Tặng Hoàng Yến
Chuyện xảy ra từ hai năm trước khi tôi là một phụ nữ độc thân tuổi lưng chừng giữa 25 và 30 có nhan sắc cũng dễ nhìn. Tôi có công việc ổn định, có bạn bè tốt và trên hết gia đình tôi khá hòa thuận. Ba, mẹ tôi thuộc loại người biết hy sinh cho con cái. Tôi có một cậu em trai và hai cô em gái, thỉnh chúng tôi cũng “khắc khẩu”, cãi nhau om sòm nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi biết thương yêu nhau. Trong công việc làm nhiều khi tôi cũng gặp những chuyện buồn bực, nhưng tôi cho rằng đó là bản chất của cuộc đời, có lúc thế này, có khi thế khác.
Do nhiều người nói là những người tu thường do chán đời, vì gặp nhiều trắc trở nên mới đi tu để giải nghiệp, nhằm cầu cho một cuộc sống như ý, toại nguyện hơn cho nên tôi phải giới thiệu vòng vo như vậy để chứng tỏ cho mọi người thấy là đối với tôi cuộc sống cho đến thời điểm hai năm trước đó vẫn ổn và cho đến nay vẫn hoàn toàn ổn.
Hai năm trước, tôi là một người “mù” về đạo Phật mặc dù mẹ đem tôi đến chùa quy y năm tôi lên 11 và tôi được đặt cho pháp danh là Diệu Hòa. Mẹ tôi tu niệm Phật nhưng ít khi nói cho chúng tôi biết đạo Phật là như thế nào, thỉnh thoảng biểu chúng tôi chở mẹ đi chùa vậy thôi và chẳng bao giờ khuyến khích tụi tôi tu có lẽ do thấy chúng tôi ham vui quá, biết có nói chúng tôi cũng chẳng quan tâm. Ba tôi thì cũng lạy Phật mỗi khi có dịp, do truyền thống tôn giáo của gia đình, chứ nói về Phật pháp thì Ba tôi cũng chẳng giỏi hơn tôi. Đó là lý do tại sao tôi “mù” về Phật pháp mặc dù tôi khai chữ “Phật” trong cột tôn giáo trên bản lý lịch nộp cho cơ quan hẵn hoi. Tôi cho mình là kẻ vô thần, chuyện tu hành ư? Về già thấy có nhu cầu thì lúc đó tu cũng đâu có sao!
Ngày nọ, tôi bắt gặp người bạn trong cơ quan cứ có chút thời gian rảnh là chúi mũi vào cuốn “Vì sao tin Phật?” của hòa thượng Sri Dhammananda, tôi tò mò hỏi mượn xem thử, từ xem thử hóa ra xem thiệt luôn. Tôi bị lôi cuốn bởi hình ảnh một con người phi thường có một nhân cách cao quí và trái tim từ bi của Đức Phật, một con người toàn hảo, chỉ có một và duy nhất trong toàn thể nhân loại này, người đã trao tặng cho thế gian một thứ giáo pháp siêu việt và tuyệt vời, không một chút giáo điều và hoàn tòan phù hợp với tinh thần khoa học.
Khác với các tôn giáo khác cho con người là một thứ tội lỗi cần phải được cứu rỗi, giáo pháp của Đức Phật đề cao giá trị của con người và Ngài khuyến khích con người, qua sự tu tập, khai thác những năng lực sẵn có trong mình – nhưng do vô minh khuất lấp nên không nhận ra – để có thể làm chủ lấy vận mệnh của mình và có thể đạt đến Giác ngộ. Tuyệt đối trong giáo pháp Ngài, người ta không thể tìm thấy một lời nguyền rủa hoặc một sự đe dọa trừng phạt để bắt con người phải tôn thờ Ngài như một đấng giáo chủ tối thượng do sợ hãi và đồng thời tự biến mình thành một thứ nô lệ tâm linh cho Ngài. Một giáo pháp mới cao thượng làm sao!
