Tại sao chúng ta lại xin phép một khái niệm mới là “kiệu Phật”, mà lại không thực hiện diễn hành xe hoa như mọi năm?
Cái khác là, chỉ cần cân đối lại tốc độ xe hoa, nếu cần thì xin phép điều chỉnh tốc độ xe hoa, một điều chắc chắn dễ dàng hơn rất nhiều so với xin phép với một tên gọi mới, vì diễn hành xe hoa Phật đản đã là một sinh hoạt truyền thống, có từ gần 50 năm trước, được cấp phép phục hồi từ hơn 10 năm, và có lẽ, không quy định cụ thể tốc độ lưu thông của xe hoa.
Trong lý luận tổ chức sự kiện, đặc biệt, được đào tạo đối với các cán bộ công tác trong ngành văn hoá tư tưởng, thì diễn hành trên đường phố với các phương tiện hỗ trợ, trong đó có xe hoa trang trí nhiều màu vẻ là một nội dung quan trọng.
Xe hoa Phật đản thuộc loại xe hoa ban đêm dùng đèn và di chuyển với tốc độ nhanh trên các đường phố lớn, khoảng 25 – 30 km/giờ, đi qua nhiều đường phố trong một thời gian có hạn vào ban đêm.
Ngoài ra, còn có xe hoa tốc độ chậm, có thể đi kèm với diễn hành quần chúng. Tốc độ xe chỉ khoảng 2 – 4km/giờ, tương ứng với tốc độ đoàn người đi bộ. Loại xe hoa tốc độ chậm này không nhằm mục tiêu đi qua nhiều đường phố, mà chỉ chú trọng đến việc diễn hành trên quảng trường, sân vận động, các đại lộ chính, có thể diễn hành cả ban ngày lẫn ban đêm.
Hình thức xe hoa mà chúng ta nhìn thấy trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là dạng xe hoa tốc độ chậm.
Dễ có cảm tưởng xe hoa tốc độ chậm là hình thức diễn hành riêng ở các nước Xã hội Chủ nghĩa, với diễn hành quần chúng công nhân, nông dân, trí thức…
Xem trên các kênh truyền hình Liên Xô trước đây vào các ngày Quốc tế Lao động, ngày Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, và hiện nay trên các kênh truyền hình CCTV (Trung Quốc), KCTV (Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên), LNTV (Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào)… vẫn thấy phổ biến hình ảnh xe hoa tốc độ chậm tươi rói cờ và hoa trong các ngày lễ.
Nhưng thực ra xe hoa tốc độ chậm là phương tiện lễ hội của toàn thế giới. Đó là phương tiện lễ hội trên đường phố, Cacnavan, kèm với diễn hành dàn nhạc, đội múa, đội hoá trang… Đương nhiên tốc độ cũng chỉ 2 – 4km/giờ.
Phật giáo Việt Nam chúng ta đã quen với hình thức xe hoa tốc độ nhanh trong các dịp đại lễ Phật đản, nay có thể thử nghiệm hình thức xe hoa tốc độ chậm và hoạt động ban ngày. Chủ trương và việc cấp phép xe hoa Phật đản đã có từ các năm trước. Thiết tưởng việc chỉ điều chỉnh tốc độ sẽ không có vấn đề gì lớn.
Diễu hành xe hoa tốc độ chậm đã có trong ngày Vía bà Thiên Hậu, được tổ chức ở Thủ Dầu Một, Bình Dương từ những năm 1990 vào ngày rằm tháng giêng. Trên xe hoa có các diễn viên hoá trang thành Bát tiên, Thất tiên cô, Phật Bà Quan Âm, Tôn Ngộ Không và đoàn thỉnh kinh…, di chuyển chậm trên các đường phố lớn thị xã Thủ Dầu Một, từ 15g đến 18g.
Như vậy, thay vì lại xin phép “kiệu Phật”, các chùa hãy cứ theo chủ trương đã có về việc cho phép xe hoa Phật Đản, chỉ cần thay đổi tốc độ, là có được hình thức “kiệu Phật” như mong muốn. Cùng với xe hoa có thể là những đoàn múa rồng, múa lân, là sinh hoạt vẫn thường thấy trong những ngày khánh tiết, đại lễ.
Xe hoa tốc độ chậm có nhược điểm nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Không chạy nhanh được qua nhiều đường phố, nhưng xe hoa tốc độ chậm lại giúp cho quần chúng có thời gian vui hội lâu hơn với xe hoa, có thể hoà vào đoàn xe, vì xe di chuyển với tốc độ người đi bộ (2 – 4 km/giờ), rất thích hợp 1 -2 chiếc xe hoa tốc độ chậm cho một địa phương, hay một đoàn xe ở các đại lộ, quảng trường lớn.
Trong lý thuyết mà chúng tôi được học ở trường đại học sân khấu điện ảnh, xe hoa tốc độ chậm có thể được dàn dựng thành một thứ sân khấu lộ thiên và di động.
Trên xe, với trang trí, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng sân khấu, ban tổ chức có thể tổ chức hoà nhạc, trình diễn ca nhạc, múa, biểu diễn tác phẩm sân khấu các loại như tạp kỹ, kịch múa, ảo thuật, kịch hát…Khán giả vừa đi theo xe hoa tốc độ chậm (tức sân khấu di động) để xem, cổ vũ và đồng thời tham gia vào tiết mục trình diễn một cách nghiệp dư, ngẫu hứng và chia sẻ.
MT