Trong Tăng Ni sinh chúng con chưa ai có thể quên, nơi đây, 10 năm trước, một vị giảng sư đã tận tụy truyền trao những tâm huyết và cống hiến tấm lòng nhiệt thành của mình cho ngôi nhà giáo dục Phật giáo Việt Nam, đó là Cố TT giảng sư Thích Chơn Thanh – Ủy viên HĐTS, nguyên Phó văn phòng 2 TW GHPGVN, trưởng ban hoằng pháp thành hội Phật giáo TP. HCM, giảng sư các trường Cao đẳng và Trung cấp Phật học tại TP.HCM.
Hôm nay, cũng ngày ấy của 10 năm trước (ngày 13/06 năm Nhâm Ngọ – 13/06 năm Nhâm Thìn) tức ngày 30-07-2012. Nhân ngày húy kỵ lần thứ 10 của Cố TT Chơn Thanh, cũng là lần đầu tiên cựu Tăng Ni sinh các khóa chúng con tụ hội về giảng đường chùa Huệ Nghiêm để tưởng niệm Thầy, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Minh Thông, vị giáo thọ Luật học. Hòa Thượng đã cho phép Tăng Ni sinh các khóa bày tỏ nỗi niềm với Cố TT giảng như một sự tri ân chân thành nhất!
Viết về Cố TT Chơn Thanh, có lẽ đàn hậu học chúng con đều cảm nhận, Thầy là một con người có đầy đủ về trí thức và hoàn thiện về đạo đức của vị giảng sư mô phạm.
Thầy ơi! 10 đi qua, thời gian có lẽ không quá dài đối với kiếp người trong cuộc lữ, nhưng cũng không thể gọi là quá ngắn khi mà cựu Tăng Ni sinh Cao -Trung Đẳng Phật học chúng con đã một thời tung tăng trong những tà áo nhật bình cắp sách đến trường để được nghe Thầy giảng dạy. Viết đến đây, lòng con chợt quặn thắc, và khóe mắt cay cay, vì trong hiện thực con vẫn còn bàng hoàng với định luật vô thường thật khắc nghiệt, nó nhanh như cái nháy mắt! Vẫn biết sự vô thường không hẹn cùng người, hơn nữa là những hành giả học Phật, chúng con đều thấu hiểu cái tất yếu của kiếp người là một ngày nào đó mỗi chúng ta đều phải hiểu:“Người thân tiễn ta xuống mồ, nhưng mãi mãi là trí khôn đi tìm sự tái sanh” ngày ấy một buổi chiều mùa Hạ nghiệt ngã của vô thường đã mang Thầy ra đi biền biệt, để lại bao thương tiếc trong lòng Tăng Ni sinh vẫn đang còn chưa đi trọn con đường tri thức. Giáo hội PGVN đã mất đi một con người hiền tài, tín đồ vắng bóng người Thầy đức độ làm con thuyền lèo lái để đưa chúng sanh cùng nhau tiến về Bảo Sở…
Những tưởng sự ra đi nào rồi cũng sẽ khép lại với thời gian, thế mà hình ảnh Cố TT giảng sư ngày hôm nay lại hiện về rõ rệt trong tâm trí từng cựu Tăng Ni sinh chúng con, mỗi người đều mang một cảm xúc riêng mình khi nói về Thầy. “Tình Thầy Trò” một thưở vẫn chưa ngôi ngoa trong ký ức của những thế hệ đã đang và sẽ bước theo dấu chân của Quý Ngài trong Giáo hội, và đều ấy đã được biểu hiện qua những câu nói mộc mạc chân thành của quý Thầy, Cô từng là học trò của Thầy dưới mái trường Cao- Trung cấp Phật học Vĩnh Nghiêm năm nào.
Kính bạch giác linh Thầy! mặc dù nhà thơ Vũ Hoàng Chương có nói “ngôn ngữ trần gian là túi rách” nhưng chúng con nhờ ngôn ngữ các Thầy truyền trao mà tỏ tường được đâu là con đường đưa đến sự an vui giải thoát, đâu là nấc thang hướng về niết bàn Chân-Thiện- Mỹ mà Thầy đã từng nhắc nhở chúng con trong những khóa học. Kính bạch Thầy! dẫu biết “ngôn ngữ là túi rách” nhưng mọi hiện tượng của trần gian này đều phải vay mượn ngôn ngữ để hiểu, để lý giải rồi đưa đến cảm thông…vì chỉ có hiểu, có cảm thông mới có sự hòa hợp như nước với sữa trong ngôi nhà Như Lai, nếu thiếu đi ngôn ngữ, vắng mặt của ngôn từ thì cũng không thể nào triệt ngộ cái nghĩa “Vô văn tự” trong giáo lý thâm diệu của Phật Đà.
