1) Cơ hội đổi mới
Trong thập niên 1990, cơ hội tổ chức lễ hội theo hướng phát triển, quy mô là một cơ hội đến từ cơ hội chung của moi tôn giáo, không riêng chỉ cho Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam chỉ khai thác được một phần cơ hội đó, còn lại đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc.
Bối cảnh của cơ hội đó là công cuộc đổi mới, khởi đầu từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đã được điều chỉnh theo hướng cởi mở, thông thoáng, linh hoạt hơn. Trong đó, gồm cả những quan điểm về chính sách đối với tôn giáo.
Tuy nhiên, quan điểm đổi mới về chính sách đối với tôn giáo không phải sớm được triển khai như những quan điểm trên lĩnh vực chính trị, kinh tế (nửa sau thập niên 1980), mà những quan điểm mới về chính sách đối với tôn giáo được triển khai trải qua một thời gian dài trong cả thập niên 1990. Theo đó, cơ hội đối với các tôn giáo là những biện pháp cụ thể được triển khai dần dần qua nhiều giai đoạn.
Những quan điểm đổi mới trong chính sách đối với các tôn giáo trong năm 1990 dường như một phần chưa được thể hiện rõ ràng cụ thể qua các loại văn bản (nghị quyết, luật, văn bản hành chính, tài liệu hướng dẫn huấn luyện cán bộ), mà trước hết chỉ thể hiện qua những việc giải quyết cụ thể, từng trường hợp một, có khi riêng rẽ.
Những quan điểm đổi mới trong chính sách đối với các tôn giáo rất đa dạng, bao gồm nhiều lãnh vực, khía cạnh khác nhau trong hoạt động tôn giáo. Ở đây, chúng ta đang nói về việc tổ chức lễ Phật đản, nên chỉ đề cập đến hoạt động tổ chức lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong quan điểm trước đây, lễ hội tôn giáo tín ngưỡng chỉ được tổ chức bên trong khuôn viên cơ sở thờ tự, hay thậm chí có thể chỉ giới hạn trong nội thất cơ sở thờ tự. Do vậy, việc tổ chức những lễ hội lớn tập trung đông người đã là không thể, huống chi có thể diễn ra trên đường phố, nơi công cộng.
Từ khi đổi mới, sự hạn chế nói trên đã được nới lỏng, nhưng không phải tức khắc trong một thời điểm, mà diễn ra dần dần. Hệ quả là nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian tại nơi có không gian tổ chức vượt ra ngoài cơ sở được xem xét phục hồi, còn về tôn giáo, một số buổi lễ cũng đã quy tụ đông người tham dự, vượt ra khỏi giới hạn của khuôn viên cơ sở thờ tự, với điều kiện đó chỉ là khôi phục các buổi lễ đã có trước năm 1975.
Vì vậy, đã có những buổi lễ tín ngưỡng, tôn giáo trên đường phố với hai trăm ngàn người tham dự. Thí dụ, lễ rước vía Đức Ngọc Hoàng Thượng đế trên đường phố nội ô Tòa thánh Tây Ninh. Các tôn giáo tại nhiều địa phương cũng được phép tổ chức những buổi lễ rước.
Lễ hội rước kiệu bà Thiên Hậu, Bình Dương, diễn ra trên nhiều đường phố thị xã Thủ Dầu Một, với cả trăm ngàn người.
Phật giáo Việt Nam không phải là không biết đến cơ hội này. Xe hoa Phật đản, trước hết tại TPHCM, đã được phục hồi, như là sự trở lại của một hình thức lễ hội Phật đản đã có từ trước năm 1975. Như thế, sau khoảng 20 năm, người dân TPHCM mới có dịp nhìn thấy lại xe hoa Phật đản trên những đường phố chính, cùng với lá cờ Phật giáo.
Việc cho phép xe hoa Phật đản, và sau đó xe hoa trong một số ngày lễ tôn giáo khác, trước hết tập trung ở Nam Bộ, là sự thể hiện quan điểm không nhất thiết giới hạn các cuộc lễ chỉ trong cơ sở thờ tự. Những cuộc lễ tôn giáo vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn người tại Tây Ninh, La Vang (Quảng Trị), Phú Tân (An Giang)… quả là một cơ hội mới cho hoạt động tôn giáo.
2) Chỉ khai thác một nửa
Đối với Phật giáo, cơ hội này vào những năm 1990, chỉ được khai thác một nửa, còn một nửa bị bỏ lỡ. Lễ Phật đản tại lễ đài tập trung vẫn chỉ được tổ chức trong khuôn viên chùa, mà ở TPHCM là chùa Vĩnh Nghiêm.
