Trang chủ Bài nổi bật TP.HCM: Hình ảnh các cơ sở tự viện thực hiện nghiêm chỉ...

TP.HCM: Hình ảnh các cơ sở tự viện thực hiện nghiêm chỉ thị phòng chống dịch Covid-19 (P.2)

577
Chùa Vạn Phật , Quận 5 đóng cửa phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng

PTVN – Hôm nay là ngày thứ 4 Tp.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 theo tinh thần phiên họp sáng ngày 30/5 do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn về COVID-19 tại TP.HCM cùng với sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo khác.

Theo đó, để phòng chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, TPHCM đã có văn bản số 1749/UBND-VX của UBND TP.HCM do Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức ký về tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM, tạm dừng nhiều hoạt động quy tụ đông người, trong đó có hoạt động tôn giáo từ 0 giờ ngày 31/5.

PTVN đã ghi lại những hình ảnh các tự viện tại Tp.HCM trong việc tuân thủ giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

THIỀN VIỆN VẠN HẠNH – Q.PHÚ NHUẬN

(Địa chỉ: 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trước năm 1975, nơi đây là Phân khoa Khoa học Ứng dụng thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn do Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Năm 1976, Hòa thượng đã tạo lập thiền viện làm nơi tu trì, nghiên cứu Phật học.

Trong khuôn viên thiền viện, hiện đặt văn phòng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trường cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh), văn phòng Hội đồng phiên dịch kinh Đại Tạng Việt Nam. Đến nay đã dịch và ấn hành 36 tập thuộc kinh điển Pali và A-hàm.

 

CHÙA TỪ QUANG – Q.GÒ VẤP

(Địa chỉ: 63 Trần Bình Trọng, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng cửa tuân thủ chỉ thị giãn cách xã hội, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

Năm 1952, Hoà thượng Hộ Giác (thế danh: Nguyễn Văn Dần) thành lập nên ngôi chùa Từ Quang theo hệ phái Nam Tông. Ngài trụ trì đến năm 1964 thì viên tịch. Chùa đã trải qua 9 đời trụ trì. Hiện nay do Thượng toạ Minh Đức làm trụ trì.

 

TỊNH XÁ TRUNG TÂM – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 21 Nguyễn Trung Trực, Phường 5, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tịnh xá được xây dựng trong khoảng 10 năm, bắt đầu từ tháng 4 năm 1965, trên một khu đất rộng 5490 m2 do bà Diệu Kiến phát tâm cúng dường.

HT.Thích Giác Toàn và HT. Thích Giác Phúc đã tổ chức trùng tu, mở rộng tịnh xá vào năm 1980. Ngôi chánh điện xây kiểu tháp bát giác 2 tầng theo họa đồ của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện.

Tầng trên là điện Phật, tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca, chung quanh tường có 8 bức phù điêu (mỗi bức cao 2,20m, dài 4,50m) giới thiệu cuộc đời đức Phật do các điêu khắc gia Minh Dung và Hai Long thực hiện.

Phía sau điện Phật có tượng Bồ tát đản sanh và căn phòng thờ Cửu huyền thất tổ, ở giữa có tháp thờ Bồ tát Địa Tạng. Tầng trệt là giảng đường, có đặt tượng thờ đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Tịnh xá ngày nay là một danh lam ở thành phố, thường xuyên đón tiếp đông đảo Tăng, Ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Thông báo về việc tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội
Tuệ Tĩnh đường Tịnh xá Trung Tâm cũng đóng cửa tạm nghỉ để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

 

CHÙA LIÊN HOA – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 466 Lê Quang Định, Phường 11, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng cửa không tiếp khách thập phương

TỊNH XÁ NGỌC PHƯƠNG – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 498/1 Lê Quang Định, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tịnh xá Ngọc Phương tọa lạc tại số 498/1, đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, trên một diện tích 2.500m2. Đây là ngôi Tổ đình của Ni giới thuộc Hệ phái Khất sĩ (nguyên là Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam), trụ sở Trung ương của hơn 300 ngôi Tịnh xá trong cả nước trực thuộc. Từ ngoài nhìn vào, cách đường Lê Quang Định khoảng 30m, cổng tam quan Tịnh xá Ngọc Phương hiện ra khiêm nhường mà trang nghiêm.

