Trang chủ Thời đại Truyền thông Tôn ti thứ bậc trong truyền thông

Tôn ti thứ bậc trong truyền thông

424

 Vì vậy, bình luận về sự kiện, việc căn cứ vào truyền thông (văn bản, tin, ảnh, phim…) là điều đương nhiên. Do đó, ý thức giữ gìn thứ bậc truyền thông là rất quan trọng.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ở phương Tây có một bộ môn khoa học là Kremlinology, với mục tiêu là tìm hiểu về những gì đang xảy ra bên trong chính trường Liên Xô, mà một trong những căn cứ chính là truyền thông. Ở đó, các chuyên viên quan sát, ghi nhận, nghiên cứu thứ bậc truyền thông trong các bản tin, ảnh, phim, đối với những vị lãnh đạo Liên Xô để đưa ra các giả thuyết, dự báo về những chuyển động trong bộ máy lãnh đạo tối cao nước này.

Trong kỷ luật tuyên truyền ở Liên Xô cũng như các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây, những ảnh chụp không phù hợp về tôn ti thứ bậc đối với các nhà lãnh đạo không thể sử dụng đều phải nộp lại phim cho lãnh đạo cơ quan truyền thông để tiêu hủy, tuyệt đối không để lọt ra ngoài.

Trong thời nào và ở đâu cũng vậy, tôn ti thứ bậc xuất hiện nơi công cộng, nơi đông người và việc truyền thông phù hợp đều rất quan trọng. Trong một phái đoàn quốc tế bất kỳ, vị nào ra cửa máy bay trước, vẫy chào, bước xuống thang, bắt tay đều có lễ tân quy định. Việc giữ gìn thứ bậc phù hợp, đặc biệt trong truyền thông, không chỉ là nghi lễ, mà còn là phép lịch sự, thậm chí, có yếu tố chính trị như trong thí dụ về khoa Kremlinology vừa rồi.

Trong các dịp lễ lớn, trên lễ đài và các hàng ghế đầu, vị trí chỗ ngồi tương ứng cho các nhân vật quan trọng đều được thể hiện xác định với bảng tên. Tôn ti thứ bậc trong sự kiện như thế sẽ được phản ánh một cách thích hợp trên truyền thông.

Phật giáo là đạo lễ nghĩa. Vì vậy, tôn ti thứ bậc trong sự kiện luôn luôn nghiêm nhặt. Đứng giữa, đi trước, ngồi trên, giới thiệu trước luôn luôn là các vị hòa thượng giáo phẩm, có chức vụ cao, có hạ lạp lớn.

Để giữ lễ, thì đó phải là quá trình xuyên suốt, từ sự kiện đến truyền thông hậu sự kiện. Vì sự kiện tại chỗ có thể thoáng qua trong vài giây, vài phút, chỉ có vài chục, vài trăm người chứng kiến, nhưng truyền thông thì được ghi nhận trong thời gian không hạn định, với số người chứng kiến mở rộng lên cả chục ngàn, có thể lên đến cả trăm ngàn, cả triệu.

Tôn ti thứ bậc trong truyền thông không chỉ là diện mạo những nhân vật liên hệ cụ thể, mà với các chức vụ, đó còn là diện mạo của nhà nước, tổ chức, cơ quan, tôn giáo tùy theo trường hợp. Vì vậy, không chỉ phải cần giữ gìn tôn ti thứ bậc trong sự kiện, lời giới thiệu phản ánh trong các bản tin, các bức ảnh, nội dung phim video…, mà còn là tôn tri, thứ bậc trên những trang báo, trong series ảnh, kèm theo số lượng, tỷ lệ, vị trí còn có thứ tự trước sau, trên dưới, kích cỡ ảnh, vị trí thời lượng tin video…

Chúng ta thấy thứ tự, thời lượng đưa các bản tin video trên truyền hình, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, rất chú ý đến tôn ti, trật tự, thứ bậc theo chức vụ lãnh đạo nhà nước.

Cũng đừng nghĩ rằng chỉ ở nước ta truyền thông mới làm thế, mà ở các nước đều như thế cả. Trên kênh truyền hình C-SPAN của Quốc hội Mỹ, thì dù truyền hình trực tiếp, góc thu hình, thời lượng dành cho những nhà lãnh đạo có mặt tại sự kiện đều được tính toán, phân bố hợp lý theo tôn ti thứ bậc chức vụ, địa vị xã hội. Việc biên tập do đạo diễn truyền hình thực hiện ngay trong khi trực tiếp truyền hình.

