Chuyện đi tu của tôi là do mẹ tôi sắp đặt vì trong nhà chỉ còn mình tôi là con trai. Mẹ sợ tôi bị bắt lính và cũng muốn giữ tôi lại để mẹ con gần nhau thì chỉ còn cách gửi tôi vào chùa.Tuổi 16 bao nhiêu ước mơ, hi vọng cho tương lai và kỷ niệm đẹp của học trò, tất cả chuyện đời trần đành phải xếp lại sau lưng, đường đi trước mặt tôi là chuyện tu hành khổ hạnh.
Cái ngày buồn nhất của tôi lúc đó là nhìn những mớ tóc đen trên đầu được sư cụ cạo rơi xuống sân chùa bay theo gió, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ chảy từng giọt, tiếc lắm nhưng làm sao bây giờ? Tôi tự nhủ chuyện đạo phải khác đời là thế, cái đêm xuống tóc đó tôi không sao ngủ được vì da đầu lúc nào cũng lạnh, ngủ không được càng nhớ nhà, nhớ những lời mẹ dặn “ba con hi sinh, các anh con đi bộ đội, con phải là người trụ cột cho gia đình sau này”. Chính câu nói này nên tôi nghĩ chuyện đi tu của mình là do hoàn cảnh chiến tranh và đó chỉ là thời gian.
Nhưng ở lâu ngày trong chùa, đọc kinh Phật, ăn cơm chay, làm công quả, sống yên lặng trong mùi trầm hương huyền bí, đã làm tôi quen dần với chuyện tu hành, chuyện đời trần còn đọng lại trong tôi rất ít và chính nơi đây tôi đã học được rất nhiều từ lời dạy của sư cụ trụ trì. Ông dạy các đệ tử “tu để làm người tốt, biết làm lành, tránh chuyện dữ, nếu ai cũng làm tốt như kinh Phật dạy thì đó là niết bàn của trần thế, còn ai đó nói tu để thành Phật là chuyện không tưởng, người tin Phật thì có Phật trong tâm, người tà gian thì lúc nào cũng có ma đưa đường, quỉ dẫn lối. Trong cuộc sống đời thường của con người bao giờ cũng có cái thiện, cái ác ở quanh ta và sự cám dỗ của vật chất làm tinh thần, tính khí của con người dễ bị mê muội nếu ta không có lòng tin về lời dạy đức Phật”.
Đất nước thống nhất tôi hoàn tục, bây giờ tôi là một công chức ở tuổi ngoài 40. Đã sống nửa đời người tôi không bao giờ quên người đã dạy tôi cách sống làm người, giúp tôi vượt qua khó khăn trong những năm chiến tranh ác liệt. Có được đạo đức, sự nghiệp và cuộc sống gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay chính là nhờ tôi đã học được ở ngũ giới cấm của nhà Phật mà sư cụ đã dạy: “Không nói dối, không tham lam trộm cắp, không uống ruợu say sưa, không sát sinh, không tà dâm”. Sư cụ trụ trì đã thành người thiên cổ, nhưng lời dạy của người về đạo làm người lúc nào cũng luôn ở bên tôi, nhắc nhở tôi trong công việc hằng ngày của một người công chức.
Được củng cố thêm tư tưởng Hồ Chí Minh “cần kiệm, liêm chính…”, tôi thấy mình thoát khỏi được sự tham lam vật chất và bon chen quyền lực. Tôi nghĩ xã hội càng phát triển, nhu cầu cuộc sống càng cao, bản thân người công chức cũng phải nâng cao đạo đức và danh dự để làm công việc được Đảng và Nhà nước giao phó. Sống nhờ dân thì phải làm cho dân.
THÍCH TRÍ THÔNG (Bến Tre)