Đọc xong cuốn sách tôi tự hỏi tại sao người ta không in thật nhiều cuốn sách như thế này để ấn tống trong chùa. Tôi thấy mẹ tôi đi chùa về hay đem về một vài cuốn sách hoặc có khi là kinh hoặc là chú, tôi do tò mò cầm lên nhìn cái bìa rồi lật vô trong lướt qua vài trang rồi trả lại cho mẹ. Tôi biết mẹ tôi thỉnh thoảng đọc một vài cuốn trong số đó rồi gửi hết về chùa ở quê. Tuy nhiên, với những cuốn sách đại loại như cuốn “Vì sao tin Phật?”, nếu được đem in và phân phát đại trà thì tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người đọc và sẽ truyền cảm hứng đến cho không biết bao nhiêu người trẻ vô thần như tôi, bao nhiêu thế hệ “sồn sồn” cỡ như ba tôi và có lẽ cả những thế hệ thuộc hàng cha chú của ba tôi nữa. Những người này chắc chắn sẽ tìm đến với đạo Phật vì niềm cảm xúc do thấy được ánh sáng trí tuệ và chân lý của giáo pháp tối thượng của Đức Phật chứ không phải đến với đạo Phật như một thứ tôn giáo để cầu xin.
Ý muốn tu tập khởi lên trong tôi từ đó. Tôi thích tu thiền, tôi rất ấn tượng với hình ảnh các thiền sinh ngồi bất động, lưng thẳng, vẽ mặt thư giãn toát ra một sự an lạc của nội tâm. Vả lại, thiền mang tính thời đại và khoa học ( mặc dù thiền (định) đã xuất hiện trước cả thời Đức Phật Thích Ca). Chẳng phải các báo Thanh Niên, Tuổi trẻ … thỉnh thoảng có đăng những mẫu tin hoặc bài cho thấy các nhà khoa học nước ngoài qua nghiên cứu đã chứng minh được công dụng của thiền trong việc chữa trị một số căn bệnh như AIDS, tim mạch, huyết áp, thần kinh… và ngay cả trong cai nghiện ma túy hay sao, nhưng ngặt nỗi tôi không có thời gian do đi là về phải phụ mẹ làm việc nhà. Muốn tu thiền nghe nói phải lên chùa thường xuyên để học, phải có thầy hướng dẫn chứ không thì sẽ bị “lạc”, hoặc là “tẩu hỏa nhập ma” hoặc là bị “điên”, vì vậy mặc dù tài liệu về tu thiền cũng khá nhiều nhưng tôi không dám dựa theo tài liệu để tự tu.
Mẹ tôi nói hay tu tịnh độ đi, niệm Phật dễ lắm, không cần thầy, đi, đứng, nằm, ngồi gì niệm cũng được, chết còn được sanh về Cực lạc. Tôi lắc đầu, tôi nghe mẹ tôi và mấy bà bạn đồng tu mỗi lần gặp nhau là cứ than cõi Ta Bà này chán lắm toàn là phiền não, dứt khoát phải tu để lên Cực Lạc. Cõi ấy theo như mẹ tôi nói thì đất bằng vàng, lầu gác bằng lưu ly, xa cừ, mã não, muốn ăn đồ ăn hiện ra cho ăn, muốn mặc thì áo quần hiện ra cho mặc… đối với tôi, thú thật, điều ấy nghe cũng kỳ dị như khi nghe con nhỏ bạn theo đạo Thiên chúa nói rằng Chúa lấy đất sét nhào nặn thành hình người, rồi thổi một hơi để biến cục đất sét thành ông Adam, rồi lấy một cái xương sườn của ông Adam biến nó thành bà Eva.
Vả lại, nếu cõi Cực lạc có thật thì cũng không phải là cái đích mà tôi muốn tìm đến, cuộc sống của tôi ở cõi Ta Bà này cho dẫu có buồn, có vui, hạnh phúc và đau khổ đan xen lẫn nhau nhưng vẫn ổn, tôi còn có những dự án, còn có tương lai dài trước mắt với những buổi tiệc tùng và vui chơi với bạn bè. Tận hưởng những niềm vui qua những gì mà thế giới thực tại mình đang sống đây có thể đem lại cho mình chẳng tốt hơn là cho nó là một thứ gì đáng chán ghét và cứ mong ngóng tới một cái thế giới được tin là hết sức tốt đẹp sau khi chết sao?
Tôi thích quan niệm của thầy Nhất Hạnh, tu là làm sao để chuyển hóa cái tâm để có thể có được hạnh phúc (cực lạc) ngay trong hiện tại. Một thế giới Cực lạc sau khi chết phỏng có ich gì nếu trong kiếp sống hiện tại này ta chẳng tự có thể bằng lòng với chính mình, cứ vướng mắc trong cái vòng oan trái, phiền não và sầu khổ tạo ra bởi tham, sân và si?
