Trang chủ Diễn đàn Tôi không thể tin nổi: Thư phương xa gửi ông Dương Ngọc...

Tôi không thể tin nổi: Thư phương xa gửi ông Dương Ngọc Dũng

7916

Hôm nay bần Ni thật hân hạnh được tiếp chuyện với ông trên trang giấy trắng.Thưa ông, xin phép cho tôi được xưng hô với ông là bần Ni, vì bần nghĩa là nghèo, Ni nghĩa là người nữ xuất gia bằng cách xin ăn của thập phương tín thí ngày ba bữa, đủ để nuôi thân, tu hành theo Phật và đền đáp Tứ ân bao gồm, ân quốc gia, xã hội, ân sông, núi, ruộng đồng, ân cha mẹ Thầy Tổ, ân bằng hữu, xóm làng. Và như ông nói: “Tu sĩ chúng tôi là những người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng”… nên tôi nghĩ xưng danh bần Ni với ông là chuẩn nhất.

Thưa ông, bần Ni đã đọc đi đọc lại bài bài báo được đăng trên một tờ báo điện tử Zing.vn ngày 12-10-2019 với tiêu đề “Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được”, về phát ngôn của ông với nhà báo Hoài Thanh qua vụ việc Thầy Thích Thanh Toàn. Thành thực mà nói, cho đến tận bây giờ bần Ni vẫn không thể tin nổi..

Bần Ni không thể tin nổi, một người có học vị tiến sĩ tôn giáo học, tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ), tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ), tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ), Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia  TP.HCM….lại có những lời nói không nên có trong tư duy, cách nhìn, cách nghĩ, cách phát ngôn của một người làm công tác nghiên cứu liên quan đến lãnh vực Tôn giáo. Hơn nữa, với chức danh Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng ông lại nhìn nhận Tôn giáo đạo Phật thiếu hẳn tính nhân văn, khoa học, càng không hiểu biết thế nào là Kinh tế Phật giáo và cách xử lý các mối quan hệ mang tính Quốc nội chứ đứng nói đến tính Quốc tế.

Thưa ông, với một người làm công tác nghiên cứu khi nghe, nhìn hay đọc bất cứ một vụ việc gì, sự kiện gì dính dáng đến vấn đề nhạy cảm Tôn giáo hẳn ông nên có óc phân tích đa chiều, đánh giá khách quan. Chứ đằng này ông “phán” một câu mà các cụ hay bảo như Thánh phán: “Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được”, trong bài báo ông cònbàn luận rất nhiều vấn đề, xong bần Ni chỉ xin nói đến một vài vấn đề căn bản mà ông đã “phán” thôi ạ.

Thứ nhất, ông “phán” “Sư Thanh Toàn tham gia kinh doanh, làm cho số tài sản đó lớn lên thành số tài sản khủng như hiện nay thì hoàn toàn trái với giới Luật Phật giáo” vì theo ông trong Tứ Phần luật nói?. Xin hỏi ông Sư Toàn kinh doanh mặt hàng gì? Và tài sản 300 tỷ định giá trên các bất động sản mà Sư Toàn đã dày công tạo dựng trong nhiều năm qua là trái luật Phật giáo ở chỗ nào?

Thưa ông, bần Ni xin bổ khuyết với ông là trong đạo Phật tài sản như tiền bạc, của cải vật chất các thành viên trong Tăng đoàn không được phép cất giữ, chiếm dụng làm của riêng vì những thứ đó Đức Phật không coi đó là tài sản, chúng chỉ là phương tiện phục vụ cho đời sống mà thôi. Tài sản được Đức Phật công nhận, đạo Phật coi trọng đó là tài sản tinh thần nhưng lại có khả năng làm ra của cải vật chất, tạo dựng mộtđời sống càng thịnh vượng nếu bất cứ ai sở hữu chúng. Đó là những phẩm chất như;Tín, Giới, Tàm, Qúy, Văn, Thí, Tuệ.[1]Theo Đức Phật,bảy thứ tài sản này không bị lửa thiêu, nước cuốn trôi, bị đánh cắp, chiếm đoạt, vì sao?, ví dụ như vàng bạc, chỉ có ích lợi trong hoàn cảnh thuận duyên, thuận cảnh,nhưng khi đang sắp chết đói, chết khát giữa sa mạc, hoặc thuyền nặng sắp chìm, người ta sẽ quẳng bỏ chúng vì trọng lượng của nó.