Lời con mộc mạc, trí con thiển cận, nhưng con thiết nghĩ, lòng chúng con không thiếu sự thông cảm sẻ chia, không thể thiếu tính nhân văn trong văn hóa Á Đông với cụm từ “Sư ân nan báo”. Vì tri ân và báo ân là nền tảng của đạo đức, là chất liệu đưa con người đạt đến giá trị nhân phẩm cao nhất. Do vậy, buổi tưởng niệm của Cố giảng sư cũng là dịp những người học trò xưa của Thầy đã đang làm Phật sự nơi phương xa, hay đang du học nơi đất khách quê người cùng hướng về nguồn cội, về mái trường cũ, về Thầy xưa như một dấu ấn không thể xóa nhòa!
Nhân kỷ niệm lễ húy kỵ lần thứ 10 của Thầy, đại diện cựu tăng ni các khóa một, hai, ba trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học. Đại đức Thích Hoằng Đạt; sư cô Diệu Hoa; sư cô Diệu Chí; sư cô Như Minh (Cựu TN cao Đẳng khóa I;II), đại đức Thích Minh Thuận (du học Tăng tại Ấn Độ), đại đức Thích Minh Liên (du học Tăng tại Trung Quốc), đại đức Thích Minh Thuận (du học Tăng tại Trung Quốc …Tất cả đã bày tỏ nỗi lòng đối với Cố giảng sư như sự tri ân mà đã mười năm ròng qua đi chúng con mới được dịp thổ lộ tỏ bày…Chúng con cảm nhận một ý nghĩa thiêng liêng cao cả mà Thầy đã lưu lại trong tâm trí đàn hậu học chúng con trên cương vị là giảng sư, đó là sự gần giũ của người Cha, sự che chở về mặt tinh thần của bậc Thầy tâm linh trong ngôi nhà Phật pháp, những đều ấy thể hiện ở ánh nhìn bao dung, nụ cười hoan hỷ, Buổi lễ tưởng niệm ngày Thầy từ giã trần thế đã khiến bao người thật sự cảm động tự sâu thẳm nơi cỏi lòng trong mùa An cư. Trước án tiền Thầy, dưới những ngọn nén lung linh, những bình hoa đầy màu sắc được bày trí dâng lên Thầy và khung gian thanh tịnh đã cho chúng con thấy rằng, chúng con cần phải duy trì tình pháp lữ trong bước đường tu đạo, học đạo và hướng đạo.
Vinh hạnh hơn, chúng con đã được sự cho phép của Hòa Thượng Thích Minh Thông, vị giáo thọ Luật học cùng chư Tăng chùa Huệ Nghiêm đã cho phép chúng con hằng năm trước ngày húy kỵ của Thầy làm buổi họp mặt cựu học Tăng Ni sinh, để chúng con chia sẻ những kinh nghiệm tu tập cũng như phương pháp làm Phật sự ngõ hàu báo đáp tứ trọng ân.
Mối quan hệ Thầy trò đã lưu lại dấu ấn đáng trân quý. Sự nâng đỡ, giáo dưỡng của chư vị giáo thọ nói chung và Thầy nói riêng đã khiến lòng con trẻ chúng con được an ổn trên bước đường tu học. Với tinh thần hòa hợp cùng chung mái trường, cùng chung giáo thọ sư, sau cùng Hòa Thượng Minh Thông đã khuyên nhủ và nhắc nhở chúng con phải thể hiện cái học trong sự tu tập, phải thật sự trưởng thành kiên cố như thân cây chỉ có lõi mới có thể đứng vững giữa phong ba bão táp. Mong Giác Linh Thầy chứng minh cho cựu Tăng Ni chúng con vững chãi về mặt tri thức và thành tựu về mặt đạo nghiệp, trang nghiêm đạo hạnh thì ngày tưởng niệm Thầy mới thật sự ý nghĩa.
Cựu học sinh của Thầy