm thức sâu lắng. Có thể nói, hiếu đạo là nền tảng đạo đức của xã hội loài người, là nền móng căn bản hướng đến tầm cao trí tuệ, là tiêu chí căn bản của một người Phật tử. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, đạo hiếu là đạo Phật. Là người Phật tử đến chùa tụng kinh, làm mọi việc thiện lành nhưng lại sống bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ thì không xứng đáng là người đệ tử Phật. Sự hiếu thảo của con cháu là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cha mẹ khi tuổi đã xế chiều. Đối với người già, các nhu cầu về đời sống vật chất không nhiều nhưng điều cần nhất chính là niềm vui tinh thần khi được nhìn thấy con cháu ngoan hiền, gia đình đông đủ, sum họp hòa thuận và quây quần bên nhau. Vì vậy, khi cha mẹ còn sống chúng ta hãy hết lòng phụng dưỡng, thường xuyên hỏi thăm, chăm sóc để không phải hối tiếc về sau khi cha mẹ không còn nữa. Từng lời, từng lời giảng của Thầy trụ trì thấm sâu vào trong tận con tim mỗi người.
Mùa Vu Lan lại trở về, hòa theo tiếng kệ câu kinh báo ân cha mẹ lòng chúng con như quặn thắt bao nỗi niềm bâng khuâng khôn tả, nổi khổ đau chen lẫn trong niềm hạnh phúc, nét hân hoan sung sướng không lấp đầy niềm xót xa hiu quạnh của những tâm hồn thiếu vắng tình thương. Bất hạnh thay cho những ai không còn cha mẹ hiện hữu trên đời để vỗ về sưởi ấm con tim, không còn dịp để phụng dưỡng, đền đáp thâm ân cao vời của cha mẹ. Đến ngày Vu Lan những người con đó nên một lòng chí thành với niềm tôn kính nhất, phát tâm làm mọi điều thiện lành, sống tốt đời đẹp đạo, hồi hướng công đức cho cha mẹ. Đó cũng là cách báo đáp công ơn cha mẹ khi người đã khuất.
Lòng biết ơn cha mẹ phải được thể hiện bằng những hành động việc làm cụ thể, phụng dưỡng cha mẹ về vật chất lẫn tinh thần, có như vậy mới đầy đủ ý nghĩa tri ân và báo ân. Chúng ta phải sống hiếu thảo với cha mẹ, hiếu kính với người trên, hiếu hòa với kẻ dưới, hiếu thuận với mọi người và hiếu sinh với vạn loại.
Vu Lan là nhịp cầu yêu thương, được truyền thông từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là“Từ, bi, hỷ, xả”; “vô ngã, vị tha”; “uống nước nhớ nguồn”; “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Và hãy sung sướng đi anh, hãy vui mừng đi em, hãy đón nhận và trân trọng từng phút giây niềm hạnh phúc mà đời ban tặng, để một mai khi tặng phẩm của đời không còn dành cho ta nữa, thì ta cũng thấy mãn nguyện và hạnh phúc để trở về với chính mình:
“Dù còn mẹ hay dù mẹ mất
Thì em ơi, em vẫn là con
Hãy ấp ủ trọn đời em nhé
Hình bóng mẹ trong trái tim con.”
Trong không khí trang nghiêm thành kính, những câu kinh, những ngọn nến lung linh được thắp lên cầu nguyện cho cha mẹ, buổi lễ đã kết thúc với những đóa hoa hồng, hoa trắng được cài lên áo mỗi người. Tiếp đó, ngày 15.07 âm lịch, chùa tổ chức khóa lễ cúng ngọ tạ Phật vào buổi trưa, thọ trai, và lễ cúng thí thực cũng như lễ Qui Y Tam Bảo vào buổi chiều.
Sau đây là một số hình ảnh về chương trình “Đêm thao thức nhớ đấng sinh thành” năm 2013 tại chùa Hải Quang: