Trang chủ Tuổi trẻ Thanh niên Phật tử TNPT Thiện Tín: Cảm nhận về một chuyến đi

TNPT Thiện Tín: Cảm nhận về một chuyến đi

181

Dân gian ta từng có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chúng ta đi nhiều hơn để được học hỏi nhiều hơn nữa những ý nghĩa và giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Chuyến đi từ thiện "Trái tim nhân ái” lần II của Đoàn thanh thiếu niên Phật tử Thiện Tín – Tổ đình Linh Ứng (Chùa Thị Cấm) xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Tp hà Nội cũng là một chuyến đi như thế và đã thành công hơn dự tính ban đầu mặc dù gặp một số trục trặc nhỏ trước khi khởi hành.

Thế nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, tất cả mọi sự lo lắng, hồi hộp trong lòng những người con Phật đã được xua tan đi bằng chính những tình yêu thương lẫn nhau, sự gắn bó của một đại gia đình khổng lồ.

25 con người, 25 hoàn cảnh khác nhau, 25 tính cách khác nhau ấy vậy mà lại có cùng một chí hướng “từ – bi” noi theo Đức Phật.

Hành trình đến với Đồng Văn

Đoàn chúng tôi khởi hành xuất phát khi đồng hồ điểm 22h30 (ngày 28.10), những tiếng cười đùa, những câu chuyện phiếm, những lời ca tiếng hát không ngừng được vang lên như để xua tan đi cái giá lạnh của trời về đêm, như để xua tan đi căng thẳng, mệt mỏi của một chuyến hành trình dài đang chờ đợi phía trước.

5h sáng ngày 29/10, trải qua hành trình 300 km, Đoàn chúng tôi đặt chân đến Hà Giang, nơi có Cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Sau bữa sáng giản dị mà ấm bụng được các cụ Phật tử trong Đạo tràng Tịnh Độ của Thầy tôi chuẩn bị từ trước : cơm nắm chấm muối vừng, ruốc nấm.

Thầy trò chúng tôi tiếp tục hành trình “leo núi” vượt qua gần 145 km để đến với điểm trao quà từ thiện đầu tiên: Trường tiểu học Sủng Là – huyện Đồng Văn.

Đồng Văn là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước ta. Đồng Văn với Cao nguyên đá mới đây đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Thế giới. Phong cảnh hai bên đường đi thật hùng vĩ, trùng trùng núi tiếp núi, mây xen mây.

Quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm, vì một bên là núi cao với nhiều đá tai mèo xếp lởm chởm, một bên là vực thẳm sâu hun hút.

Nhìn vào địa hình nơi đây mà thương bà con dân tộc, một năm chỉ có một vụ canh tác, mà loại cây trồng chủ yếu là cây ngô, đất trồng ít, những nơi thung lũng thì hầu hết đều kém chất dinh dưỡng…

Thế nên, Thầy trò chúng tôi nói vui với nhau : lên Đồng Văn tha hồ ăn đặc sản “đá” …

Đôi găng tay len

Do đường đi nhiều khúc cua tay áo, gấp khúc lại liên tiếp nên Đoàn chúng tôi phải nghỉ lại hai chặng mới lên được gần tới xã Sủng Là. Có một hình ảnh mà chúng tôi tin rằng khó bao giờ phai nhạt trong cuộc đời mỗi thành viên trong Đoàn, đó là hình ảnh đôi găng tay màu tím – đôi găng tay đó đã sưởi ấm thêm không chỉ cho em bé đó mà còn là cả những trái tim của Đoàn chúng tôi – những người trẻ nhưng trái tim không trẻ!

Trong mỗi chặng dừng xe, Thầy trò chúng tôi đã có một khoảng thời gian để tận hưởng cái gió lạnh, cái nắng ấm và cả cái không khí trong lành của bầu trời phương Bắc.

Chặng nghỉ thứ 2 đầu dốc xuống xã Sủng Là, vì xe chở hàng từ thiện đi chậm hơn nên Đoàn chúng tôi quyết định dừng nghỉ chờ xe lên kịp.

Chúng tôi đã gặp một em bé đi ngang qua với bộ quần áo mỏng manh, đôi chân trần dưới lớp dép tổ ong đã cũ và có phần rách kia đã thu hút được sự chú ý của mọi người.