Tịnh xá được xây dựng vào năm 1957 do cố Ni trưởng Huỳnh Liên (Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ) và từ đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lúc đầu, Tịnh xá chỉ được xây dựng một cách đơn sơ, mái tole vách ván, nền xi-măng. Ngôi chánh điện hình bát giác với vách ván, mái lợp fibro xi-măng. Năm 1965, bắt đầu trùng tu hai dãy nhà hai bên chánh điện, tường xây, mái lợp fibro xi-măng. Từ năm 1972 đến năm 1984, tuần tự trùng tu ngôi chánh điện theo mô hình tứ giác, tường xây mái đúc và lên thêm lầu. Năm 1988, xây thêm bảo tháp Đệ nhất cố Ni trưởng Huỳnh Liên và trùng tu dãy Tăng phòng bên trái sau bảo tháp.

Tịnh xá Ngọc Phương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754 – QĐ/BT, ngày 15/10/1994. Tịnh xá Ngọc Phương ngày nay không những là trung tâm tu học của Ni chúng Khất sĩ trong thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nơi đào tạo Ni tài Khất sĩ cho cả nước.

Thông báo về việc tạm đóng cửa và ngưng tiếp khách của tịnh xá trong thời gian giãn cách xa hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19

 

CHÙA CHÂU AN – Q,GÒ VẤP

(Địa chỉ: 498/1/2 Lê Quang Định, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng cửa không tiếp khách thập phương
Không gian thanh tịnh bên trong khuông viên chùa 

 

QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 498/11 Lê Quang Định, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Người đầu tiên tạo dựng tu viện Quảng Hương Già Lam là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Quan tâm đến việc lập Phật học viện tại miền Nam, nên vào năm l961, Hòa thượng đích thân tìm đất xây chùa tại Sài Gòn. Mãi đến ngày 26/1/1962 Hòa thượng mới chính thức ký giấy mua đất hiện tại có diện tích 3940 m2, để xây dựng chùa Già Lam. Tổng số diện tích đất hiện nay là 4.211 m2, vì năm 1964 mua thêm 96 m2. Năm 1981 mua thêm 175 m2, tất cả đều đã trước bạ xong, tọa lạc tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Chủ trương ban đầu của Hòa thượng xây dựng Quảng Hương Già Lam để có nơi cư trú tu học cho lớp Tăng sinh trẻ, có trình độ đại học đời cũng như đạo.

Chùa ban đầu Hòa thượng đặt tên là Giải Hạnh Già Lam. Giải là học, để hiểu, để nâng cao kiến thức, phát triển trí tuệ. Hạnh là hành trì, tu chứng, nâng cao công hạnh tu tập để phát triển mặt phước đức. Học để biết (Giải) mà tu, để có khả năng và trình độ trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, là mặt lợi tha. Tu để thực chứng (Hạnh), để hoàn thành đại nguyện giải thoát sinh tử, là mặt tự lợi. Do đó học và tu, hay giải và hạnh là hai vấn đề tương quan mật thiết (Giải hạnh tương ứng) trong đời sống của một Như Lai sứ giả. Đây chính là mục tiêu đào tạo Tăng tài của Hòa thượng. Trong ý hướng đó, Hòa  thượng đã đặt tên chùa là GIẢI HẠNH GIÀ LAM.

Năm 1964, Hòa thượng lại đổi tên chùa là QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM. Quảng Hương là Pháp danh của một Tăng sinh tu học tại Phật- học-viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau được bổ nhiệm làm trú trì chùa Khải Đoan Ban Mê Thuột, đã tự thiêu lúc 12 giờ 25 phút ngày 18 tháng 8 năm Quý Mão (5.10.1963), trước mặt chợ Bến Thành Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trước đây. Sau cái chết vì Đạo cao cả của Tăng sinh Quảng Hương, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã quyết định đổi tên chùa là Quảng Hương Già Lam thay thế Giải Hạnh Già Lam, để kỷ niệm một Tăng sinh tuẩn đạo. Từ dạo đó, có tên gọi Quảng Hương Già Lam.

Già Lam là phiên âm Phạn văn Asharam là nơi thanh vắng, yên tĩnh, nơi thờ Phật, nơi chúng Tăng cư ngụ tu hành. Già Lam là tên khác của chùa. Cho nên, đúng ra phải gọi chùa Giải Hạnh hay chùa Quảng Hương. Phật tử đến chùa , thay vì phải gọi là Giải Hạnh Già Lam, Quảng Hương Già Lam, chỉ gọi tắt chùa Già Lam. Về sau, Phật tử còn gọi Hòa thượng khai sơn Quảng Hương Già Lam là Ôn Già Lam, Hòa thượng Già Lam…Gọi lâu thành quen, nên Già Lam là danh từ chung đã trở thành danh từ riêng, chùa Già lam.