TS. Dương Ngọc Dũng ( Hình: Internet)

Thứ hai, ông nói: “Đi tu mà có 300 tỷ là trái luật, không thể biện luận được”? thưa ông việc người xuất gia có 300 tỷ là sai?Vậy sai ở chỗ nào?sai hay đúng không xuất phát từ việc có 300 tỷ mà nó đến từ việc cách chúng ta sử dụng 300 tỷ đó như thế nào. Nếu các nhà Sư không có tiền, không có 300 tỷ thì lấy đâu những con đường, những giếng khoan, những căn nhà từ thiện được xây trên khắp ba miền đất nước cho các gia đình nghèo, lấy đâu áo ấm, mỳ tôm cho người dân lam lũ khi lũ lụt, thiên tai tràn đến, lấy đâu đôi mắt sáng, trái tim hồng cho các bệnh nhân nghèo không đủ chi phí mổ mắt, mổ tim.

Thưa ông số tiền 300 tỷ được định giá trên khối bất động sản thuộc khối quần thể di tích chùa Nga Hoàng chỉ là một hạt cát nhỏ trong muôn ngàn hạt cát mà các nhà Sư đã như con trai tự cứa mình đau nhói, rớm máu trong cát để chắt chiu, dâng cho đời những hạt ngọc trai sáng lấp lánh tình người, tình thương nhân loại đấy ông ạ. Chỉ tính riêng công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ VI (2007-2012)Phật giáo cả nước đã quyên góp cho công tác đảm bảo an sinh xã hội trị giá hơn 2.879 tỷ đồng.Năm 2018, tổng số tiền từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hơn 2.200 tỷ đồng.[2]

Thưa ông những giá trị kinh tế mà các nhà sư Phật giáo mang đến cho tha nhân, cộng đồng là không thể đánh giá nổi đấy ạ. Các nhà Sư không chỉ sở hữu 300 tỷ Việt Nam đồng mà các nhà Sư khác trên thế giới còn sở hữu nhiều tài sản, bất động sản thuộc dạng vĩ đại hơn nhiều. Có như vậy họ mới thực hành trọn vẹn công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mới trực tiếp góp tiền bạc, vật chất, phương tiện, thuốc men, thực phẩm, nước sạch đến các vùng thiên tai, thảm họa động đất, sóng thần trên thế giới còn nhanh hơn cả nhân viên cứu trợ của Liên hiệp Quốc đấy ạ.[3]

Vào năm 2011 tạp chí Time – Mỹ đã tôn vinh Pháp sư Chứng Nghiêm – Dharma Master Cheng Yen một vị Ni lãnh đạo tôn giáo của đạo Phật Đài Loan là một trong 100 người có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới vì những giá trị đóng góp trên các lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, cứu trợ thiên tai của Ni sư.[4]Nếu nói như ông, đi tu có 300 tỷ là sai luật thì các cơ sở tự viện, tổ chức từ thiện này sao có thể giảm thiếu khoảng cách đói nghèo, duy trì sự ổn định kinh tế trong khu vực nếu trong tay họ chỉ có 300 tỷ VN đồng?.

Thưa ông, với chức danh Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế, chắc hẳn ông thừa biết rằng nền kinh tế thế giới hiện nay đang gặp nhiều bất ổn, sau khi Raghuram G. Rajan, giáo sư lừng danh, chuyên giảng dạy về Tài chính tại trường đại học Chicago – Mỹ xuất bản cuốn sách: Fault Lines: How Hidden Fractures Still Threaten the World Economy[5]vào năm 2011, bàn về những quan ngại của nền kinh tế toàn cầu được đưa ra, thì cuốn sách khác có tựa đề: Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty[6]đã được xuất bản vào năm 2013 bởi Daron Acemoglu, chuyên gia trong lĩnh vực Kinh tế chính trị, Phát triển kinh tế, hiện giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts – Mỹ, và James A. Robinson một nhà kinh tế,  nhà khoa học chính trị hiện giảng dạy tại trường Đại học Chicago – Mỹ. Trong đó có một phần nói về tình trạng nghèo khổ ở các nước đang phát triển và những người cực nghèo đang phải vật lộn để sống với mức dưới 1,25 đô la một ngày.Và để giải quyết những vết nứt gãy, bất ổn, bất bình đẳng đang đe dọa nền kinh tế thế giớihiện nay,các giáo sư, tiến sĩ có lương tri đã thể hiện quan điểm thông qua các ấn phẩm của mìnhnhư: Wisdom of Sustainability: Buddhist Economics for the 21st Centuryby Sulak Sivaraksa,[7] tác phẩm như một bước đột phá tiếp theo mà F. Schumacher trước đó đã đề cập về Kinh tế Phật giáo trong tác phẩm đã quá nổi tiếng của ông là: Small Is Beautiful: Astudy of Economics as if People Mattered,[8]tuy nhiên, ý tưởngtuyệt vời của F. Schumacherchưa được các nhà Kinh tế áp dụng và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những gì được bàn đến trong Small Is Beautiful dường như đang được “khai quật lại”, bàn đến như The Buddha on Wall Street: What’s Wrong with Capitalism and What We Can Do about It[9]của Vaddhaka Linn cùng vài ấn phẩm khác, và gần đây nhất là tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá rất cao với tựa đề: Buddhist Economics An Enlightened Approach to the Dismal Science[10]bởi giáo sư chuyên ngành Kinh tế học Clair Brown hiện đang công tác tại trường Đại học California-Berkeley. Trong tác phẩm của mình, tác giả đã đưa ra những luận thuyết hết sức chặt chẽ, thuyết phục về một nền kinh tế mới, được xây dựng dựa trên sự bình đẳng, bền vững và đúng đắn đó là nền Kinh tế Phật giáo. Tác giả đã đưa ra khuyến nghị rằng chúng ta phải tạo ra những thay đổi và đây là thời gian để bắt đầu một cuộc đối thoại về cách chuyển hướng sang nền Kinh tế Phật giáo vì Kinh tế Phật giáo sẽ hướng dẫn chúng ta cách tạo ra một nền kinh tế ổn định, đó là một lối sống tràn đầy ý nghĩa cho mọi người.

Sư thầy Thích Thanh Toàn ( Hình: Internet)

Thứ ba, với chức danh Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, đáng nhẽ ông nên đặt lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và tương lai của thế hệ trẻ mà truyền trao cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước này về tính khoa học, nhân bản, nhân văn của Đức Phật, đạo Phật về những đóng góp của kinh tế Phật giáo trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay. Chứ đằng này, ông lại đi ngược lại tâm thế, tư cách của một Tiến sĩ khi “Mượn gió bẻ măng” lợi dụng những sai lầm ở tầng tháp thứ nhất thuộc nhu cầu Maslow, nhu cầu bản năng gốc của con người, của cá nhân Sư Toàn để nhạo báng về các Tăng sĩ Phật giáo, và ông phán như đúng rồi: Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu, ô hay, sao ông lại nghĩ một cách đơn thuần là một bộ phận quần chúng nhân dân, những thanh niên trẻ nghe ông nói như vậy sẽ Nhổ lúa, trồng đay như cách Phát xít Nhật đã làm với người dân Việt Nam ta trong thời kỳ kháng Nhật hay sao?.

Bất cứ một hình thái tổ chức nào kể cả đạo Phật cũng nằm trong quy luật phát triển, đào thải.Đảng nhà nước ta chỉ tính từ năm 2016 đến nay đã kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp[11], nhưng đâu phải vì thế mà các lực lượng thù trong, giặc ngoài có thể gây sóng gió với nhà nước này.

Chắc ông chưa quên bản báo cáo đau lòng, dài như sông Mississippi của một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ được thông báo vào thứ ba, ngày 14, tháng 8, 2018 về vụ việc hơn 300 Giám mục và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội Công giáo La Mã ở Pennsylvania – Mỹ đã lạm dụng tình dục hơn 1000 trẻ em trong suốt 15 năm, kể từ khi những cáo buộc bùng nổ xuất hiện từ Boston năm 2002.[12]Nói vậy để ông không quên triết lý đơn giản là nếu ông bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã trả ông bằng đại bác đấy.

Trở lại vụ việc sư Thanh Toàn, người có óc phân tích đều biết chủ đích của nữ nhà báo là “đánh” doanh nghiệp Sun Group nhưng đánh không nổi nên chuyển qua “đánh” sư Toàn, mà người xưa nói rồi, “Nắm người có tóc, chứ ai nắm kẻ trọc đầu”. Đâu phải vì vài lời gạ tình vu vơ mùi mẫn của một cá nhân mà quần chúng nhân dân mất lòng tin vào đạo Phật, đức Phật. Ông nghĩ rằng vài lời nói của ông có thể dẫn dắt được công luận hay sao, ông nghĩ rằng đạo Phật đã mất gốc tại nơi quê hương khai sinh ra nó nghĩa là nó lung lay hay sao?

Thưa ông, hay là ông lo sợ rằng hiện nay giới phương Tây theo Phật nhiều quá, vì đạo Phật thỏa mãn đầy đủ về phương diện tâm linh tín ngưỡng và nhu cầu tri thức của thời đại, nên ông đã thừa dịp “Đục nước béo cò” lung lạc niềm tin, oanh tạc sự tự do tín ngưỡng của một bộ phận công chúng tri thức hiện nay đang có cảm tình với Phật giáo.

Không ông nhầm rồi, đạo Phật vẫn cắm sâu gốc rễ nơi nó sinh ra, vươn mình ra thế giới và sẽ trổ quả trong tương lai gần đây thôi, khi mà nhà sử học kiệt xuất của thế giới đương đại Yuval Noah Harari trong tác phẩm:21 Lessons For The 21st Century,[13]được tầng lớp tri thức trên thế giới coi như một bậc thầy của thời đại chúng ta,[14]tác giả đã tiết lộ rằng nhờ thực hành theo giáo lý nhà Phật, đặc biệt là Thiền quán mà ông có cái nhìn sâu sắc và viết ra những cuốn sách toàn thuộc hàng Best Sellers, đến tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đều khuyến khích và giới thiệu cho mọi người đọc nó.

Và cuối cùng để trấn an dư luận về cái mà ông gọi là đạo Phật đã lung lay từ lâu bần Ni xin cung cấp cho ông một bản danh sách dài như sớ Táo quân về các siêu sao, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới theo Phật, học Phật, tu Phật mà chắc chắn khi đọc danh sách này ông cũng sẽ Shocked như tiêu đề bài báo đưa ra: 50 Famous Buddhist Celebrities You’ll Be Shocked To See[15]

P/S: Bần Ni để nguyên các tiêu đề, nguồn tài liệu trích dẫn bằng tiếng Anh mà không dịch ra tiếng Việt Nam vì bần Ni biết rằng, với trình độ của một Tiến sĩ được đào tạo tại phương Tây như ông, ông sẽ thừa hiểu ý nghĩa của chúng.

Chúc Ông sức khỏe

Linh Thuần

( Bài viết trên bày tỏ quan điểm cá nhân tác giả)

[1] See The Anguttara – Nikāya (The Book of The Gradual Sayings), Translated from Pāli by F.L. Woodward, Published by Motilal Banarsidass, Pvt.Ltd, Delhi, 2006, Vol. IV, The Book of The Sevens, Chapter 1. Treasures, p.3.

[2]Nguồn http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-voi-cong-tac-tu-thien-xa-hoi-27694.htmlX.

[3]Nguồn http://tw.tzuchi.org/en/

[4]Nguồn http://content.time.com/time/specials/packages/article/0,28804,2066367_2066369_2066393,00.html

[5]Nguồn https://press.princeton.edu/books/paperback/9780691152639/fault-lines

[6]Nguồn https://www.penguinrandomhouse.com/books/205014/why-nations-fail-by-daron-acemoglu- and-james-a-robinson/

[7]Nguồnhttps://theecologist.org/2011/mar/24/wisdom-sustainability-buddhist-economics-21st-century

[8]Nguồn https://www.theguardian.com/commentisfree/2011/nov/10/small-is-beautiful-economic-idea

[9]Nguồn https://www.windhorsepublications.com/product/the-buddha-on-wall-street-whats-wrong-with- capitalism-and-what-we-can-do-about-it/

[10]Nguồn https://www.bloomsbury.com/us/buddhist-economics-9781632863669/

[11]Nguồn http://dangcongsan.vn/phap-luat/hon-70-can-bo-cao-cap-bi-xu-ly-ky-luat-539109.html

[12]Nguồn https://www.nytimes.com/2018/08/14/us/catholic-church-sex-abuse-pennsylvania.html

[13] Nguồn https://www.penguin.co.uk/books/111/1115346/21-lessons-for-the-21st-century/9781784708283.html

[14] Nguồn https://www.penguin.co.uk/books/111/1115346/21-lessons-for-the-21st-century/9781784708283.html

[15] Nguồn https://www.thedailymeditation.com/50-surprising-celebrity-buddhists-36-stunned-us