Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Tổ chức lễ Phật đản: cơ hội bị bỏ qua (Bài 2...

Tổ chức lễ Phật đản: cơ hội bị bỏ qua (Bài 2 – thập niên 1980)

145

1) Những năm trước 1981

Năm 1975, đất nước thống nhất. Chính sách tôn giáo được thực hiện ở miền Bắc từ năm 1954, đến 1975 được thực hiện trên phạm vi cả nước. Hoạt động tôn giáo lúc đó được giới hạn chặt chẽ chỉ trong phạm vi các cơ sở thờ tự. Trong hoàn cảnh lúc đó, đây là điều đương nhiên, Phật giáo, cũng như các tôn giáo khác, phải chấp nhận, tuân thủ.

Ở miền Bắc, lễ Phật đản vẫn giữ truyền thống cũ và được tổ chức ở mức như ở nửa đầu thế kỷ XX. Ngày lễ Phật đản trở thành ngày lễ tôn giáo đứng thứ 3 về mức độ ảnh hưởng đến xã hội sau lễ Giáng sinh và lễ Rằm tháng bảy âm lịch. Số người miền Bắc biết đến lễ Phật đản trong thời gian này rất ít.

Lễ Phật đản ở miền Bắc lúc này được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch, như thời kỳ trước năm 1951. Những chuyển biến từ kỳ thống nhất Phật giáo lần đầu tiên đã không duy trì được ảnh hưởng ở miền Bắc. Lễ Phật đản được tổ chức giới hạn trong phạm vi chùa như một ngày cúng vía Phật.

Ở miền Nam, sau năm 1975, các nhà lãnh đạo GHPGVNTN không nhận thức được trọn vẹn những vấn đề mới đặt ra đối với Phật giáo. Quan điểm, chủ trương, đường lối của giáo hội đã có sự phân hóa sâu sắc thành 2 xu hướng khác biệt nhau. Đó là:

–    Xu hướng thích nghi với hoàn cảnh mới, tìm cách có quan hệ tốt đẹp với chính quyền, ôn hòa, mềm dẻo.

–    Xu hướng không thích nghi với hoàn cảnh mới, sẵn sàng có sự căng thẳng cứng rắn, quyết liệt.

Mục tiêu làm sao cố gắng duy trì sinh hoạt tôn giáo đã có, trong đó có việc tổ chức lễ Phật đản, dường như chỉ có ở những vị lãnh đạo GHPGVNTN tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới, dù rằng có thể tất cả các vị lãnh đạo Phật giáo đều ý thức rằng điều nói trên phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với chính quyền mới.

Năm 1977, xảy ra sự kiện cô nhi viện Quách Thị Trang. Một số vị thành viên Ban chỉ đạo Viện Hóa đạo GHPGVNTN bị bắt giữ và truy tố. Quan hệ Phật giáo và chính quyền diễn biến không thuận lợi.

Tuy nhiên, những năm đầu sau 1975, việc tổ chức lễ Phật đản của GHPGVNTN vẫn được cho phép tổ chức ở nơi công cộng, trên đường Sư Vạn Hạnh (lễ đài trên lề đường, biểu ngữ mừng Phật đản vẫn căng suốt trên suốt một đoạn đường mà khi hành lễ sẽ cô lập). Chỉ không còn xe hoa, cổng chào, treo cờ, treo đèn ở tư gia.

Dù vẫn còn lễ đài nơi công cộng (trên đường lộ), nhưng số tăng ni Phật tử quy tụ về lễ đài chính dự lễ ngày càng giảm sút. Đến khoảng năm 1980 thì không còn lễ đài lộ thiên, mà tăng ni tập trung ở chính điện chùa Ấn Quang, Phật tử đứng dưới sân chùa, chỉ nghe tiếng mà không thấy hành lễ. Lễ đài lộ thiên thu nhỏ thành một bàn thờ đặt ở trên sảnh chính điện chùa Ấn Quang.