Trong tinh thần có thể khôi phục lại những hoạt động tôn giáo đã có, thì hình thức Lễ Phật đản tập trung đông người nơi công cộng vẫn là một hình thức có thể khôi phục, nếu phía Phật giáo nỗ lực.
Hình thức Lễ Phật đản quy tụ đông người nơi công cộng không phải chỉ có trước năm 1975, mà vẫn tồn tại nhiều năm sau 1975, và đến năm 1982 được tổ chức rất lớn, rất đông người tham dự (xem bài: Tổ chức Lễ Phật đản: Cơ hội bị bỏ qua (Bài 2 – thập niên 1980), cùng tác giả Minh Thạnh).
Phía Phật giáo không chú ý điểm này, nên số lượng xe hoa Phật đản trong thập niên 1990 ngày càng nhiều lên, nhưng số lượng người tham dự Lễ Phật đản tại lễ đài tập trung, do giới hạn trong sân chùa, nên chỉ cố định ở mức vài ngàn người, không thể gia tăng gì được.
Các cuộc Lễ Phật đản do Phật giáo cấp tỉnh thành tổ chức, vì giới hạn trong sân chùa, nên quy mô chỉ tương đương những thánh lễ Noel trong sân những thánh đường giáo xứ đạo Thiên chúa (cấp cơ sở, làng xã).
Trong chiều hướng lễ hội tôn giáo gia tăng liên tục số lượng người tham dự, thì lễ Phật đản tập trung vẫn cố định số người tham dự, là một biểu hiện đi xuống, trong bối cảnh gia tăng dân số chung. Chẳng hạn, dân số TPHCM đã tăng gấp đôi so với trước 1975, nhưng số người tham dự Lễ Phật đản tập trung lại vẫn ở mức thấp hơn 1975 trong rất nhiều năm, cả vào thập niên 2000 sau đó.
Số lượng người dự Lễ Phật đản tập trung không tăng, vì vậy Lễ Phật đản, trong thập niên 1990, vẫn là ngày lễ tôn giáo có ảnh hưởng xã hội đứng thứ 3 tại Việt Nam sau lễ Noel và lễ Vu lan. Không khai thác được cơ hội trong những năm 1990, Phật giáo Việt Nam không tạo được chuyển biến cơ bản trong việc tổ chức Lễ Phật đản, như trường hợp ở nhiều tôn giáo khác. Tại một số tỉnh Nam Bộ, vùng đất khởi nguyên và phát triển của một số tôn giáo nội sinh, Lễ Phật đản đã là ngày lễ tôn giáo đứng thứ 4 về ảnh hưởng xã hội, thậm chí có nhiều người không biết đến.
Ở miền Bắc việc tổ chức Lễ Phật đản có chuyển biến. Lễ Phật đản đã được dần dần tổ chức vào ngày rằm tháng 4, thay vì mùng 8 tháng 4 như trước. Phật giáo miền Bắc không có cơ hội là phục hồi các hình thức Lễ Phật đản trước năm 1975, nhưng cơ hội đó vẫn tồn tại dưới mục tiêu tổ chức Lễ Phật đản trong một giáo hội duy nhất. Kết quả đạt được là khích lệ. Tuy nhiên, Lễ Phật đản ở miền Bắc trong năm 1990 vẫn là một ngày lễ bên trong cổng chùa. Sự tiến triển cũng không đồng đều. Nhiều địa phương ở miền Bắc thập niên 1990 chưa biết đến Lễ Phật đản vào ngày rằm tháng 4 âm lịch hoặc chỉ mới biết rất ít.
Nhưng cơ hội mở ra chung với các hoạt động lễ hội tôn giáo tín ngưỡng vào thập niên 1990 trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam chưa khai thác triệt để, lại có tác dụng phụ không tích cực đối với việc tổ chức Lễ Phật đản. Nhiều lễ hội tôn giáo tín ngưỡng dân gian phục hồi rất mạnh trên phạm vi cả nước đã đưa ngày Lễ Phật đản xuống ở thứ hạng thấp hơn nữa trong danh mục các ngày lễ tôn giáo tại Việt Nam. Có lẽ điều này diễn ra đầu tiên ở miền Bắc với lễ hội tháng giêng, thu hút người đến chùa đông hơn ngày Lễ Phật đản rằm tháng 4. Lễ hội tháng giêng là dịp lễ truyền thống lâu đời của đình chùa trên đất Bắc so với ngày Lễ Phật đản mới chuyển về ngày rằm tháng 4.