Bằng vốn tiếng Việt ít ỏi và chưa sõi nhưng cũng đủ để tạo nên một cuộc trò chuyện nho nhỏ giữa hai bên. Em tên là Giàng A Trá, năm nay 13 tuổi. Mẹ và chị gái làm thuê ở bên Trung Quốc đến nay đã hai năm, bố em qua đời sau một vụ tai nạn thương tâm.

Nhà có 2 con bò và 5 con lợn. Hàng ngày em phải tước được 21 bó cỏ voi mang về cho bò ăn. Em từng được đi học nhưng bây giờ đã thôi học rồi. Nhà chỉ có hai ông cháu nhưng cuộc sống khá vất vả. Nhìn em bé 13 tuổi vậy mà trông em ấy chỉ như một em nhỏ 7 tuổi dưới Thủ đô.

Lúc này không ai bảo ai, một số bạn đã chạy ra xe và mang lại tặng em nhỏ đó một chút quà bánh, một chút tiền. Và trong đó có một món quà ý nghĩa nhất – một đôi găng tay len màu tím; bởi có lẽ ai cũng thấy được trên bàn tay nhỏ bé kia những vết nứt đang rướm máu, có lẽ vì trời lạnh mà nứt nẻ hoặc cũng có khi là do những chiếc lá cỏ voi cứa vào tay em.

Nhìn đôi tay em tứa máu trong cơn buốt giá chiều sương vùng cao, Thầy trò chúng tôi không thể cầm lòng được.

Nhận lấy chút quà từ những tấm lòng hảo tâm mà gương mặt em vẫn chưa thể vui lên được. Ánh mắt em trũng xuống và cũng thật dễ dàng để chúng tôi nhận thấy rằng em đang xúc động, và có thể muốn khóc nữa.

Có lẽ từ trước đến giờ, em chưa nhận được sự quan tâm nhiều tới vậy, sự thương yêu từ những tấm lòng chân thành, những trái tim nhân ái của những con người trẻ.

Điểm đến đầu tiên

Sau giờ phút nghỉ ngơi thư giãn, Đoàn chúng tôi đến điểm trao quà từ thiện đầu tiên: Trường Tiểu học Sủng Là.

Khi Thầy trò chúng tôi đến nơi, các em học sinh đã nhanh nhẹn kê ghế xếp hàng thẳng lối. Sau lời phát biểu chào mừng và cảm ơn của đại diện lãnh đạo huyện Đồng Văn, của ban giám hiệu Trường; Thầy tôi và bác Việt (bác sĩ đi chăm sóc sức khoẻ cho đoàn) đã trao 200 suất quà cho các em học sinh.

Nhận được những món quà tuy vật chất nhỏ nhưng chúng tôi cũng nhận thấy những nụ cười ấm áp trên môi các em. Thầy trò chúng tôi cảm thấy dường như bao nhiêu mệt nhọc, căng thẳng sau đoạn đường dài và nguy hiểm đã tan biến.

Chúng tôi làm quen với các em và được các em dẫn đi thăm quan quanh trường. Và thật xúc động khi dừng chân tại bếp của trường. Nhìn vào bảng theo dõi nhận thấy có 100 em học nội trú, mà tiền đi chợ cả ngày chỉ hết vỏn vẹn có 480.000đ.

Nhìn vào thức ăn thì chỉ có ½ bát nhựa đựng thịt (nói là thịt nhưng thực tế chỉ có một tý ty còn lại là mỡ), 1 chậu canh dưa và 1 chậu cơm.

Ở đây, các em ăn cơm theo bàn, mỗi bàn 8 người. Chúng tôi lặng người nhẩm tính : 100 em đi chợ hết 480.000đ/ngày, suy ra khẩu phần của 1 em là 4.800đ/1 ngày, với số tiền ấy không đủ cho trẻ em dưới Hà Nội một lần ăn vặt chứ chưa nói là ăn cả ngày. Nhìn bữa cơm của các em thiếu thốn vô cùng, Thầy trò chúng tôi lại ứa lệ.

Điểm đến thứ hai

Chia tay với Thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học Sủng Là, hình ảnh bữa ăn của các em ám ảnh chúng tôi. Chặng đường 26 km về Đồng Văn, dường như dài và trầm lặng hơn; rất nhiều bạn trong Đoàn đã không còn tâm trạng háo hức, vui vẻ như thưở đầu.