Sau buổi lễ, hòa thượng Chánh thư ký Viện Tăng thống và Viện trưởng Viện Hóa đạo mới bước ra lễ đài nhỏ vẫy chào Phật tử trong vài phút. Lúc này, tác động của Giáo hội trong việc tổ chức lễ Phật đản xuống đến mức thấp nhất. Vì lễ Phật đản chưa có truyền thống lâu đời trong sinh hoạt tín ngưỡng tại Việt Nam, vì vậy, khi yếu tố hoạt động tổ chức của giáo hội không còn, thì ngày lễ Phật đản mau chóng trở thành ngày lễ tôn giáo đứng hàng thứ ba tại Việt Nam (sau lễ Giáng sinh và lễ Vu lan, như tình trạng ở miền Bắc).

Trong những năm cuối thập niên 1970, 1980, số người đến chùa trong dịp lễ Phật đản giảm và đã thấp hơn số lượng người đến chùa ngày rằm tháng bảy âm lịch.

Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng các nhà lãnh đạo GHPGVNTN vẫn phải chịu trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm từ việc tổ chức sa sút lễ Phật đản từ đầu thập niên 1970. Vì đã trong quá trình xuống dốc, cho nên khi việc tổ chức lễ Phật đản không thuận lợi vì những nguyên nhân khách quan, thì tốc độ diễn tiến xuống dốc ngày càng nhanh hơn nữa.

Trong khi tại miền Nam, một số tôn giáo nhận thức được hoàn cảnh mới, kịp thời đưa sinh hoạt tôn giáo vào chiều sâu, tránh ảnh hưởng khi những hình thức tổ chức bên ngoài phải hạn chế, thì phía Phật giáo rất bị động, phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, lúng túng, không chuẩn bị. Tình trạng đi đến mức mờ nhạt của ngày lễ Phật đản cho thấy điều đó. Hời hợt, nông cạn, thiếu tầm nhìn, phản ứng bị động, thiếu cân nhắc trước thời cuộc của các nhà lãnh đạo GHPGVNTN đã dẫn đến tình trạng lễ Phật đản suy sụp trong những năm 1980, 1981, trong khi lễ Giáng sinh đã không đến nỗi như thế.

Trong những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, hoạt động tôn giáo bên trong cơ sở tôn giáo, nhìn chung, vẫn được tôn trọng, duy trì. Nếu kịp thời định hướng triển khai những hoạt động thích hợp trong lãnh vực hoằng pháp thì không đến nỗi kết quả là quy mô lễ Phật đản phụ thuộc vào lễ đài, băng rôn, cờ xí, đèn hoa. Đáng tiếc, không có những thứ đó thì vắng luôn người đi chùa.

Nếu lễ Phật đản đã có cơ sở xã hội, có tác động quần chúng, có bề dày truyền thống, thì không có lễ đài, băng rôn, cờ xí, tín đồ vẫn đến chùa đông đảo như nhà thờ trong lễ Noel, không dễ bị ảnh hưởng từ hoàn cảnh. Cơ hội đưa lễ Phật đản đi vào chiều sâu truyền thống mà Phật giáo miền Nam có được trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 phải chăng đã bị lãng phí một cách đáng tiếc, không khôn ngoan và thiếu trách nhiệm.

Trừ Phật đản năm 1964, trong 10 năm sau đó, 1965-1975, GHPGVNTN đã không làm được việc xoay chuyển diện mạo của lễ Phật đản, không xây dựng được truyền thống Phật đản mới, ở tầm cao mới so với thập niên 1950, dẫn đến hệ quả như đã nói vào đầu thập niên 1980.

Sự dịch chuyển lễ Phật giáo lớn nhất Việt Nam trở về ngày rằm tháng 7 như thập niên 1950 cho thấy kết quả mà liệt vị tổ sư tiền bối và cư sĩ hữu công trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đã không thể được duy trì. Khó khăn trong những năm cuối thập niên 1970, và những năm 1980 -1981 không đến nỗi nào, nhưng đã làm thay đổi diện mạo ngày lễ Phật đản.