Tôi quyết định niệm Phật, nhưng niệm danh hiệu của Đức Phật Thích Ca. Niệm Phật đối với tôi là một phương tiện để xả bỏ bớt tham, sân, si và có thể giữ chánh niệm mà đi khi chết (việc này chỉ là phòng hờ thôi vì tôi it khi nghĩ tới cái chết lắm!) Thế giới nào tôi đến sau khi chết cũng được, miễn là tôi luôn được sinh ra trong một gia đình có chánh kiến để tôi có thể tiếp tục con đường tu tập của mình. Nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ mãi mãi là một phật tử, chỉ vậy thôi.
Chín chữ “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” như suối nguồn tươi mát tưới tẩm tâm của tôi và đã tạo một biến chuyển vô cùng lớn đối với cuộc đời tôi. Mỗi khi tôi vui tôi chẳng nhớ tới Đức Phật, nhưng những lúc tôi muộn phiền, sân hận hoặc tâm mình chạy theo những ước muốn, khao khát, tham vọng mà mình khó thực hiện được, tôi luôn tìm một góc thật yên, ngồi và tưởng niệm đến Ngài. Vẽ mặt trầm tĩnh, từ bi với nụ cười tỏa ngời sự tự tại của Ngài hiện ra trước mắt tôi, tôi nghĩ đến những phẩm hạnh cao quý của Ngài thế là mọi phiền não, sân hận lắng xuống. Cứ từ từ từng chút một như thế, tôi chặt dần từng chiếc rễ tham, sân, si và càng thấy cuộc sống mỗi ngày một nhẹ nhàng hơn cho đến khi ra hoàn toàn tâm đắc với cái lý của thầy Nhất Hạnh: Tu tập là tìm một cõi cực lạc ngay trong giây phút hiện tại chứ không phải là để “đầu tư” cho một thế giới cực lạc trong tương lai hoặc sau khi chết. Nhỏ em kế tôi cũng theo tôi niệm Phật Thích Ca và chúng tôi lập thành một đạo tràng nhỏ tại nhà. Mẹ tôi cười, “Bọn trẻ tụi bây chỉ thích làm chuyện khác người!” Ai hỏi tôi tu gì, tôi nói tôi tu niệm Phật, nhưng luôn luôn nhấn mạnh :”Tôi niệm Phật Thích Ca”, tôi rất tự hào và hãnh diện khi tự coi mình như là một “fan” của Đức Phật Thích Ca.
Rút từ kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi thấy rằng pháp môn niệm Phật sẽ lôi cuốn được nhiều người hơn nếu tổ chức những đạo tràng niệm Phật Thích Ca song song với những đạo tràng niệm A Di Đà vì nó đáp ứng được như cầu tâm linh của những người muốn tu nhưng không muốn vãng sanh như tôi. Đâu phải ai là người cũng dễ tin và có đức tin sâu để tin vào một thế giới mà mình không hề thấy. Thực sự, ngày nay, giới khoa học vừa mới phát hiện ra rằng những người có đức tin sâu là những người có “gien”, mà đã là có “gien” thì tỳ lệ số người này (so với tổng dân số) là đương nhiên không có nhiều, trong khi những người thuộc loại vô thần như tôi càng ngày càng tăng. Các bạn không tin ư? Bạn không thấy người dân Tây Phương càng ngày càng bỏ đi nhà thờ sao và rất nhiều nhà thờ phải bán cho Phật giáo để xây dựng các trung tâm Phật giáo, chùa và thiền viện đó sao?
Niệm Phật Thích Ca, ngoài việc thích hợp cho những phật tử vẫn còn “ơ hờ” với đạo Phật vì lý do như tôi trước đây, sẽ rất thích hợp cho các em học sinh nếu các em không quen ngồi thiền. Niệm Phật, được xem như là một phương pháp giúp các em phát triển khả năng định tâm trong học tập, kết hợp với những buổi giáo lý để truyền giảng dạy cho các em về cuộc đời của Đức Phật, nhân cách cao quý và giáo pháp cao thượng của Ngài, sẽ là một luồng gió lành và mát mẽ tưới tẩm tâm hồn các em. Đảm bảo rằng, qua sự hướng dẫn tu tập như vậy, Phật pháp sẽ đi vào tâm hồn của các em và bám rễ chắc chắn trong ấy. Thấm nhuần giáo lý của Đức Phật, các em lớn lên và trở thành người có trách nhiệm với gia đình và hữu ích cho xã hội vì chẳng phải giáo lý của Đức Phật dạy toàn những điều hay, lẽ phải đó sao?
(Viết theo lời kể của Hoàng Yến)
Để kính tri ân Đức Phật, đấng cha lành, vị thầy cao cả nhân ngày khánh đản.