Chúng tôi vào một nhà nghỉ đặt trước ở gần trung tâm Thị trấn Đồng Văn để nghỉ ngơi đôi chút, lấy lại sức lực và chuẩn bị tinh thần cho những buổi phát quà sau đó.

Chiều hôm ấy (29.10), Đoàn đến với điểm trao quà từ thiện thứ hai: Trường phổ thông dân tộc Nội trú – Huyện Đồng Văn.

Theo trao đổi với Ban giám hiệu Nhà trường, chúng tôi được biết, những học sinh được học tại đây đều đã qua chọn lọc, và mỗi gia đình chỉ được một em vào học.

Chúng tôi nhanh nhẹn chia làm 3 nhóm: 1 nhóm do Thầy tôi đứng đầu làm việc với ban giám hiệu; 1 nhóm lớn chuyển đồ và phân chia thành 200 suất quà; còn 1 nhóm nhỏ khác thì chủ động giao lưu, làm quen và hướng dẫn các em chơi trò chơi, học một số bài hát.

Chỉ sau mấy phút, nhóm trò chơi đã hoà đồng được với các em, đem lại cho các em một không khí vui tươi, náo nức và nhộn nhịp. Các em được hướng dẫn trò chơi “cả nhà thương nhau”, rồi chơi “khấy nước chanh”.

Sau những giây phút như thế, tiếng cười lại vang lên giòn tan mà ấm áp trong không trung. Rồi các em đã học thuộc bài hát “Bên trái – bên phải”. Cả trường hát đi hát lại mấy lần và làm cả những động tác tay nữa.

Chúng tôi vừa chuẩn bị quà, vừa vui vẻ lẩm nhẩm theo giai điệu bài hát. Qua những hoạt động như thế, dường như những khoảng cách ban đầu đã dần xóa bỏ.

Trời càng về chiều, sương rơi ngày một tăng nhưng không vì thế mà chúng tôi thấy lạnh, mặc dù chưa thể quen được với khí hậu vùng cao.

Sau khi trao quà cho các em, chúng tôi nắm tay nhau thành vòng tròn và cất vang bài hát “Nối vòng tay lớn”.

Thế là ngày đầu tiên của chuyến từ thiện đã kết thúc. Trước bữa cơm tối đó, Thầy trò chúng tôi đã có một buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn. Tiếp đoàn đại diện huyện có Cô Lý Trung Kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Sau bữa cơm tối, Thầy đi nghỉ trước và cho chúng tôi được phép dạo phố huyện một lát nhưng phải đảm bảo sức khoẻ cho buổi ngày hôm sau nữa. Chúng tôi vâng lời Thầy và xin phép đi dạo.

Phố huyện Đồng Văn về đêm thật tĩnh mịch và yên ả. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới được ngắm nhìn một bầu trời tràn ngập sao như thế; sao to, gần và sáng rõ. Đi dạo một lát, chúng tôi trở lại nhà nghỉ ngồi quây quần lại rút kinh nghiệm, và bảo nhau ngủ sớm để giữ sức cho ngày mai tiếp tục hành trình đến với đồng bào hai xã Síng Lủng và Sà Phìn.

Đến với Síng Lủng và Sà Phìn

7h30 sáng hôm sau (ngày 30.10), Thầy trò chúng tôi khởi hành đi Síng Lủng và Sà Phìn.

Quang cảnh đường đi không khác quãng đường từ Hà Giang lên Đồng Văn là mấy, cũng là trùng trùng lớp lớp những ngọn núi, những con đường uốn khúc quanh co, khúc khuỷu. Phía dưới thấp thoáng, lác đác những ngôi nhà vách đất với mái lợp đơn sơ, cô quạnh nằm ẩn hiện giữa trùng điệp núi rừng Tây Bắc.

Đồng hành cùng Đoàn chúng tôi vào trao quà từ thiện tại hai xã có một vị khách đặc biệt, đó là anh Mai Văn Bồn – Đại diện UBND huyện Đồng Văn. Trên suốt hành trình, anh giới thiệu cho chúng tôi những nét cơ bản về huyện Đồng Văn, về vua Mèo, về Cột cờ Lũng Cú… Những câu chuyện lôi cuốn khiến cho quãng đường gần 20km trở nên ngắn lại.