Khi Già Lam hình thành, có các vị trú trì giúp việc Hòa thượng, chăm lo đời sống hằng ngày của Tăng chúng. Hòa thượng Thích Trí Thủ với chức vụ Giám viện. Trong thời gian đầu Hòa thượng ở tại Hải Đức Nha Trang nhiều hơn. Từ 1964 về sau, Hòa thượng ở Già Lam nhiều hơn. Vị trú trì đầu tiên của Già Lam là Hoà thượng Thích Phước Chương. Vị thứ hai là Hoà thượng Thích Huyền Giác. Vị thứ ba là Hoà thượng Thích Đức Nhơn. Và hiện này là Hoà thượng Thích Nguyên Giác – Trưởng khoa Phật học Sanskrit thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM trụ trì.

 

CHÙA DƯỢC SƯ – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 464 Lê Quang Định, Phường 11, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đã qua ba đời trụ trì, được trùng tu vào năm 1950. Ni sư trụ trì Thích Nữ Như Hòa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa theo kiến trúc quy mô hiện đại vào năm 1994, khánh thành ngày 19/01/1995. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm.

Chùa là một Ni trường nổi tiếng của Phật giáo thành phố. Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã đến giảng dạy ở đây từ năm 1953. Năm 1957, Hòa thượng mở những khóa huấn luyện trụ trì khắp lục tỉnh lấy tên là “Như Lai Sứ Giả” tại hai chùa Pháp Hội và Dược Sư. Chùa còn mở thường xuyên các lớp giáo lý Phật học phổ thông cho Phật tử.

CHÙA LIÊN ỨNG – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 76 Lê Quang Định, Phường 7, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng cửa không tiếp khách để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

CHÙA HÒA KHÁNH – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 215 đường Phan Văn Trị, Phường 11, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa Hòa Khánh được thành lập từ năm 1867 đến nay trải qua bao thăng trầm lịch sử. Nhiều bậc Tổ thầy đã dày công xây dựng, trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Tấn Đạt – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Hòa thượng trụ trì đã nhiều lần cho trùng tu kiến tạo lại chùa Hòa Khánh để làm nơi tu tập, hành đạo cho chư Tăng, Phật tử và mở lớp Cao – Trung cấp giảng sư, đào tạo Tăng tài cho Giáo hội. Lớp Cao – Trung cấp giảng sư đến nay đã trải qua 11 khóa (trên 20 năm), với nhiều vị giảng sư được tốt nghiệp và hành đạo. Ngày nay, chùa Hòa Khánh mang kiến trúc hiện đại, uy nghi, có đông lang, tây lang, ở giữa là ngôi Tam bảo gồm 5 tầng (tầng hầm dành để xe, tầng trệt là giảng đường, tầng 2 chánh điện, tầng 3 lớp học, tầng 4 điện Phật A Di Đà). Trước sân chùa là đài Quan Âm lộ thiên.

Chùa đóng cổng, không tiếp khách tham quan, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19

 

CHÙA BẢO LONG – Q.GÒ VẤP

(Địa chỉ: 12 đường Phạm Văn Đồng, Phường 3, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng kín cổng trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

 

CHÙA PHƯỚC VIÊN – Q.BÌNH THẠNH 

(Địa chỉ: Vòng xoay Hàng Xanh (Ngã tư Hàng Xanh, 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa do Phật tử Trần Văn Lợi (pháp danh Chơn Lợi) sáng lập từ năm 1928. Bấy giờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ. Năm 1967, gia đình ông Chơn Lợi cúng chùa cho Hội Phật học Nam Việt, làm chi nhánh của chùa Xá Lợi.

Thông báo của chùa về việc tạm thời đóng cửa, không tiếp khách viếng chùa.

Từ năm 1967 đến năm 1982, Hội Phật học Nam Việt đã thỉnh quý thầy, sư cô về trụ trì: TT. Thích Thiện Phận, ĐĐ. Thích Giác Định, TT. Thích Thiện Thắng, SC. Thích Nữ Diệu Khương, TT. Thích Minh Phúc, TT. Thích Thiện Bình.

