Trang chủ Thời đại Truyền thông Tờ báo Phật giáo đầu tiên và tâm nguyện chấn hưng Phật...

Tờ báo Phật giáo đầu tiên và tâm nguyện chấn hưng Phật giáo

322

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên, được xuất bản ngày 31-8-1929, chủ nhiệm là HT. Khánh Hòa (1877-1947) thế danh Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trì, pháp hiệu KHánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Hòa thượng là một vị cao tăng, một nhà yêu nước thời bấy giờ. Năm 1929, Hòa thượng có số đệ tử thân tín ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu, làng Thạnh Phú, Mỹ Tho, (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), vì vậy tờ Pháp Âm được phát hành ở chùa này, đồng thời cũng là nơi trị sự: “Thơ từ, mandat thì gửi ông Lê Khánh Hòa, chùa Sắc tứ, làng Thạnh Phú-Xoài Hột, Mỹ Tho”.

Tờ Pháp Âm được in ở nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn. Báo có 48 trang, khổ 14x20cm. Hai bên có hai dòng chữ Quốc ngữ và chữ Hán nêu chủ trương của tờ báo là “Từ bi, Bác ái, Tự giác và Giác tha” Báo có 8 chuyên mục.

– Đầu tiên là bài Mấy lời bày tỏ do Bổn viện đồng nhơn kêu gọi tín đồ Phật giáo viết bài và đóng góp tài chính để lập Thư xã và Phật học viện theo gương Thái Hư pháp sư ở Trung Quốc.

– Bàn về Phật học hội: Nội dung kêu gọi cần phải chấn hưng Phật giáo, theo gương Pháp Hư pháp sư. Tác giả là Nguyễn Khoa Tùng, pháp danh Thanh Nguyên.

– Phật giả: Của Minh Châu Tử, đây là bài xã luận bàn về chữ Phật tánh; khuyên người theo đạo Phật nên phân biệt thật và giả. Phê phán những người lợi dụng tôn giáo…

– Bài Tự trần và Hành trình nhật ký của Hòa thượng Khánh Hòa, thuật lại việc đi ra miền Trung, khắp Nam kỳ, qua Campuchia, để vận động sáng lập Tùng Lâm Phật giáo hội, chấn hưng Phật giáo.

– Những điều cần yếu cho người tại gia tín ngưỡng Phật giáo; giáo lý căn bản như quy y Tam bảo, giữ giới, lạy Phật, tán Phật, trì tụng, sám hối, cúng Phật, ăn chay, niệm Phật, phát nguyện.

– Phật giáo luận lý học: Triết học Phật giáo. Nguyên tác chữ Hán do Hoàng Phi Long dịch đoạn đầu.

– Ai tri âm đó biết cho ai: Đây là một bài ngắn, tự đặt câu hỏi và trả lời, mục đích lập Thư xã.

– Mục Văn uyển: Bài Tịnh tâm (thơ lục bát) và 2 bài thơ Đường luật “Vịnh đá Vọng phu”, “Chúc mừng Phật học thư xã” của Hòa thượng Bích Liên.

Theo dự kiến của người sáng lập, Pháp âm là nguyệt san, mỗi số bán 0,30 đ, mỗi tập loại 6 quyển (6 tháng) giá 1,500đ, loại 12 quyển (12 tháng) giá 3,000đ. Nhưng tờ báo này chỉ ra được 1 số duy nhất. Theo lịch sử địa phương, sau khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, tờ báo Dân cày- tiếng nói của Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cùng được biên tập, phát hành tại chùa Sắc tứ Linh Thứu. Chính quyền thực dân biết được, chùa bị lục soát, vị Thủ tọa bị truy nã. Hòa thượng Khánh Hòa phải ôm kinh sách đến Sỡ Mật thám giải trình. Sau biến cố này, tờ Pháp âm không ra được số kế tiếp và nó trở thành kỷ yếu của cuộc vận động chấn hưng Phật giáo mà ở đó ta thấy các bài viết của Hòa thượng Khánh Hòa rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Trong bài Tự trần, Hòa thượng Khánh Hòa viết: “Muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo thì cần nhứt các học giả nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ, cất nhà thư xã, thỉnh ba tạng kinh đồng nghiên cứu, rồi dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ, khiến cho mỗi người xem đọc đều được phép nhà đạo, ai làm trái thì chừa ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp thì Phật pháp mới chuyển tăng hưng vượng” Hòa thượng nhấn mạnh: “Phật giáo suy đồi là bởi Tằng đồ thất học. Nay chỉ còn đôi ông bạn học rộng hiểu xa, nhưng lải rải ở nơi lục châu (tức lục tỉnh Nam kỳ – NV), chưa biết có ai đồng chí nhiệt thành mà đề xướng thật hành cái phương pháp ấy”(1).