Sau chặng đường di chuyển, khi Đoàn chúng tôi đến với xã Síng Lủng thì bà con đồng bào đã tập trung khá đông đủ. Tại đây, Thầy trò chúng tôi trao tặng 100 suất quà cho bà con nghèo. Có đi, có tận mắt chứng kiến mới thấy được sự vất vả, khó nhọc kiếm cái ăn, cái mặc quanh năm của bà con nơi đây nhưng vẫn không thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu.

Nhận món quà nhỏ trên tay, chị Vàng Mỷ tươi cười nói chuyện, phải nhờ một cán bộ tại xã phiên dịch, chúng tôi mới hiểu được những gì chị tâm sự. Mặc dù chị phải dậy từ sáng sớm, đi bộ vượt qua con đường gần 6 km đường núi để đến đây nhận quà nhưng chị rất vui vì mùa đông năm nay đã có chăn ấm, chỉ gửi lời cảm ơn đoàn rất nhiều.

Trước khi dời nơi đây, chúng tôi còn được tiếp chuyện một bà cụ già gần 80 tuổi không có con cái chăm sóc, một cô gái điên bị mù lòa, một em trai nhỏ đi nhận quà thay mẹ vì mẹ còn bận đi rẫy (bố em mất sớm)… còn rất nhiều, rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm như thế nữa.

Đến với Sà Phìn, khi đồng hồ đã điểm 11h trưa. Tại đây, mọi việc chuẩn bị và phát 100 suất quà cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn nhất trong tất cả 4 điểm, chúng tôi trêu nhau rằng có lẽ “dây chuyền nhà mình đã chuyên nghiệp nên mau lẹ như vậy”.

Chú bộ đội cụ Hồ

14h chiều ngày 30.10, Đoàn chúng tôi có mặt tại trụ sở Đồn Biên Phòng 169 Lũng Cú. Qua buổi trò chuyện, tiếp đón của các chiến sĩ, bằng giọng nói trầm ấm, bác Đại tá Đồn trưởng giới thiệu về tình hình biên giới, chính sự cũng như chính sách đối ngoại hai miền biên giới Việt – Trung; như một diễn giả thực thụ đã thu hút được sự chú ý lắng nghe của toàn bộ thành viên trong đoàn.

Chúng tôi xúc động và tự hào về những người lính nơi đây, địa bàn hoạt động thì rộng lớn; địa hình thì toàn núi đá, hiểm trở; xã hội thì nhiều thành phần dân tộc…

Nhưng những khó khăn đó không đủ để ngăn trở các anh, các chú, các bác hoàn thành nhiệm vụ lớn mà Tổ quốc giao phó “bảo vệ trọn vẹn và an toàn lãnh thổ đất nước”.

Không chỉ có vậy, các chiến sĩ luôn tranh thủ từng giờ từng phút rảnh rỗi để trau dồi kiến thức, sức khoẻ, hoặc như việc giúp dân làm nương, dựng nhà… đi sâu vào dân, tìm hiểu và động viên đồng bào đứng dậy, vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển kinh tế.

Có lẽ nếu không được tận mắt thấy, tai nghe thì chúng tôi sẽ không biết được rằng giữa bầu trời nơi biên cương địa đầu Tổ quốc lại có những người ưu tú tới vậy.

Sau cuộc nói chuyện ngắn, Thầy tôi đã phát biểu đôi lời thể hiện sự cảm động và khâm phục nghị lực các chiến sĩ. Thầy đã đại diện Đoàn trao chút quà thể hiện tấm lòng, sự biết ơn của những người miền xuôi đối với các chiến sĩ.

Trước khi chia tay, chúng tôi đã có những bức ảnh thật đẹp để lưu lại khoảnh khắc, kỉ niệm hiếm có này. Nhìn các chiến sĩ bề ngoài thì oai nghiêm, mạnh mẽ nhưng lẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn họ là tình cảm dạt dào.

Thật bất ngờ cho cả đoàn khi bác Đại tá Đồn trưởng tâm sự, trước khi lên đây làm nhiệm vụ, bác đã công tác ở một đơn vị bộ đội gần Chùa Linh Ứng của chúng tôi gần chục năm.

Cột cờ Lũng Cú – cực Bắc của Tổ quốc

Và đây rồi, Cột cờ Lũng Cú hiện ra ngay trước mắt Thầy trò chúng tôi.