Số lượng người lễ chùa cúng sao hội, kéo dài đến lễ rằm tháng giêng xét chung trên cả nước cũng là cao hơn ngày Lễ Phật đản. Do vậy, thập niên 1990 Lễ Phật đản, trong phạm vi cả nước, trở thành ngày lễ tôn giáo thứ 4 ở Việt Nam, sau Noel, Vu Lan, Lễ hội tháng giêng (cả 2 cách tính, tập trung từ mùng 8 đến rằm hoặc xét cả tháng lễ hội).
Diễn tiến như trên chắc chắn là ngoài ý muốn của tăng ni Phật tử thuần thành. Nhưng trên thực tế, rõ ràng ảnh hưởng xã hội của ngày Lễ Phật đản không tăng, trong khi sự phục hồi của những ngày lễ khác, dù có thể tổ chức trong chùa, nhưng không mang đậm màu sắc giáo lý Phật giáo lại tăng rất mạnh, như lễ cúng sao, dâng sớ, giải hạn, tiêu tai… Một cơ hội cho ngày Lễ Phật đản lại bị bỏ lỡ.
Ở miền Nam, có địa phương phục hồi được nhiều hơn những hình thức tổ chức Phật đản trước năm 1975, trong khi một số địa phương không thành công. Chúng tôi muốn nói đến việc treo cờ Phật giáo, phục hồi thành công ở Huế, nhưng chỉ thành công một phần ở Sài Gòn. Cờ Phật giáo bước đầu trở lại nơi công cộng, nhưng ở Huế là do nhiều tư gia, trong khi ở TPHCM thì chỉ do nhà chùa, các đơn vị giáo hội tổ chức treo.
Cho nên trước làn gió đổi mới, việc tổ chức Lễ Phật đản xét chung cả nước, tuy khởi sắc, nhưng vẫn là không thành công nếu so với hoạt động lễ hội tôn giáo tín ngưỡng nói chung. Khoảng cách tác động của ngày lễ Phật đản và ngày lễ Noel chẳng hạn ngày càng cách xa, khi vào ngày Noel, ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn xảy ra kẹt xe do người đi lễ, người đi xem trang trí ngày lễ ngày càng đông, trong khi ở Lễ Phật đản, xe hoa chỉ chạy ngang giây lát, trong khi cả dãy phố dài không có lá cờ Phật giáo nào. So sánh với ngày lễ tập trung của các tôn giáo có ít số tín đồ hơn, thì cũng không lạc quan về ngày Lễ Phật đản. Ngày mùng 8 tháng giêng ở Tây Ninh chẳng hạn, cách thị xã 50km đã thấy không khí ngày lễ với dòng xe nườm nượp đổ về dự lễ.
Việc Phật giáo Việt Nam bỏ qua cơ hội đón làn gió đổi mới trong chính sách đối với tôn giáo tín ngưỡng thập niên 1990 là thiếu sót trước hết từ các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ bấy giờ. Vì ý thức thì có về cơ hội, nhưng chỉ khai thác có một phần. Cụ thể, khôi phục được xe hoa nhưng không khôi phục được cuộc lễ hàng chục ngàn người như năm 1982 do các vị lãnh đạo GHPGVN nhiệm kỳ đầu tổ chức, nói chi đến cả trăm ngàn người như ngày lễ của các tôn giáo khác.
Mục tiêu tổ chức ngày Lễ Phật đản thành ngày lễ tôn giáo lớn nhất Việt Nam như mong ước của chư vị tôn đức và cư sĩ hữu công khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo ngày càng xa vời, mà ngay cả việc giữ thứ hạng ảnh hưởng xã hội của ngày Lễ Phật đản như thập niên 1970 cũng không thể giữ được.
Sài Gòn – TPHCM, nơi đã từng đưa ngày Lễ Phật đản trở thành ngày lễ tôn giáo lớn nhất Việt Nam vào năm 1964, ngày càng có nhiều người nói rằng theo đạo Phật, mà không biết gì ngày lễ Phật đản. Một số Phật tử khác thì chỉ nhớ đến Lễ Phật đản khi nhà chùa giăng băng rôn. Còn một số chùa mở rộng cửa vào ngày Lễ Phật đản nhưng rất vắng Phật tử. Những việc này là kết quả ắt phải của việc không trở lại với cuộc Lễ Phật đản tập trung đông người thu hút sự quan tâm của người dân toàn thành phố.
Quả thật một cơ hội chỉ thật sự là cơ hội với những người biết khai thác nó. Cơ hội của công cuộc đổi mới đối với việc tổ chức ngày lễ Phật đản đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc, không khôn ngoan và thiếu trách nhiệm.
MT