2) Cơ hội từ lễ Phật đản năm 1982

Năm 1981, giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Năm 1982, tại TPHCM, một cuộc lễ Phật đản lớn chưa từng có từ năm 1975 được tổ chức, với lễ đài lộ thiên trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM trước cổng chùa Xá Lợi. Đây là lễ đài Phật đản tái lập sau một số năm không có lễ đài lộ thiên.

Lễ Phật đản năm 1982 tại TPHCM là một cơ hội cho quá trình tổ chức lễ Phật đản. Rất tiếc, cơ hội này đã bị bỏ qua một cách cũng rất đáng tiếc, không khôn ngoan và thiếu trách nhiệm.

Năm 1982 là năm đầu tiên GHPGVN tổ chức lễ Phật đản. Điều này diễn ra trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo GHPGVNTN không tán thành việc thống nhất Phật giáo toàn quốc trong tổ chức GHPGVN vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Một tình thế đặc biệt đã diễn ra. Do đó, lễ Phật đản năm 1982 do GHPGVN tổ chức tại chùa Xá Lợi, trụ sở Văn phòng 2 GHPGVNTN cần phải được tổ chức ở quy mô đặc biệt trọng thể, thu hút đông đảo tăng ni Phật tử, có giá trị là buổi lễ Phật đản ra mắt của GHPGVN, là Phật sự quan trọng khởi đầu hoạt động của GHPGVN, thể hiện thực lực của GHPGVN, có tác dụng thu hút tăng ni Phật tử miền Nam tham gia GHPGVN.

Số người tham dự lễ Phật đản năm 1982, đặc biệt là Phật tử đã hết sức đông đảo, có thể lên đến 10.000 người, trải ra một đoạn đường dài trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Buổi lễ là cuộc quy tụ tăng ni Phật tử hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là một trong những thành quả tiêu biểu đầu tiên của GHPGVN mới thành lập nửa năm trước đó. Buổi lễ, ngoài sự nỗ lực của GHPGVN, còn có sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền.

Nếu nhìn vấn đề từ góc độ tổ chức lễ Phật đản, thì sự thành công trong việc tổ chức lễ Phật đản năm 1982 có thể là cơ hội thúc đẩy một bước tiến mới trong hoạt động tổ chức lễ Phật đản. Nếu khéo khai thác, lễ Phật đản có đông người tham dự tại chùa Xá Lợi năm 1982 sẽ là bước tạo đà, là cú hích làm chuyển biến hoạt động tổ chức lễ Phật đản.

Llễ Phật đản năm 1982 do GHPGVN tổ chức với quy mô vượt xa lễ Phật đản tại chùa Ấn Quang do GHPGVNTN tổ chức trong cuối thập niên 1970, và lễ Phật đản tại chùa Vĩnh Nghiêm do Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước trước đó tổ chức, khẳng định nếu nỗ lực, Phật giáo vẫn có thể tổ chức những buổi lễ Phật đản quy mô, ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội, trong bối cảnh khó khăn.

Nhưng rất tiếc, đỉnh cao lễ Phật đản năm 1982 đã không được duy trì. Lễ Phật đản năm 1982  và tình thế đặc biệt liên hệ đã không được khai thác như một cơ hội cho tiến trình thúc đẩy đi lên của việc tổ chức lễ Phật đản. Với việc chuyển lễ Phật đản tại TPHCM về tổ chức trong sân chùa Vĩnh Nghiêm, lễ Phật đản đã trở về với tầm mức cuộc lễ do Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước tổ chức những năm trước đó. Không còn lễ đài công cộng với một không gian hành lễ công cộng có sức chứa không hạn chế, mà thay vào đó là không gian giới hạn bên trong sân một ngôi chùa.

Một cơ hội bị bỏ lỡ. Bài học thành công, kinh nghiệm tổ chức lễ Phật đản đầu tiên do Trung ương GHPGVN chủ trì, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, đã không được tổng kết, kế thừa, tiếp tục ứng dụng trong những năm tiếp theo sau đó. Thành công trong việc tổ chức lễ Phật đản năm 1982 nhanh chóng chìm vào sự quên lãng của quá khứ.

MT

Đón xem bài 3 – Thập niên 1990.