Tâm lực cao cả đó là hành trang theo ông trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, và ông cũng đã gặp một số đồng chí nhiệt tâm: “Sang năm Đinh Mão (1927) tháng 2 tôi qua đám thượng lương chùa Long Khánh Trà Vinh, luôn dịp lại bàn qua cái vấn đề xưa kia với ông Huệ Quang một lần nữa. Cùng nhau trù sách, hầu ra Trung kỳ kiết hạ, được quan sát Phật giáo cổ, địa thế nào thì chiêu tập thêm một vài đồng chí. Tinh cờ cho câu chuyện, bỗng dưng mà gặp thấy Sa môn Thiện Chiếu là tọa chủ ở chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Người cũng lại tỏ cảnh đoạn trường của Phật giáo tâm đầu ý hiệp, từ đây mới còn chút hy vọng tương lai…” (2).

Ước nguyện chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng này được thể hiện bằng 3 mục tiêu hành động cụ thể là Chỉnh đốn Tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng chữ Quốc ngữ. Trong suốt thời gian Hòa thượng Khánh Hòa đi đến các ngôi chùa nổi danh ở Nam Kỳ và sang xứ Chùa Tháp để kêu gọi Tăng Ni tín đồ Phật giáo đoàn kết chấn hưng Phật giáo được thể hiện qua bài Hành trình nhựt ký. Đây là bài ký sự quan trọng, chiếm 12 trang trên tờ Pháp Âm và được viết với giọng văn truyền cảm, có sức thu hút. Như mẫu đối thoại dưới đây ở chùa Tam Bảo (Rạch Giá):

– Bạch Hòa thượng, từ xưa nay trong đạo Phật ở nước ta chưa có một trường học nào cho xứng đáng để đào tạo những hàng tăng lữ sau này, nếu đạo Phật mà muốn có đủ nhơn tài để trước kinh, hoặc dịch luận, mà ngăn đỡ cái chánh đạo ở đời mạt pháp này, tưởng ngoài trường học ra thì không tìm đâu được. Vả lại các ông sư mà không hiểu lịch sử Phật, không biết pháp luật Phật, cũng bởi cái hại không có trường học mà ra, nên tôi tưởng lo lập Phật học đường là cái cấp vụ của đạo Phật vậy. Hòa thượng nghĩ sao?

– Việc ấy cũng đáng làm, đặng để qui kinh cho hậu lai, song công việc của tôi lúc này xem bề bộn lắm, không thể lo được, phần làng mới cúng cho cảnh chùa ông Bồn, và tôi cũng đương lo làm cái cầu trên Hòn Quới chưa xong….(3).

Hành trình nhựt ký không phải là thiên ký sự ghi chép tỉ mỉ công việc đi cổ động chấn hưng Phật giáo; ngoài những mẫu đối thoại sinh động phản ảnh nhiệt tâm của người viết, bài ký mô tả nhiều chi tiết, cảnh vật những nơi tác giả trải qua, đồng thời bày tỏ tâm trạng thất vọng của mình trước sự bàng quang của đồng đạo “…Tối qua tôi cũng bàn việc lập học đường nữa, té ra Hòa thượng cũng từ quyết, cứ nói mắc công kia việc nọ không thể chung lo. Ôi! Thật buồn. Sáng lên bong tàu ngồi ngó mông ra biển Nam Hải để giải muộn:

“Mênh mông vịnh biển Xiêm La

Muốn tìm đồng chí biết qua phương nào.”

Trong thế kỷ hiếm hoi của văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX, ngoài Chuyến đi Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, sau đó là một số bài ký ngắn đăng trên Nông Cổ Mín Đàm của vài tác giả khác. Có thể nói Hành trình nhựt ký của Hòa thượng Khánh Hòa là bài ký có cách hành văn độc đáo, gần với thế kỷ hiện đại, mặc dù ông thuộc thế hệ trước nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) gần một thập niên.

Nguyễn Ngọc Phan


Tài liệu tham khảo:

Tạp chí Pháp âm, nhà in Thanh Mậu (1929)

– Danh Tăng Việt Nam tập 1, Thích Đồng Bổn chủ biên – Thành hội PGTP.HCM xuất bản.

– Báo chí ở Tp. Hồ Chí Minh Trương Ngọc Tường –Nguyễn Ngọc Phan. NXB Văn Hóa Sài Gòn 2007.

(1): Tự trần, Pháp âm, tr. 18, nguyên văn

(2): Tự trần, Pháp âm, Tr.18

(3): Hành trình nhựt ký, Pháp âm, tr.45