“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”, ngay lúc ấy, một điều trùng hợp thật kì lạ, không ai bảo ai trong Đoàn chúng tôi cùng nhau thốt lên câu thơ ấy của Nhà thơ Tố Hữu.
Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bao la rộng lớn, lá cờ đỏ sao vàng với diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam đang tung bay phấp phới dưới bầu trời trong xanh của Tổ quốc.

Lòng tự hào có lẽ cũng vì thế mà đươc nhân lên bội phần khi mà chỉ ngay phía bên kia quả núi thôi đã là địa phận của Trung Quốc.

Trong tâm trạng xúc động dâng trào, Đoàn chúng tôi đã xếp hàng ngay ngắn dưới chân Cột cờ để thực hiện nghi thức Chào cờ.

Sau đó, nhiều bạn trẻ đã thể hiện sự tự hào của mình bằng cách quàng lên mình những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm với ngôi sao vàng chính giữa hay cả những chiếc áo xanh thanh niên Việt Nam nữa.

Thầy tôi bảo: đặt chân lên đến nơi đây thấy phong cảnh tuyệt đẹp quá, ngửa mặt ngắm trời đất, hít hà chút khí thiêng càng yêu hơn đất nước Việt Nam thân yêu, yêu hơn con người Việt Nam anh dũng trong chiến tranh, cần cù trong lao động sản xuất, yêu thương và cảm thông hơn với các đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu…

Nhớ tới bác Đại tá Đồn trưởng tâm sự: lên đến Đồng Văn, Lũng Cú mà không đăt chân lên đến Cột cờ Lũng Cú thì coi như là chưa từng đặt chân đến nơi đây.

Quả thật, đó là một tâm sự, một gợi ý thật tuyệt vời!

Lời kết

Chia tay Lũng Cú, chia tay cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi còn nhớ như in những hình ảnh lam lũ của đồng bào dân tộc thiểu số, hình ảnh về những em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn như em Giàng A Trá, rồi hình ảnh về chú bộ đội cụ Hồ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ đất trời Tổ quốc nơi địa đầu cực Bắc nhiều khó khăn gian khổ.

Mặc dù đường đi rất khó khăn, hiểm trở nhưng chúng tôi tin có ngày sẽ trở lại nơi đây để được chia sẻ tâm sự, tình cảm; được san sẻ tấm áo ấm, chiếc chăn bông hoặc dăm cân gạo… với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh; với những chiến sĩ bộ đội dũng cảm nhưng giàu tình cảm…

Bởi lẽ chúng tôi đã thấm nhuần câu nói: “Chúng ta cùng sống chung trên một dải đất hình chữ S, nơi đâu cũng là dân ta, cũng là đồng bào ta, vì vậy mà chúng ta cần phải thể hiện rõ ràng hơn nữa tinh thần Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều!…” (Trích lời của Thầy tôi: Đại Đức Thích Thanh Nguyện, phát biểu tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện Đồng Văn).

*Từ đêm ngày 28 đến ngày 31/10/2010 vừa qua, Đại Đức Thích Thanh Nguyện – Trụ trì Chùa Linh Ứng (Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Tp.Hà Nội) đã cùng đại diện các nhà hảo tâm và các thành viên Đoàn TTN PT Thiện Tín thực hiện chương trình từ thiện “Trái tim nhân ái” lần II tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Sau gần 2 tháng chuẩn bị, nhận được sự ủng hộ, quyên góp và giúp đỡ của các “trái tim nhân ái” – các Phật tử xa gần, các tấm lòng hảo tâm, và một số nghệ sĩ, Đoàn từ thiện đã lên đường thăm hỏi, động viên và trao tặng 400 suất quà học sinh (1 suất gồm: 10 quyển vở; 10 bút bi; 1 đôi tất; 1 mũ len; 1 hộp sữa đặc); trao 200 suất quà gia đình (1 suất gồm: quần áo, 1 chăn bông, 1 hộp sữa đặc, 1 gói đường, 10 gói bột canh, 10kg gạo); trao 2 suất quà tặng Đồn Biên Phòng 169 Lũng Cú và Trạm bộ đội dưới chân Cột Cờ Lũng Cú; trao tặng hơn 1000 bộ quấn áo các loại … với tổng trị giá lên tới gần 100 triệu đồng.