Chiều 31/12, tại toà soạn báo Giác Ngộ đã diễn ra buổi gặp mặt thân mật CTV-PV các thời kỳ, các ân nhân, đối tác nhân kỷ niệm 45 năm ngày báo ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2021) .
Buổi lễ gặp mặt dưới sự chủ trì của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Tổng Biên tập báo Giác Ngộ; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Giác Ngộ.
Nhiều vị khách quý, trí thức, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của báo từ nhiều tỉnh thành cùng tham dự.
Tại đây, TT.Thích Tâm Hải, Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn báo Giác Ngộ đã điểm qua những hoạt động của Báo trong thời gian qua, nhất là những giai đoạn khó khăn của báo. Thượng tọa cũng đã đề cập về vấn đề quy hoạch báo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch báo chí của TP.HCM, nhân sự tòa soạn, công tác phát hành, quảng cáo…
Theo Thượng tọa Phó Tổng Biên tập, tuy trải qua nhiều khó khăn, song đến nay, các sản phẩm của Giác Ngộ vẫn giữ được thế ổn định.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm từ ngày đầu tiếp nhận trong vai trò Tổng Biên tập (năm 1990). “Bấy giờ, tòa soạn không có cơ sở vật chất. Trong cái khó đó, tờ báo từng bước trưởng thành và phát triển nhờ vận dụng trí tuệ, kiên trì không ngại khó, xem khó khăn là cơ hội để rèn luyện”, Hòa thượng chia sẻ.
Qua đó, Hòa thượng đã ghi nhận và tri ân tình cảm cũng như sự giúp đỡ của những người đã cùng đồng hành và những độc giả đã tin tưởng, yêu thương tờ báo.
Hoà thượng cũng nhấn mạnh, trong thời đại công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo Giác Ngộ nói riêng và nền báo chí nói chung cần xây dựng đội ngũ trẻ, nắm bắt và theo kịp thời đại.
Dịp này, Đức Phó Pháp chủ cũng chia sẻ về việc thấy khổ, thọ khổ của thân và tâm. “Người có học Phật, tu theo Phật thì thân thọ khổ mà tâm không thọ khổ”, Hòa thượng nói.
Tại buổi gặp gỡ, Ban Biên tập báo Giác Ngộ cũng đã được lắng nghe những chia sẻ, góp ý và tâm tình từ chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, các vị giáo sư, cộng tác viên…
Theo đó, GS.Huỳnh Như Phương cho biết: “Từ bài đầu tiên tôi gửi đăng trên báo Giác Ngộ vào năm 1992 cho đến nay cũng đã là nửa chặng đường đồng hành cùng tờ báo Phật giáo. Tôi vẫn luôn chờ từng số báo Giác Ngộ ấn hành, đặc biệt là báo Xuân. Với tôi, báo Giác Ngộ không chỉ là nơi để tôi tiếp cận và có cơ hội chia sẻ về Phật pháp, mà còn là món quà đặc biệt, đầy ắp giá trị nhân văn, tôi dành gửi tặng cho các chùa mỗi dịp về quê ”.
Đối với những khó khăn và tồn đọng của báo, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trần Đình Sơn cùng nhận định, rằng báo cần có những bài viết mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của GHPGVN nói chung và Phật giáo thành phố nói riêng.
Trong khi đó, HT.Thích Nguyên Quang, Phó BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa; nhà báo Chu Minh Khôi, ThS.Hiếu Hạnh (ĐH KHXH&NV TP.HCM) – cho rằng, báo có chiều sâu hơn, đáp ứng nhu cầu độc giả trình độ ngày càng cao. Việc Giác Ngộ tồn tại trong tinh thần phát triển đa phương tiện trong nền báo chí hiện đại chứng tỏ tòa soạn đã bắt nhịp trong xu hướng phát triển của xã hội.
Khép lại buổi họp mặt, HT.Thích Giác Toàn đã gửi lời tri ân và động viên cán bộ công nhân viên tòa soạn nói riêng và Phật tử, giới trí thức, người yêu mến Phật giáo nói chung.
Giao Hảo – Ảnh: Bảo Toàn/ theo Báo Giác Ngộ