Có những lúc mình nói thương ái đó và ngược lại, nhưng mình và người mình thương đều không cảm thấy có hạnh phúc. Có thể có cái gì đó sai trong cách thương của mình? Thương nhau lẽ ra mang đến cho nhau nhiều an vui, nhưng trải nghiệm của mình và cả người mình thương dường như cho thấy kết quả ngược lại. Mình không cảm được người kia thương mình và người kia cũng không cảm được mình thương người kia. Có vẻ như mình đang thương mình và người kia chỉ đang thương người kia. Vì thế, nhiều lúc người kia nói thương mình và mình cũng nói thương người kia, nhưng tự thân cả hai lại cảm thấy cô đơn, không có tự do và hạnh phúc thật sự.
Bạn có thể đã và đang trải nghiệm yêu thương như trên. Một kiểu yêu thương chính mình nhưng mình không tự biết. Đức Phật gọi cách yêu thương như thế là “Ái” và “Thủ”. Có nghĩa là mình muốn độc quyền, chiếm hữu, muốn người kia tương thích với ý muốn yêu thương chủ quan của mình. Kết quả, cả hai đều khổ đau. Mức độ khổ đau sẽ tăng lên theo cường độ mong muốn của mình.
Khi bạn thấy khổ vì mình thương người hay người thương mình, bạn đừng có đỗ lỗi và cũng đừng nên tự trách. Hãy tập ngồi yên lặng, thở và chăm sóc mọi chút cảm xúc đau khổ trong mình. Cứ ghi nhận mình có khổ đau. Để khổ đau thật tự nhiên đến và đi. Có khi nó mãnh liệt và có khi nó êm ả. Cứ để nó là nó. Khách quan như một người quan sát và chăm sóc như một người mẹ hiền. Bạn sẽ phát hiện sự thật vô thường trong tất cảm xúc của bạn và bạn còn nhận ra bạn không phải là cảm xúc, cảm xúc chỉ là cảm xúc, bạn độc lập. Lúc này có thể bạn thấu hiểu khổ hay vui, cay đắng hay ngọt ngào, tất cả chỉ hiện hữu khi có các điều kiện vừa đủ. Không tại ai cả và cũng không có cảm giác nào và hoàn cảnh nào là vĩnh cữu. Bạn có thể buông xuống nỗi khổ trong tâm bạn được.
Khi buông được nỗi khổ trong tâm rồi, bạn có thể nhìn lại cách bạn hành động với người bạn thương. Bạn tự hỏi bạn có biết cảm xúc của người bạn thương? Bạn có hiểu mặc cảm, cô đơn và đau khổ của người bạn thương? Bạn có quá chủ quan trong biểu hiện tình thương của mình? Bạn thật sự thương người bạn thương hay bạn muốn người bạn thương tương thích với cách thương của bạn? Hỏi và tự hỏi thật chân thành như trên, bạn có thể hiểu được bạn, hiểu được người bạn thương và hiểu được kiểu thương của cả hai, từ đó có thể truyền thông với nhau, hiểu hơn nhau và biết thương như thế nào để cho nhau có tự do và hạnh phúc.
Tình thương là nền tảng của hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại. Nó là một loại năng lượng đặt biệt có thể trị liệu những vết thương tâm và khép lại hận thù. Hiểu được mình, thương được mình, hiểu được người, thương được người là một phúc lành trong những phúc lành tối thượng của kiếp sống bạn ạ!
Thích Nhuận Đạt·