Năm 1983, Hội giao chùa cho Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh quản lý, Thành hội cử Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Từ và Ni sư Thích Nữ Từ Nhẫn quản lý. Năm 1990, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Từ đã giao cho trưởng tử của mình là Ni sư Thích Nữ Từ Nhẫn đảm nhận trụ trì chùa đến nay.

Hàng tháng, vào các ngày 01 và 15 âm lịch, chùa đều có phát cơm chay từ thiện cho người hữu duyên.

 

CHÙA CHÂU HƯNG – TP.THỦ ĐỨC

(Địa chỉ: 37 Đường Cây Keo, Tam Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa Châu Hưng được hình thành từ năm 1844; trải qua gần 200 năm với 8 đời trụ trì, cùng nhiều biến cố của lịch sử, kiến trúc chùa tuy đã bị thay đổi hoàn toàn, không còn bóng dáng của một ngôi chùa cổ xưa, song chùa Châu Hưng ngày nay vẫn còn lưu giữ được 14 pho tượng Phật cổ cùng một số bài vị.

Nơi đây còn là nơi nuôi giấu và che chở cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chùa được xây dựng mới hoàn toàn vào năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn thành.

Chùa Châu Hưng là di tích lịch sử – văn hóa danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích theo Quyết định số 3946/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Châu Hưng là nơi đặt văn phòng Ban Trị sự GHPGVN quận Thủ Đức (cũ), nay thuộc thành phố Thủ Đức.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, chùa đã cho ngưng các sinh hoạt, nghi lễ tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

 

CHÙA BỬU QUANG – TP.THỦ ĐỨC 

(Địa chỉ: số 171/10 quốc Lộ 1A, phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa Bửu Quang – Ratanaransyarama là ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam tông, Theravada) đầu tiên của hệ phái Phật giáo Nam tông Việt Nam (phân biệt với Phật giáo Nam tông Khmer).

Thông báo của chùa về việc tam thời đóng cửa trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp

Từ ngày thành lập, chùa đã trải qua 9 đời trụ trì và quản lý. Hiện nay Ban Quản trị chùa Bửu Quang do Hoà thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS làm trưởng ban.

Chùa Bửu Quang khi mới được thành lập là nơi để tu học giáo lý và thực hành thiền. Theo thời gian, khi Phật giáo Theravāda đã lan truyền rộng rãi, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đậm nét truyền thống. Mỗi ngày có hai thời công phu sáng, chiều vào lúc 5h và 17h. Mỗi tháng có hai buổi sám hối, thuyết pháp vào ngày 14 và 29. Tại đây có những lớp giáo lý dạy Kinh, Luật, Vô Tỷ Pháp tại giảng đường, dạy thiền vào mỗi tuần, hay khóa thiền Tứ niệm xứ một ngày vào mùng 8 hàng tháng.

 

CHÙA ÂN PHƯỚC – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 543 Phạm Văn Đồng, Phường 13, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa Ân Phước do cố HT.Thích Vĩnh Xương, nguyên trụ trì chùa Phước Hải (Q.1) khai sơn vào năm 1973. Đến năm 2004, Hòa thượng viên tịch, chùa do Ban Hộ trì trông coi. Năm 2014, BTS GHPGVN TP.HCM chính thức bổ nhiệm ĐĐ.Thích Minh Thông làm trụ trì, trong dịp đó, Đại đức tân trụ trì phát nguyện đại trùng tu.

Chùa đóng cửa không tiếp Phật tử trong mùa dịch bệnh

Chùa Ân Phước hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa tại Tp.HCM.

 

CHÙA VIÊN MINH – Q.GÒ VẤP

(Địa chỉ 57 Thiên Hộ Dương, P.1, Q.Gò Vấp)

 

CHÙA BÁT NHÃ – Q.BÌNH THẠNH

(Địa chỉ: 550 Phạm Văn Đồng, Phường 13, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

 

CHÙA PHỔ MINH – Q.GÒ VẤP

(Địa chỉ: 02 Thiên Hộ Dương, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa đóng cửa không tiếp khách thập phương và không tổ chức các nghi lễ Phật giáo

 

CHÙA PHƯỚC HÒA – Q.GÒ VẤP

(Địa chỉ: 6 Thiên Hộ Dương, Phường 1, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)

 


Thực hiện: ANH QUỐC