Vì vậy, dù là trưc tiếp hay truyền thông sau đó, không có chuyện trong một phái đoàn chính thức, hình ảnh trưởng đoàn ít hơn phó đoàn, thành viên thì được thể hiện như trưởng đoàn, càng không thể đến mức áp đảo.

Nếu để xảy ra, ở đây là nói chung, không nhắm tới trường hợp cụ thể nào, là lỗi của phía phụ trách truyền thông về nghiệp vụ.

Đối với việc cố ý thể hiện một cách không hợp lý tôn ti, thứ bậc nhằm nhấn mạnh, tôn cao một cá nhân nào đó ở vị trí không phù hợp, lại là một lỗi nặng hơn nữa. Đó sẽ là một dụng ý lăng xê, đề cao vụng về, làm mất thể diện không phải chỉ người được tôn cao một cách bất hợp lý, mà còn làm xấu đi hình ảnh của cả tập thể người đó đại diện.

Trong sự hợp lý, đúng cách, hình ảnh vị trưởng đoàn, vị lãnh đạo cao nhất phải được nhấn mạnh trong sự thể hiện một cách phù hợp, chẳng những số lượng ảnh, vị trí, mà còn ở tỷ lệ, thứ tự. Nếu là báo giấy thì còn chú ý kích cỡ, bố trí trong mối tương quan phù hợp với những bức ảnh khác.

Trường hợp vì nhu cầu bức bách nào đó phải tôn cao một cá nhân nào đó một cách bất hợp lý thì vẫn có những biện pháp khéo léo, tế nhị, nhưng phải tách rời, không được thể hiện lấn át những vị có chức vụ chính thức và cao hơn.

Về mặt lý luận, nói đến tôn ti, thứ bậc trong truyền thông nói chung, trong truyền thông ảnh nói riêng, là nói đến việc xử lý các mối quan hệ trong thể hiện. Vấn đề là phản ánh chân thực, đúng đắn các mối quan hệ, không làm đảo lộn, biến dạng nhỏ thành lớn, lớn thành nhỏ, trên xuống dưới, dưới lên trên…

Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa quen lắm với truyền thông hiện đại, nên nhắc vấn đề này không thừa. Nhất là gần đây có nhiều vấp váp trong truyền thông.

Truyền thông, đưa tin, đưa ảnh, đưa video… không phải cứ thích thế nào là làm thế đó. Nó có lý luận, giáo khoa, bài bản.

Tin ảnh rất khác với album ảnh gia đình. Album thì ảnh muốn sắp sao cũng được, ảnh người nhỏ trước người lớn sau cũng chẳng có vấn đề, vì đó là việc riêng tư. Ảnh trên facebook cũng thuộc loại chia sẻ riêng tư, dù cho có đông người xem hơn.

Nhưng ảnh trên truyền thông đại chúng, đặc biệt với báo giấy là việc công cộng, có nguyên tắc, trật tự của nó. Xử lý ảnh trên truyền thông đại chúng không khác trên album cá nhân là sự non kém về nghiệp vụ, quê mùa về hiểu biết.

Nếu để lộ ra những dụng ý cá nhân một cách không thích hợp thì càng đáng chê trách hơn.

Hiện nay, kỹ thuật số và mạng internet giúp chúng ta có thể đưa một số lượng ảnh rất lớn về một sự kiện, khác với báo giấy và ảnh chụp phim quang học trước đây, chỉ có thể đưa một số ảnh giới hạn lên trang báo.

Nhưng đưa được nhiều ảnh thì không phải là cứ chụp được ảnh nào thì đưa lên truyền thông đại chúng ảnh đó hay tùy hứng, cản tính, thích tự nhìn hình mình, mình cười, tự sướng thì cứ đưa lên cả loạt, bất chấp tôn ti, trật tự, thứ bậc. Qua việc xem ảnh, công chúng có thể thấy được nhiều thứ phía sau, không chỉ là kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông như đã nói, mà còn là vấn đề giáo dục, lễ phép, lịch sự, văn minh…

MT