Vậy thì đối với những thương nhân đang hối hận trên khắp thế giới, Vương quốc Bhutan bé nhỏ trên dãy Himalaya có thể gợi ý một lựa chọn thay thế: không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn tập trung vào độ lớn của những nụ cười.
‘Tổng hạnh phúc quốc dân’ (Gross National Happiness – GNH), là một phương pháp có một không hai của vương quốc Phật giáo Bhutan để đánh giá sự phát triển quốc gia, và việc theo đuổi cách tiếp cận nói trên ở đất nước xa xôi này đã được chứng minh là đúng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang xảy ra ở thế giới bên ngoài.
“Chủ nghĩa vật chất với những đồng đô la lớn được kiếm nhanh chóng qua đêm đã gây ra nhiều vấn đề,” Phurb Dorji, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Thimphu và là một fan của triết lý hạnh phúc quốc dân nói.
“Toàn thế giới đang hướng về chủ nghĩa vật chất, và khi họ có được nhiều thì lại muốn nhiều hơn nữa. Nhưng họ vẫn không hạnh phúc. Họ không cần phải sao chép lại cách làm của chúng tôi, nhưng họ nên dành thời gian để nhìn ra những cách thức khác.”
Bhutan đã theo đuổi cách tiếp cận GNH trong vài thập kỷ qua. Tư duy này được cựu vương khởi xướng và được tân vương 28 tuổi mới lên ngôi hôm thứ 5 tuần trước coi là chính sách trọng tâm.
“Điều quan trọng đối với tôi và gia đình là giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển đời sống tinh thần. Vật chất chỉ nên duy trì ở mức độ vừa đủ. Nên có sự tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường,” Dorji giải thích về nguyên lý chính của khái niệm.
“Nếu chúng tôi chỉ ưa thích vật chất, hẳn là chúng tôi chẳng còn đồng xu nào. Nó không bền vững.”
Các quan chức ở đây nói sử dụng GNH không có nghĩa là bỏ qua GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) – thực ra theo chỉ tiêu này, Bhutan đang làm khá tốt. GDP ở đây tăng khoảng 8% một năm trong vài năm qua.
Nhưng GNH quan trọng hơn, họ nói, đó là loại tăng trưởng quan trọng – vì vậy nước này đã có các chính sách cung cấp giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí, môi trường trong sạch và đảm bảo truyền thống văn hóa và tôn giáo được bảo tồn.
“Chúng ta – loài người cần nhiều thứ hơn hàng hóa vật chất,” thủ tướng Jigmi Thinley nói.
“Chúng tôi tự nhìn bản thân mình như là một thành viên của xã hội toàn cầu hóa,” ông nói, và cho biết thêm rằng mục tiêu của Bhutan là “tiếp tục phát triển kinh tế và tinh thần.”
Kết quả là, ông nói, đất nước của những vực sâu và đỉnh núi tuyết phủ “đang ngày càng hạnh phúc và hạnh phúc hơn. Chúng tôi là những người hạnh phúc.”
Theo một cuộc điều tra quy mô nhỏ do Ủy ban Tổng hạnh phúc quốc dân (trước đây là Ủy ban kế hoạch quốc gia) của Bhutan tiến hành đầu năm nay, 68% người dân Bhutan được xếp và nhóm hạnh phúc.
Nhiều người Bhutan nói rằng họ hoàn toàn tin vào triết lý GNH, ngay cả khi các kênh truyền hình vệ tinh có nhan nhản những thông điệp “mua sắm đến khi kiệt sức” đến người dân đất nước này.
“Khi bạn có đủ tiền mua quần áo, thức ăn và nơi để ngủ, thực sự mà nói đó là tất cả những gì bạn cần,” Sonam Phunbho, một người bán hàng 54 tuổi nhấn mạnh.
“Chẳng có lý do gì để ham muốn nhiều bởi vì khi bạn chết, bạn không thể đem theo tivi to hay ô tô lớn,” cô nói.
Tashi Tobgay, một học sinh 16 tuổi đang đi với bạn tại trung tâm thủ đô Thimphu, nói cậu không thấy giá trị của chủ nghĩa tư bản.
“Phát triển đất nước để làm gì nếu người dân không hạnh phúc?” cậu hỏi.
Vì thế mà khi thế giới bên ngoài đang bận rộn cố tìm cách cứu nền kinh tế đang suy sụp thì vị vua mới của Bhutan đang đặt những ưu tiên khác.
“Nghĩa vụ của tôi không chỉ là đảm bảo hạnh phúc của các bạn ngày hôm nay mà còn tạo ra mảnh đất mầu mỡ để các bạn có thể hái quả tinh thần và đạt được thiện nghiệp,” vị vua trẻ nói trong lễ nối ngôi.
“Ngay cả khi có những thay đổi lớn làm biến đổi thế giới và quốc gia của chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đơn giản và mãi mãi là trở thành người tốt. Chúng ta có thể đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ sống trong hạnh phúc.”